Tiếp thêm niềm tin để ngư dân ra khơi, làm giàu, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Đó là một trong những ý nghĩa của Lễ hội ra khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam năm 2017, phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường biển và phát triển nguồn lợi thủy sản do T.Ư Hội NDVN phối hợp Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức trong 2 ngày 30 và 31.3 tại huyện đảo Cát Hải.
Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn đã trao đổi với Dân Việt xung quanh việc lần đầu tiên Hội tổ chức Lễ hội ra khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam năm 2017, phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường biển và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngư dân Khánh Hòa hăng hái ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Tất Sơn
Lễ hội ra khơi là một hoạt động trọng tâm của công tác hội và phong trào nông dân năm 2017. Qua đó, Hội NDVN kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân, ngư dân và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hăng hái ra khơi bám biển, có trách nhiệm trong việc khai thác bền vững nguồn lợi hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN
Lại Xuân Môn
Video đang HOT
Chủ tịch Lại Xuân Môn cho biết, Lễ hội ra khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam 2017, phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường biển và phát triển nguồn lợi thủy sản được T.Ư Hội NDVN phối hợp Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức đảm bảo thiết thực và long trọng. Lễ hội có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, T.Ư Hội NDVN, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng và sự tham gia của hơn 1.000 cán bộ, hội viên, nông dân thành phố Hải Phòng với hàng trăm tàu cá…
Thưa Chủ tịch, lần đầu tiên T.Ư Hội NDVN chủ trì, phối hợp tổ chức, vậy Lễ hội ra khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam 2017, phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường biển và phát triển nguồn lợi thủy sản có hoạt động nào nổi bật?
- Lễ hội là một hoạt động trọng tâm của công tác hội và phong trào nông dân năm 2017. Theo đó, phần nghi lễ ra khơi được tổ chức trang trọng với Lễ cáo yết và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và những người tử nạn trên biển và Lễ cầu ngư. Đi kèm với lễ hội, Ban tổ chức còn tiến hành nhiều hoạt động với mục đích cổ vũ, động viên, hỗ trợ và các chương trình thể hiện tính phong phú, sinh động trong đời sống sản xuất của bà con ngư dân. Trong khuôn khổ buổi lễ, Ban tổ chức sẽ trao cho các ngư dân những lá cờ Tổ quốc tươi thắm để các ngư dân gắn lên mỗi con tàu nhằm tiếp thêm niềm tin, sức mạnh trước sóng to gió lớn, trước những rủi ro của nghề biển; động viên ngư phủ vững vàng tay lái, yên tâm vươn khơi.
Cũng trong dịp này, Ban tổ chức sẽ phối hợp các doanh nghiệp, đơn vị tiến hành trao quà cho các hộ ngư dân nghèo, hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, T.Ư Hội NDVN, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng cùng ngư dân tiến hành thả con giống tôm, cá về biển. Việc làm này nhằm khuếch trương, cổ vũ hành động của cán bộ, nhân dân cả nước hướng đến mục tiêu tái tạo nguồn lợi thủy sản, giữ vững môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của hoạt động khai thác thủy hải sản. Sau lễ phát động, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành T.Ư, địa phương sẽ dự phát lệnh ra khơi và diễu hành trên vịnh Cát Bà. Theo đó, hàng trăm con tàu chờ sẵn sẽ cùng ra khơi diễu hành trên vịnh Cát Bà mang theo hy vọng về những vụ biển bội thu tôm cá.
Vậy mục đích, ý nghĩa lớn của lễ hội này là gì, thưa Chủ tịch?
- Trong những năm gần đây, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của ngư dân ngày càng được nâng cao. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Lễ hội ra khơi được nhiều địa phương tổ chức và trở thành một hoạt động ý nghĩa thường niên cổ vũ, động viên ngư dân hăng hái ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…
Lễ hội ra khơi là một hoạt động trọng tâm của công tác hội và phong trào nông dân năm 2017. Qua đó, Hội NDVN kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân, ngư dân và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hăng hái ra khơi bám biển, có trách nhiệm trong việc khai thác bền vững nguồn lợi hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Việc tổ chức lễ hội ra khơi nhằm giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là dịp để tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các lực lượng: Ngư dân, kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển, doanh nghiệp chế biến… để vươn khơi đánh bắt tại các ngư trường thuộc chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, lễ hội cũng là dịp để kêu gọi các tổ chức chính trị, xã hội, toàn dân và bạn bè quốc tế ủng hộ và giúp đỡ ngư dân Việt Nam khắc phục khó khăn, quyết tâm ra khơi bám biển.
Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với nông dân, nhất là ngư dân, những người trực tiếp ra khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam?
- Với mỗi ngư dân, bám biển vươn khơi là cuộc sống, là niềm tự hào được làm chủ vùng biển quê hương, nối nghề truyền thống ông cha để lại. Dù trời yên, biển lặng hay khi sóng to, gió lớn, ngư dân luôn coi việc vươn tới tận cùng của hải phận Tổ quốc để khai thác hải sản không chỉ là lao động làm giàu cho gia đình, góp phần phát triển đất nước, mà còn thực hiện quyền làm chủ biển, đảo đất nước mình.
Tuy nhiên, những năm gần đây ngư dân Việt Nam gặp vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, hoạn nạn, ô nhiễm môi trường biển, thậm chí là phải đấu tranh với các tàu thuyền đánh cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của ta. Lễ hội được tổ chức nhằm cổ vũ, động viên ngư dân hăng hái ra khơi bám biển, đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển với mục tiêu “làm giàu từ biển”, phát triển theo chủ trương, chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Đây cũng là dịp để tôn vinh những đóng góp của ngư dân trong phát triển kinh tế biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng với tổ chức các hình thức tuyên truyền, năm 2017 và những năm tiếp theo các cấp Hội NDVN sẽ đưa ra các giải pháp gì nhằm động viên, cổ vũ, hỗ trợ hội viên, nông dân, nhất là ngư dân hăng hái vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, thưa Chủ tịch?
- Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội NDVN đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ ngư dân mua sắm ngư lưới cụ, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền ra khơi bám biển. Sau sự cố môi trường biển năm 2016, người dân ở các vùng ven biển miền Trung đã được Hội NDVN kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vay các nguồn vốn ưu đãi như Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội để yên tâm vươn khơi bám biển. Bên cạnh đó, Hội ND các tỉnh, thành phố đã phối hợp Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương xây dựng các mô hình điểm như tổ tàu thuyền đoàn kết đánh bắt xa bờ, chi hội tàu cá tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…
Điểm đáng chú ý, tại hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ 10 (khóa VI) đã phát động phong trào thi đua năm 2017 trong toàn hệ thống Hội NDVN với 5 nội dung, trong đó trọng tâm là 3 nhiệm vụ cốt lõi, xuyên suốt của Hội NDVN năm 2107 là: Bảo vệ nông dân, thực hiện tốt dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân và xây dựng các mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị… Theo đó, ngư dân là một trong những đối tượng được Hội NDVN tạo nhiều điều kiện, quan tâm, hỗ trợ yên tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
Theo Danviet
"Biển là nhà, thuyền là giường"
Coi "biển là nhà, thuyền là giường", sau khi nhận tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân vùng cửa lạch Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đã chủ động nâng cấp, cải hoán tàu thuyền để tiếp tục bám biển làm giàu.
Ngư dân Phạm Trung Quỳnh (thôn 1, xã Cẩm Lĩnh) - một trong những người vừa đóng mới tàu công suất 420 CV, cho biết: "Trước đây, tôi đi tàu công suất 60 CV nhưng sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, nhận thấy đánh bắt vùng lộng không ăn thua, cá khó bán nên gia đình tôi đã cố gắng vay mượn, mua một tàu cá công suất trên 400 CV để đánh bắt xa bờ. Đối với ngư dân chúng tôi, "biển là nhà, thuyền là giường" nên chúng tôi quyết bám biển mà kiếm sống chứ không biết làm nghề gì khác nữa".
Ngư dân Cẩm Lĩnh khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau sự cố môi trường biển. Ảnh: Hương Thành
Với con tàu mới hạ thủy được 3 tháng, anh Quỳnh cùng các bạn thuyền đã có tổng cộng 12 chuyến vươn khơi xa. Như đợt này, thuyền anh Quỳnh đi trong vòng một ngày đêm, sản lượng đạt khoảng 5 tấn cá, sò các loại, tương đương khoảng 15 triệu đồng. Trừ chi phí và công của bạn, anh Quỳnh còn lãi 2 - 3 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với đi thuyền nhỏ trước kia.
Ngoài anh Quỳnh, các anh Phạm Văn Việt, Trần Văn Thạch (thôn 1, Cẩm Lĩnh) cũng chủ động vay vốn ngân hàng để sắm tàu công suất lớn vươn khơi bám biển. Thời điểm này, các tàu công suất lớn của ngư dân Cẩm Lĩnh hầu như đang đánh bắt ở vùng biển Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Trần Đình Lam cho biết: "Đóng mới tàu lớn công suất trên 400 CV đợt này có 3 tàu. Ngoài ra, có hàng chục ngư dân thực hiện cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ để tiếp tục đánh bắt. Cũng may, tiền đền bù đến tay người dân kịp thời để họ chủ động tu sửa tàu thuyền, đón đầu mùa đánh bắt ra giêng này".
Toàn xã Cẩm Lĩnh hiện có 263 tàu thuyền các loại, trong đó có trên 20 tàu công suất lớn (trên 90 CV). Một tín hiệu vui tiếp thêm động lực để ngư dân Cẩm Lĩnh tiếp tục vươn khơi đó là người tiêu dùng đã quay lại với hải sản, thị trường đã bắt đầu ổn định. Phấn khởi hơn, tiền đền bù được chi trả kịp thời đã giúp ngư dân có thêm "vốn" để tái đầu tư, sửa chữa tàu thuyền. Vừa trở về từ chuyến ra khơi dài ngày, ngư dân Nguyễn Xuân Toản (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) chia sẻ: "Thuyền của tôi được đền bù 125 triệu đồng, chia cho bạn 3 phần, còn lại 1 phần tôi sử dụng để tu sửa lại máy móc. Ngoài ra, tôi cũng vay thêm ngân hàng để nâng cấp máy, tân trang lại vỏ thuyền. Tổng kinh phí tu sửa đợt vừa rồi cũng hết hơn 100 triệu đồng, nếu đánh bắt thuận lợi như đợt ra giêng đến nay thì chẳng mấy chốc tôi trả được nợ".
Không chỉ đầu tư cải hoán lại tàu thuyền, nhận thấy sự cần thiết phải đầu tư xây dựng cầu cảng tại vùng cửa lạch, anh Nguyễn Xuân Toản xin chủ trương của xã. Được xã đồng thuận, anh Toản mạnh dạn đầu tư xây dựng mặt bằng cầu cảng tại vùng cửa lạch để thuận lợi cho tàu thuyền của ngư dân vào ra, từ đó, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổng kinh phí làm mặt bằng và mua máy bốc hàng khoảng 1,2 tỷ đồng. Nhờ cầu cảng mới mà 1 năm qua, tàu thuyền ra vào cửa lạch Cẩm Lĩnh cũng thuận lợi hơn, xe hàng thu mua hải sản cũng vào tận nơi khiến cho hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá nơi đây phát triển mạnh.
Rời vùng biển cửa lạch Cẩm Lĩnh khi những tia nắng cuối ngày còn loang trên sóng nước, khi những con thuyền lớn đang thực hiện những chuyến đi dài ngày ngoài khơi xa, khi những tín hiệu về một mùa cá bội thu liên tục được cập nhật về bờ..., tôi càng tin hơn vào khẳng định chắc nịch của ngư dân Phạm Trung Quỳnh: "Biển là nhà, thuyền là giường" nên chúng tôi quyết bám biển
Theo Phan Trâm (Báo Hà Tĩnh)
Lươn "đáp" phi cơ xuất ngoại Không chỉ tìm cách bắt lươn từ ngư trường Hoàng Sa, anh Ngộ còn xuất lươn sống tới những thị trường khó tính nhất bằng đường hàng không. Anh Thái Vinh Ngộ (35 tuổi, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) được ngư dân Đà Nẵng gọi là Ngộ "liều" vì đóng thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa câu lươn - nghề mà...