Tiết lộ công binh Cam Ranh cứu dân sập hầm thủy điện
Với bản lĩnh vững vàng lực lượng công binh đã cứu hộ thành công 12 nạn nhân vụ sập hầm.
Chiến thuật trước đi thấp, sau đi cao
Liên quan đến việc cứu hộ vụ sập hầm Đạ Dâng, Lâm Đồng, Đại tá Đặng Văn Cát – Trưởng phòng Phòng chống cháy nổ cứu sập (Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn), Cục cứu hộ cứu nạn thuộc Bộ Quốc phòng cho biết: Lực lượng tham gia cứu hộ lần này là chủ công của công binh trong thi công công trình ngầm nơi nền đất yếu đóng ở Cam Ranh.
“Khi nhận được thông tin, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Cục cứu hộ cứu nạn đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng điều lực lượng của Bộ Tư lệnh Công binh thi công công trình ngầm lên Lâm Đồng tham gia trực tiếp công tác cứu hộ, cứu nạn”, ông Cát cho biết.
Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên thi công đường hầm cùng lực lượng cấp cứu mỏ Thuộc Tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản (TKV) tiến độ rất chậm. Tới ngày 18/12, lực lượng Công binh nghiên cứu hiện trường và buổi chiều hôm đó Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào thị sát. Lực lượng đã xin mở thêm đường hầm thứ 2, phòng trường hợp hầm phía TKV tắc thì bên này vẫn tiếp tục. Yêu cầu được Phó Thủ tướng đồng ý.
“Đất sạt lở nên thi công khó, chỉ đào vào là nó lại sạt xuống. Yêu cầu đặt ra chỉ cần chống tràn được thì sẽ thi công được (vì đất sạt nên không chắc). Cuối cùng lực lượng chọn phương án khoét tới đâu thì đẩy khuôn chống tràn vào tới đấy để cố định luôn cả 4 phía của hầm cứu hộ.
Nếu không may có nước lớn đẩy sạt chân hầm thì hầm vẫn không bị đe dọa và đã có bộ khung chắc giữ ổn định hầm”, Đại tá Cát chia sẻ.
Đường hầm do lực lượng công binh thực hiện.
Video đang HOT
Theo Đại tá Cát, do là đất sụt từ trên xuống thì sẽ theo hình nón (nhỏ ở trên và to dần xuống dưới), nên việc thi công một nửa ở thấp, một nửa cuối hầm thì cao hơn đã rút ngắn được một phần quãng đường, bớt nhiều thời gian. Khi gần tới mép trong đường hầm, vì trong đường hầm còn rất nhiều nước, nên việc thi công cao lên cũng tạo thành một bờ đê cản nước.
Ngoài ra, giải pháp phân ca cũng giúp khá nhiều đẩy nhanh tiến độ, lúc đầu là 3-4 tiếng/ca, sau đó rút xuống còn 2 tiếng/ca, thậm chí có người mệt là thay người khác vào ngay, để anh em nghỉ lấy sức, đảm bảo lực lượng lúc nào cũng là những người khỏe nhất, khỏe mới làm nhanh, nên mỗi giờ làm được 1m, mỗi ngày làm 12 ca, nên chỉ sau 24 giờ thi công là thông được hầm. Mỗi ca là 8 người. Mặc dù thi công sau nhưng lại về đích trước.
Bên cạnh đó, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng – Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh (Bộ Quốc phòng), người được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy các lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ trong hầm cho biết: Vì điều kiện địa chất nên không cho phép đưa bất cứ phương tiện cơ giới nào vào để đào hầm giải cứu. Do vậy, tất cả đều phải đào thủ công bằng sức người. Kiểu đào hầm truyền thống của bộ đội Cụ Hồ, của cha ông vẫn phát huy tác dụng tốt, hiệu quả cao.
Đại tá Phan Văn Tỵ, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết với quyết tâm và nỗ lực của Công binh đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được Phó Thủ tướng giao, đã hoàn thành cứu hộ sớm hơn 1 ngày so với nhiệm vụ được giao (mất 2 ngày so với dự kiến 3 ngày ban đầu Phó Thủ tướng giao).
“Đây cũng là thể hiện bản lĩnh, ý chí quyết tâm của quân đội và vai trò trách nhiệm với việc cứu nạn. Và đây cũng là món quà của lực lương công binh nói riêng và lực lượng cứu hộ của quân đội nói chung, chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
Bản lĩnh giúp hoàn thành nhiệm vụ
Qua nhiều ngày cứu hộ, lực lượng công binh đã rút ra cho mình được nhiều bài học quý giá. Đó là công tác tổ chức, chỉ huy, điều hành phải nhanh chóng, kịp thời, sao chỉ huy thống nhất các lực lượng, có phân công nhiệm vụ cụ thể; tổ chức và sử dụng lực lượng cho hợp lý, như sử dụng lực lượng 2 lực lượng mở ngách vào cứu nạn, bên phải là lực lượng ứng cứu sự cố sập hầm của TKV, bên trái là lực lượng công binh chuyên nghiệp, cả 2 lực lượng có kinh nghiệm và chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ này.
Và quan trọng hơn hết, nếu không có bản lĩnh vững vàng thì chắc chắn không thể hoàn thành nhiệm vụ được.
Anh Hoàng Văn Thảo, người đầu tiên thông hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng, cho biết, lúc đào gần đến đường hầm, anh thấy một tia sáng phản lại nên anh em đồng loạt quyết tâm đào liên tục và rất nhanh. Khi đào được vào trong hầm các nạn nhân hết sức sung sướng.
Chiến sĩ công binh Hoàng Văn Thảo – người đầu tiên tìm thấy các nạn nhân trong vụ sập hầm.
“Lúc đầu tôi gọi hỏi bên trong có ai không, nhưng không ai trả lời vì những người gặp nạn đều đứng ở đầu bên kia. Gọi khoảng 20 lần thì bắt đầu có người khóc và hoảng loạn kêu cứu. Nghe được tiếng khóc và kêu cứu của mọi người, bọn tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc vì biết rằng họ đã được cứu”, chiến sĩ Thảo nhớ lại.
Ngay lập tức anh Thảo cùng đồng đội báo cho mọi người xung quanh và tiến hành đưa từng người lên phía miệng hầm phụ để chuyển ra ngoài.
“Một số công nhân mắc kẹt khi nghe tiếng lực lượng cứu hộ đã vui mừng đến suýt ngất vì biết mình đã được sống sau nhiều ngày bị mắc kẹt trong hầm tối.
Còn các chiến sĩ chúng tôi thì như vỡ òa, quên đi tất cả những mệt nhọc. Chỉ muốn đưa những người này ra ngoài càng nhanh càng tốt để được các bác sĩ chăm sóc, điều trị”, anh Thảo nói.
Theo NTD
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương cứu nạn sự cố sập hầm
Thủ tướng vừa có công điện yêu cầu khẩn trương cứu nạn sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, sử dụng các biện pháp để tập trung ứng cứu, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn đối với các nạn nhân còn bị mắc kẹt trong hầm.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 7, các đơn vị đóng quân trên địa bàn và các đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến 14h ngày 16/12, công tác tìm kiếm cứu hộ, các công nhân còn mắc kẹt trong sự cố sập hầm dẫn nước thủy điện Đa Dâng-Đa Chomo vẫn đang được tiến hành khẩn trương.
Lực lượng cứu hộ đã sử dụng cả máy khoan ngang tìm cách đưa ôxy vào trong đường hầm, đồng thời khẩn trương gia cố, ổn định vị trí bị sập để giải cứu các nạn nhân. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn.
Tuy nhiên công tác tìm kiếm cứu nạn gặp không ít khó khăn do địa điểm bị sập cách cửa hầm khoảng 300-500m, diện tích hầm bị sập kéo dài khoảng 6m với hàng trăm mét khối đất.
Các lực lượng tìm kiếm đã đưa một ống sắt có đường kính khoảng 60 cm vào hiện trường để hút đất đá ra, các nạn nhân sẽ chui qua đường ống này để ra ngoài. Cùng với đó việc khảo sát tìm kiếm vị trí rò rỉ, ngăn nước mưa từ trên xuống cũng đang được gấp rút triển khai.
Sáng 16/12/ 2014, công trình đang thi công thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo tại thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra sự cố sập hầm làm 11 công nhân còn đang bị mắc kẹt,
Công trình thuỷ điện Đạ Dâng-Đa Chomo có tổng công suất 22 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm là 109,27 triệu kWh; dự án có tổng mức đầu tư 475,166 tỷ đồng do Công ty Long Hội làm chủ đầu tư
Theo NTD
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải bấm nút khởi công xây hệ thống cung cấp điện cho Nhà máy Điện hạt nhân Ngày 12/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tham dự lễ khởi công xây dựng công trình hệ thống cung cấp điện phục vụ cho việc thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 tại thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Hệ thống cung cấp điện phục vụ thi công Nhà máy điện hạt nhân (ĐHN)...