Tiết lộ những mối quan hệ bí mật của Assad
Những ngày đầu tháng 11, báo chí rộ lên tin về sự xuất hiện bất ngờ của các binh lính Triều Tiên ở Syria . Cùng với đó, một đoạn băng được tung lên mạng cũng cho thấy hình ảnh các chiến binh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tinh nhuệ của Iran chiến đấu trên chiến trường Syria . Phải chăng, Tổng thống Bashar al-Assad đang được hậu thuẫn bởi những lực lượng thuộc hàng thiện chiến hàng đầu thế giới?
Ảnh minh họa
Phi công Triều Tiên xuất hiện ở Syria ?
Một số tờ báo quốc tế hồi đầu tháng này đã ám chỉ về sự hiện diện của một loạt nhân viên quân sự Triều Tiên ở Syria . Theo những nguồn tin này, có 15 phi công lái trực thăng của Triều Tiên đang hoạt động nhân danh chính quyền của Tổng thống Assad trên chiến trường Syria.
Có nguồn tin cho rằng, ông Assad đã thuê các phi công Triều Tiên vì không còn đặt sự tin tưởng vào các phi công trong nước. 15 phi công Triều Tiên được cho là tham gia thực hiện các cuộc không kích của quân chính phủ Syria.
Thông tin trên được cung cấp bởi Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh – một tổ chức ủng hộ phe nổi dậy Syria . Tuy nhiên, đây không phải bằng chứng đầu tiên về việc Triều Tiên có sự tham gia tích cực trên chiến trường ở Syria .
Hồi đầu năm nay, tờ báo khu vực có trụ sở ở Ả-rập Xê-út – Asharq al-Awsat cũng đăng tải những thông tin từ nguồn tin tuyên bố tận mắt chứng kiến về sự hiện diện của các sĩ quan Triều Tiên trong lực lượng của Tổng thống Assad ở thành phố Aleppo. Vào thời điểm đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cũng chính là nguồn cung cấp thông tin.
Tờ Asharq Al-Awsat đưa tin chi tiết rằng, có khoảng từ 11 đến 15 sĩ quan Triều Tiên ở thành phố Aleppo . Ông Rami Abdul Rahman đến từ Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho rằng, đó là những sĩ quan pháo binh.
Theo ông Rahman, nhóm sĩ quan trên không tham gia trực tiếp vào các cuộc giao tranh đụng độ. Thay vào đó, họ tham gia vào hoạt động “cung cấp sự giúp đỡ về mặt hậu cần và hỗ trợ nhiệm vụ lên kế hoạch thực hiện các chiến dịch quân sự”.
Những thông tin trên đều xuất phát từ các tổ chức thân phe nổi dậy. Vì thế, nó cần được kiểm chứng thêm về độ chính xác.
Tuy nhiên, nếu được xác nhận là đúng thì đây sẽ là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ hợp tác thân thiết lâu dài giữa Bình Nhưỡng với chính quyền Tổng thống Assad. Mối quan hệ này đã được tạo dựng chắc chắn từ trước khi xảy ra cuộc nội chiến ở đất nước Syria . Syria được cho là một phần trong mạng lưới quan hệ rộng hơn mà Triều Tiên có được ở Trung Đông.
Video đang HOT
Minh chứng được cho là nổi bật nhất trong quan hệ Damascus-Bình Nhưỡng là việc lò phản ứng plutonium ở cơ sở al-Kibar gần Deir ez-Zor của Syria bị Israel phá hủy năm 2007 được xây dựng dưới sự giám sát của Triều Tiên.
Sự tham gia của Triều Tiên vào việc xây dựng lò phản ứng trên được xác nhận bởi một quan chức cấp cao Iran đào ngũ có tên là Ali Reza Asghari. Theo tờ Der Spiegel, các nhà khoa học Triều Tiên đã có mặt tại khu vực cơ sở hạt nhân của Syria khi Israel đánh bom vào đây.
Tuy nhiên, người ta tin rằng, chương trình hạt nhân còn trong trứng nước của Tổng thống Assad không phải là dự án duy nhất mà Damascus nhận được sự giúp đỡ từ Bình Nhưỡng. Quan hệ hợp tác giữa hai nước này còn diễn ra ở lĩnh vực vũ khí thông thường và vũ khí hủy diệt phi hạt nhân.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Radio Free Asia hồi đầu tháng 10 mới đây, cựu nhà phân tích của Cơ quan Tình báo Quốc phòng – ông Bruce Bechtol cho rằng, Triều Tiên đã cung cấp vũ khí, trong đó có cả vũ khí hóa học, cho Syria từ đầu những năm 1990.
Dù thế nào thì những thông tin trên cũng hoàn toàn chưa được kiểm chứng và đều xuất phát từ các nguồn tin phương Tây.
Chiến binh tinh nhuệ Iran sát cánh bên quân Assad?
Mặc dù Iran từ lâu đã phủ nhận việc nước này có liên quan trực tiếp đến cuộc nội chiến ở Syria nhưng hãng tin CBS News của Mỹ mới đây khăng khăng cho rằng, họ có bằng chứng hình ảnh cho thấy, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tinh nhuệ của Iran đang chiến đấu sát cánh bên cạnh quân của Tổng thống Assad trong cuộc chiến với phe nổi dậy.
CBS News cho biết, họ đã nhìn thấy những hình ảnh thật về sự hiện diện của các cố vấn Iran ở Syria trước đây nhưng chưa bao giờ chứng kiến các chiến binh Iran chiến đấu ở tuyến đầu trong cuộc nội chiến ở Syria như trong cuốn băng mà họ được xem.
Đoạn băng được tung lên mạng là do Hadi Baghbanis – một tay máy ở Tehran thực hiện. Anh này được mời làm một bộ phim về một đơn vị quân đội của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran . Đơn vị này được chỉ huy bởi sĩ quan Mohsen Ismail Haideri mới 33 tuổi. Haideri đã dẫn người quay phim đi một vòng trong khu vực ngoại ô Aleppo mà quân của anh ta đang chiến đấu cùng với lực lượng chính phủ Syria .
Haideri đã có mặt 8 tháng trên chiến trường Aleppo và 18 tháng trên chiến trường Syria. Vì thế, những đứa trẻ địa phương biết và quen Haideri bởi anh này thường xuyên cho chúng kẹo.
Trong đơn vị của Haideri có khoảng hơn một chục người lính và các chuyên gia về liên lạc, vũ khí và thậm chí là có cả một giáo sĩ chuyên chủ trì các buổi lễ cầu nguyện cho các binh lính. Đơn vị quân đội của Iran đóng tại một trường học cũ. Haideri trông khá thoải mái và tự tin khi miêu tả về việc đơn vị của anh ta đã đẩy lùi một cuộc tấn công của phe nổi dậy Syria trong 24 giờ qua như thế nào. “Khoảng 150 chiến binh đến đây trên các phương tiện vận chuyển nhưng chúng tôi đã đánh trả, giết chết 10 hoặc 15 người. Họ đã phải rút lui”, Haideri kể lại.
Một phần đoạn băng được tung lên mạng ghi lại hình ảnh lực lượng Iran đưa những người Syria xâm nhập vào lãnh thổ của phe nổi dậy để thực hiện nhiệm vụ do thám. “Cúi đầu xuống. Bạn sẽ bị nổ tung nếu đứng lên ở đó”, viên chỉ huy Iran nhắc nhở. Những binh lính Iran và Syria không biết rằng họ đang xâm nhập vào một vị trí mà phe nổi dậy đã phát hiện và đang chuẩn bị tiến hành một trận phục kích.
Khi phe nổi dậy bắt đầu nổ súng, người Iran nhận ra rằng, họ đang gặp rắc rối, hết đạn và đang bị ép ở hai mạn sườn. Đột nhiên, máy quay đen sì. Người quay phim và chỉ huy Haideri đều chết. Họ đã được tổ chức lễ tang tại quê hương ở Iran .
Từ lâu phương Tây đã luôn cáo buộc Iran hậu thuẫn tích cực về vũ khí, tài chính cho quân của chính quyền Assad cũng như tham gia đào tạo, huấn luyện cho lực lượng này. Iran cũng được cho là đã gửi quân sang chiến đấu sát cánh bên quân của ông Assad nhưng Tehran bác bỏ cáo buộc này.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Tàu chiến Mỹ "nhe nanh múa vuốt" ở Biển Đông
Bất chấp tình cảnh cắt giảm ngân sách cho quân đội Mỹ đang làm dấy lên những hoài nghi về khả năng tồn tại của chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của cường quốc số 1 thế giới, một chiếc tàu sân bay đầy uy lực của nước này vẫn "nhe nanh múa vuốt" ngay trước mắt Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu sân bay USS George Washington
Những chiếc chiến đấu cơ thiện chiến F-18 Super Hornet gầm rú lao lên bầu trời từ boong tàu sân bay USS George Washington với tốc độ gây nghẹt thở là gần 300km/giờ. Động thái "dương oai diễu võ" này diễn ra ngay ở bờ biển của Trung Quốc - chỉ cách một tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc có chưa đầy 30km. Đây rõ ràng là một biểu tượng cho thấy sự thống trị của Hải quân Mỹ trong khu vực Châu Á - điều mà giới phân tích Trung Quốc lo ngại có thể kiềm chế sự nổi lên của họ trong nhiều thập kỷ nữa.
Sau khi cất cánh từ tàu sân bay USS George Washington, chiếc chiến đấu cơ F-18 Super Hornet đã "múa lượn" ở khu vực Biển Đông - nơi đang nằm trong sự tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Các sĩ quan Mỹ đã đón tiếp những người đồng nghiệp phía bên Trung Quốc lên thăm con tàu đầy uy lực của họ như một phần của nỗ lực nhằm tăng cường sự hợp tác giữa quân đội hai bên dù cho quân đội Trung Quốc không bao giờ hết nỗi lo ngại về việc bị lực lượng Mỹ kiềm chế trên khắp khu vực Châu Á. Tàu khu trục của Hải quân của Trung Quốc không được mời đến tiếp xúc với lực lượng Mỹ
Chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công USS George Washington - Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery đã nói về sự hiện diện của hai chiếc tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc ở gần nhau lúc này. Ông thừa nhận, những cuộc gặp gỡ như thế giữa các cường quốc đối thủ giờ đây sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn.
"Các bạn chắc chắn đều thấy, Hải quân Trung Quốc đang ngày càng được hiện đại hóa và ngày càng được mở rộng. Vì thế, sẽ là lẽ tự nhiên khi họ hoạt động ngay gần chúng tôi", ông Montgomery cho hay.
Vị chỉ huy tàu sân bay Mỹ cho rằng, những cuộc tiếp xúc định kỳ với các tàu hải quân Trung Quốc là "chuyên nghiệp" và rằng Hải quân Mỹ quyết tâm trợ giúp mối quan hệ lắm vấn đề giữa hai nước bằng sự "minh bạch và công khai".
"Tôi không thấy có bất kỳ vấn đề gì khi tàu của hải quân Trung Quốc hoạt động ngay sát tàu của chúng tôi", ông Montgomery nói thêm.
Nhóm tàu sân bay tấn công USS George Washington thường bao gồm các tàu khu trục, tàu tuần dương hạm và một tàu ngầm tấn công chợp nhoáng cùng với 90 chiếc máy bay. Lực lượng hùng hậu này bảo vệ một trong 10 chiếc tàu sân bay được đóng cố định ở bên ngoài nước Mỹ. Vốn được mệnh danh là bá chủ của đại dương bởi sức mạnh ưu việt, các tàu sân bay của Mỹ là phương tiện để cường quốc số 1 thế giới thể hiện uy lực.
Đóng cố định tại Yokosuka , Nhật Bản, nhóm tàu sân bay hùng mạnh USS George Washington là dấu hiệu rõ ràng nhất về sự hiện diện hải quân ngày càng tăng trên khắp khu vực Châu Á và sự hiện diện này đã tăng một cách đều đặn trong suốt 5 năm qua. Đây là một nhân tố then chốt trong chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á đầy tranh cãi của Mỹ.
Hôm nay (8/11), nhóm tàu sân bay Mỹ sẽ đến cảng tài chính Hồng Kông sau nhiều tháng trời đi khắp khu vực để tham gia các cuộc tập trận, diễn tập và huấn luyện chung với các nước.
Trong khi giới chức quân sự Mỹ luôn tìm cách trấn an nỗi quan ngại của Trung Quốc về việc Mỹ đang tìm cách kiềm chế cường quốc Châu Á thì một loạt đồng minh cũ cũng như bạn bè mới của Mỹ ở Châu Á lại muốn Washington đảm bảo rằng nước này luôn có sự hiện diện trong khu vực để đảm bảo có thể đối trọng với một Trung Quốc ngày càng nổi lên một cách đáng lo ngại.
Sẵn sàng chiến đấu?
Sự hiện diện của nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ ở Biển Đông dường như là nhằm để giải quyết vấn đề cốt lõi trong chiến lược chuyển hướng trọng tâm của Mỹ vào Châu Á. Các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam cùng với Vùng lãnh thổ Đài Loan đang nổi lên là một điểm nóng trong khu vực.
Mỹ cho biết, nước này đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông nhưng quyết tâm duy trì hòa bình và sự tự do hàng hải ở những tuyến đường biển có vai trò then chốt cho nền kinh tế thế giới.
Thậm chí dù đang phải vật lộn với vấn đề ngân sách khó khăn, Mỹ vẫn cố tìm cách tăng cường các cuộc tập trận, thử nghiệm bắn đạn thật trong khu vực như một phần để đối phó với một quân đội Trung Quốc ngày càng mạnh lên.
Và trên tàu sân bay USS George Washington, các sĩ quan và thủy thủ cho biết, họ luôn duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu qua việc thường xuyên tiến hành các chuyên bay đắt đỏ với 100 lần cất cánh gần như mỗi ngày.
Giới chức và các nhà bình luận Trung Quốc thường tức giận trước các động thái của Mỹ trong khu vực. Bất chấp nhiều năm liền tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số, Trung Quốc vẫn đứng sau rất xa so với Mỹ về hỏa lực.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Tàu chiến, máy bay Mỹ xuất hiện khắp Châu Á Một chỉ huy hải quân cấp cao của Mỹ mới đây tiết lộ, nước này đã tăng đáng kể số lượng tàu chiến và máy bay được triển khai trên khắp khu vực Châu Á bất chấp việc Washington cắt giảm ngân sách. Nỗ lực này đã giúp củng cố thêm cho "chiến lược chuyển hướng trọng tâm" vào Châu Á của Mỹ....