Tiêu cực Đồi Ngô: Kẻ nam tiến, người buôn gạo
“Bây giờ nghĩ lại tôi không hề hối hận, nếu còn tiêu cực tôi sẽ tiếp tục tham gia chống. Tôi còn muốn chống tiêu cực nhiều hơn nữa”, anh Ngọc – tác giả clip chống gian lận thi cử tại trường THPT Đồi Ngô 2012 chia sẻ.
Gần 1 năm sau vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp tại trường THPT dân lập Đồi Ngô huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang bị phanh phui. Chúng tôi tìm gặp hai tác giả của clip chống tiêu cực.
Giã từ nghề giáo
Tiếp chúng tôi tại căn nhà 3 tầng khang trang nằm ngay mặt đường lớn, anh Nguyễn Danh Ngọc, 29 tuổi, thôn Chằm Mới xã Tiên Hưng huyện Lục Nam cho biết, anh từng làm giáo viên thể dục trường THPT dân lập Đồi Ngô được 2 năm.
Chỉ tay vào chiếc tủ giấy dày cộp giấy tờ khiếu kiện anh Ngọc nói: “Tài liệu khiếu kiện về tiêu cực ở Trường THPT Dân lập Đồi Ngô của tôi nhiều lắm. Bố mẹ tôi hễ thấy là cất hết vì không muốn tôi kiện tụng nữa. Nhưng tôi không thể bỏ bởi tôi tin việc mình làm là đúng đắn. Chẳng lẽ cứ bao che mãi cho sự sai trái ?”.
Anh Ngọc cho biết, mới đây một người bạn của bố anh tới chơi nhà hỏi anh năm nay còn ý định quay clip chống tiêu cực không. Hỏi vậy, nhưng người này khuyên nếu anh có ý định nên dừng lại, kẻo sẽ thêm nhiều học sinh trượt tốt nghiệp. Như vậy nhiều em sẽ phải xin đi làm công nhân, xin học nghề.
Trường THPT dân lập Đồi Ngô, nơi xảy ra tiêu cực – Ảnh: Tất Định
Sau khi vụ clip gian lận thi cử được đưa lên mạng, anh bị bố mẹ, người thân, đồng nghiệp trách móc nhiều. Thậm chí, một số đồng nghiệp cũ dạy cùng trường còn sỉ vả, xa lánh anh.
Vẻ mặt thoáng buồn, anh tâm sự: “Nhiều bạn bè hiểu thì thông cảm cho tôi còn một số không hiểu lại nhìn tôi bằng ánh mắt khác. Họ trách, giận tôi vì đã quay clip”.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Ngọc chuyển về dạy thể dục tại trường THPT dân lập Đồi Ngô. Trong 2 năm giảng dạy, anh từng nhiều lần tố cáo hiệu trưởng và những sai phạm của trường.
Tháng 8/2010 tại cuộc họp của trường THPT Đồi Ngô, anh Ngọc trực tiếp tố cáo lãnh đạo nhà trường biển thủ tiền giải thưởng của các học sinh đạt thành tích thể thao cấp huyện.
Anh Ngọc cho biết, vì thấy việc tiêu cực trong trường THPT dân lập Đồi Ngô đã diễn ra nhiều lần nên anh cảm thấy bức xúc, quyết tâm tìm bằng chứng tố cáo.
Video đang HOT
“Bây giờ nghĩ lại tôi không hề hối hận, nếu còn tiêu cực tôi sẽ tiếp tục chống tiêu cực đến cùng. Tôi còn muốn chống tiêu cực nhiều hơn nữa”, anh Ngọc chia sẻ.
Năm 2011, Ngọc phát hiện thấy dấu hiệu gian lận thi cử ở trường, nhưng chưa tìm được học sinh nào đồng ý quay clip tố cáo tiêu cực nên anh tạm dừng lại.
Trong một lần lên mạng, anh biết tới thầy Đỗ Việt Khoa, người nổi tiếng vì chống tiêu cực, gian lận trong các kỳ thi ở Hà Tây (cũ). Anh Ngọc đã tìm địa chỉ đến nhà thầy bày tỏ nguyện vọng muốn chống tiêu cực. Thầy Khoa đã cho Ngọc mượn một chiếc bút quay và hướng dẫn cách dùng. Gần đến kỳ thi Ngọc đã mua thêm hai chiếc bút nữa, hướng dẫn và nhờ học sinh quay.
Anh Ngọc – tác giả clip chống tiêu cực – Ảnh Tất Định
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, trước đó khoảng 2 tháng Ngọc đã nhờ Đỗ Ngọc Sơn, một học sinh lớp 12A học tại trường quay clip.
“Lúc đầu nhờ Sơn quay, Sơn vẫn lo sợ chưa dám nhận lời. Nhưng đến gần ngày thi Sơn cũng bức xúc về cách ứng xử thô lỗ của thầy cô trong trường với học sinh nên đã đồng ý”, anh Ngọc nói.
Sau khi bị thôi việc, Ngọc mang hồ sơ xin việc nhiều trường trong huyện Lục Nam, nhưng các trường đều từ chối. Anh đã quyết định vào Nam làm công nhân cho một xưởng cơ khí. Tuy nhiên, khi vào được hơn 2 tháng anh lại trở về quê hương vì công việc không ổn định.
Hơn 2 năm không đứng lớp, dường như “lửa nghề” trong anh cũng dần tắt. Anh nói: “Giờ tôi cũng muốn đi dạy lại nhưng nộp hồ sơ nhiều trường rồi mà không có nơi nào nhận nên cũng thấy nản. Có lẽ tôi sẽ bỏ nghề để tập trung vào việc kinh doanh thóc, gạo”.
Gia đình Ngọc có mở một xưởng xay xát thóc gần nhà. Hằng ngày Ngọc ở nhà phụ giúp bố mẹ và lo buôn bán, xuất gạo ra các quận, huyện.
“Vỡ tan” ước mơ giảng đường
Ít ai biết rằng Đỗ Ngọc Sơn, ở xã Tiên Hưng, người quay clip gian lận thi cử ở Đồi Ngô cũng từng có ước mơ, hoài bão bước chân vào giảng đường đại học. Phần lớn mọi người đều thấy hành động của Sơn dũng cảm, có tinh thần chống tiêu cực…Tuy nhiên cũng có ý kiến chưa đồng tình với cách làm của cậu.
Chúng tôi tìm tới nhà Sơn nhà cấp 4 của gia đình Sơn nằm sâu trong ngõ nhỏ. Ông Đỗ Ngọc Thắng, bố Sơn cho kể, sau khi clip chống tiêu cực được phát giác, dù được công nhận kết quả thi nhưng Sơn từ bỏ ước mơ bước vào giảng đường đại học. Sơn bị gia đình bạn bè tránh móc nên chán nản bỏ luôn việc học. Sơn từ chối lời mời vào thẳng Cao đẳng và học nghề do một số doanh nghiệp đài thọ.
Thời học phổ thông lực học của Sơn ở mức trung bình, Sơn đam mê đá bóng, bơi lội, bóng bàn… và ước mơ trở thành giáo viên dạy thể dục. Trước kỳ thi tốt nghiệp cậu đã nộp hồ sơ vào trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
Sau vụ Đồi Ngô 2 tháng, Sơn vào TP.HCM bán quần áo với chị gái vì không chịu nổi áp lực. Chúng tôi gọi điện hỏi thăm Sơn, cậu chia sẻ đang sống ổn định, cảm thấy thoải mái với công việc buôn bán quần áo. Đề cập tới vụ clip, Sơn im lặng một hồi lâu rồi nói: “Em không muốn nhắc lại bất cứ điều gì liên quan đến chuyện đó. Mong anh đừng hỏi lại nữa”.
Có lẽ những chuyện xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp đã trở thành ký ức buồn khiến Sơn muốn quên đi tất cả. Vụ gian lận thi cử ở trường THPT dân lập Đồi Ngô được phát giác, hàng loạt cán bộ, giáo viên bị kỷ luật. Còn những người chống tiêu cực, họ phải từ bỏ cả ước mơ giảng dạy, ước mơ đến trường để đi tìm một chữ “công bằng” trong nền giáo dục.
- Ngày 4/6/2012, sau giờ thi môn thi tốt nghiệp cuối cùng, một giáo viên ở Bắc Giang đã cung cấp cho thầy Đỗ Việt Khoa một video quay cảnh gian lận thi cử trong giờ thi môn Hóa tại trường THPT dân lập Đồi Ngô. Thầy Khoa đã tung những video này lên mạng, không lâu sau đó 5 video về 5 môn thi còn lại quay cảnh gian lận trong thi cử trong phòng thi tiếp tục được đưa lên mạng. – Ngày 11/8 năm 2012, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang có quyết định cách chức, hủy chức danh, kỷ luật, khiển trách, phạt tiền đối với 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm quy chế thi. – Ông Nguyễn Đức Đôn, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Việt Yên, nguyên chủ tịch hội đồng coi thi tại Trường Đồi Ngô bị cách chức; ông Đào Văn Mộc, Trần Đỗ Hoàng là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đồi Ngô không được công nhận chức danh trên; ông Nghĩa, tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Lục Ngạn 2, nguyên phó chủ tịch hội đồng coi thi ở Trường Đồi Ngô, bị khiển trách; 6 giáo viên, nhân viên Trường THPT Đồi Ngô bị sa thải, 2 nhân viên bảo vệ chịu hình thức kỷ luật khiển trách; cảnh cáo 30 giáo viên của các trường THPT Lý Thường Kiệt, Lục Ngạn 2, Lục Ngạn 4 và Sơn Động 2 làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát tại Đồi Ngô.
Theo 24h
Bộ trưởng GD-ĐT: "Không có giới hạn thông tin chống tiêu cực thi cử"
"Chúng tôi hoan nghênh báo chí phản ánh thông tin tiêu cực thi cử, như trong vụ Đồi Ngô nhưng nên chống tiêu cực một cách có trách nhiệm. Còn chắc chắn không có giới hạn thông tin gì với báo chí" - Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định.
Vừa qua có công văn của Bộ trưởng về chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH gửi đến chủ tịch UBND các tỉnh giao nhiệm vụ cho người đứng đầu tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm, tiêu cực trong kỳ thi... Dư luận đặt câu hỏi về việc ngành đang chỉ đạo "thắt chặt" thông tin với báo chí?
Không phải, ý "chỉ đạo" ở đây là trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tin để tránh việc báo chí nghe có thông tin là đăng, đăng không đúng. Ví dụ, nghe thông tin học sinh nói có lộ đề toán, lý thì cần trao đổi với các cơ quan xem thông tin như thế có đúng không. Nếu đúng, báo chí cứ phản ánh nhưng cần có thẩm tra, đừng mới "nghe nói" đã đăng tin ngay. Như vừa rồi, mấy lần báo chí nêu thông tin về lộ đề thi nhưng cuối cùng đều không phải.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Chúng ta nên chống tiêu cực một cách có trách nhiệm, chất lượng".
Nghe như Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị những "rào chắn" chắc chắn với những thông tin đấu tranh với tiêu cực của báo chí?
Chúng tôi chỉ đề nghị các cơ quan thông tin trao đổi với nhà trường, công an, Bộ để phối hợp điều tra về những thông tin này. Còn vai trò chủ động thông tin là của báo chí. Nếu cơ quan chức năng không phối hợp, báo chí có thể công bố luôn việc này.
Chúng tôi hoan nghênh báo chí phản ánh thông tin tiêu cực. Những vụ như Đồi Ngô, có chứng cứ rõ ràng rồi báo chí phản ánh, chúng tôi hoàn toàn tán thành. Chỉ những việc chưa xác minh được thì không nên đưa tin ngay. Trao đổi là để có căn cứ chắc chắn khi Chúng tôi còn khuyến khích học sinh mang cả máy quay để cung cấp chứng cớ nếu thấy có tiêu cực. Vậy nên chắc chắn không có giới hạn gì với báo chí.
So với việc cho phép thí sinh mang máy quay vào phòng thi để khuyến khích phát hiện, tố giác sai phạm thì động thái "chặn" trước những thông tin bất lợi cho ngành là một hướng xử lý... không đẹp mắt?
Việc cho phép học sinh mang phương tiện ghi âm, ghi hình vào phòng thi, các hội đồng trường không đồng ý nhưng tôi vẫn quyết định. Chúng tôi có nói "cấm" báo chí đăng thông tin tiêu cực đâu. Nếu chắc chắn về thông tin, báo chí cứ đăng. Thậm chí nếu phản ánh với trường, với Bộ mà bộ phận nhận tin không xử lý, báo chí thông tin tiếp luôn việc đó để tạo nên sức ép cả xã hội đấu tranh với tiêu cực.
Chúng ta sẵn sàng đối diện nhưng phải thận trọng. Không nên đưa ngay những thông tin chưa kiểm chứng, không có lợi, như là việc lộ đề thi, nhất là khi các em học sinh đang phải làm bài thi và cuộc thi có thể vẫn tiếp tục các buổi sau nữa.
Chúng ta nên chống tiêu cực trong giáo dục một cách có trách nhiệm, chất lượng để đảm bảo môi trường thi cử yên tĩnh cho các học sinh. Ngoài ra, chúng ta cũng không bị những thông tin của những người hoặc vô tình hoặc cố ý làm mất ổn định môi trường sư phạm.
Bộ đã chuẩn bị những gì để "đối mặt" với tiêu cực trong kỳ thi năm nay?
Chúng tôi rất kiên quyết với chuyện này. Họp cơ quan, tôi nói thẳng, cho đến thời điểm này, tất cả những tiêu cực phát hiện được đều từ báo chí. Còn cơ quan của bộ cho đến thời điểm này chưa đưa cho tôi thông tin nào cả. Vậy thì không có lý gì không phối hợp với báo chí. Chỉ có điều là những cái thông tin không đúng mình đưa thì đề nghị cân nhắc. Tôi đề nghị các địa phương trao đổi với các cơ quan báo chí là để cân nhắc việc thông tin về tiêu cực thật thận trọng, phối hợp với các cơ quan chức năng để đưa. Còn xin nhắc lại, không có giới hạn đưa tin nào đối với ngành.
Năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện phòng chống gian lận thi cử bằng việc cho phép mang thiết bị ghi hình vào phòng thi để ghi chứng cứ, Bộ trưởng đánh giá gì về tác động của biện pháp này?
Trước hết tác động về mặt tâm lý rằng tất cả những điều quy chế cho đến thời điểm hiện nay đều với một giả thiết là thầy giáo và cán bộ quản lý tốt đi giám sát học sinh cho nghiêm chỉnh. Nhưng thực tế có thầy giáo cũng vi phạm, rồi cán bộ quản lý chỉ đạo cũng có vi phạm. Quy chế hiện nay chưa đặt ra vấn đề giám sát với các đối tượng này. Chúng ta đang cố gắng tạo dựng sự giám sát vô hình ở đây.
Học sinh cũng là một chủ thể của nhà trường, có thể có gian lận, vi phạm nhưng cũng có nhiều nhân tố tốt, trung thực, có sức đấu tranh thì không có lý gì chúng ta không sử dụng lực lượng ấy. Làm vậy để thầy cô giáo cũng cảm thấy trên đầu có cái camera vô hình nào đấy để bản thân cũng phải nghiêm chỉnh.
Ngoài ra, những học sinh trung thực, học giỏi, thân ái, giúp đỡ bạn bè chúng ta biểu dương thì hành động dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực cũng phải động viên, bảo vệ. Điều này có giá trị vô hình. Tôi được phản ánh, ít nhất cô giáo không đứng tụm nói chuyện, không ra hành lang nói chuyện với giám thị hành lang. Như thế việc này có tác dụng ngay. Có sự giám sát đối với lực lượng thực thi công vụ. Chứ không phải chỉ lực lượng thực thi công vụ giám sát các cháu.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Dantri
Thầy đánh, thu tiền phạt trò là quá sai trái Việc thầy giáo đánh học trò chảy máu là không thể chấp nhận được, kể cả học sinh cá biệt phải có cách xử lý phù hợp. Ngày 4/4, trao đổi qua điện thoại với PV, ông Trần Đức Minh - Giám đốc Sở GDĐT Bình Định cho biết: chiều cùng ngày, Thanh tra sở đã đến làm việc tại Trường THPT Nguyễn...