Tiểu đêm nhiều lần là dấu hiệu của bệnh gì?
Tiểu đêm là tình trạng tỉnh dậy nhiều hơn một lần vào ban đêm để đi tiểu và xảy ra trong thời gian dài.
Khi thức dậy đi tiểu nhiều hơn hai lần vào ban đêm có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh lý tại thận hoặc một trục trặc về chức năng sinh lý của cơ thể.
Nguyên nhân tiểu đêm
Có thể do mắc các bệnh lý liên quan tới hệ tiết niệu hoặc không do bất kỳ bệnh lý nào. Dù là nguyên nhân nào thì việc chẩn đoán và điều trị sớm là cần thiết.
Nguyên nhân không do bệnh lý :
- Lão hóa: Ở người lớn tuổi, cơ thể đã lão hóa qua nhiều năm thì khả năng sản xuất hoóc-môn chống bài niệu suy giảm dẫn tới lượng nước tiểu tăng lên, đặc biệt vào ban đêm. Thêm vào đó, cơ thắt bàng quang cũng đã suy yếu và lỏng lẻo theo thời gian khiến việc giữ nước tiểu trong bàng quang càng khó khăn hơn.
- Cơ sàn chậu và vùng chậu suy yếu: Nguyên nhân này thường gặp ở phụ nữ mang thai và sinh đẻ nhiều lần.
- Tác dụng phụ của thuốc: như thuốc lợi tiểu dùng trong điều trị tim mạch.
Video đang HOT
- Lối sống: Đây là nguyên nhân rất quan trọng tác động trực tiếp tới việc tiểu đêm. Khi bệnh nhân có thói quen như uống nước nhiều buổi tối hoặc sử dụng chất kích thích như rượu, bia, trà hoặc cà phê có tác dụng lợi tiểu thì rất dễ kích thích bàng quang và gây ra tiểu đêm.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân do bệnh lý:
- Bàng quang tăng hoạt (OAB): Còn được gọi là bàng quang kích thích, chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng tiểu đêm ở mọi lứa tuổi. Những người bị hội chứng bàng quang kích thích sẽ có bàng quang rất nhạy cảm và co bóp ngay cả khi chưa đầy nước tiểu, điều này sẽ khiến người bệnh có cảm giác buồn tiểu liên tục cả ngày lẫn đêm.
- U xơ tiền liệt tuyến: Bệnh gặp ở nam giới lớn tuổi khi u xơ có kích thước lớn sẽ dễ chèn ép vào cổ bàng quang gây kích thích và dễ bị tiểu đêm kèm tiểu són hoặc tiểu không hết.
- Các nguyên nhân khác: Viêm bàng quang, viêm thận, suy thận hoặc các bệnh ngoài niệu như tiểu đường, suy tim, Parkinson cũng có khả năng có triệu chứng tiểu đêm.
Khắc phục tiểu đêm
Tiểu đêm có thể được khắc phục triệt để nếu tìm ra nguyên nhân gốc rễ và điều trị sớm. Vì vậy, người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi nên khám định kỳ để xác định nguyên nhân.
Những phương pháp đơn giản từ lối sống và sinh hoạt của bản thân có thể khắc phục được chứng tiểu đêm gồm:
- Hạn chế ăn canh rau có tính lợi tiểu, hạn chế uống nước quá nhiều, nhất là bia, rượu vào buổi tối.
- Không nên hút thuốc, uống trà, cà phê trước khi ngủ. Đi tiểu trước khi đi ngủ, tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ để có giấc ngủ sâu và ngon giấc.
- Uống các thuốc lợi tiểu xa thời gian ngủ vào ban đêm.
- Tập bài tập Kegel vật lý trị liệu đối với phụ nữ qua nhiều lần thai sản để cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
Nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ nguy hiểm thế nào?
Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống tình dục, nhiễm trùng tiểu nặng có thể gây viêm thận, suy thận, thậm chí tử vong.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Châu, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, cho biết nhiễm trùng tiểu (Urinary Tract Infection - UTI) là tình trạng viêm nhiễm các cơ quan, bộ phận của đường tiết niệu do vi khuẩn. Cụ thể như viêm thận, áp-xe thận, viêm đài - bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo...
Theo bác sĩ Châu, UTI ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của phụ nữ. Ngoài biểu hiện sốt, đau hông lưng, đau tức bụng dưới, tiểu buốt, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, bệnh nhân có thể tiểu ra máu. Những triệu chứng này gây khó chịu trong sinh hoạt, công việc, và cả đời sống tình dục.
Viêm niệu đạo, viêm bàng quang nếu không được điều trị kịp thời có thể gây viêm lên các cơ quan gần đó như viêm thận, bể thận cấp tính hay mạn tính. Nặng hơn có thể gây áp-xe thận, viêm mủ bể thận, nhiễm trùng huyết từ đường tiết niệu, suy thận... thậm chí tử vong.
"Ở phụ nữ có thai, nhiễm trùng tiểu không được điều trị kịp thời có thể gây sinh non, sảy thai", bác sĩ Châu nói.
Đầu năm nay, nữ diễn viên người Mỹ Tanya Roberts, 66 tuổi, qua đời do căn bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, khiến các cơ quan nội tạng như gan, thận tổn thương.
Tỷ lệ phụ nữ bị nhiễm trùng tiểu cao hơn nam giới bốn đến năm lần. 50% phụ nữ bị nhiễm trùng tiểu ít nhất một lần trong đời. Phụ nữ mang thai dễ bị nhiễm trùng tiểu còn cao hơn, do thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ. Bác sĩ Châu lý giải, trong cấu trúc giải phẫu, hệ tiết niệu của phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nam giới, đồng thời lại nằm gần âm đạo nên dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt ở phụ nữ đã có quan hệ tình dục.
Điều trị bệnh ở giai đoạn sớm và nhẹ rất đơn giản. Bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh phù hợp với từng bệnh nhân và tư vấn cụ thể về việc dùng thuốc cũng như cách chăm sóc vùng kín phù hợp. Song, người bệnh không nên tự ý điều trị, nhất là dùng thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ, vì dễ dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.
Tác nhân thường gặp nhất gây nhiễm trùng tiểu là vi khuẩn Escherichia Coli, Proteus mirabilis, Enterobacter, Citrobacter, Chlamydia, lậu, Klebsiella... Chúng thường xâm nhập ngược dòng, từ niệu đạo, bàng quang rồi lan lên thận.
Bệnh sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, ứ trệ nước tiểu, bệnh đái tháo đường, dị dạng đường tiết niệu, suy giảm miễn dịch, thai kỳ, mãn kinh, già yếu... là các yếu tố làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu ở nữ. Vệ sinh không đúng cách sau khi giao hợp hoặc khi hành kinh... cũng dễ bị viêm nhiễm đường tiết niệu.
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ khuyên giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt, trước và sau khi giao hợp. Không lạm dụng các chất gây kích ứng niệu đạo như ngâm rửa vùng kín bằng xà phòng quá nhiều, hay lạm dụng nước hoa, chất khử mùi, mỹ phẩm vùng kín không rõ thành phần... Tránh mặc quần quá chật. Uống nhiều nước và không nhịn tiểu sẽ giúp tống xuất vi khuẩn khỏi đường tiểu.
5 lý do bất ngờ khiến bạn luôn khát nước Khát nước là cách cơ thể cho biết rằng bạn sắp thiếu nước và cần phải bổ sung để cơ thể hoạt động bình thường. Khát nước có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe - ẢNH: SHUTTERSTOCK Tập thể dục, thời tiết nắng nóng hay ăn nhiều thức ăn mặn đều có thể khiến bạn khát nước. Điều này...