“Tiết mục đưa đầu vào miệng cá sấu nằm ngoài chương trình”
Lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nam đã làm việc với chủ đoàn xiếc có tiết mục biểu diễn đưa đầu vào miệng cá sấu.
Hình ảnh nam diễn viên thò đầu vào miệng cá sấu
Ngày 13/3, ông Phạm Văn Giao, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Hà Nam cho biết, sau khi xảy ra sự việc, sáng cùng ngày, đoàn Thanh tra của Sở đã làm rõ đoàn xiếc biểu diễn ở ngã tư Phố Động, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm vào tối 11/3 thuộc Công ty TNHH Hoa Phượng, đóng tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Trong giấy phép hoạt động biểu diễn của Sở VHTT&DL tỉnh Hà Nam cấp phép cho đơn vị này hoạt động biểu diễn chỉ từ 24/2 đến ngày 10/3/2017. Đặc biệt, trong chương trình biểu diễn của đoàn xiếc này không hề có tiết mục “thò đầu vào miệng cá sấu”.
Theo ông Giao, sự cố diễn ra ở buổi biểu diễn xiếc tối 11/3, vì vậy đoàn xiếc này đã diễn quá thời hạn cấp phép của Sở.
Ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nam cho biết thêm, nạn nhân trong đoàn xiếc bị cá sấu cắn tên Đoàn Mạnh Hùng (SN 1993), quê ở Yên Dương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Anh Hùng bị rách phần da mặt, hiện tại đã xuất viện về nhà.
“Hiện đoàn thanh tra của sở đang làm việc với chủ đoàn xiếc, nếu đoàn xiếc vi phạm, đơn vị sẽ căn cứ quy định xử phạt hành chính và thông báo cho Sở VHTT&DL tỉnh Hải Dương rút giấy phép không cho đi biểu diễn”, ông Huy nói.
Video đang HOT
Vị lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nam cho biết thêm, sau sự việc, đơn vị đã yêu cầu lãnh đạo ở các huyện kiểm soát chặt các đoàn xiếc đến xin biểu diễn ở địa phương và không cấp phép cho các tiết mục biểu diễn gây nguy hiểm như tiết mục biểu diễn cá sấu.
Trước đó, vào tối 11/3, chương trình xiếc nghệ thuật diễn ra tại ngã tư phố Động, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Gần cuối chương trình diễn ra tiết mục nam diễn viên thò đầu vào miệng cá sấu đầy mạo hiểm khiến khán giả ớn lạnh khi chứng kiến.
Dù MC cảnh báo tiết mục này rất nguy hiểm song nam diễn viên xiếc vẫn cố gắng thực hiện để phục vụ khán giả. Sau lần đầu thành công, nam diễn tiếp tục cúi mình xuống và đưa đầu vào miệng cá sấu lần nữa.
Khi MC vừa đếm đến 3 bất ngờ cá sấu hung dữ bật dậy, cắn thẳng vào đầu và mặt diễn viên xiếc khiến khán giả vô cùng hốt hoảng, la hét ầm ĩ. Nam thanh niên đau đớn đứng dậy, lấy hai tay che khuôn mặt chảy rất nhiều máu. Sau đó, người trong BTC vội vã lấy khăn để diễn viên xiếc thấm máu và che vết thương và thông báo kết thúc chương trình xiếc.
Theo Danviet
Ban tổ chức nói gì về ý kiến "tiểu sử lễ phát lương là hư cấu"?
150.000 túi lương đã được Ban tổ chức chuẩn bị để phát cho du khách thập phương về dự Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần diễn ra từ ngày 14-16 tháng Giêng.
Ban tổ chức Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần chuẩn bị 150.000 túi lương để phát cho du khách thập phương về dự lễ hội năm nay. (Ảnh: Hanamtv)
Đền Trần Thương hiện còn lưu giữ 5 dấu cổ
Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần tại đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) năm nay sẽ diễn ra từ ngày 10 - 12.2 (tức từ đêm 14 - 16 tháng Giêng). Đây là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Hà Nam.
Trao đổi với PV sáng 9.2, ông Nguyễn Trọng Long- Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Lý Nhân, Phó Ban tổ chức Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần cho biết, như năm trước, năm nay Ban tổ chức lễ hội đã chuẩn bị 150 nghìn túi lương để phát cho du khách thập phương về dự.
Theo ông Long, trong túi lương có một tờ giấy dạng như tem in dấu của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và 5 loại nông sản địa phương gồm hạt thóc tẻ, thóc nếp, ngô, đỗ tương, đỗ đỏ.
Liên quan đến Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần, vừa qua, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học Việt Nam) có bài viết trong đó nêu ý kiến cho rằng, "tiểu sử" của "lễ phát lương" ở đền Trần Thương (Hà Nam) là "hoàn toàn hư cấu" và có thể đặt ra một loạt nghi vấn: "Ấn vua Trần" mượn đâu về? Ngô - thóc ấy lấy ở đâu ra?
Trao đổi với PV về ý kiến của TS Nguyễn Hồng Kiên, ông Nguyễn Trọng Long cho biết, đền Trần Thương hiện còn lưu giữ 5 dấu cổ đang để trong hòm kín, dấu lưu giữ ở đền Trần Thương là của Hưng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, không phải của vua Trần.
"Dấu có chữ Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn được Viện Nghiên cứu Hán nôm công nhận là dấu thật, không phải dấu vẽ", ông Long cho biết.
Theo ông Long, các dấu in trên tờ giấy bỏ trong túi lương hiện tại được làm theo mẫu ấn cổ lưu giữ trong Trần Thương. Ban tổ chức không sử dụng dấu thật để đóng nhằm đảm bảo không làm hư hỏng.
Khi được hỏi về việc, tại sao lại bỏ tờ in dấu vào trong túi lương, ông Long cho biết, việc này đã có từ xưa.
Du khách xếp hàng nhận túi lương
Ông Long cho biết, trước đây túi lương do người dân địa phương làm nhưng nay được một người ở TP.HCM gốc ở địa phương nhận làm theo hình thức xã hội hóa. Túi lương được sản xuất ở TP.HCM và chuyển ra Hà Nam.
Khi PV hỏi, chi phí sản xuất 150.000 túi lương hết bao nhiêu? Ông Long cho biết, chưa có con số cụ thể. "Kinh phí nếu mất 1 tỷ thì ông ấy (người nhận sản xuất túi lương - PV) lấy 500 triệu. Ông ấy chưa nói hết bao nhiêu. Ông ấy là người con của quê hương làm ăn trong miền Nam", ông Long nói.
Ông Long cho biết, lễ hội năm ngoái, Ban tổ chức lễ hội cũng chuẩn bị 150.000 túi lương và trong khoảng 1 tuần thì phát hết cho du khách về dự hội. Ban tổ chức lễ hội không bán túi lương, du khách thập phương khi nhận túi lương thì tùy tâm đóng góp công đức. Số tiền công đức sẽ do Ban quản lý di tích đền Trần Thương quản lý sử dụng vào việc trùng tu, tôn tạo, sửa chữa di tích và tổ chức lễ hội.
Ông Nguyễn Trọng Long cho biết thêm, khu vực Đền Trần Thương theo truyền thuyết là địa điểm mà Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn để làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ thứ XIII.
Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần được người dân địa phương hàng năm tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đồng thời bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.
Ông Long cũng cho biết, mục đích, ý nghĩa của việc phát lương tại lễ hội là "đầu năm chúc mọi người may mắn, làm ăn phát đạt". Để đảm bảo an ninh cho lễ hội, Công an tỉnh, Công an huyện Lý Nhân đã có phương án, huy động hàng trăm cán bộ đảm bảo an ninh trật tự, người dân xếp hàng vào nhận túi lương.
Theo kế hoạch của Ban tổ chức lễ hội: Sáng 12 tháng Giêng (10.2), các cụ cao tuổi và nhân dân xã Nhân Đạo sẽ làm lễ rước nước từ sông Hồng về đền làm lễ. Sáng 13 tháng Giêng (11.2), huyện Lý Nhân khai mạc Giải vật mở rộng. Tối ngày 13 tháng Giêng, nhân dân các xóm trong xã Nhân Đạo tổ chức biểu diễn văn nghệ tại sân tâm linh. Chiều 14 tháng Giêng (12.2), nhân dân và các cụ cao tuổi xã Nhân Đạo sẽ tổ chức lễ rước lương từ miếu Thổ thần vào đền để các đại đức làm mật lễ. Đến 21h tối 14 tháng Giêng, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức đón Bằng ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ Phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương sau đó sẽ bắt đầu thực hiện lễ phát lương cho du khách thập phương.
Theo Danviet
Xe khách tông chết 2 học sinh lớp 10 Đang trên đường đi học về, do sang đường thiếu quan sát, 2 học sinh lớp 10 đi trên xe máy điện ở Hà Nam đã bị chiếc xe khách tông chết. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào lúc 16 giờ ngày 31-10, trên tuyến Quốc lộ 21B đoạn qua xã Đồn Xá (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) khiến 2...