Tiêu chuẩn cứng xét GS, PGS: Vì sao phải giữ?
GS.TSKH Trần Duy Quý khẳng định, không thể bỏ qua các tiêu chuẩn cứng xét công nhận GS, PGS để đảm bảo chất lượng đội ngũ này.
Theo Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) phải dựa trên 5 tiêu chuẩn cứng là có công bố quốc tế; có hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ, tiến sĩ; tham gia đề tài nghiên cứu khoa học; thâm niên đào tạo và chủ trì biên soạn sách đào tạo (không bắt buộc với ứng viên phó giáo sư).
Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Trần Duy Quý (Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương) cho biết, việc xét công nhận GS, PGS theo quy định mới (Quyết định 37) là chặt chẽ hơn so với trước đây nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này, tránh tình trạng đội ngũ ngày càng phình to mà chất lượng thì teo lại.
Vậy nên mới có nhiều trường hợp dù ở dưới hội đồng ngành/liên ngành thông qua do nể nang nhưng đến vòng xét của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước thì vẫn bị đánh trượt.
“Không thể trách được Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Trước tôi cũng đánh trượt một ứng viên rất giỏi, người ta quay ra kiện cáo nhưng sau khi nghe tôi chỉ ra, ứng viên này đã phải đến tận nhà xin lỗi.
Trường hợp này, tất cả các chỉ tiêu khác đều vượt nhưng lại thiếu thâm niên dạy. Ứng viên nhập nhèm qua mặt hội đồng bằng phương pháp gối đầu.
Nguyên tắc một thâm niên dạy phải đủ 9 tháng, ví dụ 2018-2019 là 1 thâm niên, nhưng vị này chỉ từ tháng 10/2018- 6/2019, thiếu 3 tháng. Sau khi chúng tôi chỉ ra, vị ấy đã phải xin lỗi và đến năm sau thì thừa tiêu chuẩn để công nhận.
Video đang HOT
Nói như vậy để thấy, đã lên đến Hội đồng phía trên thì không thân sơ ai, cứ theo quy định mà làm”, GS.TSKH Trần Duy Quý nói.
Tuân thủ các tiêu chí cứng xét công nhận GS, PGS để đảm bảo chất lượng đội ngũ này
Kể lại câu chuyện này, nguyên ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành nông nghiệp-lâm nghiệp khẳng định, 5 tiêu chuẩn cứng xét công nhận GS, PGS là bất di bất dịch, bắt buộc phải tuân thủ, trừ trường hợp có những phát minh đặc biệt xuất sắc, ảnh hưởng đến một nền khoa học, được thế giới trao giải thưởng, mà trường hợp GS Ngô Bảo Châu là ví dụ.
Ngay cả thời kỳ trước khi Quyết định 37 ra đời, các tiêu chuẩn cứng cũng bắt buộc phải tuân thủ, ứng viên giỏi đến mấy nhưng không đáp ứng thì vẫn bị đánh trượt.
GS Quý lấy ví dụ về tiêu chuẩn có công bố quốc tế: ứng viên đăng báo quốc tế thì phải đăng có phản biện, đăng đầy đủ, còn đăng tóm tắt, đọc ở hội nghị quốc tế lớn nhưng chỉ đăng khoảng 30 dòng thì những bài báo đó không được công nhận.
GS bắt buộc phải có ít nhất 3 công trình đăng quốc tế trong những năm gần dây và phải là tác giả chính. Trước đây, ứng viên khi công bố bài báo quốc tế trên ISI, Scopus hay tạp chí quốc tế uy tín của ngành thì tên đứng ở vị trí nào cũng được, nhưng giờ đổi mới, nếu không có ít nhất 3 bài mà ứng viên đóng vai trò tác giả chính thì dù giỏi đến mấy cũng không được công nhận là GS.
Với tiêu chuẩn về sách, ứng viên PGS chưa bắt buộc phải có giáo trình, nhưng ứng viên GS bắt buộc phải có giáo trình, chuyên khảo. Trước đây, quy định chỉ cần 1 trong 2 (giáo trình hoặc chuyên khảo) nhưng quy định mới đòi hỏi cả hai, ứng viên phải thực hiện song song cả hai nghĩa vụ nghiên cứu và giảng dạy.
Về tiêu chuẩn hướng dẫn, ứng viên PGS phải hướng dẫn chính 2 thạc sĩ đã bảo vệ thành công, còn ứng viên GS phải hướng dẫn chính 2 tiến sĩ bảo vệ thành công. Ứng viên có thể rất giỏi, phát minh có thể được giải thưởng hoặc huân chương hạng nhất, nhưng nếu không có 2 học trò bảo vệ thành công mà người đó trực tiếp hướng dẫn chính thì coi như không đạt.
“Không thể nói các tiêu chuẩn cứng này đã lỗi thời và không phù hợp, trái lại, các tiêu chuẩn ngày càng được nâng cao để đảm bảo chất lượng GS, PGS”, GS.TSKH Trần Duy Quý khẳng định và cho biết, trong thực tế, có nhiều người là PGS đã nghỉ nhưng muốn lên GS, học trò tôn sùng nên cho đứng tên ké một vài công trình.
Bên cạnh đó, nhiều người còn có thể liên minh đứng tên một loạt công trình đăng quốc tế. Nhưng nếu trước đây ứng viên có thể không cần phải đóng vai trò tác giả chính thì bây giờ yêu cầu đó là bắt buộc, đó phải là người chủ chốt làm công trình, để tránh xảy ra những trường hợp trên.
Cũng theo vị chuyên gia, trước đây, dù là các tiêu chuẩn cứng, đôi lúc hội đồng vẫn du di. Ví dụ, ứng viên thiếu giờ dạy, nhưng có 3-4 giống mới đóng góp cho sản xuất, một vài bằng lao động sáng tạo nên được châm chước, cho qua.
Bây giờ, với quy định mới, đã là GS thì phải đủ giờ dạy là 190 giờ đối với những người ở viện nghiên cứu, còn ở trường là 270 giờ, có ít nhất 6 năm thâm niên, có thể cách quãng nhưng 3 năm cuối phải liên tục. Công trình phải đạt 20 điểm trở lên, trong đó điểm giáo trình do ứng viên chủ biên hoặc chuyên khảo phải đạt 3 điểm. Những bài báo quốc tế trong 5 năm gần đây phải đạt 1,5-2 điểm.
Ngoài ra, ứng viên GS phải hướng dẫn chính 2 tiến sĩ, hướng dẫn chính được 1 điểm, nếu có 2 người hướng dẫn thì người hướng dẫn chính được 0,7 điểm, người hướng dẫn phụ được 0,3 điểm. Trường hợp ứng viên không hướng dẫn chính được 2 tiến sĩ thì dù có hướng dẫn 6 tiến sĩ mà chỉ là hướng dẫn phụ, dù được 1,8 điểm nhưng chưa chắc đã đỗ vì không đáp ứng tiêu chuẩn cứng.
Từ những ví dụ trong thực tiễn kể trên, GS.TSKH Trần Duy Quý một lần nữa nhấn mạnh, việc đặt ra các tiêu chuẩn cứng để nhằm tránh tình trạng lạm phát GS, PGS, chọn được người xứng đáng.
Hơn nữa, theo ông, quy định mới không khó hơn bao nhiêu, chỉ có yêu cầu bắt buộc ứng viên phải là tác giả chính trong công trình nghiên cứu được coi là khó. Đó cũng là để đảm bảo đó là ý tưởng của ứng viên và ứng viên phải làm thực sự.
“Việc xét công nhận GS, PGS càng ngày càng phải đi vào nề nếp, đấy là điều đáng mừng”, ông nói.
Thành Luân
Theo baodatviet
Hai ứng viên trẻ nhất năm 2019 đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư
Trong danh sách 75 ứng viên được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2019, có 2 người trẻ tuổi nhất và cùng sinh năm 1981.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Những điều đặc biệt ở các ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm nay Có 2 ứng viên được Hội đồng giáo sư nhà nước công bố đạt tiêu chuẩn giáo sư năm 2019 sinh năm 1981, mới 38 tuổi. Ứng viên GS cao tuổi nhất sinh năm 1944 (75 tuổi). Ứng viên GS Nguyễn Khánh Diệu Hồng (bên phải ảnh). Trong 2 ngày (10, 11/11), Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã tổ chức kỳ họp...