Tiết lộ ‘đường Nguyễn Trãi không cần chặt cây’ gây sốc cộng đồng
“400 cây xà cừ bị chặt oan thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai, khi dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông không có nội dung chặt cây xanh?”.
Độc giả Nguyễn Khắc Thiện bức xúc như trên sau khi nghe Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dự án trên không hề đề cập tới nội dung chặt cây xanh đường Nguyễn Trãi, nhưng Sở Xây dựng Hà Nội vẫn cho chặt hạ toàn bộ cây cổ thụ trên tuyến đường này.
Trước đó, tại hội thảo về cây xanh ở Hà Nội, giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng đã khẳng định, đề án xây dựng đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông không nói tới việc chặt hạ hàng cây xà cừ hai bên đường Nguyễn Trãi. Theo đó, hàng cây bị chặt ở đường Nguyễn Trãi, Cổ Nhuế, Bưởi là sai với Luật Bảo vệ môi trường, Luật đầu tư.
Sự việc trên ngay lập tức nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi của độc giả gửi VnExpress đau xót, bức xúc trước tình trạng hàng loạn cây xanh trên đường Nguyễn Trãi đã bị đốn hạ và ai phải đứng ra chịu trách nhiệm?
“Nói thật, tôi rất xót xa khi nhìn thấy những hình ảnh này. Trong khi đó, nhiều thành phố hiện đại trên thế giới đang muốn xanh hóa thì ta lại đi đốn hạ dần dần những hàng cây thuộc dạng cổ thủ, lá phổi của thành phố”, bạn đọc Dương Thịnh tâm sự.
Video đang HOT
Đầu tháng 11/2014, hàng chục cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi đã được chặt hạ để phục vụ xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: Phương Sơn.
“Tôi chẳng biết nói sao nữa, chỉ thấy đau lòng khi đã mất đi hàng cây xanh. Nếu chính quyền Hà Nội cứ phong cách làm việc như thế này sẽ chẳng bao giờ có được hàng cây như thế nữa”, bạn đọc Lương Thị Thu Trang tâm sự.
Còn độc giả Nguyễn Thu Hương chia sẻ: “Tuổi thơ của tôi có rất nhiều kỷ niệm với hàng cây xà cừ này. Hôm nhìn hàng cây bị chặt tôi đã hụt hẫng như bị mất đi một cái gì đó rất quý giá, nước mắt rơi và sống mũi cay cay. Giờ đi trên đường Nguyễn Trãi rộng thênh thang mà lòng mình trống trải, nhói đau quá. Vĩnh biệt hàng cây yêu dấu của tôi”.
Bức xúc trước sự việc Sở Xây dựng Hà Nội đã chặt hạ hơn 400 cây xà cừ và hàng chục cây khác trên tuyến đường Nguyễn Trãi, bạn đọc nick name Cayxanh nói: “Cây chặt ầm ầm ban ngày ban mặt, báo chí đăng tin rầm rộ làm gì có chuyện các ông không biết mà phải căn cứ theo mấy đề án báo cáo. Giờ tóe loe ra thì đổ cho trong báo cáo đề án không có ghi. Vậy là sao?”.
“Chặt hết cây rồi mới nói không có trong đề án là sao? Sao các ông không phản bác ngay lúc bắt đầu chặt cây, để chuyện đã rồi mới nói ra? Phải chăng không có dư luận mạnh thì ông không đủ dũng cảm để phản bác? Chúng tôi muốn biết ai sẽ phải chịu tránh nhiệm về sự việc này?”, độc giả Đinh Bằng nói.
“Cây thì đã chặt rồi, giờ lôi ra nói thì giải quyết được cái gì. Vấn đề bây giờ là ai sẽ là người chịu trách nhiệm hay cuối cùng là rút kinh nghiệm và tự kiểm điểm sâu sắc và trách nhiệm thuộc về tập thể, rồi không ai bị sa thải cả”, bạn đọc Vũ Tú Na nói.
Trần Hưng (Theo Vnexpress)
Vì sao người dân bức xúc với đề án thay thế cây xanh đô thị?
Những ngày qua, chuyện Hà Nội chặt bỏ hàng loạt cây để thay thế cây đô thị đúng chủng loại đã gây bức xúc trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu thông tin, đánh giá tác động môi trường có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân...
Cây xanh phát triển luôn gắn với đất đai, khí hậu, không gian sống... Song hiện nay, cây xanh được trồng trên đường phố chưa được quan tâm đúng mức, gây xung đột môi trường sống với hạ tầng kỹ thuật đô thị. Khi Hà Nội chủ trương chặt bỏ 6.700 cây không đúng chủng loại để thay thế cây đô thị, điều này ngay lập tức đã làm "nóng" dư luận. Bởi nếu thực hiện, đây sẽ là cuộc "cách mạng xanh" quy mô lớn đầu tiên được triển khai ở Hà Nội. Tuy nhiên, nếu cùng một lúc loại bỏ một số lượng cây xanh lớn như vậy, lý do đưa ra chỉ vì "cây không đúng chủng loại" thì chưa thuyết phục.
Việc thay thế cây xanh trong thành phố cần có lộ trình rõ ràng cùng sự tham gia của toàn thể xã hội.
Anh Hoàng Văn Hùng (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cho biết: "Trồng một cây xanh phải mất ít nhất hàng chục năm mới cho bóng mát. Nếu thay thế một loạt, thì đồng nghĩa với việc những năm sắp tới, Hà Nội sẽ thiếu bóng cây xanh. Mùa hè sắp đến, thành phố vốn đã ngột ngạt bởi nắng nóng, khói bụi, ô nhiễm... nay còn thiếu cây xanh thì không biết sẽ như thế nào. Đành rằng thành phố chủ trương loại bỏ cây sâu mục, cong queo, nguy hiểm để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão nhưng nên thay thế dần dần, xen kẽ giữa các cây. Hơn nữa, tại sao thành phố lại chặt bỏ hàng loạt cây đang xanh tốt để trồng mới các loại cây khác mà chưa có sự tham khảo ý kiến của người dân?", anh nói.
Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố giai đoạn 2014-2015 đã được UBND thành phố Hà Nội thông qua theo Quyết định 6816/QĐ-UBND ngày 11-11-2013. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều người dân vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra khiến nhiều cây bị đốn hạ đồng loạt, trong khi có không ít cây nếu quan sát bằng mắt thường bên ngoài thì không thấy dấu hiệu sâu mọt, bệnh tật. Nhiều gốc cây còn lại trên đường cho thấy đây là những cây còn khỏe mạnh.
Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cây xanh đô thị hiện có khoảng 70 loài, trong đó có các cây trồng từ thời Pháp thuộc và sau ngày giải phóng Thủ đô, đến nay đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị hỏng nên rất nguy hiểm, nhất là loại cây xà cừ. Hơn nữa, nhiều cây cong nghiêng, phát triển không đều như phượng, cơm nguội, quếch, bàng, trứng cá, long não... không đạt chuẩn cây đô thị.
Đặc biệt, nhiều tuyến phố tồn tại loại cây lâm nghiệp, chẳng hạn cây keo trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh. Do là cây lâm nghiệp nên tuổi thọ của cây ngắn, cành giòn dễ gẫy, nguy hiểm cho người đi đường. Ngoài ra, một số cây do người dân tự trồng trên một số tuyến phố chưa phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển chậm, cong xấu làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng chất lượng hệ thống cây xanh trong thành phố... cũng cần phải loại bỏ.
Hiện nay, hệ thống cây xanh ở Hà Nội chưa đồng nhất do nhiều yếu tố khách quan. Ngày trước, khi kinh tế đất nước còn khó khăn, thành phố chưa tính toán, nghiên cứu trồng cây gì một cách bài bản. Ngày nay, quá trình đô thị hóa phát triển, thành phố chú trọng chỉnh trang đô thị, thay dần những loại cây không chuẩn bằng các loại cây đạt chuẩn, sao cho phù hợp Quy hoạch hệ thống công viên cây xanh thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, từng bước xây dựng thành phố đạt tiêu chí đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp.
Chủ trương, chính sách cải tạo thay thế cây xanh là hợp lý, đô thị nào cũng cần như thế. Tuy vậy, trong quá trình triển khai do công tác thông tin không kịp thời, đầy đủ, các đơn vị thực hiện đã hạ chuyển và thay thế hàng loạt cây trên một số tuyến phố, dẫn tới dư luận bức xúc.
Sau khi kiểm tra tình hình, lắng nghe ý kiến công luận, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận và các đơn vị dừng việc thay thế, hạ chuyển cây xanh hiện nay để rà soát việc thay thế cây xanh, bảo đảm đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Trước khi triển khai, Sở Xây dựng phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Rút kinh nghiệm, Sở Xây dựng thay đổi phương thức thực hiện, gắn biển công khai cây cần thay thế, thay bằng chủng loại cây gì, thời gian thực hiện... để người dân giám sát.
Nhiều người hy vọng, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ có cách làm khoa học, điều chỉnh sao cho phù hợp để Thủ đô ngày một văn minh, sạch, đẹp.
Vạn Thắng (Theo Ngày Nay)
Hà Nội chặt 6.700 cây xanh: Đừng để 'quýt làm cam chịu' Nếu không có "tráp" của lãnh đạo chính quyền thành phố, những cán bộ cấp dưới của sở Xây dựng Hà Nội có gan "hóa kiếp" hàng nghìn cây xanh? Mặc dù lãnh đạo TP.Hà Nội đã đăng đàn khẳng định "không có lợi ích nhóm" trong việc đốn hạ 6.700 cây xanh, tuy nhiên nhiều câu hỏi vẫn gieo vào lòng người...