Tiết lộ 3 cảnh bị cắt của “Us”: Cảnh cuối cùng thay đổi hẳn ý nghĩa đoạn kết!
Dù đã bị dán nhãn cấm trẻ em dưới 18 tuổi, “Us” công chiếu tại Việt Nam vẫn bị cắt một số cảnh, trong đó có liên hệ mật thiết tới cái kết phim.
Nhiều bộ phim kinh dị hay hành động về Việt Nam luôn bị cắt những cảnh đổ máu để tránh gây phản cảm trong mắt khán giả. Us ( Chúng Ta) cũng không ngoại lệ khi đã bị lược bỏ một số đoạn quá bạo lực. Tiếc thay, một chi tiết quan trọng liên quan đến twist (nút thắt) cuối phim cũng nằm trong số đó.
1. Cảnh gia đình Tyler bị lấy mạng
Trong suốt 30 phút đầu phim, người xem đã nghĩ rằng gia đình Wilson là những người duy nhất có “bản sao”. Sau khi mất mạng Abraham và trốn thoát khỏi tay Red, Gabe ( Winston Duke) đưa vợ con sang lánh nạn ở nhà người bạn thân Josh Tyler (Tim Heidecker). Đây là gia đình có 4 thành viên gồm Josh, vợ Kitty (Elisabeth Moss) và cặp song sinh Becca và Lindsey (Cali và Noelle Sheldon), đã đi nghỉ dưỡng tại bãi biển Santa Cruz cùng nhà Wilson trước đó.
Cảnh gia đình Tyler bị đâm mất khá nhiều máu.
Nhưng trước khi Gabe có thể đến nơi, họ đã bị những “bản sao”hại một cách tàn bạo bằng kéo. Cảnh phim chiếu ở Việt Nam đã bị lược bớt một vài đoạn đổ máu nhưng không thay đổi ý nghĩa khi khán giả vẫn biết rằng Tethered (Người bị xích) có mặt ở khắp mọi nơi.
2. Cảnh Zora lấy mạng cô em gái sinh đôi
Hình ảnh Zora lấy mạng người quá bạo lực.
Khi gia đình Wilson tới nhà Tyler, Adelaide (Lupita Nyong’o) đã bất ngờ bị các Tethered bắt vào trong. Cùng lúc đó, Tex – phiên bản xấu xa của Josh – truy đuổi Gabe. Tính mạng của Adelaide giờ đây nằm trong tay cô con gái Zora (Shahadi Wright Joseph) và cậu út Jason (Evan Alex).
Zora cầm theo một cây gậy đánh gôn và đụng độ với “bản sao” của cặp song sinh nhà Tyler. Trong bản gốc, cô bé không chỉ vụt gậy vào đầu mà còn dùng phần đầu nhọn để đâm kẻ thù. Cảnh phim này bị bản Việt cắt đi vì quá bạo lực.
3. Adelaide lấy mạng Red
Cảnh Adelaide là Red thực chất dài hơn trong phim vài phút.
Những bí ẩn của Us ngày càng được đẩy lên cao trào khi Adelaide truy đuổi theo Red xuống dưới đường hầm để cứu Jason. Sau một đoạn đối thoại dài dòng về mục đích của Tethered, Adelaide vung gậy tấn công Red nhưng đều bị hóa giải bằng bài múa mà cả 2 cùng biểu diễn lúc bé.
Cảnh phim kết thúc bằng việc Adelaide kết liễu được Red bằng một nhát đâm xuyên người và cứu Jason. Tuy nhiên, phiên bản gốc dài hơn thế nhiều. Ngay khi bị đâm, Red ngồi xuống vị trí đầu giường và cố tự trấn an bản thân bằng việc huýt sáo. Nhưng sau đó, Adelaide dùng xích của còng tay để bóp cổ “bản sao” đến chết.
Cô yên lặng một chút rồi bật cười, ban đầu thì nghe như khóc nhưng lâu dần lại chuyển sang mãn nguyện. Cuối cùng, Adelaide giật lấy chiếc vòng cổ của Red. Cảnh phim này đã giải thích vì sao Jason tỏ ra sợ hãi mẹ mình khi ngồi trong một chiếc tủ gần đó và chứng kiến tất cả mọi chuyện.
Cảnh phim giải thích được việc hoán đổi thân phận của 2 nhân vật.
Chúng cũng giải thích luôn việc cậu bé dần kéo chiếc mặt nạ xuống tỏ ý phòng thủ khi nhìn Adelaide ở cuối phim mà ai cũng đều thắc mắc. Ngoài ra, nhiều tình tiết trong đoạn phim trên cũng giải nghĩa nút thắt cuối cùng khi Adelaide thực chất chính là Red. Cô bé đã bắt cóc và hoán đổi vị trí với “bản gốc” của mình trong căn nhà gương năm xưa.
Chi tiết rõ nét nhất chính là việc Adelaide huýt sáo khi không tìm được đường ra. Thói quen tự trấn an này của cô bé một lần nữa xuất hiện khi bị đâm xuyên tim. Hành động Red (trong thân phận Adelaide) bóp cổ đối thủ đến chết như tái hiện lại hình ảnh thời bé khi cô bắt cóc “bản gốc”.
Hình ảnh cậu út Jason nhận biết thân phận thật của mẹ mình cũng dễ hiểu hơn.
Giọng cười chua chát rồi chuyển sang mãn nguyện của nữ nhân vật như hàm ý rằng giá như Red năm ấy bóp cổ Adelaide đến chết thay vì giam dưới hầm thì mọi chuyện đã không xảy ra. Nhưng giờ đây, phiên bản kia cũng đã chết, Red có thể đường đường chính chính chôn vùi quá khứ và sống dưới thân phận Adelaide mà không phải lo sợ gì nữa.
Us hiện đang công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo trí thức trẻ
Đọc xong 11 chi tiết này, bạn sẽ xem phim kinh dị đang hot "Us" theo một cách hoàn toàn khác!
Sau "Get Out", "Us" lại tiếp tục định hình phong cách làm phim "thâm thúy" của Jordan Peele khi mọi chi tiết dù là nhỏ nhất vẫn có ý nghĩa nhất định.
So với câu chuyện phân biệt chủng tộc trong Get Out (2017), ý nghĩ của Us ( Chúng Ta) sâu xa hơn hẳn khi nói lên được cả những nỗi sợ từ bên ngoài, sự chia rẽ, phân giai cấp trong xã hội ngay thời hiện đại. Trong đó, mỗi một chi tiết nhỏ xuất hiện đều mang chủ đích nhất định của Jordan Peele.
Trailer "Us"
1. Những cuộn băng ở nhà Adelaide
Ngay cảnh mở đầu, Us đã cho khán giả "ngập trong trứng" bởi hàng loạt những cuộn băng VHS được đặt xung quanh TV nhà Adelaide. Jordan Peele đã khéo léo cài cắm một loạt cái tên đầy ẩn ý.
C.H.U.D. (1984): Bộ phim kinh dị viễn tưởng lấy bối cảnh New York với hàng loạt cái chết và vụ mất tích gây ra bởi Undergrounders - một chủng tộc người đột biến sống trong cống rãnh thành phố. Chi tiết này liên hệ trực tiếp tới Tethered (Người bị xích) khi sống dưới những đường hầm tăm tối.
The Goonies (1985): Đây là bộ phim kinh điển kể về cuộc phiêu lưu trong các đường hầm và hang động với sự tham gia của Sean Astin và Josh Brolin. Ở phần cuối bài phát biểu trong phòng học dưới lòng đất, Red (Lupita Nyong'o) đã trích dẫn câu nói của Sean Astin: "It's our time now. Our time, up there." (Giờ là thời đại của bọn ta. Thời đại của bọn ta, ngay trên đó.)
The Man With Two Brains (1983): Bộ phim hài của Steve Martin xoay quanh nhà khoa học yêu một bộ não biết nói. Peele đã xác nhận với tờ Uproxx rằng chi tiết này liên quan đến chủ đề chính của phim: "Ý tưởng về hai bộ não chia sẻ một linh hồn xuất hiện từ đây. Nó cũng từng là tài liệu tham khảo cho Get Out nữa đấy."
A Nightmare on Elm Street(1984):Bộ phim kinh dị nổi tiếng này có khá nhiều liên hệ với Us, điển hình là vết bỏng trên mặt Pluto trông có vẻ tương tự với gương mặt biến dạng của Freddy Krueger, cả gia đình chỉ đeo duy nhất một bên găng tay và cảnh Adelaide đi lòng vòng qua những căn phòng nồi hơi, cũng giống như khi tên ác nhân vờn các nạn nhân.
2. Michael Jackson
Hình ảnh Thriller trên áo của Adelaide khi bé.
Michael Jackson (MJ) có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với hình ảnh được xây dựng trong phim. Năm 1982, "ông hoàng nhạc Pop" đã cho ra mắt ca khúc Thriller với hình ảnh những con zombie nhảy múa. Trên bìa album, bộ trang phục đỏ và chiếc găng tay đã trở thành hình ảnh mang tính biểu trưng của MJ trong thời kì đó.
Ngoài ra, ông cũng một trong những ngôi sao góp sức vào chương trình Hand Across America trong phim. Năm 1986, Michael Jackson cũng đã thu một bài hát trong album Bad có tên The Man in the Mirror (Người Đàn Ông Trong Gương) - hệt như lần đầu Red và Adelaide gặp nhau.
3. Liên tưởng đến Big (1988)
Mẹ của Adelaide nói với chồng rằng con gái họ chưa đủ lớn để đi tàu lượn siêu tốc Big Dipper. Chi tiết này lấy cảm hứng từ phim bộ phim hài giả tưởng Big do Penny Marshall làm đạo diễn. Trong đó, cảnh phim định mệnh này đã tạo ra "hai phiên bản của cùng một con người."
4. Nhóm Black Flag
Trong những cảnh đầu của Us diễn ra vào năm 1986, một anh chàng chơi đập chuột mặc áo phông in logo của nhóm nhạc Black Flag hình cờ đen trên vải trắng. Năm 2019, 1 trong 2 cô con gái song sinh nhà Tyler cũng mặc áo phông của Black Flag nhưng là cờ trắng trên vải đen. Điều này tượng trưng cho những thước phim "âm bản" như những kẻ nhân bản khuyết thiếu linh hồn.
4. Lấy cảm hứng từ Jaws (1975)
Lần đầu tiên xuất hiện, Jason - con trai của Adelaide - mặc chiếc áo phông có logo của Jaws. Us cũng có một cảnh tương tự với siêu phẩm của Steven Spielberg khi Adelaide đi dạo một mình trên bãi biển vào buổi đêm. Nhưng thay vì giữa những cơn sóng, cô bé lại thấy nỗi kinh hoàng trong đất liền.
Ngoài ra, Gabe (Winston Duke) cũng trích dẫn hai câu nói khá đáng nhớ trong Jaws, khi cố tìm cách để tránh người nhân bản đó là: "We're gonna need a bigger boat" (Chúng ta cần một chiếc thuyền lớn hơn) và "Boats are done. I am done with boats!" (Mấy cái thuyền xong rồi! Tôi xong đời với đám thuyền rồi.)
5. Những con thỏ
Trong một cảnh phim, Red nói với Adelaide rằng họ phải ăn những con thỏ sống vì dưới lòng đất không có thực phẩm. Cô con gái Zora xuất hiện lần đầu tiên với chiếc áo thun thiết kế hình thỏ và sau đó là chiếc áo ngủ có chữ "Thỏ" bằng tiếng Việt. Hình ảnh thỏ thường được dùng trong các thí nghiệm ám chỉ việc chính phủ dùng những con vật này để tạo ra cỗ máy nhân bản. Trong khi đó, tiếng Việt gợi nhắc đến chiến tranh Việt Nam - thứ khiến xã hội Mỹ phân hóa sâu sắc.
6. Cảm hứng từ The Shining (1980)
Bên cạnh lối kể chuyện giống nhau và phong cách cài cắm nhiều ẩn dụ, Peele cũng tham khảo khá nhiều từ bộ phim của Stanley Kubrick bằng cảnh quay từ trên cao xuống chiếc xe đơn độc đi trên một con đường trống. Us cũng có một cặp song sinh kì dị nhà Tyler giống The Shining. Khi gặp biến cố, Gabe cũng cố sử dụng gậy bóng chày để phòng thân giống Wendy trong The Shining.
7. Hình ảnh cây kéo
Kéo là vũ khí mà Tethered dùng để hại con người. Rất nhiều đạo diễn phim kinh dị ưa thích cho những kẻ ác nhân sử dụng kéo. Từ Dial M for Murder (1954) của Hitchcock cho đến Rabid (1977), Oldboy (2003) và Antichrist (2009), chúng đều được sử dụng như một thứ vũ khí tối thượng. Ngoài việc là một đồ vật bén nhọn, nguy hiểm, dễ sử dụng, kéo còn có hai phía đối xứng nhau, giống như Adelaide và Red hay người thường và người nhân bản. Ngoài ra, kéo còn tượng trưng cho sự chia cắt giữa các tầng lớp xã hội với nhau.
8. Phong cách của De Palma
Brian De Palma là vị đạo diễn nổi tiếng thế giới với hai bộ phim đã trở thành kinh điển là Carrie (1976) và Scarface (1983). Trong cảnh lớp học giữa Adelaide và Red, Jordan sử dụng cảnh quay theo phong cách "split diopter" giữa hai nhân vật đều do Lupita thủ vai. Chi tiết này gợi nhắc tới cảnh phim trong Sisters (1972) của De Palma, kể về một cặp chị em song sinh như bản tính đối ngược, người thì bình thường, kẻ lại độc ác và ham chết chóc.
9. The Twilight Zone
The Twilight Zone là loạt phim truyền hình khoa học viễn tưởng có ý nghĩa đặc biệt với Jordan Peele. Không chỉ cực kì yêu thích, anh cũng sắp trở thành người cầm trịch phiên bản remake. Tập phim đầu tiên của The Twilight Zone có tên là Mirror Image, kể về một người phụ nữ có cảm giác bị theo dõi bởi doppelgnger của chính mình.
Doppelgnger (Người song trùng) là một hiện tượng khoa học khá lý thú khi cho rằng ai cũng có một bản sao trên đời. Hai phiên bản này vốn ở hai thế giới song song, nhưng vì một sự kiện đặc biệt nào đó, chúng sẽ cùng xuất hiện ở một nơi và còn có thể gặp gỡ nhau. Để một người sống sót, kẻ còn lại phải chết. Điều này cũng giống với mối quan hệ kì lạ của Adelaide và Red trong Us.
10. Học Thuyết Freud về cấu trúc nhân cách của mỗi người
Trong phim, các Tethered và bản thể gốc đấu tranh với nhau vì một mục tiêu duy nhất: được tồn tại và công nhận trong xã hội. Sự đấu tranh này liên quan đến học thuyết Freud về cấu trúc nhân cách. Theo đó, mỗi con người luôn có 3 phần gồm Id (Tự ngã), Ego (Bản ngã) và Superego (Siêu ngã). Trong đó, Id là phần đen tối nhất, được dẫn dắt bởi bản năng tình dục và sinh tồn. Superego, ngược lại, chính là tiếng gọi của văn minh và chuẩn mực xã hội, luôn muốn chúng ta sống và cư xử theo lẽ phải.
Trong quá trình trưởng thành, mỗi cá thể đều đè nén iId xuống tận sâu bên trong tiềm thức, lắng nghe Superego và sinh ra một thứ gọi là Ego, là bản ngã, cái tôi "chúng ta" của bây giờ. Trong thuyết của mình, Freud đề cập đến sự trở lại của những uẩn ức bị đè nén. Ông cho rằng phần bản năng này sẽ có thể trỗi dậy vào một lúc nào đó trong quá trình trưởng thành. Việc các bản thể độc ác muốn nổi dậy chính là tượng trưng cho những bản năng bị đè nén, vùng dậy đấu tranh với cái tôi để được công nhận và tồn tại.
Hiểu theo cách này, thì cú lật trong những phút cuối bộ phim có ý Nghĩa rằng phần bản năng hoàn toàn có thể tiếp nhận superego/siêu ngã để trở thành cái tôi. Và cái tôi khi bị đè nén, không được thừa nhận và phát triển trong một môi trường không có superego thì hoàn toàn có thể bị id xâm chiếm trở lại.
Với kết phim, Jordan Peele đã rất tài tình và thách thức niềm tin của chúng ta vào cái gọi là thiện và ác. Đúng vậy, "Us" không phải là tác phẩm khẳng định đúng sai, mà là tác phẩm khơi gợi lên những trăn trở về góc nhìn. Một tethered có thể trở thành một người bình thường, một người bình thường có thể trở thành một tethered, và tất cả những tethered đó khi đã kiểm soát thế giới thì liệu có phải đáng sợ hay không, khi họ hoàn toàn có thể trở thành người bình thường?
11. Us là chúng ta hay là U.S (Nước Mỹ)?
Khi được hỏi "Các người là ai?", Red đã trả lời "Bọn ta là công dân Mỹ". Các Tethered có một đặc điểm chung là đeo găng tay bên phải. Nhiều suy đoán cho rằng đây chính là ẩn dụ biểu tượng chính trị cánh hữu, tức là đảng Cộng Hòa của Mỹ. Nếu nhìn vào truyền thông và mạng xã hội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 thì dễ dàng thấy sự ủng hộ nghiêng hẳn về Hilary Clinton của Đảng Dân Chủ. Trong khi tổng thống Trump lúc bấy giờ bị chỉ trích nặng nề.
Nhưng kết quả bầu cử cuối cùng khiến cả thế giới ngỡ ngàng, khi số lượng phiếu của bà Clinton từ các khu vực gần biển không thấm thía vào đâu so với sự ủng hộ của tổng thống Trump có được ở khu vực trung tâm nước Mỹ. Đây chính là ví dụ điển hình cho quyền lực của một bộ phận người dân vẫn luôn IM LẶNG. Họ vô cùng đáng sợ khi họ bắt đầu lên tiếng để chứng minh sự tồn tại của mình thông qua việc đi bầu.
"Chúng tôi muốn đưa ra tuyên bố với toàn thế giới", một câu thoại mà Tethered nói gần cuối phim cùng hình ảnh các bản thể song song nắm tay nhau xếp thành hàng, tạo thành một dải tường ngăn cách. Chi tiết này chắc chắn không hề ngẫu nhiên, khi Những hàng người mang màu Đỏ của Đảng Cộng Hòa, nắm tay nhau tràn và chặn ngoài Biển Xanh (màu của Đảng Dân Chủ), chia cắt đường qua Mexico của các nhân vật trong phim.
Us hiện đang công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo trí thức trẻ
Giải mã 5 tình tiết thâm thúy của US cho những ai xem về còn mông lung Với một nhà làm phim "thâm" như Jordan Peele thì cái kết của "Us" chẳng hề đơn gian chút nào đâu. Us ( Chúng Ta) theo chân gia đình Wilson gồm Adelaide (Lupita Nyong'o), Gabe (Winston Duke), Zora (Shahadi Wright Joseph) và Jason (Evan Alex) trong kỳ nghỉ tới Santa Cruz. Một gia đình với nhân dạng giống hệt họ xuất hiện và...