Tiết lộ mới nhất về kẻ cướp ngân hàng ở Matxcơva
Aleksey Ukhin là kẻ đã có tiền án và đang nợ ngân hàng một khoản tiền lớn. Để có tiền trả nợ, hắn đã cướp ngân hàng. Aleksey bắt giữ con tin, yêu cầu phải nộp cho hắn 4,7 triệu rúp và 13 nghìn euro. Tuy nhiên, hắn đã bị tiêu diệt khi chuẩn bị cho nổ quả bom mang theo.
Tên cướp Aleksey Ukhin và hiện trường vụ cướp Ngân hàng Tín dụng Matxcơva
Chỉ là quả bom giả
Vào lúc 20h37 ngày 18-5-2016, một người đàn ông đã xông vào chi nhánh của Ngân hàng Tín dụng Matxcơva (MKB) ở số 5, phố Pervomayskaya, Matxcơva bắt giữ 6 con tin là các nhân viên và khách hàng. Tuy nhiên, một nhân viên đã kịp nhấn nút báo động, còn thủ quỹ chạy được vào phòng riêng và khóa trái cửa lại.
Theo cảnh sát Matxcơva, tên cướp yêu cầu phải nộp cho hắn 4,7 triệu rúp và 13 nghìn euro. Hắn sử dụng súng ngắn đe dọa các nhân viên ngân hàng và tuyên bố sẵn sàng cho nổ bom nếu những yêu cầu của mình không được đáp ứng. Đội đặc nhiệm phản ứng nhanh của Vệ binh Quốc gia Nga đã lập tức có mặt để giải cứu các con tin. Đại diện cảnh sát trực tiếp đàm phán với tên cướp, có 5 con tin được thả trừ nhân viên thủ quỹ.
Theo cảnh sát Matxcơva, tên cướp đã bị bắn chết khi chuẩn bị cho nổ quả bom mang theo. Tuy nhiên, theo xác định của lực lượng công binh, đó chỉ là quả bom giả. Họ tìm thấy trong người hắn một hộp nhỏ với phần dây điện thò ra ngoài. Con tin thứ 6 cũng được an toàn. Tên cướp được xác định là Aleksey Ukhin 29 tuổi, người thành phố Naro-Fominsk thuộc tỉnh Matxcơva.
Cướp tiền để trả nợ ngân hàng
Ông Yuri, bố của Aleksey từng làm nghề kinh doanh, sau đó làm lái xe taxi. Ông gặp con trai lần cuối vào ngày 16-5, còn vợ của ông đã nói chuyện với Aleksey vào tối 18-5. Aleksey nói với bố mẹ rằng, hắn đang đi làm, có thể chưa về ngay được và sẽ gọi điện lại sau. Còn theo Anton Ukhin – anh trai của Aleksey, đội trưởng đội chữa cháy và cứu hộ số 21, Aleksey là kẻ lười lao động, sống bám vào bố mẹ mặc dù họ đã nghỉ hưu.
Theo cơ quan điều tra, Aleksey đã có tiền án về tội cướp tài sản vào năm 2004. Thời gian gần đây, hắn thường đăng tin tìm việc làm. Theo lời giới thiệu, Aleksey tự nhận là người trung thực, lịch sự và có khả năng làm bảo vệ, lái xe cho cá nhân, gia đình hoặc khách hàng VIP…
Cũng theo cơ quan điều tra, Aleksey đang nợ ngân hàng một khoản tiền lớn. Và để trả được món nợ này, hắn quyết định tấn công ngân hàng. Mặc dù đã lên hoạch vụ cướp này tương đối cẩn thận, nhưng dường như Aleksey không chuẩn bị trước tình huống phải bắt giữ con tin. Hắn không cố giữ lại tất cả các con tin mà chỉ yêu cầu được cấp tiền và người đàm phán phải có cấp hàm đại tá.
Video đang HOT
Theo đại diện của Tổng cục Nội vụ Matxcơva, Đại tá Sergey Zanin là người trực tiếp đàm phán và thuyết phục được Aleksey thả các con tin. Lần đầu, hắn thả 2 người, sau đó là 3 người. Cơ quan điều tra đã tìm được súng ngắn và thẻ tín dụng của một ngân hàng Nga trong người Aleksey sau khi hắn bị lực lượng đặc nhiệm bắn chết và danh tính của tên cướp được xác định.
Cơ quan điều tra bắt đầu xác minh sự liên quan của Aleksey tới vụ cướp ngân hàng vào lúc 20h30 ngày 26-3-2016 với nhiều tình tiết tương tự. Vụ cướp cũng xảy ra tại chi nhánh của MKB, nhưng ở phố Năm 1812, Matxcơva. Hung thủ cũng đeo mặt nạ, mặc áo khoác đen và đi giày thể thao trắng giống như Aleksey.
Hắn cũng dùng súng ngắn và thiết bị nổ đe dọa nhân viên ngân hàng để buộc họ phải nộp tiền cho mình. Thủ quỹ đã đưa cho hắn 209 nghìn rúp. Tên cướp bỏ lại tại hiện trường một đôi găng tay. Các chuyên gia giám định dự định so sánh mẫu gene được phát hiện trong đôi găng tay này với mẫu gene của Aleksey.
Lãnh đạo MKB khẳng định, Aleksey không làm việc, không vay và cũng không mở tài khoản tại ngân hàng này. Họ cũng không thể giải thích được lý do khiến Aleksey lại chọn MKB để cướp.
Theo ANTD
Tiết lộ "bom tấn" của dì ruột nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Lần đầu tiên kể từ khi đào tẩu sang Mỹ, bà dì Ko Yong-suk tiết lộ về nội tình Triều Tiên và thời thơ ấu của lãnh đạo Kim Jong-un.
Lần đầu tiên kể từ khi đào tẩu sang Mỹ, bà dì Ko Yong-suk tiết lộ về nội tình Triều Tiên và thời thơ ấu của lãnh đạo Kim Jong-un.
Gần hai thập kỷ, Ko Yong-suk và chồng là Ri Gang, đã sống một cuộc sống bình dân ở Mỹ và làm việc cật lực tại doanh nghiệp giặt là gia đình để nuôi dạy ba người con trưởng thành. Nhưng trước khi chạy trốn sang Mỹ, Ko Yong-suk - dì ruột của nhà lãnh đạo Kim Jong-un - và chồng đã sống một cuộc sống sung túc xa hoa trong chế độ ẩn dật hàng đầu thế giới.
Chị gái của Ko Yong-suk là Ko Yong-hui đã kết hôn với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il. Cháu của bà là nhà lãnh đạo hiện tại Kim Jong-un, một nhà lãnh đạo có những lời đe dọa tiến hành chiến tranh hạt nhân.
Bà Ko Yong Suk và chồng là Ri Gang tại Công viên Trung tâm New York vào tháng 4/2016. Ảnh Getty Images
Lần đầu tiên kể từ khi đào tẩu sang Mỹ với sự giúp đỡ của CIA cách đây 18 năm, hai vợ chồng Ko Yong-suk và Ri Gang đã lên tiếng trong một loạt các cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post, cung cấp một cái nhìn độc đáo về nội tình CHDCND Triều Tiên và về thời thơ ấu của nhà lãnh đạo hiện nay Kim Jong-un. Để bảo vệ danh tính của họ ở Mỹ, những câu chuyện đăng trên báo The Washington Post sử dụng những cái tên cũ của họ ở Triều Tiên.
Quan hệ với dòng họ lãnh đạo Triều Tiên
Báo The Washington Post viết rằng Ko Yong-suk đã thăng tiến "như diều gặp gió", khi chị gái của bà đã trở thành người vợ thứ ba của nhà lãnh đạo Kim Jong-il vào năm 1975.
Ngay sau đó, Ko Yong-suk đã kết hôn với Ri Gang - một người chồng do nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-il lựa chọn - và chăm sóc đàn con của người em gái tại một khu nhà sang trọng ở Bình Nhưỡng.
Bà dì ruột Kim Jong-un kể lại: "Chúng tôi đã sống cuộc sống sung túc", ăn trứng cá muối đặt tiền, uống rượu cognac hảo hạng và đi du lịch trên chiếc Mercedes-Benz sang trọng của nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Những người thừa kế ở CHDCND Triều Tiên
Năm 1992, Ko Yong-suk chuyển đến Bern, Thụy Sĩ, nơi bà đã dành 6 năm chăm sóc con cái của chị gái mình, trong đó có Kim Jong-un, theo học phổ thông trung học.Theo bài viết đăng trên báo The Washington Post, những người con của nhà lãnh đạo Kim Jong-un được hưởng chế độ giáo dục hiện đại, đầy đủ với các chuyến đi tới Euro Disney, "trượt tuyết ở dãy núi Alps" của Thụy Sĩ, bơi lội trong hồ ở vùng Riviera của Pháp, ăn uống tại nhà hàng Al Fresco ở Italy".
Bà dì Ko Yong-suk nhớ lại rằng cậu cháu Kim Jong-un đến Thụy Sĩ ở tuổi 12 và "không phải là một kẻ gây rối, nhưng nóng tính và thiếu khoan dung". Bà nói với The Washington Post: "Khi bị mẹ mắng về cái tội ham chơi lười học, cậu bé Kim Jong-un không cãi lại nhưng phản ứng bằng nhiều cách, trong đó có tuyệt thực".
Bà Ko cho biết, cậu cháu Kim Jong-un thích máy bay, du thuyền và chơi bóng rổ. Bà nói thêm: "Cháu tôi (Kim Jong-un) thường ngủ với quả bóng rổ bên cạnh". Vốn thấp hơn nhiều so với đám trẻ cùng trang lứa, cậu bé Kim Jong-un nghĩ rằng chơi bóng rổ sẽ làm cho cậu cao hơn.
Các bài báo của The Washington Post viết Kim Jong-un đã biết mình sẽ trở thành người kế nhiệm cha kể từ bữa tiệc sinh nhật lần thứ 8, khi được mặc bộ quân phục cấp tướng đứng trước các vị tướng lĩnh hàng đầu của CHDCND Triều Tiên. Bà Ko Yong-suk phàn nàn: "Cậu bé (Kim Jong-un) không thể lớn lên một cách bình thường, khi được mọi người xung quanh đối xử như vậy".
Quyết định đào tẩu
Bà Ko Yong-suk và chồng quyết định đào tẩu trong năm 1998, sau khi chị gái Ko Yong-hui bị mắc bệnh ung thư vú. Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đồn đoán việc gia đình Ko Yong-suk đào tẩu vì lo ngại sẽ không còn được bảo vệ sau khi chị gái Ko Yong-hui qua đời.
Bà Ko Yong-suk thừa nhận: "Trong lịch sử, những người gần gũi với một nhà lãnh đạo mạnh mẽ thường bị những người khác kèn cựa, gây rắc rối ngoài ý muốn. Tôi nghĩ rằng sẽ là tốt hơn nếu chúng tôi tránh được sự rắc rối này".
Theo Washington Post, gia đình Ko Yong-suk đã xin tị nạn tại Đại sứ quán Mỹ ở Bern và được CIA cấp cho 200.000 USD khi đến nước Mỹ. Ngôi nhà hai tầng của họ biết nằm một nơi cách thành phố New York "vài giờ" đi bằng xe ô tô.
Mặc dù hai vợ chồng nhà Ko Ko Yong-suk xa cách nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ khi ông này còn là thiếu niên và không biết nhiều về nội tình ban lãnh đạo Triều Tiên hiện nay, nhưng The Washington Post viết: "Do tình báo Mỹ còn khá gà mờ về Bắc Triều Tiên, nên cặp vợ chồng này vẫn là một nguồn cung cấp thông tin giá trị về gia đình họ Kim".
Bà Ko Yong-suk và ông Ri Gang cho biết đôi khi họ vẫn được CIA yêu cầu giúp đỡ trong việc nhận biết các nhân vật ở Triều Tiên trong ảnh, mặc dù CIA từ chối xác nhận điều này.
Vì sao bây giờ gia đình Ko Yong-suk mới lên tiếng?
Sau khi lặn biệt tăm gần 20 năm, việc hai vợ chồng nhà Ko Yong-suk chia sẻ câu chuyện của họ với báo The Washington Post cho thấy ông Ri Gang muốn cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng.
Ông Ri Gang từng mong muốn "làm cầu nối để thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa Washington và Bình Nhưỡng" và "đã thất vọng sâu sắc" trước những lời chỉ trích họ của các nhà phê bình chế độ ở Hàn Quốc.
Ông Ri Gang thổ lộ: "Mục tiêu cuối cùng của tôi là quay trở lại Bắc Triều Tiên. Tôi hiểu nước Mỹ và tôi hiểu Bắc Triều Tiên, vì vậy tôi nghĩ rằng tôi có thể làm trung gian hòa giải giữa hai bên. Nếu Kim Jong-un vẫn là con người mà tôi từng biết, tôi có thể gặp và nói chuyện với anh ấy".
Theo Yahoo News
Êkíp hậu cần tiết lộ về thói quen hàng ngày của ông Obama Khoảng thời gian ông Obama nghỉ ngơi và làm việc tại khách sạn JW Marriott đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho những cán bộ, nhân viên được vinh dự phục vụ Tổng thống Mỹ. Đêm 22/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có mặt tại Hà Nội. Trong suốt quãng thời gian lưu lại Hà Nội trong chuyến thăm chính...