Tiêu chết khô, dân trắng tay
Hàng loạt vườn tiêu của người dân thôn 2A, xã Ea HLeo, huyện Ea HLeo (Đăk Lăk) bỗng dưng chết khô, khiến họ mất trắng hàng chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Sơn có vườn tiêu hơn 2.000 trụ, hàng năm thu khoảng 10 tấn hạt. Thế nhưng mấy tháng nay, hơn vườn tiêu bỗng dưng héo lá rồi chết khô. Chưa tính thiệt hại do giảm sản lượng, ông Sơn đã mất khoảng 3 tỷ đồng do vườn tiêu chết. “Nhìn vườn tiêu cứ lụi dần mà lòng như xát muối. Công sức gần 10 năm nay tôi đổ xuống giờ mất trắng”- ông Sơn xót xa.
Người dân bất lực nhìn những vườn tiêu tiền tỷ chết dần.
Mất mát lớn nhất có lẽ là gia đình ông Nguyễn Thanh Hải. Là người đầu tiên nhân giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng tiêu cho hàng trăm hộ dân quanh vùng, nhưng giờ ông Hải cũng bất lực đứng nhìn vườn tiêu dần dần chết trụi. 4.500 trụ tiêu của ông giờ chỉ còn phân nửa và mỗi ngày con số ấy cứ tăng thêm.
Video đang HOT
Ông Hải cay đắng: “Dự tính năm nay tôi thu được 20 tấn tiêu nhưng giờ không được một nửa. Chỉ tính sơ sơ, năm nay tôi đã mất gần chục tỷ đồng”. Hầu hết các hộ dân có tiêu chết phản ánh đã dùng phân bón Copper Tricho mua tại đại lý Tình Sâm (cùng thôn).
Ông Hải cho biết đã bón loại phân này liên tiếp trong 3 năm. Nhưng vào năm ngoái (từ tháng 4 đến tháng 7.2011), khi bón phân vào, cây tiêu chẳng những không phát triển mà bắt đầu có dấu hiệu vàng lá rồi chết.
“Cây tiêu bình thường không cần bón phân cũng ra lá non. Nhưng khi bón loại phân này, tôi thấy cây tiêu chẳng có dấu hiệu phát triển. Đến đợt bón thứ 2 thì cây tiêu bắt đầu vàng lá và chết dần đến bây giờ”- ông Hải nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Copper Tricho là phân vi lượng nền hữu cơ. Thông tin trên bao bì cho biết đây là sản phẩm của Công ty TNHH Voi Trắng, địa chỉ tại 2/5A khu phố 1, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa, Đồng Nai.
Theo kết quả giám định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, tất cả các thành phần của loại phân bón người dân đã dùng đều có hàm lượng thiếu hoặc thừa so với số lượng ghi trên bao bì.
Ông Bùi Duy Quảng – Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Voi Trắng thừa nhận có chuyện dư hoặc thiếu các thành phần trong phân bón nhưng khẳng định đó không phải là nguyên nhân khiến cây tiêu chết.
Ông Bùi Công Lăng – Trưởng phòng NNPTNT huyện Ea HLeo, cho biết: “Để biết nguyên nhân hàng loạt vườn tiêu của dân bị chết, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu và nhờ cơ quan chuyên môn phân tích”. Ông Lăng cũng không loại trừ khả năng tiêu chết do bón loại phân có một số chất dư thừa hàm lượng suốt một thời gian dài.
Theo Dân Việt
Ngư dân trắng tay, tù tội vì bị lừa
Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì bị lừa đưa tàu sang nước ngoài đánh bắt hải sản.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, ngư dân Võ Văn Hân (42 tuổi, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết đầu năm 2011, gia đình ông cùng với ngư dân Trương Minh Quang (ở cùng thôn) bỏ ra hơn 2 tỉ đồng đóng mới tàu cá QNg-90307 TS, công suất 420 CV để khai thác hải sản xa bờ. Đến tháng 4.2011, thông qua đường dây môi giới của ông Lê Văn Sơn (cùng thôn), ông Hân đã đưa hơn 297 triệu đồng để làm thủ tục sang vùng biển Malaysia đánh bắt. Bản hợp đồng bằng tiếng Malaysia nên ông Hân chẳng biết nội dung quy định những gì. Sau khi thay số hiệu tàu cá QNg-90307TS bằng số hiệu tàu Malaysia là FS2 4450, tháng 6.2011, thuyền trưởng Quang cùng 14 ngư dân đưa tàu đến vùng biển Malaysia. Tuy nhiên, khi vào vùng biển Malaysia, tàu cá đã bị bắt giữ, buộc phải nộp phạt 140 triệu đồng.
Ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu) tường trình vụ việc bị lừa với công an - Ảnh: Hiển Cừ
Khi tàu cá và ngư dân bị bắt, ông Sơn đã phủi trách nhiệm, ông Hân phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền nộp phạt. Gần 2 tháng trời bị giam giữ, tàu cá cùng 15 ngư dân mới trở về lại quê nhà.
Trường hợp của ngư dân Võ Văn Lựu (45 tuổi, cũng ở thôn Châu Thuận Biển) còn bi đát hơn. Bao nhiêu năm cực nhọc đi biển mới có được ít vốn; vay mượn thêm ngân hàng, người thân, năm 2010 gia đình đóng được tàu cá QNg-90026TS công suất 250 CV để đi biển xa. Nghe lời "cò" Nguyễn Thành Danh ở Mỹ Tho (Tiền Giang), ông Lựu đưa 230 triệu đồng để làm thủ tục đưa tàu sang Malaysia với số hiệu SF2 3667. Tháng 9.2010, ngay trong chuyến biển đầu tiên, thuyền trưởng Lựu cùng 14 ngư dân đã bị nhà chức trách Malaysia bắt giữ với lý do đánh bắt bất hợp pháp; hợp đồng là giấy tờ giả. Không chỉ bị tịch thu tàu, 15 ngư dân còn phải ngồi tù từ 4-6 tháng.
Sau đó, được đoàn tụ với gia đình nhưng thuyền trưởng Lựu tán gia, bại sản vì mất chiếc tàu cá trị giá hàng tỉ đồng cùng gánh nặng nợ nần hơn 700 triệu đồng. Theo thuyền trưởng Lựu, khi Công an tỉnh Tiền Giang vào cuộc, "cò" Danh mới trả lại 230 triệu đồng.
Ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, có ít nhất 13 trường hợp rơi vào cảnh tương tự. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu - nói: "Nhiều chủ tàu lén lút ký hợp đồng với "cò" môi giới mà không hề thông qua chính quyền địa phương. Cũng chính sự cả tin mà nhiều ngư dân ở Bình Châu sạt nghiệp, cuộc sống vô cùng khốn khó".
Bức xúc, nhiều ngư dân đã làm đơn tố giác nhờ các cơ quan chức năng điều tra, vạch trần những kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Ông Lê Văn Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi - cho biết: "Dù đã nhiều lần tập huấn, tuyên truyền giải thích việc hoạt động khai thác ngoài vùng biển VN cần phải làm việc trực tiếp với chi cục nhưng chẳng có ngư dân nào chấp hành".
Theo Thanh Niên
Vô gia cư sau lũ Trong một đêm mưa lũ, 3 ngôi nhà ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy ( Quảng Bình) bị san phẳng. Từ chỗ có nhà cửa, bỗng chốc họ trắng tay, lâm vào cảnh vô gia cư, phải "ăn nhờ ở đậu". Người thoát chết, nhà sập Ngồi thơ thẩn bên ngôi nhà đã tốc hết mái, ngói, ván, rui,...