Tiết kiệm 250 tỷ đồng đối với 15 thuốc đấu thầu tập trung
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia thành công 5 hoạt chất và 21 thuốc. Kết quả, chỉ tính 15 thuốc, quá trình thương thảo đã giúp hạ giá thuốc hơn 21,1%, tương đương hơn 250 tỷ đồng so với giá thuốc mua năm 2017.
Tại buổi chia sẻ thông tin với báo chí ngày 5.1, ông Dương Tuấn Đức – Giám đốc Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) khu vực phía Bắc cho biết, 5 hoạt chất và 21 thuốc (đấu thầu thành công 15 thuốc) được lựa chọn đưa ra đấu thầu tập trung dựa trên tiêu chí: Sử dụng nhiều, giá thành cao, có sự chênh lệch giá giữa các tỉnh. Trong 21 thuốc, chủ yếu là thuốc kháng sinh. Phạm vi cung cấp các thuốc này là 483 cơ sở khám chữa bệnh tại 57 tỉnh, thành phố.
Bình quân giá các loại thuốc khám chữa bệnh BHYT hạ hơn trước hơn 21%. Ảnh: I.T
Cụ thể, một số biệt dược gốc (thuốc độc quyền) như hoạt chất Levofloxacin 500mg giá bình quân năm 2017 là gần 170.000 đồng/đơn vị, giá trúng thầu là 151.000 đồng (thấp hơn 11,2%); hoạt chất Meropenem 500mg có giá 464.343 đồng năm 2017 giảm còn 394.717 đồng (giảm 15%); hoạt chất Meropenem 1g có giá 803.722 đồng hạ xuống còn 683.164 đồng (giảm 15%);… Như vậy, bình quân biệt dược gốc giảm 13,82%, cao hơn dự tính so với kế hoạch đề ra (hạ giá 10%).
Thuốc generic (thuốc phổ biến) còn giảm mạnh hơn nữa, cao nhất tới 54,7%, thấp cũng 7,7%. Cụ thể như hoạt chất Levofloxacin 500mg nhóm 1 có giá năm 2017 là 108.652 đồng, giá trúng thầu là 79.000 đồng (giảm 27,3%); hoạt chất Levofloxacin 500mg nhóm 3 có giá 50.403 giảm còn 22.845 đồng (giảm 54,7%); hoạt chất Meropenem 500mg nhóm 1 có giá 2017 là 163.281 giảm còn 93.430 đồng (giảm 42,8%)… Bình quân thuốc generic giảm 33,81%.
Video đang HOT
Theo ông Đức, năm 2017, chi phí của 15 thuốc được đấu thầu tại 483 cơ sở khám chữa bệnh thuộc 57 tỉnh, thành phố là hơn 1.187 tỷ đồng, trong khi kết quả đấu thầu tập trung là gần 936 tỷ đồng. Giá thuốc này sẽ được áp dụng từ năm 2018. Như vậy, tiết kiệm được hơn 250 tỷ đồng. “Nếu mở rộng thêm các thuốc khác thì số tiền tiết kiệm được là không ít” – ông Đức nói.
Mục tiêu là lựa chọn cho người bệnh những loại thuốc có hiệu quả điều trị tốt, với giá thành hợp lý, đúng giá trị thực của thuốc, tiết kiệm những chi phí không cần thiết, phi lý”. Ông Phạm Lương Sơn
Trước đó, theo Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7.7.2016, Chính phủ giao BHXH Việt Nam tổ chức thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia đối với một số thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT. Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế về danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, trên cơ sở nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh, trong quý IV.2017, BHXH Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Giá kế hoạch được phê duyệt đã giảm từ 5-15% so với các mặt hàng đã trúng thầu tại các tỉnh, thành phố trong 12 tháng trước đó.
Ông Nguyễn Tá Tỉnh – Trưởng ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho biết thêm, dự tính năm 2018, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đấu thầu tập trung 9 hoạt chất và 20 thuốc. Trong 20 thuốc sẽ có 16 thuốc kháng sinh, 2 thuốc trị bệnh tiểu đường và 2 thuốc trị bệnh tiêu hóa. Đây đều là thuốc được sử dụng nhiều, giá trị lớn và có nhiều giá chênh lệch giữa các tỉnh.
“Mục tiêu là lựa chọn cho người bệnh những loại thuốc có hiệu quả điều trị tốt, với giá thành hợp lý, đúng giá trị thực của thuốc, tiết kiệm những chi phí không cần thiết, phi lý” – ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định. Theo ông Sơn, đây là đợt đấu thầu tập trung với các thuốc đang được sử dụng hiệu quả trong khám chữa bệnh BHYT nhằm hạ giá thành thuốc về mức hợp lý chứ không phải là đấu thầu thuốc mới, giá rẻ.
Theo Danviet
NTM Mò Ó: "Trạm y tế xã 2 tầng, khang trang hơn, tôi mừng lắm"
Đó là chia sẻ của chị Hồ Thị Xiển, thôn Khe Lặt: "Có bệnh mình cũng ra trạm xá, nhưng chỉ tới xin thuốc rồi về chứ không ở lại lưu trú đâu vì bất tiện lắm. Chỗ khám bệnh, ăn, ở, vệ sinh chưa tốt. Nay thấy trạm xá được xây dựng thành 2 tầng khang trang, tôi vui mừng lắm. Sau này, đi khám bệnh yên tâm hơn nhiều."
Trạm y tế xã Mò Ò được xây dựng từ nhiều năm về trước, trước những năm 2000. Cơ sở vật chất xuống cấp và thiếu thốn khiến cho hoạt động khám chữa bệnh hằng ngày của các y bác sĩ ở nơi này gặp nhiều khó khăn.
Nhân viên y tế của Trạm tới khám tại nhà cho người dân.
Ngày 20.10.2017, Viettel đã tài trợ và khởi công công trình Trạm y tế xã Mò Ó của huyện Đakrông (Quảng Trị). Đây là một hợp phần trong kinh phí hơn 17 tỷ đồng cho huyện để hỗ trợ hộ nghèo mua bò giống sinh sản, trồng sả xóa đói giảm nghèo, xây dựng trạm y tế xã giai đoạn 2017 - 2018.
Hình ảnh bên trong Trạm y tế xã Mò Ó bị xuống cấp, rạn nứt và thấm nước
Bác sĩ Nguyễn Văn Phụng, Trạm trưởng trạm Y tế xã Mò Ó đã công tác ở đây được hơn 16 năm. Hơn ai hết, bác sĩ thấu hiểu được những vất vả khó khăn của công tác y tế vùng cao. "Mò Ó là xã nghèo có 80% bà con người Vân Kiều sinh sống ở đây. Đời sống được nâng cao nên ý thức của người dân cũng đã thay đổi rất nhiều. Trước đây có bệnh, dân hay tìm tới thầy cúng. Nay chưa cần có bệnh, họ đã tìm tới trạm xá để khám và phòng ngừa bệnh. Nhưng cơ sở vật chất của trạm được xây dựng từ lâu, trước những năm 2000. Một số phòng hiện đã xuống cấp. Các phòng bệnh và cấp cứu cũng phải dùng chung với nhau do thiếu phòng. Hiện, trạm được trang bị 1 máy diện tim và 1 siêu âm cầm tay. Tuy nhiên, thiết bị siêu âm cầm tay đang sử dụng khó khăn vì phụ thuộc vào chất lượng truyền của mạng"- bác sĩ Phụng cho hay.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phụng, sau khi công trình trạm y tế được hoàn thành chắc chăn việc khám chữa bệnh sẽ được nâng cao hơn nhiều. "Khi có đầy đủ các phòng chức năng, trạm xá sẽ được trang bị thêm các thiết bị máy móc. Không chỉ giúp chúng tôi chữa được các bệnh thông thường, mà các bệnh phức tạp hơn như cao huyết áp, siêu âm cho thai nhi, các bệnh trẻ em..Giảm tải bớt cho bệnh viện tuyến trên" - bác sĩ Phụng cho biết.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo Viettel làm lễ khởi công công trình Trạm y tế xã Mò Ó
Trạm y tế xã Mò Ó có kinh phí đầu tư 3,5 tỷ đồng dự kiến được xây kiên cố với 2 tầng và 13 phòng chức năng. Sau khi hoàn thành, trạm y tế có thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản của 5 thôn thuộc xã Mò Ó và 2 thôn lân cận. Đây là trạm y tế tuyến xã thứ 3 được hỗ trợ xây dựng tại huyện Đakrông. Trước đó 2 xã khác đã được xây dựng trạm y tế là Hướng Hiệp và Phú Thành.
Thiếu tướng Hoàng Công Vĩnh - Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, việc hỗ trợ và khởi công, xây dựng Trạm y tế xã Mò Ó, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là một trong các nội dung hoạt động hỗ trợ của Viettel giai đoạn 2017-2018 trong việc thực hiện chủ trương giúp địa phương thực hiện an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 30a của Chính phủ.
Theo Danviet
Hơn 100 loại thuốc trúng thầu tại Bình Định có giá cao bất ngờ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định vừa phát hiện 126 loại thuốc tại địa phương này có mức chênh lệch cao hơn giá thuốc trúng thầu so với các tỉnh, thành khác từ 10% trở lên (nhiều loại cao hơn 40%). Điều này đang khiến dư luận rất bất ngờ. Hôm qua (7.7), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê...