Tiếp vốn nuôi dê giúp nông dân có “của ăn của để”
“Nhờ được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), gia đình tôi đã vươn lên ổn định cuộc sống, không chỉ có mô hình nuôi dê hiệu quả mà còn có của ăn, của để” – ông Hà Văn Trọng – thôn Trung Thái, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) nói.
Đi lên từ đồng vốn của Hội
Ông Nguyễn Văn Hoành, xã Nghĩa Trung chăm sóc đàn dê gây dựng từ vốn vay Quỹ HTND.Ảnh: Đức Thịnh
Cách đây vài năm, gia đình ông Trọng từng là hộ nghèo nhất, nhì xã Nghĩa Trung. Nhờ sự giúp đỡ về vốn đầu tư của Quỹ HTND, gia đình ông Trọng đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Trọng khoe: “Trước đây do không có vốn, gia đình tôi nhận nuôi rẽ đàn dê cho 1 hộ khác trong thôn. Với hình thức nuôi này, sau khi dê mẹ đẻ, con đầu tiên người có vốn được hưởng, con thứ 2 dành cho người nuôi rẽ là tôi và cứ thế tiếp tục mỗi hộ 1 con ở các lứa tiếp theo. Tôi thấy nuôi dê chỉ cần đầu tư con giống, nguồn thức ăn thì đã có sẵn trong tự nhiên, vốn đầu tư ít, thu lãi nhanh. Được Quỹ HTND cho vay 20 triệu đồng, tôi đã mua 5 con dê cái về lập đàn riêng của gia đình”.
Cùng với vốn được vay, ông Trọng còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê do Hội ND xã phối hợp tổ chức. Đến nay, gia đình ông Trọng thường xuyên duy trì đàn dê từ 25 – 30 con. Theo tính toán của ông Trọng, đàn dê trị giá gần trăm triệu đồng.
Video đang HOT
Cùng thôn và cùng được Quỹ HTND cho vay 20 triệu đồng nuôi dê sinh sản, ông Nguyễn Văn Hoành chia sẻ: “Trong những ngày nắng nóng này, cứ 6 giờ tôi cho đàn dê ra khỏi chuồng, khoảng 9 giờ đàn dê no cỏ thì cho về, chiều mát lại đi chăn thêm tầm 2 tiếng nữa. Hiện, với 22 con dê sinh sản, mỗi năm gia đình thu lãi hơn 30 triệu đồng từ bán dê giống”.
Đầu tư bài bản
Ông Nguyễn Hùng Thắng – Chủ tịch Hội ND xã Nghĩa Trung cho hay, với địa hình bán trung du, xã có nhiều bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn dồi dào rất thích hợp để nuôi dê. Tổng nguồn vốn Quỹ HTND T.Ư Hội NDVN giải ngân cho 15 hộ dân tham gia dự án nuôi dê sinh sản trên địa bàn xã là 300 triệu đồng, thời gian thực hiện dự án là 24 tháng.
“Đến nay, dự án đã kết thúc nhưng việc phát triển đàn dê cũng như thu nhập của các hộ vay vốn nâng lên rõ rệt. Đàn dê của xã tăng nhanh từ 500 con (năm 2014) lên hơn 1.700 con hiện nay. Trong 15 hộ được vay vốn nuôi dê, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập khá” – ông Thắng khẳng định.
Chia sẻ cách quản lý nguồn vốn Quỹ HTND hiệu quả, ông Thắng cho biết, khi được T.Ư Hội NDVN giải ngân cho ND xã Nghĩa Trung vay vốn, Hội ND tỉnh, huyện đã tiến hành kiểm tra từng hộ, rà soát các hộ đủ điều kiện mới cho vay vốn. Nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro trong chăn nuôi, trước khi giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND xã đã phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh trên đàn dê cho 56 hội viên, ND.
Ông Võ Quang Hòa – Chủ tịch Hội ND huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn huyện hiện đạt hơn 1,7 tỷ đồng. Nguồn vốn này đang giải ngân thực hiện 5 dự án, cho 110 hộ hội viên vay vốn đầu tư sản xuất. Trong đó, dự án nuôi dê sinh sản của xã Nghĩa Trung cho hiệu quả rõ rệt”.
Theo Danviet
Tổ hợp tác lớn mạnh nhờ quỹ Hội tiếp sức
Vài năm trở lại đây, nông dân ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) rất phấn khởi làm ăn bởi được sự quan tâm của Hội ND trong việc hướng dẫn thành lập tổ hợp tác, giúp bà con ổn định sản xuất, tăng thu nhập.
Tập hợp nông dân vào tổ hợp tác
Nhằm tập hợp ND trồng màu tại địa phương vào sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể để dễ theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ bà con sản xuất tốt hơn, tháng 3.2014, Hội ND xã Tân Phú Thạnh đứng ra thành lập Tổ hợp tác trồng màu Tân Thạnh Tây với 9 thành viên. Ông Võ Văn Sum - Chủ tịch Hội ND xã Tân Phú Thạnh cho biết, khi tập hợp được những hộ trồng màu vào Tổ hợp tác, Hội ND có điều kiện hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả, giúp ND tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật và liên kết với nhau trong sản xuất.
Ông Đặng Văn Hưởng-thành viên Tổ hợp tác trồng màu xã Tân Phú Thạnh thu hoạch mè (vừng). Ảnh: Chúc Ly
Đến cuối 7.2014, nhằm hỗ trợ vốn cho ND trong tổ sản xuất, Hội ND xã đã lập dự án phát triển mô hình trồng màu sử dụng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Dự án được duyệt với số vốn vay 120 triệu đồng/9 hộ. Đến nay, tổ hợp tác đã kết nạp thêm 11 thành viên, nâng tổng số lên 20 thành viên. Các thành viên trong Tổ hợp tác đều đã ổn định sản xuất.
Theo nhiều hộ trong tổ hợp tác, nhờ nguồn Quỹ HTND mà các thành viên trong dự án có điều kiện mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không phải mua chịu bên ngoài với giá cao, yên tâm sản xuất, lợi nhuận cũng cao hơn trước. Bên cạnh đó, tổ viên còn được Hội ND phối hợp ngành khuyến nông tập huấn kỹ thuật trồng màu, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thu nhập cao gấp 2 lần làm lúa
Ông Nguyễn Hồng Ngoạn - Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: "Gia đình tôi được vay 20 triệu đồng Quỹ HTND để trồng 6 công màu. Với số tiền này, tôi đầu tư trồng 2 đợt màu là bí và cải xanh. Thu hoạch, sau khi trừ chi phí, gia đình có lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi vẫn giữ diện tích trồng rau màu ổn định, mỗi năm làm khoảng 3 vụ màu, mỗi vụ có thể thu về khoảng 15 triệu đồng/công...".
Theo ông Đặng Văn Hưởng, hiện các tổ viên của Tổ hợp tác chủ yếu bán rau, màu ở điểm thu mua tập trung tại cầu Rạch Vong. Bà con có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Một số hộ làm lớn thì có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Đây mới là hướng tiêu thụ ổn định. "Thời gian tới, tôi mong rằng sẽ ngày càng có thêm nhiều hộ tham gia Tổ hợp tác để được bao tiêu sản phẩm. Xã Tân Phú Thạnh có vị trí nằm gần quốc lộ, đường sá tại xã cũng đã được đầu tư hoàn chỉnh, rất dễ để vận chuyển hàng hóa nên thuận lợi hơn cho ND" - ông Hưởng bộc bạch.
Theo Hội ND xã Tân Phú Thạnh, địa phương là vùng đất gò, trồng lúa năng suất thấp lại tiêu tốn nước nhiều, vì vậy khi được phát vay từ Quỹ HTND, bà con có điều kiện chuyển diện tích đất ruộng lúa sang trồng rau, màu. So với lúa, trồng rau, màu cho lãi cao gấp 2-3 lần.
Theo Danviet
Quỹ Hỗ trợ nông dân: Vốn nhỏ thực hiện ước mơ lớn Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hộ dân xã Tân Thành, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn, nâng cao thu nhập. Khuyến khích mạnh dạn đầu tư Tuy mới chăn nuôi lợn được 3 năm, nhưng chị Lê Thị Tuyển, xã Tân Thành đã gây dựng được...