Tiếp tục tranh cãi nảy lửa luật tịch thu xe
“Những người điều khiển xe chính chủ vi phạm sẽ bị tịch thu, những người mượn xe hoặc thuê xe nếu vi phạm thì phải chịu nộp phạt số tiền tương đương với giá trị của xe. Khi việc nộp phạt đã xong, chiếc xe sẽ được trao trả về cho chủ sở hữu”.
Sau khi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất tịch thu phương tiện đối với những người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu cao, đã có nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh vấn đề này.
Chiều 7/3, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có cuộc tọa đàm về vấn đề trên cùng với hơn 20 nhà báo. 12 câu hỏi đã được gửi tới ông Hùng.
Chủ sở hữu cho mượn xe sẽ không bị tịch thu
Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Phan Lợi, Báo Pháp luật TP.HCM đã đặt câu hỏi cơ sở pháp lý nào để Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn cao?
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, ngày 22/2 (mùng 4 Tết Ất Mùi), ông cùng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đi thăm các bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Báo cáo lãnh đạo của bệnh viện cho hay, 1 ngày có 60 ca cấp cứu vì tai nạn, trong đó 42 người có dấu hiệu sử dụng rượu bia.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức chia sẻ năm nay ít người vào cấp cứu vì tai nạn giao thông trong dịp Tết so với các năm trước. Tuy nhiên, số liệu báo cáo của ủy ban về tai nạn giao thông lại thể hiện khác hẳn. Theo đó, số người tử vong về tai nạn giao thông tăng cao hơn so với dịp Tết các năm trước.
Trong báo cáo sơ bộ, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ cũng có nói đến 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông: Vi phạm tốc độ; đi sai làn; không đội mũ bảo hiểm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu rơi vào khu vực ngoài đô thị. Nhưng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vẫn cho rằng, nguyên nhân tai nạn giao thông vì bia rượu là rất lớn.
Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có đầy đủ cơ sở để thực hiện đề xuất tịch thu phương tiện. Có nhiều ý kiến khác nhau và nói rằng xe chẳng có lỗi gì, bởi nó là vật vô tri, vô giác. Nhưng nếu phương tiện cơ giới ấy cùng với người điều khiển uy hiếp, gây nguy hiểm cho xã hội thì lại vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Do vậy, ủy ban căn cứ vào đó tham mưu đề xuất việc tịch thu phương
tiện.
Câu hỏi tiếp theo được gửi tới ông Hùng là người mượn xe khi vi phạm có bị tịch thu phương tiện? Ông Hùng cho hay: Với những người điều khiển xe chính chủ phạm luật thì sẽ bị tịch thu, những người mượn xe hoặc thuê xe nếu vi phạm thì phải chịu nộp phạt số tiền tương đương với giá trị của xe. Khi việc nộp phạt đã xong, chiếc xe sẽ được trao trả về cho chủ sở hữu. Do đó, những lo ngại của chủ xe khi cho mượn hoặc cho thuê sẽ bị mất trắng là không đúng, việc này sẽ hoàn toàn do người điều khiển
xe chịu trách nhiệm.
Video đang HOT
Trong một số trường hợp, người mượn xe không trả hoặc không có khả năng trả số tiền tương đương với xe thì xe vẫn được trao trả về cho người sở hữu. Người mượn xe sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật.
Nhiều người có mặt trong buổi tọa đàm băn khoăn, tiếp tục đặt câu hỏi, đối với người điều khiển xe biển xanh thì sẽ xử lý thế nào? Theo ông Hùng, Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng quy định rõ, bất cứ người nào vi phạm đều bị xử phạt. Không có một cơ quan công quyền nào cho phép cán bộ của mình vi phạm mà lại không bị xử lý. Do vậy, nếu như cán bộ vi phạm thì đều bị xử lý theo quy định.
Luật sư “phản pháo”
Có mặt trong buổi tọa đàm, luật sư Trần Vũ Hải đồng ý với đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn cao. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, đơn vị đề xuất cần phải nghiên cứu thêm.
Theo luật sư Hải, Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đúng là căn cứ cho Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất, nhưng căn cứ đó chưa đủ và phải nghiên cứu thêm Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự. Bởi vì luật quy định rằng, trong trường hợp mà không rõ quy định thì phải tìm những bộ luật tương tự.
Mặt khác, tại Điều 254 Bộ luật Dân sự có nói về vấn đề tài sản bị tịch thu: Khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật. Nhưng theo luật sư Hải, câu “của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính” chưa rõ nghĩa. Câu này có thể hiểu theo hai nghĩa, một là do chủ sở hữu vi phạm
và bị phạt; chủ sở hữu phạm tội nào đó, bị phạt.
Thêm nữa, trong Bộ luật Hình sự có nói tịch thu phương tiện đối với những tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Tịch thu phương tiện của người vi phạm, nhưng sau đó phải trả tài sản của người vi phạm cho người sở hữu, trừ trường hợp người này có lỗi, vi phạm đang trong thời gian bị giam giữ.
“Còn Luật Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lại không nói rõ tịch thu phương tiện của người vi phạm hay của người khác mượn. Do vậy, tôi cho rằng Ủy ban An toàn giao thông cần phải cân nhắc về vấn đề tịch thu phương tiện. Tôi có đề xuất là ngoài tịch thu phương tiện ra, ta có thể phạt thật nặng”, luật sư Hải nói.
Theo Dân Việt
Đề xuất tịch thu phương tiện: Phạt nặng càng tốt
"Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Uỷ ban ATGT, thậm chí nếu biện pháp nặng hơn mà có tính răn đe cao tôi cũng đồng ý"
Phạt nặng hơn cũng đồng ý!
Liên quan đến đề xuất mới của Ủy ban ATGT Quốc gia về việc sẽ tịch thu phương tiện nếu phát hiện tài xế có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu, chiều ngày 5/3, chia sẻ với báo Đất Việt, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nói:
"Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của Uỷ ban ATGT, thậm chí nếu biện pháp nặng hơn mà có tính răn đe cao tôi cũng đồng ý. Phải kiên quyết tước quyền lái xe, chặn xe ngay để lập lại trật tự, chứ cứ nhu nhơ, ngồi ô tô, trong phòng máy lạnh mà đưa ra ý kiến này ý kiến nọ là không được.
Ủy ban ATGT QG vừa đề xuất Chính phủ tịch thu phương tiện với người điều khiển có nồng độ cồn trên 80 miligam/100 mililít máu.
Nói chung cứ kiểm tra nồng độ cồn mà vượt quá giới hạn cho phép là phải tịch thu xe, tước quyền lái xe hai năm thậm chí tước luôn quyền lái xe, không cho bén mảng làm nghề này. Các nước làm việc này nghiêm lắm mà nước mình cứ thờ ơ, một ngày 30 người chết mà không tỉnh ra. Kỳ lạ quá!.
Đất nước này cứ xây dựng nhiều nhà máy bia, rượu vào để rồi nguồn gốc tai nạn lại từ đây. Bao nhiêu người cứ uống rượu xong là nhăm nhăm lái ô tô, hậu quả là đâm chết người.
Như trường hợp của cô người mẫu Trang Trần vừa qua, chẳng có đất nước nào mà lại người dân đâm vào CSGT rồi đánh lại, để rồi dư luận lên án thì đổ tại rượu. Thế cho nên, mình mà không có chế tài đủ mạnh thì nguy hiểm lắm."
Luật là do mình hết!
Đề cập đến nhiều ý kiến phản đối của người dân về đề xuất tịch thu xe chẳng khác gì là "hất nồi cơm" của cả gia đình, ông Thanh cho rằng: "Hất nồi cơm còn hơn để họ đi đâm chết người. Những người rượu say, đi xe đâm chết người còn hất đi hàng chục nồi cơm của nhiều gia đình khác.
Tôi là người bảo vệ cho quyền và lợi ích của các doanh nghiệp vận tải và của người lái xe nên tôi biết rõ chứ. Nếu những tài xế có ý thức với phương tiện và trách nhiệm khi lái xe thì tôi rất trân trọng, còn cứ bênh những người uống rượu, họ đâm chết người thân của mình thì mọi người nghĩ sao?
Nhiều người làm luật, cứ bảo do thế này, thế kia nhưng họ đâu có biết được vấn nạn của người say rượu khi lái xe để lại hậu quả cho gia đình nạn nhân như thế nào.
Vậy nên, luật là do mình hết, trước kia chưa nghiêm thì giờ phải sửa luật, chưa kịp sửa luật thì phải có quy định của Chính phủ. Hiện tại, chưa có bước đột phá nào về luật, vẫn cứ hô hào khẩu hiệu "lái xe không uống rượu bia", toàn những khẩu hiệu không đi vào lòng người".
Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông
Cũng theo ông Thanh: "Việc tịch thu xe là hoàn toàn đúng vì chính cái xe đó là phương tiện gây án. Chính vì thế, người lái xe phải xác định rõ nếu lái xe thì đừng bao giờ uống rượu bia, còn đã uống rượu bia thì đừng chọn nghề lái xe, đi làm công nhân bốc vác, đỡ gây tai nạn cho người khác, vậy có phải tốt hơn không? Sinh mạng con người là trên hết mà".
Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP.HCM nói: "Theo tôi nghĩ, đề xuất đó cũng đúng là nặng thật. Tuy nhiên, trước kia đã có những biện pháp xử phạt nhưng không khắc phục được thì giờ phải phạt nặng như này mới có hiệu quả. Nồng độ cồn cao mà xử phạt như vậy là đúng, phải phạt như thế thì mới răn đe, đảm bảo tính mạng cho con người được."
Ông Quản cho biết: "Nhiều người nói rằng phải uống rượu mới tỉnh táo mà lái xe, nhưng tôi nghĩ như vậy là hoàn toàn sai. Hôm nay an toàn nhưng liệu ngày mai có an toàn không? Sức khoẻ con người mỗi lúc một khác mà.
Nhiều người có tửu lượng cao, uống 10 chai bia mà vẫn chưa biết say, người tửu lượng thấp, uống một chai đã say rồi. Vậy nên, đã cấm là phải chọn hình thức phạt cao nhất để áp dụng cho tất cả các đối tượng, chứ không nên nói chuyện cao, thấp trong mức độ xử phạt.
Mỗi vụ tai nạn đau thương xảy ra ảnh hưởng đến cả đời con cái chứ không phải chuyện đơn giản. Vậy nên cần phải có chế tài đủ mạnh để răn đe những người lái xe hay uống rượu bia".
Thu phương tiện của người say xỉn là rất nhân văn
Tại buổi tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 5/3, TS. Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGTQG cho rằng: "Nếu điều khiển xe trong trạng thái say xỉn thì tịch thu phương tiện là rất nhân văn. Vì như thế số lượng người say xỉn điều khiển xe sẽ giảm đi, những người tham gia giao thông khác sẽ không bị uy hiếp nữa. Yếu tố nhân văn là như thế!".
Ông Hùng nói thêm: "Tôi cho rằng việc tịch thu phương tiện sẽ không phân biệt giá trị. Phương tiện đó có thể là xe máy hay xe sang cả chục tỉ. Khi lái xe say xỉn thì cái nguy hại không phụ thuộc giá trị phương tiện, vì thế để đơn giản hóa chúng tôi đề xuất tịch thu phương tiện mà không nói đến giá trị của phương tiện.
Có những xe là phương tiện mưu sinh của cả gia đình nhưng nếu mình quan tâm đến sinh mạng, quan tâm đến cơ hội phát triển của gia đình thì đầu tiên phải bảo vệ sức khỏe của mình"
Liên quan đến đề xuất tịch thu phương tiện bao gồm cả ô tô và xe máy nếu người điều khiển vi phạm về nồng độ cồn quá cao hoặc xe máy lưu thông vào đường cao tốc, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ khó thực thi vì xe máy, ô tô là tài sản thuộc sở hữu cá nhân, ngoài ra đề xuất trên cũng vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân trong Hiến pháp 2013.
Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng giải thích rằng, hiện nay quy định về quyền sở hữu tài sản Hiến pháp đã quy định rất rõ. Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao.
Như vậy đã có cơ sở pháp lý để thực hiện quy định này. "Trong Luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rất rõ thẩm quyền, vấn đề là trong thẩm quyền chúng ta triển khai như thế nào", ông Hùng nói.
Đề cập đến việc mức xử phạt có quá cứng nhắc nếu xe phạt không chính chủ, ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận: "Người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình. Còn việc tại sao lần đầu tiên vi phạm lại phạt nặng thế vì tai nạn thì không có lần thứ hai.
Tai nạn xảy ra đầu tiên là sức khỏe bị tổn hại, nguy cơ mất mạng, uy hiếp tính mạng người khác thường trực. Rõ ràng 70% nguyên nhân tai nạn có yếu tố con người và do ý thức khi uống rượu say thì không kiểm soát hành vi của mình. Đây là lý do tại sao các quốc gia càng phát triển, họ càng coi đây là hành vi nguy hại cho xã hội phải ngăn ngừa".
Theo Đất Việt
Người dân nói gì về đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm? Việc tịch thu tài sản của công dân phải do Tòa án hoặc Viện Kiểm sát phê chuẩn, không phải ngành nào cũng có quyền làm việc này. Xung quanh đề xuất tịch thu phương tiện, bao gồm cả ô tô và xe máy, nếu người điều khiển vi phạm về nồng độ cồn quá cao, hoặc xe máy lưu thông vào đường...