Tiết lộ hôn nhân bí mật của Tổng thống Kennedy
Ngày 28/7 là sinh nhật thứ 86 của cố Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy, người vẫn được biết đến là vợ duy nhất của Tổng thống Mỹ John Kennedy…
… Thế nhưng, ngay từ lúc bà còn sống cho đến khi đã qua đời được 21 năm, cái bóng cuộc hôn nhân bí mật của Tổng thống Kennedy với một phụ nữ tên là Durie Malcolm vẫn bao trùm quá khứ của bà.
Đến nay, người ta vẫn tự hỏi liệu bà Jackie là người vợ thứ nhất hay thứ hai của Tổng thống Kennedy, hay thậm chí bà đã từng kết hôn với ông Kennedy bao giờ chưa. Trong nhiều năm trời, người ta rỉ tai nhau rằng ông Kennedy đã kết hôn bí mật lần đầu với một cô gái tóc vàng xinh đẹp, có địa vị trong xã hội tên là Durie Malcolm đầu năm 1947.
Gần đây, có bằng chứng cho thấy hồ sơ về đám cưới bí mật đó đã bị hủy theo lệnh của người đứng đầu dòng họ Kennedy quyền lực, ông Joseph P. Kennedy – cha Tổng thống John Kennedy. Về sau, anh em nhà Kennedy đã dùng ảnh hưởng của mình để chặn cuộc điều tra từ báo chí về cuộc hôn nhân đó nhằm tránh một bê bối chính trị cho Kennedy.
Theo một người em của Kennedy, cặp đôi này đã kết hôn sau một bữa tiệc say túy lúy ở thành phố Palm Beach. Dù vậy, trong bối cảnh được cha đầu tư để chạy đua vào Nhà Trắng, Kennedy đã bác bỏ thông tin kết hôn với Durie. Kennedy chỉ thừa nhận ông và Durie từng hẹn hò trong một thời gian ngắn.
Durie Malcolm, người phụ nữ được cho là kết hôn bí mật với John Kennedy.
Nhà báo điều tra nổi tiếng Seymour M. Hersh đã điều tra kỹ lưỡng về quan hệ của ông Kennedy và Durie rồi đưa ra bằng chứng trong cuốn sách “The Dark Side of Camelot”. Ông cho biết, bất chấp những lời bác bỏ, ông vẫn tin vào những gì các nguồn tin đã cung cấp, rằng giữa ông Kennedy và cô gái Durie có một đám cưới.
Theo điều tra của Hersh, một người thân tín của ông Kennedy là Charles Spalding đã tuyên bố rằng ông Kennedy đã lệnh cho ông xóa bỏ giấy tờ kết hôn. Sau khi gia tộc Kennedy biết về đám cưới bí mật của Kennedy – ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống Mỹ, họ gần như bị “xuất huyết”. Ông Joseph Kennedy đã ngay lập tức yêu cầu “chăm sóc” giấy tờ kết hôn. Gia tộc Kennedy sợ mọi chuyện vỡ lở. Ông Spalding nói: “Tôi đã loại bỏ các giấy tờ kết hôn của họ. Chính John Kennedy đã bảo tôi làm việc này”.
Spalding nhờ một luật sư ở Palm Beach lấy giấy tờ kết hôn của ông Kennedy tại trụ sở tòa án hạt Palm Beach. Giấy tờ kết hôn hồi đó được ghi lại bằng tay, không theo trật tự chữ cái nên không thể xác định xem giấy tờ nào bị mất hay còn. Có lần Spalding nói với J. Kennedy về đám cưới mà ông cho như là một trò đùa: “Anh hẳn điên rồi. Anh đang chạy đua làm tổng thống mà giờ anh lại bận rộn kết hôn”.
Video đang HOT
Ông Spalding vốn biết Durie từ nhỏ và mô tả bà là một người phụ nữ xinh đẹp, đam mê thể thao. Bà chơi khúc côn cầu trên băng vào mùa đông và chơi bóng rổ với các bạn nam. Bà có sức thu hút và lúc nào cũng có rất nhiều “vệ tinh” vây quanh. Do đó, Durie đã làm cho ông Kennedy mê tít. Cặp đôi như hình với bóng trong nhiều sự kiện thể thao và xã hội. Họ còn lái xe tới Miami để tay trong tay xem các trận bóng và đặt cược trong cuộc đua ngựa.
John Kennedy và Jackie trong ngày cưới 12/9/1953.
Ngoài giấy tờ kết hôn, chưa ai từng có giấy tờ nào cho thấy J. Kennedy và Durie đã ly hôn. Do đó, nhà báo Hersh đặt ra khả năng rằng J. Kennedy là người đa thê. Một người bạn của J.Kennedy ở Palm Beach đã bảo với nhà báo Hersh không viết về đám cưới giữa Kennedy và Durie. Bà này nói: “Kennedy chưa bao giờ kết hôn hợp pháp với Jackie. Những gì còn lại của ông Kennedy là hai người con (John Kennedy Jr., thiệt mạng trong tai nạn máy bay và hiện chỉ còn lại Caroline) và các cháu”. Bà cảnh báo rằng nếu nhà báo Hersh viết về đám cưới giữa J.Kennedy và Durie, thì khi đó thân phận của John Jr. và Caroline đều là bất hợp pháp và điều đó không đáng xảy ra với hai đứa trẻ vì họ vốn đã trải qua quãng thời gian khó khăn khi mất cha.
Ngoài ra, còn một số người nữa cũng khẳng định chắc chắn về đám cưới bí mật của ông Kennedy. Trong số đó có một người là em gái của J.Kennedy, bà Eunice Kennedy Shriver. Bà Eunice từng kể với bà Betty – vợ của Charles Spalding – rằng sau một bữa tiệc say sưa, hai người đã tới gặp một thẩm phán hòa giải để kết hôn và người “đầu têu” việc này là Durie. Bà Eunice kể với Betty rằng Durie Malcolm tuyên bố sẽ không ngủ với J. Kennedy trừ khi ông cưới bà. Sau đó, Betty cho biết đã nghe thấy ông Joseph Kennedy nổi cơn tam bành và hủy bỏ cuộc hôn nhân của con trai.
Giữa năm 1947, Durie Malcolm lại kết hôn với một người giàu có ở Palm Beach tên là Thomas Shevlin. Đây là cuộc kết hôn công khai thứ ba của Durie. Durie có một con gái. Một thành viên trong gia đình Shevlin xác nhận, Durie đã một lần thừa nhận từng kết hôn với J.Kennedy và ông Kennedy thực sự yêu Durie và muốn ở cùng bà.
Sáu tháng sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát tháng 11-1963, Durie kết hôn với con trai của một thiếu tá nghỉ hưu trong quân đội Anh và chuyển sang Anh sinh sống. Bà từ chối nói chuyện về cố Tổng thống Kennedy từ đó.
Trước đó, bà Durie phủ nhận đã từng kết hôn với ông Kennedy. Bà cũng đã ký một bản khai tuyên thệ rằng không có đám cưới nào cả. Bà Durie ký bản khai này dưới sức ép từ luật sư nổi tiếng Clark Clifford, người phụ trách xử lý khủng hoảng của Tổng thống Kennedy.
Năm 1957, một nhà phả hệ học nghiệp dư đã in một cuốn phả hệ về gia đình, trong đó ở thế hệ thứ 11, người này nói rằng Durie Malcolm có một cuộc hôn nhân thứ hai và người chồng là John F. Kennedy, con trai của Joseph P. Kennedy.
Theo hồ sơ của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), thông tin về đám cưới bí mật xuất hiện trong năm đầu tiên ông Kennedy trở thành Tổng thống Mỹ. Lúc đó, báo chí và phe chính trị đối lập đã biết về cuốn phả hệ nói trên và bắt đầu săn tin ráo riết. Các cố vấn của Tổng thống và nhân viên của ông đã cố gắng đối diện với vụ việc bằng cách lờ nó đi. Nhưng tin đồn cứ tiếp tục lan truyền và xuất hiện trên một vài tạp chí. Anh trai của Tổng thống Kennedy là Tổng Chưởng lý Robert Kennedy khi biết tạp chí danh tiếng Look đang điều tra về đám cưới đó, ông đã đe dọa người đứng đầu tạp chí: “Anh dám đăng chuyện đó thì tôi sẽ mua cả tờ tạp chí Look”.
Lúc đó, Giám đốc FBI là J. Edgar Hoover cũng đã nhận được tin tình báo về đám cưới tin đồn đó và đưa chuyện này ra nói với ông Robert Kennedy. Ông Robert đáp lại rằng ông hi vọng các phóng viên sẽ đăng chuyện này “vì khi đó chúng tôi (tức là cả gia tộc Kennedy) có thể nghỉ hưu cả đời”.
Trong lúc tin đồn bủa vây, Tổng thống Kennedy đã gọi cho cố vấn Clark Clifford. Ông kể với Clifford rằng cách đây vài năm ông biết Durie trong quãng thời gian ngắn ngủi, hẹn hò với người phụ nữ này hai lần, đi nhảy, đi xem bóng cùng nhau. Mối quan hệ rất trong sáng và không có đám cưới nào cả.
Khi biên tập viên của tờ Washington Post là Ben Bradlee viết về quan hệ giữa Tổng thống Kennedy và Durie trong hồi ký, ông nhớ lại có lần đã đối đầu với ông Kennedy về đám cưới ngay trước mặt Đệ nhất Phu nhân Jackie Kennedy. Khi chồng bà nói rằng chuyện đó không có thật, bà Jackie đã lắng nghe với một nụ cười. Những gì bà biết ẩn sau nụ cười đó đã đi cùng bà về cõi vĩnh hằng.
Theo Dương Thùy (tổng hợp)
An ninh Thế giới
Cuộc tấn công của đồng đôla Mỹ - Kỳ 2: Kennedy bị các chủ ngân hàng ám sát?
Một số quan chức chính phủ, trong đó có Mỹ, đã tìm cách hạn chế độc quyền của FED trong vấn đề tiền tệ. Tổng thống John F. Kennedy, ngày 4/6/1963, 4 tháng trước khi bị ám sát, đã ký sắc lệnh phát hành trái phiếu ngân khố được đảm bảo bằng bạc dự trữ trong ngân khố.
Đây là tiền không tính lãi, và không tạo ra nợ. Tuy nhiên theo quan điểm của các chủ ngân hàng, đây là hành động tấn công táo bạo vào quyền lực của họ.
Nikolai Starikov, trong cuốn sách của mình "Khủng hoảng. Cách tạo ra nó" ám chỉ rằng đây là sắc lệnh "giết" FED. Và sau đó là hành động trừng phạt. Ngày 22/11/1963, Tổng thống Kennedy bị ám sát. Đầu năm 1964, Tổng thống Johnson tuyên bố bạc khá đáng giá để sử dụng như tiền tệ, và trái phiếu ngân khố của Tổng thống Kennedy bị rút khỏi lưu thông.
Nỗ lực đưa vào lưu thông tiền thông thường, được đảm bảo bằng vàng và dầu, đã được nhà lãnh đạo Iraq, Saddam Hussein thực hiện đầu tiên, sau đó là lãnh đạo Libya, Gaddafi, gây lo ngại thực sự cho hệ thống lưu thông tiền ảo thế giới. Và các biện pháp được đưa ra để hủy diệt các nhà lãnh đạo này cũng thật hà khắc, đó là án tử hình, cũng như với các nước giàu dầu mỏ, đó là các chiến dịch trừng phạt qui mô lớn nhằm chiếm đoạt tài nguyên của họ.
Tổng thống Kennedy thuyết trình về ngân sách quốc gia Mỹ
Năm 1965, toàn nước Pháp tập hợp được 750 triệu USD, và Tổng thống Charles de Gaulle yêu cầu đổi chúng thành vàng. Có dấu hiệu rằng ông, trong một vụ bê bối lớn, đã thu được 66,5 tấn vàng trong tổng số hơn 800 tấn yêu cầu được đổi. Ngay sau đó, Pháp chính thức tuyên bố rút khỏi tổ chức quân sự NATO, đưa Bộ chỉ huy NATO khỏi lãnh thổ nước này, loại bỏ tất cả 189 căn cứ NATO trên lãnh thổ của mình và yêu cầu rút 35.000 binh sĩ NATO. Đầu năm 1963, Tướng de Gaulle từ chối lập lực lượng hạt nhân đa phương đặt dưới quyền Lầu Năm Góc.
Chưa ai dám chế giễu Mỹ như vậy. Pháp phản đối sự bá quyền của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Và sau đó bị trừng phạt. Giai đoạn 1967-1968 được đánh dấu bằng các sự kiện tại Pháp, tương tự như một dạng Maidan ở Kiev, song theo kiểu Pháp. Các cuộc biểu tình hiếm có của công nhân, nông dân, sinh viên nhanh chóng bùng phát thành các cuộc đụng độ trên đường phố với cảnh sát. Có tới 10 triệu người tham gia bãi công. Các chính đảng không thể tìm ra biện pháp thoát khỏi khủng hoảng, và chính phủ de Gaulle năm 1969 buộc phải từ chức. Nửa đầu năm 1970, Tướng de Gaulle qua đời, và ngày 15/8/1971, Tổng thống Richard Nixon tuyên bố Mỹ ngừng đổi USD thành vàng.
Trên thực tế Mỹ đã vỡ nợ. Chú Sam bỏ rơi tất cả, tất cả những ai giữ đồng USD. Trong khi đó, Mỹ, làm như không có gì xảy ra, tiếp tục áp đặt thế giới bằng trật tự tài chính của họ. Thay cho hệ thống tài chính thế giới Bretton Woods là cái gọi là hệ thống Jamaica, theo đó USD hoàn toàn thay thế vàng. Việc đồng USD thay cho vàng trở thành sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ, và các nước trên toàn thế giới đặt niềm tin vào sức mạnh này. FED bắt đầu sử dụng cỗ máy của mình trên toàn thế giới, và chỉ trích vàng như là "tàn tích man rợ". Dự trữ vàng của Mỹ trong một thời gian dài duy trì ở mức 8.000 tấn. Tuy nhiên trong giỏ ngân hàng trung ương các nước khác, đặc biệt là những nước xuất khẩu khoáng sản, bắt đầu tích tụ dự trữ USD - sản phẩm của FED.
Ông Strauss-Kahn
Không ai thích kẻ phản bội
Giám đốc IMF người Pháp Strauss-Kahn vì nỗ lực tấn công vào quyền lực của FED ngày 1/5/2011 đã bị bắt tại Mỹ do tình nghi cưỡng đoạt cô hầu phòng khách sạn. Ông buộc phải từ chức. Ngay khi ông từ chức, ông được trả tự do. Mới đây, Strauss-Kahn, ám chỉ tuyên bố của Tổng thống Ukraine, Poroshenko, rằng ông đạt được thỏa thuận với các nước châu Âu về viện trợ quân sự, tuyên bố: "Không ai ở châu Âu muốn chết vì Ukraine, thậm chí không muốn cung cấp tiền cho nước này... Bạn đã phản bội Nga, nước đã tạo ra và nuôi dưỡng bạn. Cả thế giới biết điều này. Không ai thích những kẻ phản bội".
Tại cuộc họp Hội đồng quản trị FED tháng 12/2014, Chủ tịch hội đồng này, Janet Kjellén, cho biết FED đang theo dõi sát sao những sự kiện ở Nga, song không xem đó là nguy cơ tiềm tàng đối với kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Tài chính Mỹ, một trong các kiến trúc sư của "Reaganomic", ông Paul Craig Roberts viết thẳng thừng rằng Chính phủ Mỹ tiến hành các hành động, gợi nhớ tới chiến tranh, nhằm hủy hoại tỷ giá đồng ruble, kể cả sử dụng các quĩ đầu cơ lớn để khiến đồng tiền của Nga sụp đổ. Paul Craig Roberts nói "Đồng ruble sụp đổ là có dụng ý. Hãy tìm âm mưu". Ông nói thêm: "Với Mỹ quá rủi ro khi tấn công Nga bằng vũ lực. Thay vào đó, Washington lợi dụng sự gần gũi với các định chế tài chính phương Tây của mình để vô tư tấn công Nga, điều có thể cho thấy rõ sự tàn ác của phương Tây".
(Còn tiếp)
Theo TTK/baotintuc.vn
Khẩu súng dùng ám sát ông Kennedy 51 năm về trước, viên đạn 6,5x52 mm do Lee Harvey Oswald bắn ra từ khẩu súng trường Carcano đã cướp đi sinh mạng vị tổng thống thứ 35 của Mỹ. Tổng thống Kennedy và phu nhân (hàng ghế sau) trong ngày định mệnh 22/11/1963. Ảnh: CNN Ngày 22/11/1963 đã xảy ra một sự kiện chấn động nước Mỹ cũng như thế giới....