Tiếp thu góp ý kiến vào dự Luật Đất đai
Bắt đầu từ hôm nay, 1-2, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được tổ chức lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 31-3. Đây là dự luật đặc biệt quan trọng, có tác động sâu rộng tới đời sống của mọi người dân nên rất được dư luận quan tâm.
Đất đai là nguồn sinh kế của mỗi người dân
Phản ánh trung thực ý kiến đóng góp
Hôm qua, 31-1, Bộ TN-MT đã triển khai Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định, quản lý và sử dụng đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế rộng lớn, phức tạp, mà còn là vấn đề chính trị, xã hội rất hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến việc giữ vững thành quả cách mạng, ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan triển khai tốt việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân trên tinh thần dân chủ, công khai, khoa học, với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Phó Thủ tướng nói: “Trong phạm vi chức trách được giao, các cơ quan cần tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để đảm bảo mọi ý kiến được trân trọng và được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.
Video đang HOT
Thời gian lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua không còn nhiều, lại trùng với dịp Tết Nguyên đán, vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt chỉ đạo, triển khai theo đúng kế hoạch. Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, phổ biến đúng và đầy đủ các nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vận động nhân dân tham gia góp ý kiến, phản ánh trung thực, kịp thời các ý kiến đóng góp của nhân dân.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua hình thức góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; thảo luận tại hội nghị, hội thảo theo khu vực và theo từng vùng; góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin điện tử của Bộ TN-MT, Tổng cục Quản lý đất đai, Trang thông tin điện tử của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố. Đối tượng lấy ý kiến gồm rộng khắp các tầng lớp nhân dân.
Còn nhiều vấn đề cần làm rõ
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là chế độ sở hữu đất đai. Ghi nhận thực tế cho thấy, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, cần tiếp tục duy trì sở hữu toàn dân về đất đai. Có ý kiến lại nói nên chuyển thành sở hữu Nhà nước. Thậm chí, có người đề nghị nên đa dạng hóa hình thức sở hữu đất đai, gồm cả sở hữu tư nhân. Về vấn đề này, Điều 12 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Nhà nước cũng thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyết định thu hồi đất, định giá đất… Cũng theo dự luật, Nhà nước sẽ trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua một số hình thức. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được thực hiện ổn định từ năm 1980 đến nay phù hợp với chế độ xã hội ở nước ta; cần được duy trì nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội. Hơn nữa, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp với Hiến pháp hiện hành và đường lối của Đảng về đất đai.
Liên quan tới thời hạn sử dụng đất, dự luật quy định thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân tăng lên mức 50 năm và áp dụng thống nhất cho các loại đất nông nghiệp. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đã được xét duyệt. Tương tự, thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá 50 năm.
Về vấn đề hạn điền, dự luật quy định, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 3 ha đối với mỗi loại đất. Trong khi đó, hạn mức giao đất trồng cây lâu năm là không quá 10 ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng và không quá 30 ha đối với vùng trung du, miền núi.
Liên quan tới vấn đề gây nhiều tranh cãi – định giá đất – dự luật vẫn đưa ra quy định, “giá đất do Nhà nước quyết định phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường…”. Trong quá trình thảo luận về dự luật, nhiều ý kiến cho rằng, quy định như trên còn mơ hồ, thiếu cơ sở và khó có thể giúp giảm tải khiếu kiện cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo ANTD
Bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, bắt đầu từ ngày 2-1, người dân có thể gửi góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trực tiếp hoặc bằng văn bản tới các cơ quan, tổ chức; qua trang thông tin điện tử của Quốc hội (http://duthao online.quochoi.vn), các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.
Việc lấy ý kiến sẽ kết thúc vào ngày 31-3-2013. Ngày 8-1-2013, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành về việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân cho dự thảo. Đối tượng lấy ý kiến là tất cả các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan tổ chức ở Trung ương và địa phương. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai. Ý kiến của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc.
Theo ANTD
Lấy ý kiến người dân về Luật đất đai Theo kế hoạch, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) phải được hoàn thiện và gửi Thường vụ Quốc hội trước 10/5. Theo bản kế hoạch vừa được Thủ tướng ban hành, các công việc chuẩn bị và tiến độ triển khai cho quá trình lấy ý kiến bắt đầu từ giữa tháng 1 cho tới đầu tháng 5. Dự thảo luật sẽ...