Tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch từ các doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo
Sáng 10/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố tổ chức lễ tiếp nhận lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư y tế do các cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh (thứ 4 từ trái sang) trao thư cảm ơn Thượng tọa Thích Nhật Từ và Quỹ Đạo Phật Ngày Nay- chùa Giác Ngộ.
Cụ thể, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay của chùa Giác Ngộ (Quận 10, TP Hồ Chí Minh) trao tặng 100 tấn gạo và 100 tấn khoai lang, trị giá 1,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển VICTORY trao tặng 1.000 “Hộp sản phẩm Siro Vic” hỗ trợ giảm các biểu hiện ho, đau đầu, hắt hơi, sổ mũi cho người bị viêm đường hô hấp điều trị tại nhà. Ngoài ra, Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô trao tặng 500 “Hộp sản phẩm An Hầu Đan” dùng hỗ trợ cho người bị viêm đường hô hấp điều trị tại nhà; Công ty TNHH Công nghệ An Pha ủng hộ 500 túi an sinh.
Tại lễ tiếp nhận, bà Tô Thị Bích Châu Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh chân thành cảm ơn, tri ân sâu sắc đến hoạt động thiện nguyện của các đơn vị tài trợ đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, cam kết nỗ lực để toàn bộ sự đóng góp, hỗ trợ sẽ được kịp thời đưa đến đúng đối tượng, đúng mục đích công khai, minh bạch, chung tay chiến thắng đại dịch, sớm cùng cả nước đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bà Tô Thị Bích Châu cho biết, sự ủng hộ tích cực của các địa phương, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, các cá nhân trong và ngoài nước qua các chương trình thiện nguyện, nghĩa tình đã tạo nguồn lực tổng hợp, niềm động viên to lớn đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh (trái sang) tiếp nhận tượng trưng số thuốc do đại diện Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô trao tặng.
Tính đến nay, Quỹ phòng, chống COVID-19 của Thành phố đã nhận được sự ủng hộ trị giá hơn 6 nghìn tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố cũng như nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Trong đó, khoảng gần 1 nghìn tỷ đồng tiền mặt được dùng hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và chăm lo an sinh cho người dân Thành phố; khoảng 2 nghìn tỷ đồng là trang thiết bị, vật tư y tế hỗ trợ cho bệnh viện, trung tâm y tế, giúp công tác điều trị bệnh nhân COVID-19; khoảng 3 nghìn tỷ đồng còn lại là nguồn tài chính ủng hộ mua vaccine (trong đó đã tiếp nhận hơn 300 tỷ đồng tiền mặt, chuyển khoản).
Video đang HOT
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Thành phố, bà Tô Thị Bích Châu xúc động tri ân sự hỗ trợ của các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là hai tổ chức tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo đã tích cực vận động các chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo tham gia lực lượng tình nguyện viên phục vụ tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn. Thành phố ghi nhận tinh thần dấn thân, tình nguyện cũng như những đóng góp to lớn của các tình nguyện viên tôn giáo trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện, trung tâm y tế điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thay mặt các đơn vị tài trợ, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện Trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cho biết, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay – chùa Giác Ngộ cũng như các đơn vị ủng hộ lương thực, nhu yếu phẩm, vật tư phòng chống dịch gửi đến lực lượng tuyến đầu và nhân dân Thành phố với mong muốn góp thêm nguồn lực với tinh thần sẻ chia, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Thành phố cùng nỗ lực vượt qua đại dịch.
Trong đợt dịch này, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay – chùa Giác Ngộ đã triển khai nhiều chương trình thiện nguyện với tổng trị giá khoảng 26 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố và các địa phương lân cận. Cụ thể như tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, suất ăn… cho các bệnh viện, trung tâm y tế, khu cách ly, phong tỏa và người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; trao tặng phương tiện, trang thiết bị y tế, vật tư phòng dịch cho các bệnh viện, trung tâm y tế, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố; tặng túi thuốc chữa bệnh cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà…
Cũng trong sáng 10/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tổ chức lễ tiếp nhận (trực tuyến) 5.000 túi an sinh, lương thực, thực phẩm do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước trao tặng.
Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động trở lại trong đại dịch
Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.
Liên đoàn Lao động Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) trao quà hỗ trợ cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Nghị quyết hướng đến mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Đến hết năm 2021 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu, cụ thể: Luỹ kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh. Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuế đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Chính phủ quyết nghị thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Điểm nổi bật trong nội dung này là Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang có đơn hàng sản xuất, hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa, cảng biển; người làm việc tại các công trình trọng điểm quốc gia và địa phương, người lao động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao.
Tiếp tục bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực cần thiết khác.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi các quy định về bảo hiểm y tế theo hướng cho phép bảo hiểm y tế được thanh toán các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa có thu phí, trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 9/2021.
Trong tháng 9/2021, ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, hướng dẫn, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vaccine; Nhà nước thực hiện kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine miễn phí cho mọi người dân; mua máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, thuốc điều trị COVID-19; sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.
Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ bao phủ vaccine trên địa bàn, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg có lộ trình, kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể hoạt động trở lại. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc xét nghiệm và các điều kiện cần thiết đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để sớm được tham gia lưu thông và các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương phổ biến, tập huấn và đẩy mạnh triển khai kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tới 100% cấp huyện, cấp xã; ban hành Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó với COVID-19; xây dựng cổng thông tin về các văn bản chỉ đạo, điều hành chống dịch, công bố trong tháng 9/2021, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong công tác phòng, chống dịch.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng nền tảng công nghệ số để tích hợp, hướng dẫn triển khai đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh... nhằm đảm bảo thông tin tập trung, chính thống, nhanh chóng, thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân, hoàn thành trong tháng 9/2021.
Các địa phương chủ động chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả; huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đời sống cho người lao động.
Để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất "luồng xanh" vận tải đường bộ và đường thuỷ toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi; khai thác lợi thế của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt trong chuỗi cung ứng sản phẩm, không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn quy định về giao nhận, vận tải trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.
Các địa phương cùng với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn; chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện an toàn phòng, chống dịch; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch; huy động tối đa các nguồn lực hiện có, nhất là hợp tác công ty để hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an toàn cho người lao động.
Đồng thời, đánh giá đầy đủ khả năng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch khi áp dụng các mô hình: "Một cung đường, hai điểm đến", "Ba tại chỗ", "Ba cùng"... và các mô hình phù hợp để áp dụng khi đáp ứng điều kiện an toàn, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương; không tạo ra các loại giấy phép "con", các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Loạt điểm mới trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh Nghị quyết vừa ban hành cho phép doanh nghiệp được tự test Covid-19, địa phương được tự quyết việc cho doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Nghị quyết 105 hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với nhiều điểm mới trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cộng đồng...