Tiết lộ về con tàu bí ẩn mang hơn 2.700 tấn chất hóa học gây nổ kinh hoàng ở Liban
Nguyên nhân gây ra vụ nổ như bom nguyên tử ở thủ đô Beirut, Liban xuất phát từ hơn 2.700 tấn ammonium nitrate được trữ trong cảng mà không được thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết. Tuy nhiên, số ammonium nitrate khổng lồ tại cảng Beirut từ đâu mà có thì vẫn còn nhiều bí ẩn.
MV Rhosus – con tàu đã mang hơn 2.700 tấn hóa chất dễ cháy nổ vào Liban (ảnh: CNN)
Trong khi chính quyền Liban và các tổ chức quốc tế chay đua với thời gian để hỗ trợ, cứu nạn những người bị thương sau vụ nổ kinh hoàng ở Beirut, một cuộc điều tra về nguyên nhân gây thảm họa cũng được tiến hành.
Tổng thống Liban Michel Aoun cho biết, ông không thể chấp nhận được chuyện một lô hàng ammonium nitrate, ước tính khoảng 2.750 tấn nằm suốt 6 năm tại một nhà kho ở Beirut mà không có biện pháp phòng ngừa.
Ít nhất 100 người đã thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương do vụ nổ, theo Bộ trưởng Y tế Liban Hamad Hassan. Thương vong dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Giám đốc an ninh quốc gia Liban cho biết, một con tàu chất đầy ammonium nitrate đã bị tịch thu tại cảng Beirut cách đây nhiều năm trước. Số ammonium nitrate là nguyên nhân trực tiếp gây nổ lớn.
Tàu chở hơn 2.700 tấn ammonium nitrate bị giữ tại cảng Beirut có tên MV Rhosus, mang cờ Moldova. Thông tin về con tàu hiện nay vẫn còn rất mù mờ.
Theo nguồn tin của CNN, vào năm 2013 hoặc 2014, tàu MV Rhosus chở hơn 2.700 tấn ammonium nitrate đang trên đường từ Gruzia tới Mozambique thì gặp sự cố động cơ và buộc phải neo lại tại cảng Beirut.
Khói màu cam bốc lên sau vụ nổ ở Liban, rất độc hại (ảnh: The Guardian)
Không rõ vì nguyên nhân gì, chủ tàu sau đó chất hàng lên cảng rồi bỏ đi mà không quay trở lại. Khiến lượng ammonium nitrate “khủng” bị lưu kho tại cảng Beirut suốt hơn 6 năm vô thừa nhận.
Một số nguồn tin khác cho rằng, sau khi gặp sự cố và cập cảng Beirut, tàu MV Rhosus không xuất trình đủ giấy tờ hợp pháp nên hàng bị tạm giữ. Chủ tàu sau đó bỏ hàng lại từ đó đến nay không nhận lại. Chủ tàu MV Rhosus dường như là một công dân Nga hoặc Síp.
Trong khi điều tra về vụ nổ đang được tiến hành, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến sự việc “rối như tơ vò” khi tuyên bố một cuộc tấn công có thể là nguyên nhân dẫn tới thảm họa.
Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó lên tiếng, cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy vụ nổ xuất phát từ đánh bom hay tấn công.
Năm 1947, một con tàu chứa ammonium nitrate bốc chảy ở cảng Texas, Mỹ và phát nổ, khiến hơn 400 người thiệt mạng. Con tàu khi đó chứa hơn 2.000 tấn ammonium nitrate.
Tổng thống Trump, Thủ tướng Úc Morrison và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ Liban khắc phục thảm họa. Nga đã gửi 5 máy bay y tế tới Liban và lập một bệnh viện dã chiến ở Beirut.
Những đội cứu hộ từ Pháp, Ai Cập và một số quốc gia khác cũng đang trên đường tới Liban.
Thảm họa nổ lớn xảy ra ngay tại thủ đô trong bối cảnh Liban đang “gồng mình” hứng chịu tác động của Covid-19 và kinh tế lao dốc.
Một người bị thương sau vụ nổ (ảnh: CNN)
Quốc gia này đã ghi nhận hơn 5.000 ca nhiễm Covid-19 với khoảng 100 trường hợp tử vong. Một lệnh phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của virus kéo dài 5 ngày ở Liban mới đây đã chấm dứt khi nền kinh tế của đất nước không thể chịu đựng thêm.
Việc hàng nghìn người cần hỗ trợ y tế và bệnh viện quá tải nhiều khả năng sẽ khiến tình hình dịch Covid-19 ở Liban trở nên tồi tệ hơn.
Tháng 10 năm ngoái, Liban “rung chuyển” bởi hàng loạt cuộc biểu tình phản đối nạn tham nhũng, kinh tế đi xuống, nước máy ô nhiễm và không có điện.
Gần 1/2 dân số ở Liban sống dưới mức nghèo và 35% tổng số lao động mất việc làm. Tháng 3 vừa rồi, Liban tuyên bố vỡ nợ khi không thể thanh toán khoản nợ công 92 tỷ USD, bằng gần 170% GDP cả nước.
Theo thống kê chính thức, gần một nửa dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ và 35% không có việc làm.
Giá của hầu hết hàng hóa ở Liban đã tăng gấp 3, đồng nội tệ mất giá trị 80%. Liban cũng đang phải đối mặt với an ninh lương thực khi dòng người tị nạn từ Syria đổ về quá đông. Nhiều kho lương thực quốc gia của nước này cũng bị thiêu rụi trong vụ nổ.
Nổ lớn ở Liban khiến 100 người chết: "Mọi thứ bị phá hủy trong 10 phút"
Vụ nổ lớn được ví như bom nguyên tử xảy ra hôm 4/8 tại thủ đô Beirut của Liban, cướp sinh mạng ít nhất 100 người và khiến hơn 4.000 người bị thương. Các nhân chứng trong vụ việc tới giờ vẫn chưa hết bàng hoàng.
Video: Vụ nổ như bom nguyên tử ở thành phố Beirut, Liban. Nguồn: Daily Mail
Tờ Sputnik hôm 4/8 đưa tin, trong lúc giới chức Beirut đang khẩn trương giúp đỡ nạn nhân, người bị ảnh hưởng trong vụ nổ thảm khốc và xác định nguyên nhân vụ việc, những nhân chứng đầu tiên đã chia sẻ về vụ nổ kinh hoàng này.
Một người kể lại rằng, mọi thứ bắt đầu bằng một cơn gió cực mạnh xuất hiện bên ngoài và sức mạnh của cơn gió tăng lên từng giây. Ngay sau đó, một tiếng nổ cực lớn vang lên, giống như động đất, phá hủy đồ đạc, cửa kính và các bức tường.
Vụ nổ phá hủy nhiều tài sản, đồ đạc và công trình ở thủ đô Beirut. Ảnh: Getty, EPA
"Vụ nổ bắt đầu phá nát các cửa sổ. Chúng tôi nghe thấy tiếng nổ và sự rung lắc ngày càng rõ rệt. Mọi thứ bị phá hủy chỉ trong 10 phút và mọi người chạy khỏi các tòa nhà trong hoảng loạn. Sau đó, mọi thứ im lặng đáng sợ", một nhân chứng kể lại.
Những cư dân sống sót sau vụ nổ, người đầy máu, bàng hoàng, khóc lóc đi lang thang trên đường phố ở Beirut, chứng kiến cảnh hoang tàn xung quanh họ. Theo Daily Mail, hơn 15 năm nội chiến đã khiến nhiều người dân mất mát lớn, nhưng họ chưa từng chứng kiến thứ gì như thế này.
"Vụ nổ thực sự khủng khiếp. Tôi chưa từng chứng kiến thứ gì tương tự kể từ thời nội chiến", Marwan Ramadan, người đứng cách tâm vụ nổ hơn 400 mét, kể lại. Ramadan bị thổi ngã bởi sức ép từ vụ nổ.
Vụ nổ lớn không chỉ phá hủy bến cảng của thành phố mà còn gây thiệt hại nặng nề cho nhiều ngôi nhà, trung tâm mua sắm, nhà hàng và doanh nghiệp ở ngoại ô Beirut. CNN dẫn lời các nhân chứng cho biết, nhà cửa cách tâm vụ nổ 10 km vẫn bị phá hủy.
Tại sân bay thành phố (cách tâm vụ nổ 10 km), một phần mái đã bị sập.
Nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ nổ như bom nguyên tử ở Beirut. Ảnh: Getty, AP
Bên ngoài một bệnh viện, Omar Kinno, công dân Syria sống tại Beirut, ngồi trên vỉa hè và không cầm được nước mắt. Vụ nổ đã phá hủy căn nhà của Kinno khiến một chị của công dân Syria này thiệt mạng, một chị khác bị gãy cổ.
Bố mẹ của Kinno đều bị thương và được đưa tới bệnh viện nhưng thanh niên này không hề biết và liên tục gọi điện để tìm bố mẹ.
"Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với bố mẹ mình. Tôi hoàn toàn mất phương hướng", Kinno chia sẻ.
Các binh sĩ Liban được điều động tới hiện trường vụ nổ ngay trong đêm 4/8 với những cảnh báo về các chất hóa học đốt cháy có thể sản sinh ra khói độc.
Nhiều người có thân nhân mất tích đã đổ tới hiện trường vụ việc. Một phụ nữ chừng 20 tuổi đứng gào khóc và đòi xông vào hiện trường. Cô gái này hỏi lực lượng an ninh về số phận của anh trai, một nhân viên tại cảng.
"Tên anh ấy là Jad, người có đôi mắt màu xanh", cô gái khẩn khoản nhưng lực lượng an ninh nhất quyết không cho cô vào trong.
Ngay gần đó, một phụ nữ cũng gần như khóc ngất khi hỏi về người em trai, cũng là công nhân tại bến cảng.
Moi thứ ở tâm vụ nổ gần như không còn nguyên vẹn. Ảnh: AP, Reuters
Ngay cả lực lượng an ninh cũng không kìm được cảm xúc. Thi thể một đồng nghiệp của họ được đưa đi bằng cáng. Một sĩ quan giơ bức ảnh người đồng nghiệp tử nạn chụp cùng vị hôn thê. Các cảnh sát khác đều khóc.
Marwan Abboud, thống đốc thành phố Beirut, đã bật khóc khi tới hiện trường vụ nổ. "Beirut đã bị tàn phá", ông nghẹn ngào nói.
Giới chức Liban cho biết số thương vong dự kiến còn tăng vì lo ngại còn nhiều người mắc kẹt. Nguyên nhân vụ nổ đang được điều tra.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vụ nổ như bom nguyên tử làm rung chuyển thủ đô Beirut có khả năng là "một vụ tấn công tồi tệ". Ông Trump đưa ra tuyên bố bất ngờ này sau khi trao đổi với một số tướng lĩnh quân sự.
"Lời đầu tiên, xin cho tôi được gửi lời chia buồn sâu sắc nhất của người Mỹ tới người dân Liban. Đây có vẻ như là một cuộc tấn công tồi tệ. Tôi đã gặp một số tướng lĩnh cấp cao trong quân đội và họ cho biết đây không phải là một tai nạn lao động thông thường. Theo họ, nó dường như là một cuộc tấn công. Thứ gây nổ là một loại bom nào đó", ông Trump tuyên bố.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tỏ ra thận trọng và cho rằng chưa thể đưa ra bất cứ kết luận gì về vụ việc.
Cảnh tượng như tận thế ở tâm vụ nổ kinh hoàng tại Liban Cả một cảng biển ở Beirut chìm trong lửa, những con tàu bốc cháy trên biển, những tòa nhà bị hư hại nặng nề. Đây là những cảnh tượng ở vùng tâm vụ nổ, giống như cảnh tượng tận thế sau thảm họa hạt nhân. Cảnh tượng đổ nát tại nơi xảy ra vụ nổ kinh hoàng ở Beirut, Liban. Theo SCMP, ngay...