Tiết lộ gây sốc của Ba Lan về Tổng thống Putin
Chủ tịch Quốc hội Ba Lan – ông Radoslaw Sikorski mới đây vừa tiết lộ rằng Tổng thống Vladimir Putin năm 2008 từng đề nghị Ba Lan và Nga “chia nhau đất nước Ukraine”. Tiết lộ gây sốc này được đưa ra bởi một vị chính khách chống Nga kịch liệt và tính xác thực của thông tin này cũng bị nghi ngờ bởi ngay sau khi đưa ra phát biểu đó, ông Sikorski lại thừa nhận một vài thông tin mà ông đưa ra không chính xác.
Chủ tịch Quốc hội Ba Lan – ông Radoslaw Sikorski
Ông Sikorski từng nắm giữ vị trí Ngoại trưởng Ba Lan cho đến tháng 9 vừa rồi và hiện tại đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội Ba Lan. Website Politico của Mỹ mới đây đã trích lời ông Sikorski nói rằng, Tổng thống Putin năm 2008 từng đưa ra lời đề nghị về việc Nga và Ba Lan cùng nhau “chia cắt” đất nước Ba Lan trong chuyến thăm của Thủ tướng Ba Lan khi đó là ông Donald Tusk đến thủ đô Moscow. Nhưng rất nhanh sau khi đưa ra tiết lộ gây sốc này, ông Sikorski thừa nhận, một số phát biểu mà ông đưa ra trong cuộc phỏng vấn đã bị “dịch quá lên”.
“Ông ấy muốn chúng tôi trở thành người tham gia vào việc chia cắt đất nước UKraine … Đây là một trong những điều đầu tiên mà Tổng thống Putin nói với Thủ tướng của tôi – ông Donald Tusk khi ông ấy đến thăm thủ đô Moscow”, Chủ tịch Quốc hội Sikorski cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn được thực hiện từ ngày 19/10.
Video đang HOT
“Ông ấy (Putin) tiếp tục nói rằng, Ukraine là một quốc gia nhân tạo và rằng Lwow là một thành phố Ba Lan, vì thế, tại sao chúng ta không cùng nhau chia cắt nó”, ông Sikorski cho hay.
Trước Chiến tranh thế giới thứ II, lãnh thổ Ba Lan bao gồm một số khu vực ở phía tây hiện nay của Ukraine, trong đó có những thành phố lớn như Lwow, còn được biết đến dưới cái tên Lviv ở Ukraine.
Ông Sikorski – người đi theo tháp tùng ông Tusk trong chuyến thăm đến Moscow khi đó, nói thêm rằng, ông Tusk không trả lời gợi ý của Tổng thống Putin bởi vì ông ấy biết ông ấy đang bị ghi âm nhưng Ba Lan không bao giờ thích thú với việc tham gia vào chiến dịch của Nga.
Những thông tin được Chủ tịch Quốc hội Ba Lan đưa ra ở trên chưa được kiểm chứng về độ xác thực. Tuy nhiên, không ít người hoài nghi về tiết lộ của ông Sikorski bởi cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski vốn nổi tiếng là một trong những chính khách công khai chỉ trích điện Kremlin mạnh mẽ nhất, gay gắt nhất trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Hơn nữa, ngay sau khi bài phóng vấn ông Sikorski được công bố, ông này đã lên tiếng thừa nhận nội dung của nó không hoàn toàn chính xác. “Một số từ ngữ trong bài phỏng vấn đã bị dịch quá lên”, ông Sikorski cho biết trên trang tài khoản Twitter chiều ngày hôm qua (20/10).
Hiện cả Bộ Ngoại giao Ba Lan và giới chức Nga đều chưa lên tiếng bình luận gì về nội dung thông tin trên.
Cuộc trả lời phỏng vấn trên của Chủ tịch Quốc hội Ba Lan có thể sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Ba Lan và Nga. Hai nước này đã rơi vào một cuộc đối đầu nóng bỏng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ba Lan là một nước thành viên NATO có chung biên giới với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga. Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan cũng thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ Nga, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine.
Quan hệ Nga-Ba Lan thêm trầm trọng
Quan hệ giữa Nga và Ba Lan đang tiếp tục xấu đi vì một cuộc khủng hoảng liên quan đến gián điệp. Ba Lan mới đây tuyên bố bắt giữ hai người bị tình nghi làm gián điệp cho Nga và đang cân nhắc khả năng trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Thủ tướng Ba Lan Eva Kopacz hôm qua cho biết, nước này có thể sẽ đưa ra quyết định trong ngày hôm nay (21/10) về việc có trục xuất các nhà ngoại giao Nga ra khỏi Ba Lan sau khi xảy ra vụ scandal gần đây liên quan đến cáo buộc một luật sư và một sĩ quan quân đội cấp cao làm gián điệp cho Nga.
Theo người đứng đầu chính phủ Ba Lan, quyết định có thể sẽ được đưa ra sau cuộc họp nội các ngày hôm nay.
“Tôi muốn tiếp nhận đầy đủ thông tin về chuyện này. Hy vọng, tôi có thể đối thoại và tham vấn với tất cả mọi người ngay tại bàn sau cuộc họp nội các”, bà Kopacz cho hay.
Hôm 15/10, một sĩ quan cấp cao của quân đội và một luật sư của Ba Lan đã bị bắt giữ vì cáo buộc làm gián điệp cho Nga. Các công tố viên nghi ngờ viên sĩ quan quân đội làm việc với một trong 5 lực lượng đặc biệt của Nga – Tổng cục Tình báo Nga (GRU). Cuối tuần này, Tòa án Quân sự Mật ở Warsaw sẽ thảo luận về việc truy tố và bắt giữ viên sĩ quan. Trong khi đó, một tòa án dân sự sẽ bắt giữ và truy tố viên luật sư.
Theo luật Ba Lan, người bị kết tội làm gián điệp có thể phải ngồi tù từ 1 đến 10 năm. Nếu thông tin bị tiết lộ gây hại cho đất nước, người bị kết tội gián điệp sẽ phải chịu mức án tối thiểu là 3 năm. Trong trường hợp có hành động tổ chức hay điều khiển các hoạt động tình báo nước ngoài, hình phạt sẽ là từ 5 đến 25 năm.
Theo Báo Mới