Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân cuối cùng vụ núi lở
Chiều nay 11.9, lãnh đạo H.Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, vẫn chưa tìm được nạn nhân cuối cùng Lý A Lềnh trong vụ sạt lở núi ở xã La Pán Tẩn. Có rất ít khả năng tìm thấy nạn nhân này
Rất ít khả năng tìm thấy nạn nhân cuối cùng vụ lở núi ở Yên Bái – Ảnh: Lê Quân
Ông Phạm Văn Quynh, Chánh văn phòng H.Mù Cang Chải cho biết, lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn tiếp tục việc tìm kiếm tại hiện trường. “Số lượng người trực tiếp đào bới ở hiện trường vẫn được duy trì như những ngày vừa qua. Trời đã nắng ráo, đường đã khô nên việc đi lại dễ dàng hơn. Dứt mưa nên nguy cơ sạt lở cũng giảm đi, nhưng không vì thế mà chúng tôi mất cảnh giác”, ông Quynh nói.
Ông Quynh cũng khẳng định, lực lượng tìm kiếm sẽ tiếp tục đào bới, nỗ lực tìm kiếm hết sức. Theo ông Quynh, nếu sau 7 ngày tìm kiếm không thấy nạn nhân, sẽ dừng đào bới hiện trường và thông báo cho gia đình Lý A Lềnh biết.
Video đang HOT
Ông Giàng Chứ Ly, Chủ tịch xã La Pán Tẩn cho biết, lực lượng tìm kiếm đã đào bới rất kỹ hiện trường núi lở nhưng chỉ tìm được một số mảnh vụn đã bắt đầu phân hủy.
Cũng theo ông Ly, với hàng nghìn tấn đất, đá sắc nhọn đổ rầm rầm từ trên cao xuống, nếu Lý A Lềnh không kịp chạy, khả năng sống sót gần như không có.
Ông Ly cũng cho biết, hai nạn nhân bị thương còn nằm viện điều trị là Hảng A Nắng và Hảng A Tháng vẫn đang phải tiếp tục điều trị.
Theo ANTD
Thảm hoạ được báo trước
Dăm ba chục nghìn đồng từ những ngày đội mưa nắng mót quặng để đổi lấy mạng sống, khiến con thơ mất cha, mẹ già mất con, vợ mất chồng. Nỗi đau vẫn còn đấy, nhưng không mót quặng thì biết lấy gì để ăn.
Đào núi lấy quặng, phá rừng lấy gỗ, lở núi có lẽ cũng là thảm họa nhìn thấy trước!
Đổi tính mạng vì quặng
Xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái vẫn chưa nguôi sau nỗi đau lở núi làm 18 người thiệt mạng 2 người bị thương, đến nay, thi thể nạn nhân cuối cùng vẫn chưa được tìm thấy. Lực lượng cứu nạn vẫn miệt mài cuốc xới dọc con suối Khác Nha, còn người đi mót quặng thì vẫn nườm nượp xe máy ra vào rừng. Gặng hỏi một thanh niên với bì tải to chất sau xe mink, anh chỉ cười, đầu lắc lắc, tay xua xua như muốn nói không có gì. Những người phụ nữ trong bản đi đưa ma, đi làm rẫy về cho biết, đó là quặng, họ chở ra ngoài Tú Lệ .
Cũng chỉ vì những hòn quặng mang lại miếng cơm, manh áo bèo bọt mà hàng nghìn người dân xã La Pán Tẩn phải hàng ngày cặm cụi trên những dòng suối dữ, những vách núi nứt toác để mót quặng. Nỗi đau mất cha, mất chồng, mất con chưa nguôi thì họ đã phải nghĩ, ngày mai lấy gì, làm gì để nuôi những đứa con thơ. Cũng chỉ vì quặng mà gia đình Hảng Tồng Chua và Thào Thị Của cùng đứa con trai lớn Hảng A Giàng ở bản La Pán Tẩn phải bỏ mạng, để lại 2 đứa con thơ và người con dâu đang bụng mang dạ chửa.
Nỗi đau mất 2 em là quá lớn, khi mà Hảng Thị Là mới 17 tuổi và em gái Hảng Thị Sông 13 tuổi, đang theo học lớp 6. Chị Nù Thị Dế vừa về làm dâu được gần 1 năm, hiện đang mang thai, hỏi chị đã được mấy tháng, nhưng một lúc lâu chị vẫn không thể nhớ đứa con trong bụng được bao lâu. Cuộc sống lam lũ khiến chị chẳng có thời gian mà chăm bẵm cho đứa con trong bụng. Mới 21 tuổi, nhưng mặt chị đã sạm đi vì rám nắng. Giờ đây, bố mẹ cùng người chồng mất, để lại cho chị 2 đứa em, lúa trong nhà đã hết, chỉ trông chờ vào những bữa ngô qua ngày. Mặt chị lộ rõ vẻ lo lắng không biết lấy gì để nuôi hai đứa em chồng cùng đứa con sắp chào đời. Người chú ruột Hảng A Nắng cũng bị thương nặng đang điều trị ở BV Nghĩa Lộ.
Hảng Sông Tranh, hàng xóm của gia đình Hảng Tổng Chùa cho biết, người dân ở khắp bản La Pán Tẩn đều đi mót quặng. Nhà nào cũng có một vài người, có gia đình thì cả nhà cùng vào núi tìm quặng. "Có ngày mót được 2-3kg, cũng có ngày mót được vài yến, nhưng trung bình thì khoảng 5-6kg/ngày. Tìm được quặng rồi mang ra ngã ba Kim hay mang lên Tú Lệ, Nghĩa Lộ bán, có người thu mua", anh Hảng Sông Tranh cho biết. Mỗi kilôgam quặng có giá từ 25.000 - 30.000 đồng, tùy theo chất lượng, thu nhập mỗi ngày mót quặng của người dân cũng được trăm nghìn đồng.
Anh Tranh tiết lộ: "Mỗi lần mưa lớn xuống, tìm quặng sẽ được nhiều hơn, vì kim loại từ trong núi chảy ra, xuôi theo dòng suối xuống. Có ngày sau trận mưa lớn, mót được đến cả tạ quặng". Đề cập việc nguy hiểm đến tính mạng, anh Tranh lặp đi lặp lại: "Sợ chứ, sợ chứ, mưa xuống sẽ có lũ về. Mỗi lần đi mót đều phải vừa đi vừa trông chừng. Nhưng mà sợ vẫn phải đi mót. Ruộng nương ít lắm, không đủ thóc lúa ăn, lại còn mấy đứa con nữa cơ mà".
Vì quặng mà anh Sùng A Lử đã vĩnh viễn mất đi người chị gái
Bất chấp lệnh cấm
Khu mỏ của Công ty CP Thịnh Đạt được cấp phép khai thác vào năm 2010, trên diện tích 2,25ha, thời hạn 7 năm. Ông Đỗ Xuân Thịnh, Giám đốc công ty cho biết, ngay trong buổi sáng bà con lên mót quặng, 2 bảo vệ của công ty đã ngăn cản nhưng không được. Nên khi vụ lở xảy ra, 1 nhân viên bảo vệ của công ty là anh La Văn Trận cũng bị vùi lấp theo. Đến 16h chiều, lực lượng cứu nạn mới tìm thấy xác, nhưng trên đường đưa thi thể ra ngoài, qua đoạn đường mòn, gặp núi lở, xác anh Trận lại bị vùi lấp. Phải đến 22h cùng ngày, lực lượng cứu nạn mới tìm lại được. Ông Thịnh khẳng định, công ty không thu mua lại quặng của người dân được cũng như không thuê người dân đi mót để bán cho công ty. "Người dân mót được quặng rồi mang ra khu vực ngã ba Kim, hay lên Tú Lệ, thậm chí ra tận Nghĩa Lộ để bán. Chúng tôi đã nhiều lần nhờ chính quyền can thiệp để dẹp các đầu nậu thu mua để bà con sẽ không đi mót quặng nữa", ông Thịnh nói.
Theo tìm hiểu, trên địa bàn 3 xã gồm La Pán Tẩn, Cao Phạ và Chế Cu Nha có 4 điểm khai thác quặng chì. Và tất nhiên, có hàng nghìn người dân ngày ngày đang đùa giỡn với tử thần để đổi lấy những hòn quặng. Ông Thịnh cho hay: "Thực ra, tôi cũng đã lường trước được sẽ có ngày sự việc xảy ra. Có thời điểm, người dân đổ xô vào mót sau mưa lên tới cả nghìn người, bảo vệ công ty không thể ngăn cản được. Chính quyền huyện Mù Cang Chải cũng tích cực vào cuộc khuyên bảo, rồi đề nghị các hộ ký cam kết không vào mót quặng, nhưng rồi cũng không ngăn được thảm họa".
Có lẽ, cũng chỉ vì hai chữ "mưu sinh", mà người dân nơi đây, dù nhìn thấy cái chết trước mắt vẫn phải làm. Vào tháng 4-2011, người dân ở La Pán Tẩn và các xã lân cận còn bất chấp nguy hiểm kéo hàng trăm người, gồm cả người già và trẻ con, lên khu mỏ thuộc quyền khai thác của Công ty khai thác khoáng sản Nam Hồng Hà ở bản Kháo Nhà, xã Cao Phạ, giáp ranh khu vực xảy ra vụ sập núi, dù trước đó đất đá trong lò sập xuống làm chết anh Lý A Dờ và bị thương 2 người là Lý A Chu và Hảng A Chua của xã La Pán Tẩn.
Gần cuối tháng 4-2011, UBND tỉnh Yên Bái đã cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cùng UBND huyện nổ mìn đánh sập cửa hầm lò để bảo vệ tính mạng cho người dân. Nhưng lò bị đánh sập, thậm chí cửa hầm đã được đổ bê tông, nhưng người dân vẫn phá thủng để vào mót, bất chấp lệnh cấm.
Song, cũng cần nói, điểm khai thác mỏ quặng chì của công ty CP Thịnh Đạt là khu vực rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đầu nguồn. Vào thời điểm công ty được cấp phép, người dân đã kéo lên xã phản đối vì việc khai thác sẽ chặn nguồn nước tưới cho khu vực nương rẫy của La Pán Tẩn. Núi thì đào hầm, đào hào để lấy quặng, lòng núi rỗng. Rừng thì bị tàn phá. Dù mệnh danh là đỉnh cao 2.100m trong hệ thống đèo núi Khau Phạ, nhưng đỉnh núi đã trọc lốc. Những cây gỗ to có giá trị bị đốn hạ ngổn ngang, nham nhở nơi gốc. Bằng cách cưa, xẻ thành từng đoạn, người dân vận chuyển ra dần bằng xe máy, thế là rừng cứ bị gặm nhấm dần đến nỗi, rừng đầu nguồn mà không còn mấy bóng cây cổ thụ. Đào núi lấy quặng, phá rừng lấy gỗ, lở núi có lẽ cũng là thảm họa nhìn thấy trước!.
Theo ANTD
Báo Thanh Niên hỗ trợ 92 triệu đồng cho gia đình các nạn nhân vụ sạt lở ở Yên Bái Hôm nay 9.9, đại diện Báo Thanh Niên đã đến thăm hỏi, động viên, trao tiền hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân trong vụ sạt lở núi ở Yên Bái: người chết và mất tích 5 triệu đồng/người, 1 triệu đồng/người bị thương. Đại diện Báo Thanh Niên (bên trái) trao quà hỗ trợ, động viên hai em Hảng A Già...