Tiếp cận Đông Nam Á, Trump tìm cách siết ‘vòng kim cô’ với Triều Tiên
Với lời mời lãnh đạo các đồng minh ASEAN đến Nhà Trắng, Trump đang tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của khu vực này nhằm siết chặt cô lập Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump ngày 30/4 mời các lãnh đạo Thái Lan và Singapore đến thăm Nhà Trắng, ngay sau khi chuyển lời mời tương tự cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, theo Wall Street Journal.
Các nước Đông Nam Á có thể giúp Trump cô lập Triều Tiên hơn nữa vì khu vực này không thực thi triệt để các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus cho rằng Nhà Trắng cần xây dựng sự đồng thuận giữa các đồng minh châu Á. “Vấn đề chúng tôi đang đối mặt về Triều Tiên nghiêm trọng đến nỗi chúng tôi cần sự hợp tác ở một cấp độ nào đó với càng nhiều đối tác trong khu vực càng tốt”, ông nói với đài truyền hình ABC News hôm 30/4.
“Đây là ba nước mà ông ấy cần phải trao đổi nếu muốn có sức ép nào đó ở Đông Nam Á. Thái Lan và Singapore là hai nước còn lại ở Đông Nam Á vẫn còn giao thương với Triều Tiên”, Justin Hastings, một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên ở Đại học Sydney, Australia, nói.
Theo cây bút Jake Maxwell Watts của Wall Street Journal, ba nước nói trên có mối quan hệ kinh tế và chính trị lâu đời với Mỹ, dù quan hệ Washington và Manila trở nên ảm đạm kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền tổng thống Philippines vào năm ngoái. Quan hệ Mỹ – Thái cũng có phần sa sút kể từ khi phe quân đội lên nắm quyền vào năm 2014.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhận lời mời đến thăm Nhà Trắng. Cả hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì mối quan hệ gần gũi của với Mỹ, Nhà Trắng cho biết.
Trong cuộc điện đàm với ông Prayuth, ông Trump khẳng định rằng Mỹ cam kết “đóng vai trò dẫn đầu và tích cực ở châu Á” thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác và đồng minh như Thái Lan.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: philstar
Video đang HOT
Đông Nam Á quan trọng đối Triều Tiên
Thái Lan là nước xuất khẩu lớn thứ 4 vào Triều Tiên trong năm 2015 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc. Philippines là nước xuất khẩu lớn thứ 5 vào Triều Tiên.
Năm 2015, Thái Lan và Triều Tiên cũng đã cùng phát hành tem lưu niệm đánh dấu 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước.
Người phát ngôn của ông Prayuth nói rằng sau cuộc thảo luận với Trump, Thái Lan sẽ “ủng hộ vai trò xây dựng của Mỹ nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Tháng 2/2017, báo cáo của ủy ban chuyên gia Liên Hợp Quốc cho biết các đại diện của Bình Nhưỡng đã quá cảnh ở Singapore hàng chục lần để giao dịch thương mại. Singapore vẫn duy trì thỏa thuận miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân Triều Tiên cho đến năm ngoái, khi các lệnh trừng phạt quốc tế siết chặt đối với Bình Nhưỡng.
Sự ủng hộ của các nước thành viên Liên Hợp Quốc đối với việc củng cố các lệnh trừng phạt đã không chuyển hóa thành hành động thực thi hiệu quả, báo cáo của Liên Hợp Quốc có đoạn viết.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 29/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte kêu gọi Washington thận trọng với Triều Tiên. “Mỹ, nước đang giơ cây gậy lớn nhất để răn đe Triều Tiên, cần phải thận trọng và kiên nhẫn”, ông nói.
Michael Barr, phó giáo sư quan hệ quốc tế ở Đại học Flinders, Australia, cho rằng Trump cần phải đưa Duterte trở về phía Mỹ.
Hôm 29/4, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi các nước ASEAN hối thúc Triều Tiên dừng các động thái khiêu khích và quay trở lại “con đường đối thoại”.
Triều Tiên đang có quan hệ ngoại giao với tất cả 10 nước Đông Nam Á. Triều Tiên đã sử dụng khu vực như điểm trung chuyển để tiếp cận các hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu và trong một số trường hợp đã luồn lách các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Phát tín hiệu đến Bắc Kinh
Mối quan hệ lâu đời của Mỹ với Philippines, Singapore, Thái Lan đang bị thách thức bởi sức mạnh ngày gia tăng của Trung Quốc. Hơn nữa, Đông Nam Á cũng ngày càng lo ngại về việc liệu Mỹ có duy trì cam kết an ninh ở khu vực này hay không khi chính quyền Trump tìm cách tái định nghĩa hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế.
Việc Trump tiếp cận ba lãnh đạo Philippines, Thái Lan, Singapore cũng “đang phát đi một tín hiệu đến Bắc Kinh rằng Mỹ vẫn quan tâm đến khu vực này”, James Chin, chuyên gia quan hệ quốc tế ở Đại học Tasmania, Australia, nhận định.
Bằng động thái mời ba lãnh đạo này đến thăm Nhà Trắng, Trump đang muốn tìm cách cải thiện quan hệ với các chính phủ đã xung đột với chính quyền Tổng thống Barack Obama về vấn đề nhân quyền, đáng chú ý là hục hặc giữa Mỹ và Philippines sau khi Mỹ cáo buộc Philippines vi phạm nhân quyền trong chiến dịch chống ma túy.
Tước bỏ năng lực hạt nhân chiến lược của Triều Tiên – mục tiêu mà những người tiền nhiệm của Trump không làm được, đã trở thành trọng điểm trong chương trình nghị sự của Trump. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CBS phát sóng ngày 30/4, khi được hỏi liệu ông có hành động quân sự chống lại Triều Tiên hay không, ông Trump đã nói rằng: “Chúng ta hãy chờ xem”.
Hồng Vân
Theo VNE
Người Mỹ lo Thế chiến III bùng nổ giữa căng thẳng Triều Tiên và Syria
Khi Mỹ đang đối đầu với Nga về vấn đề Syria và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có những diễn biến phức tạp, nhiều người Mỹ lo sợ một cuộc chiến sẽ bùng nổ.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Kể từ khi Thế chiến II kết thúc với những vụ nổ sáng rực như mặt trời, nhiều người đã lo sợ cuộc chiến thứ ba nổ ra. Nhà bác học Einstein từng nói rằng ông không biết vũ khí gì sẽ được sử dụng trong Thế chiến III, nhưng ông biết rằng vào Thế chiến IV, loài người sẽ chỉ còn gậy gộc và đá để đánh nhau.
Theo USA Today, "Thế chiến III " là một trong những từ khóa được tìm kiếm thường xuyên nhất trên Google vào tháng trước. Ông Trump đã ra lệnh tấn công tên lửa vào một căn cứ không quân Syria để trả đũa cho việc Syria bị cáo buộc sử vũ khí hóa học với dân thường. Động thái này khiến quan hệ giữa Mỹ với Nga - cường quốc hạt nhân là đồng minh của Syria, thêm xấu đi. Căng thẳng với Triều Tiên cũng đang leo thang, Mỹ đã điều tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên và Bình Nhưỡng liên tục đe dọa nhấn chìm tàu này. Washington còn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc để đề phòng mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.
Theo một cuộc khảo sát của Polling Public Policy vào tháng trước, 39% cử tri nghĩ rằng Trump sẽ đưa Mỹ vào Thế chiến III trong nhiệm kỳ tổng thống.
Cụ bà Annamarie Choo, 92 tuổi, đã sống qua tất cả thời khắc lịch sử như vụ Mỹ thả bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagasaki hay Khủng hoảng tên lửa Cuba.
"Tôi luôn lo sợ chiến tranh. Tôi không biết phải diễn tả như thế nào, tôi cho rằng giữa Nga và Mỹ có vấn đề về thông tin liên lạc, có một khoảng cách lớn. Họ không thực sự hiểu nhau", bà nói.
Bà sống tại vùng núi tây Bắc Carolina và đã bỏ phiếu cho Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm ngoái. Tại Malta, Ohio, Jeremie Clifford, người quản lý cửa hàng phụ tùng ôtô đã bầu cho Donald Trump cũng cảm thấy tương tự.
"Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là Thế chiến III nổ ra", Jeremie Clifford nói. "Chúng ta đang để cho lãnh đạo Triều Tiên lấn tới".
Curtis Ingram, chủ tiệm cắt tóc ở Mauldin, cũng có chung nỗi lo: "Tôi tin rằng chúng ta sẽ dính vào một cuộc chiến khác", ông bình luận.
Những lo ngại về Thế chiến III từng được nêu ra trong chiến dịch tranh cử bởi chính Trump. Trong một bài phát biểu ở Orlando 6 ngày trước cuộc bầu cử, ông Trump nói rằng bà Clinton "muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh ở Syria, một cuộc xung đột bằng vũ khí hạt nhân với Nga rất có thể dẫn đến Thế chiến III".
Theo USA Today, khả năng nổ ra Thế chiến III rất khó đánh giá. Chiến tranh giữa các cường quốc không cần phải dùng hạt nhân và thậm chí các động thái sử dụng hạt nhân chưa chắc đã leo thang thành chiến tranh thế giới.
Linh mục David Wood cho rằng ông Trump có tính khí bốc đồng và lo lắng khi ông Trump nắm trong tay mã kích hoạt vũ khí hạt nhân của quốc gia.
Ông nhận xét rằng những lo ngại cũ về chiến tranh hạt nhân trong thời Chiến tranh Lạnh đã được hồi sinh "vì sự sợ hãi được nuôi dưỡng ngày nay, không chỉ ở nước ta mà ở cả các nước khác. Chủ nghĩa dân tộc và nỗi sợ này khiến chúng ta dễ có phản ứng bạo lực".
Trong khi đó, Ed O'Connell, một nhà thầu ở New Jersey, cho rằng Thế chiến III sẽ không xảy ra trong 4 năm tới. Ông ủng hộ đề xuất của ông Trump là tăng cường an ninh quốc gia bằng cách chi thêm tiền cho quân đội.
"Chúng ta phải đảm bảo rằng bất cứ ai đe dọa chúng ta phải suy nghĩ kỹ", ông nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Trung Quốc kêu gọi các bên trong căng thẳng Triều Tiên ngừng chọc tức lẫn nhau Trung Quốc hôm nay kêu gọi tất cả các bên trong căng thẳng Triều Tiên giữ bình tĩnh và quay lại đàm phán với nhau. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP "Nhiệm vụ cấp bách bây giờ là giảm căng thẳng và tiếp tục đàm phán", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay nói khi...