Tiết lộ những bí mật ở “”thủ phủ chuyển giới toàn cầu”
Thái Lan trở thành điểm đến hàng đầu của những người muốn thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở châu Á bởi công nghệ y học tiên tiến và chi phí thấp.
Các nghệ sĩ chuyển giới Thái Lan trang điểm trước khi lên sân khấu. Ảnh: Photoshelter.
Những năm gần đây, du lịch kết hợp khám, chữa bệnh trở thành ngành tăng trưởng ở châu Á. Trong khi Hàn Quốc nổi tiếng về công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ và làm đẹp thì Thái Lan trở thành đất nước hàng đầu thu hút những người muốn chuyển giới.
Theo Vietnam Plus, đầu tháng 5, Viện Sức khỏe môi trường y tế (Bộ Y tế Việt Nam) cho biết, khoảng 500 đến 1.000 người Việt đã ra nước ngoài để chuyển giới. Một số người hoàn thành phẫu thuật cho biết, Thái Lan là lựa chọn hàng đầu của họ vì vị trí địa lý thuận tiện, công nghệ y học tiên tiến và chi phí phù hợp.
Trang Nikkei (Nhật Bản) ví Bangkok như “thủ phủ chuyển giới toàn cầu”. Đại diện một bệnh viện lớn ở Bangkok cho biết, cuộc sống của người chuyển giới ở Thái Lan tương đối thoải mái và tự do so với các nước khác vì người dân Thái rất sùng bái đạo Phật, vốn răn dạy mọi người “tôn trọng quan điểm và tín ngưỡng của người khác”.
Ngoài 5 bệnh viện lớn, Thái Lan còn có hàng chục cơ sở nhỏ hoặc phòng khám tư tiếp nhận phẫu thuật chuyển giới. Hải Minh (chuyển giới từ nữ sang nam) nói với Zing.vn rằng, bệnh viện Yanhee là một trong những lựa chọn hàng đầu của các khách hàng từ Việt Nam. Trong khi đó, Tố An (chuyển giới từ nam sang nữ) cho biết, cô thực hiện phẫu thuật ở phòng khám tư vì chi phí rẻ hơn.
Hải Minh (chuyển giới từ nữ sang nam) thực hiện phẫu thuật tại bệnh viện Yanhee tại Thái Lan hồi tháng 2. Ảnh: NVCC.
Những yêu cầu để chuyển giới
Nikkei cho biết, bệnh viện Yanhee tiếp nhận khoảng 300 yêu cầu phẫu thuật chuyển giới mỗi năm. Trong số này, ông Greechart Pornsinsirirak, bác sĩ chính tại bệnh viện Yanhee, đảm nhận hơn một nửa.
Qua nhiều thập kỷ hành nghề, ông Greechart đã giúp hàng nghìn người đàn ông trở thành phụ nữ, theo tờ Nation. Một khách hàng của ông tiết lộ, cô đã có 5 bạn trai sau khi phẫu thuật “mà chẳng ai biết tôi từng là nam giới”.
Video đang HOT
Hơn 80% bệnh nhân muốn chuyển giới tại Yanhee là người ngoại quốc, chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước phương Tây. Trang Nikkei cho biết, chi phí phẫu thuật ở đây khoảng 7.000 – 8.000 USD. Phần lớn các trường hợp là chuyển đổi từ nam sang nữ. Quá trình ngược lại chiếm số lượng ít hơn, quy trình cũng phức tạp hơn nhưng các bác sĩ vẫn có thể thực hiện.
Trước khi bước lên bàn mổ, các bác sĩ người Thái luôn yêu cầu bệnh nhân “sống với giới tính mong muốn” trong thời gian ít nhất một năm. “Khi tôi thay đổi cách sinh hoạt và trang phục, bạn bè và đồng nghiệp đều đối xử với tôi như đàn ông. Trong quá trình này, tôi bắt đầu sử dụng hormone nam giới vì đây là điều bắt buộc”, Hải Minh nói với Zing.vn.
Hải Minh cho biết, tổng chi phí cho hành trình chuyển giới là 100 triệu đồng, bao gồm phí phẫu thuật, thuốc men, vé máy bay khứ hồi, phí nội trú ở bệnh viện và nghỉ ngơi hậu phẫu tại khách sạn. Những khoản tiền này chỉ bằng khoảng một phần tư so với chi phí tại Mỹ. Anh vừa hoàn thành phẫu thuật tại Yanhee vào ngày 18/2. “Đó là một cảm xúc vỡ òa. Tôi đã đạt được ước mơ lớn nhất cuộc đời”, Hải Minh tâm sự.
Tố An tự tin với cuộc sống hiện tại sau khi thực hiện chuyển giới từ nam sang nữ. Ảnh: NVCC.
Biến chứng nguy hiểm
Tố An, chuyên viên trang điểm kiêm quản lý một vũ đoàn chuyển giới có tiếng ở TP HCM, thực hiện phẫu thuật chuyển giới vào năm 2010. Cô chọn cơ sở tư nhân của bác sĩ Thep Vejvisith tại Bangkok vì “tay nghề bác sĩ tốt mà chi phí rẻ hơn nhiều so với tại bệnh viện Yanhee”.
Ngoài Tố An, những khách hàng của bác sĩ Thep còn bao gồm cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm hay Rose Venkatesan – MC truyền hình chuyển giới đầu tiên ở Ấn Độ.
BBC cho biết, bác sĩ Thep đã có hơn 25 năm kinh nghiệm trong việc giúp khách hàng sống đúng với cơ thể sinh học mà họ mong muốn. “Chi phí ở chỗ tôi rất rẻ, chỉ khoảng 2.200 USD”, ông Thep nói. Tuy nhiên, ông không tiếp nhận những yêu cầu chuyển giới từ nữ sang nam “vì rất phức tạp”.
Cũng như bệnh viện Yanhee, ông Thep yêu cầu bệnh nhân phải sống và sinh hoạt như phụ nữ, sử dụng hormone nữ ít nhất một năm trước khi đến phòng khám của ông tại khu Pratunam. “Mỗi ca phẫu thuật của tôi kéo dài từ 2 đến 3 tiếng. Bệnh nhân có thể trở về khách sạn nghỉ ngơi hậu phẫu sau một ngày”, bác sĩ Thep nói với Washington Post.
Tố An (thứ 2 từ trái qua) và Hải Minh (thứ 2 từ phải qua) tham dự hội thảo “Góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi” do Bộ Y tế và Bộ Tư pháp tổ chức ngày 14/4. Ảnh: NVCC.
Vị bác sĩ khẳng định: “Luật pháp Thái Lan quy định bệnh nhân phải tham vấn chuyên gia tâm lý trước khi họ thực sự muốn phẫu thuật. Tuy nhiên, kinh nghiệm hàng chục năm đủ giúp tôi khẳng định khao khát chuyển giới của họ lớn như thế nào”.
Theo Tố An, việc lựa cơ sở phẫu thuật chuyển giới là điều rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, đặc biệt là những biến chứng sau khi trở về nước. “Một số người quen của tôi đã qua đời do xuất huyết quá nhiều”, cô nói.
Tuy nhiên, dù trải qua đau đớn và tốn kém tài chính, Tố An và những người bạn chuyển giới không hối hận về quyết định của mình. “Tâm hồn tôi là con gái nhưng mỗi sáng thức dậy trong cơ thể con trai. Tôi không thể tiếp tục cuộc sống ngang trái như vậy nên tôi phải tìm cách thay đổi. Sau khi giải phẫu, được sống với đúng con người thật của mình nên tôi rất tự tin, thoải mái”.
Theo Tri thức trực tuyến
Người chuyển giới có quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân
Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác.
Sáng nay (9/6), tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII báo cáo Thẩm tra dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, về khoản 2 Điều 36 quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng: "Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này".
Đề cao quyền con người
Theo Ủy ban pháp luật, việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh, chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam...
Người chuyển giới tham gia một sự kiện dành cho cộng đồng hồi tháng 5/2015 tại Hà Nội (Ảnh: iSEE)
Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan. Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ.
Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, giải trình rõ quy định này.
Về Điều 40. Quyền xác định lại giới tính: Theo ông Phan Trung Lý, quy định như Dự thảo Bộ luật còn quá chung, khó áp dụng trong thực tiễn, cần có điều khoản dẫn chiếu giao cho Chính phủ hoặc Bộ Y tế hướng dẫn những trường hợp cụ thể về xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính. Về vấn đề chuyển giới, nhiều ý kiến đề nghị sử dụng thống nhất thuật ngữ "chuyển đổi giới tính" thay cho "chuyển giới", việc chuyển đổi giới tính chỉ nên công nhận trong những trường hợp nhất định dựa trên các lý do về y học.
Ngành Y tế cần làm rõ các điều kiện về y, sinh học về chuyển đổi giới tính để vừa bảo vệ được quyền của người cần được chuyển đổi giới tính, bảo đảm được sự minh bạch, công khai về điều kiện chuyển đổi giới tính và để vừa tránh được sự lạm dụng trái pháp luật trong chuyển đổi giới tính.
Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi do Quốc hội đưa ra lấy ý kiến người dân về vấn đề chuyển giới có 2 phương án. Thứ nhất không cho phép, không thừa nhận chuyển đối giới tính tại Việt Nam như lâu nay vẫn đang thực hiện. Thứ hai là trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể thực hiện việc chuyển đổi giới tính, được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định theo phương án 2. Lý do:Nếu pháp luật cho phép cá nhân chuyển giới, những cái mất sẽ không nhiều (có chăng là sẽ mất đi những tư duy cũ về vấn đề này). Ngược lại, những cái được sẽ rất lớn. Đó là, cả xã hội sẽ nhìn nhận vấn đề chuyển giới tính cực hơn, sự kỳ thị và định kiến đối với họ rồi sẽ không còn.
Kết quả là sẽ tạo ra được môi trường xã hội tích cực, giúp cho những người chuyển giới tự tin, yên tâm và tin tưởng vào chế độ ưu tiên của Nhà nước ta và từ đó giúp họ quyết tâm đóng góp sức lao động để xây dựng cuộc sống, xây dựng gia đình và xã hội.
Về mặt kinh tế, tình trạng "chảy máu tiền tệ" sẽ được ngăn chặn, bởi vì những người chuyển giới sẽ yên tâm thực hiện việc này tại các bệnh viện trong nước và Việt Nam sẽ có những bệnh viện với những trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ các bác sĩ giỏi về lĩnh vực này. Đây cũng là một kênh thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài để hiện đại hóa bệnh viện.
Nếu pháp luật thừa nhận việc chuyển giới trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thì có nghĩa là pháp luật Việt Nam đã mở rộng quyền nhân thân của cá nhân, sẽ không còn sự phân biệt đối xử với những người này và pháp luật thật sự bảo vệ quyền lợi cho một số ít là các cá nhân đang ở vào thế yếu.
Điều này cũng có nghĩa là các nguyên tắc quy định tại Điều 3: "Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người..., mọi người có điều kiện phát triển toàn diện" và tại Điều 16: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội" của Hiến pháp năm 2013 sẽ cụ thể hóa và sẽ được áp dụng thật sự trong cuộc sống.
Cá nhân có quyền xác định lại giới tính
Ông Phan Trung Lý cho biết thêm: Tiếp thu ý kiến Nhân dân, đồng thời để bảo đảm vị trí, vai trò luật chung của BLDS, dự thảo Bộ luật Bộ luật (Điều 36) quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính; việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật; người đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch cho phù hợp với giới tính của mình và có các quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Việc chuyển đổi giới tính là một nhu cầu có thật của một bộ phận người dân, trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa cho phép nên một số người đã ra nước ngoài để thực hiện việc chuyển đổi giới tính, khi về nước họ không được thay đổi hộ tịch và do đó, gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế để duy trì giới tính mới, cũng như trong cuộc sống, công tác và thực hiện các quyền dân sự khác có liên quan.
Do vậy, bên cạnh việc quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì Bộ luật dân sự cũng cần có quy định để giải quyết hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chuyển đổi giới tính nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của người đã chuyển đổi giới tính./.
Lại Thìn
Theo_VOV
"Tên dài quá 25 chữ cái không ảnh hưởng an ninh quốc gia, an toàn xã hội" Việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng Chủ nhiệm Phan Trung Lý "bác"quy định têncủa một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái. Sáng 9-6, Báo cáo thẩm tra về...