Tiếng thở dài tại 3 dự án tín hiệu đường sắt
Lụt tiến độ nhiều năm, đội vốn lớn là những sai sót nổi cộm tại 3 dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư.
Nhiều sai sót đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại 3 dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt.
Nhiều tồn đọng
Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 683/TB – KTNN về kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư tại 3 dự án hiện đại hóa thông tin đường sắt tại Ban Quản lý dự án (PMU) đường sắt.
Các dự án được Kiểm toán Nhà nước đưa vào tầm ngắm gồm: Dự án Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội, giai đoạn I sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc (Dự án 3 1); Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu Vinh – Sài Gòn tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn I vay vốn ODA Trung Quốc (Dự án VSG); Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu Hà Nội – Vinh tuyến đường sắt Thống Nhất, giai đoạn II vay vốn ODA của Pháp (Dự án HNV – giai đoạn II).
Đây là 3 dự án có lịch sử triển khai khá phức tạp khi giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu và hầu hết quá trình thi công trên hiện trường do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Cho tới giữa năm 2014, cùng với việc cơ cấu lại PMU đường sắt, chức năng chủ đầu tư 3 dự án đã được chuyển về Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT).
Trước đó, vào năm 2017, cũng do tính chất phức tạp của 3 dự án, Bộ GTVT đã chủ động mời Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán 3 dự án. Tại thời điểm này, cả 3 dự án này đều đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đại diện chủ đầu tư đã lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành trình Bộ GTVT duyệt. Do PMU đường sắt phải dồn lực cho Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông, nên Bộ GTVT đã phải xin lùi thời hạn kiểm toán vào năm 2019.
Bên cạnh mục tiêu nâng cao hiệu quả khai thác, an toàn chạy tàu cho các tuyến vận tải trọng yếu, các dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC này không chỉ phức tạp về công nghệ, mà còn có quy mô vốn rất lớn. Cụ thể, Dự án VSG có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 2.423 tỷ đồng; Dự án 3 1 có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 2.227,7 tỷ đồng và Dự án HNV là 1.302 tỷ đồng.
Theo Thông báo số 683, số kinh phí được chủ đầu tư báo cáo tại 3 dự án là 3.706,8 tỷ đồng; số được Kiểm toán xác nhận là 3.653,1 tỷ đồng; chênh lệch giảm 53,7 tỷ đồng do tại Dự án HNV có một số thiết bị nhập khẩu đã mua nhưng không sử dụng và đã được bàn giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng.
Video đang HOT
Đây chưa phải là tồn tại duy nhất tại các công trình này. Theo đó, sai sót nổi cộm được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận tại 3 dự án liên quan đến việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý đầu tư xây dựng.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, tại Dự án 3 1 và Dự án VSG, chủ đầu tư chưa báo cáo cấp quyết định đầu tư (Bộ GTVT) xem xét, quyết định việc điều chỉnh tiến độ tổng thể dự án. Tổng mức đầu tư 2 dự án là Dự án 3 1 và Dự án VSG tính trên cơ sở khối lượng, đơn giá các hạng mục theo đơn vị là ga, km, hệ thống, trạm, bộ, trung tâm… không theo số lượng, chủng loại trong bản vẽ thiết kế cơ sở; giá thiết bị chưa có yếu tố thị trường khiến Kiểm toán Nhà nước cho rằng, tổng mức đầu tư được phê duyệt không có căn cứ để kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước cũng ghi nhận việc lập tổng mức đầu tư điều chỉnh Dự án 3 1 tăng 3,2 lần; Dự án VSG tăng 2,83 lần so với ban đầu đã dẫn đến việc phải cắt giảm quy mô đầu tư và phân kỳ chuyển một số khối lượng sang đầu tư ở giai đoạn sau do không cân đối được nguồn vốn vay, nên không đạt được đầy đủ các mục tiêu, quy mô đề ra. Bên cạnh đó, việc lập tổng mức đầu tư và tổng mức đầu tư điều chỉnh cả 2 dự án thiếu chính xác, nên giá trị thực hiện thấp hơn giá trị vốn vay ưu đãi theo Hiệp định, không tận dụng hết nguồn vốn vay ưu đãi, dẫn đến phát sinh tăng phí quản lý và phí cam kết.
Tại Dự án HNV, tổng mức đầu tư ban đầu xác định một số chi phí chưa hợp lý dù đã nhận được góp ý mang tính cảnh báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dẫn tăng tổng mức đầu tư công trình thêm 7,17 triệu euro và 5,88 tỷ đồng.
Cũng tại Dự án HNV, do công tác khảo sát, lập thiết kế cơ sở chưa chính xác, không phù hợp với điều kiện thực tế hạ tầng viễn thông chung, nên có một số lượng lớn vật tư nhập khẩu không lắp đặt cho công trình, làm tăng chi phí đầu tư và gây tồn đọng thiết bị với giá trị hơn 55 tỷ đồng.
Lọt lỗi tổng thầu
Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, các gói thầu thiết kế – cung cấp vật tư thiết bị – xây dựng, lắp đặt (EPC) thuộc Dự án 3 1 và Dự án VSG thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu. Dự án HNV lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu hạn chế với tỷ lệ tiết giảm qua đấu thầu chưa cao (bằng 0,06% giá gói thầu).
Điều tệ hại nhất tại 3 dự án thông tin tín hiệu đường sắt trên chính là tiến độ triển khai “rùa bò” dù các công trình này đều thuộc diện cấp bách nhằm cải thiện năng lực khai thác của chính chủ đầu tư – Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, Dự án 3 1 chậm 6 năm 6 tháng so với quyết định đầu tư ban đầu, chậm 1 năm 6 tháng so với tiến độ điều chỉnh. Dự án VSG chậm 7 năm 8 tháng so với quyết định đầu tư ban đầu, chậm 1 năm 8 tháng so với quyết định điều chỉnh. Dự án HNV chậm 6 năm so với quyết định ban đầu. Cả 3 dự án cũng chậm tiến độ so với tiến độ cam kết trong hợp đồng ban đầu, trong đó Dự án 3 1 chậm 3 năm 10 tháng; VSG chậm 4 năm 6 tháng và HNV chậm 4 năm 7 tháng.
Tuy nhiên, cả chủ đầu tư và PMU đường sắt lại dễ dãi khi không truy nguyên nhân, trách nhiệm của tổng thầu/nhà thầu để xác định đền bù thiệt hại theo hợp đồng đã ký kết. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, do tiến độ các dự án kéo dài nên chủ đầu tư đã phải điều chỉnh thời hạn chấm dứt việc rút vốn vay, dẫn đến phải trả phí cam kết tăng thêm hơn 10 tỷ đồng.
“PMU đường sắt giai đoạn trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải nghiêm túc kiểm điểm việc không thực hiện chỉ đạo của chủ đầu tư về việc tiến hành xác định thiệt hại do chậm tiến độ để xử lý theo quy định Hợp đồng”, Thông báo 683 nêu rõ.
Đến thời điểm kiểm toán, các dự án đều đã hoàn thành, nhưng chưa được phê duyệt quyết toán, “lụt” khá sâu so với quy định tại Thông tư số 09/2016/TT – BTC ngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính.
Cần phải nói thêm rằng, vào tháng 8/2014, Bộ GTVT đã tổ chức đợt kiểm tra, rà soát công tác triển khai 3 dự án. Theo đánh giá của Bộ GTVT, dù được đầu tư rất lớn, nhưng hệ thống tín hiệu tại 3 dự án lại không đồng bộ cả về hệ thống điện khí tập trung liên khóa lẫn hệ thống điều độ.
Theo kết quả kiểm tra, Dự án 3 1 và VSG sử dụng hệ thống điện khí tập trung liên khóa rơ le 6502 (tiêu chuẩn của đường sắt Trung Quốc), điều kiện qua đài khống chế với hệ thống các nút ấn, công nghệ ở mức trung bình, đáp ứng được tốc độ chạy tàu tối đa 120 km/h. Quá trình vận hành 2 hệ thống này không lưu lại được các thông tin, khó kết nối thành điều hành tập trung. Hệ thống điều độ tại 2 dự án chỉ có tính năng giám sát, không có chức năng điều khiển thiết bị tín hiệu các ga.
Trong khi đó, Dự án HNV – giai đoạn II sử dụng hệ thống điện khí tập trung liên khóa vi xử lý (SSI) tiêu chuẩn châu Âu, điều khiển thông qua hệ thống máy tính, được đánh giá ở mức công nghệ cao, đáp ứng tốc độ chạy tàu 200 km/h. Lịch sử quá trình vận hành hệ thống này được ghi lại, dễ dàng kết nối thành điều hành tập trung…
Với kết quả kiểm tra nói trên, Bộ GTVT đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo và tập thể Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Chuẩn bị đầu tư, Ban Quản lý các dự án đường sắt đã để xảy ra các tồn tại. Bộ GTVT cảnh cáo, Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TRICC) là đơn vị liên quan về trách nhiệm chính đối với nhiều nội dung tồn tại của các dự án. Đơn vị tư vấn này cùng với Công ty cổ phần Hữu hạn viễn thông Trung Hưng Trung Quốc (Tổng thầu Dự án 3 1) và Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc bị trừ điểm trong đánh giá xếp hạng nhà thầu và đăng tải công khai các vi phạm.
Theo đánh giá của một chuyên gia tại Hội Kinh tế đường sắt, với tình trạng “năm cha, ba mẹ” về công nghệ như vậy, để có thể kết nối toàn bộ hệ thống tín hiệu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có thể phải bỏ thêm hàng trăm tỷ đồng để tiếp tục cập nhật, nâng cấp các hệ thống đã được đầu tư.
Các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với PMU đường sắt:
- Xử lý tài chính 3,1 tỷ đồng;
- Phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình Bộ GTVT phê duyệt quyết toán hoàn thành đối với các chi phí chưa đủ điều kiện thanh, quyết toán số tiền 184 tỷ đồng.
Bảo Như
Theo baodautu
Hà Nội: Tàu hỏa kéo lê xe máy trên đường ray, nam thanh niên tử vong tại chỗ
Tàu khách Thống Nhất chạy đến khu gian Giáp Bát - Văn Điển đã xảy ra va chạm mạnh với một nam thanh niên điều khiển xe máy băng qua đường sắt.
Hiện trường xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa. Ảnh. N.H
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh- an toàn đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vụ tai nạn xảy ra vào lúc 9h04 sáng 27/9, tại km 8 050 khu gian Giáp Bát -Văn Điển, tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Theo đó, vào thời điểm trên, tàu khách Thống Nhất SE5 chạy tuyến Hà Nội- Sài Gòn, khi đến vị trí km 8 050 đường sắt Bắc Nam đã xảy ra va chạm mạnh với người điều khiển xe máy là anh Phạm Tú Thanh (SN 2001) trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội băng qua đường.
Vụ việc khiến chiếc xe máy bị tàu hỏa kéo lê đi gần 30m trên đường ray. Người điều xe máy tử vong tại chỗ. Sau khi xảy ra tai nạn, đại diện ga Văn Điển đã cử người phối hợp với tổ tàu giải quyết vụ tai nạn. Sau đó, tàu SE5 đã tiếp tục hành trình.
Theo một lãnh đạo đường sắt, do đường sắt song song, sát đường bộ nên tồn tại nhiều lối đi tự mở qua đường sắt, nguy cơ mất an toàn cao. Ngành đường sắt đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc tuyên truyền, đồng thời đề xuất làm đường gom, hàng rào nhằm xóa bỏ lối đi tự mở... nhằm giảm thiểu tai nạn xảy ra.
Theo danviet
Chấn chỉnh quy trình duy tu đường sắt sau vụ ô tô đâm nhân viên gác chắn Cục Đường sắt VN yêu cầu chấn chỉnh công tác an toàn trong quá trình duy tu, sửa chữa đường sắt sau vụ ô tô đâm nhân viên gác chắn ở Đà Nẵng. Cục Đường sắt VN yêu cầu chấn chỉnh công tác an toàn sau tai nạn ô tô đâm nhân viên gác chắn ở Đà Nẵng Cục Đường sắt VN cho...