Tiếng khóc uy quyền
Chăm sóc, nuôi nấng trẻ sơ sinh – con của mình, có phải là công việc sáng tạo? Sáng tạo cái nỗi gì, khi thời khóa biểu lặp đi lặp lại đều đặn.
Này nhé, sáng thức dậy là tắm bé, bồng ra sân phơi nắng, cho bú sữa rồi đặt vào nôi ru ngủ. Khoảng gần trưa, lại cho bú, dỗ ngủ, dỗ nín khóc. Lúc bé ngủ, tranh thủ giặt quần áo, khăn của bé; rồi làm bếp. Loay hoay chỉ chừng ấy công việc đã trưa. Trưa, có thể chợp mắt một chút, nếu bé không khóc. Chiều là lúc lau mình cho bé rồi lặp lại “quy trình” như lúc sáng. Khuya, khó có thể nằm thẳng cẳng đánh một giấc cho tới sáng, phải thức giấc, canh giờ cho bé bú, bằng không trong căn nhà sẽ rền vang òe óe oe.
Rồi ngày mai, công việc cũng như hôm nay. Mà công việc gì từng ngày cứ diễn ra y chang, thử hỏi, sáng tạo cái nỗi gì?
Ấy là suy nghĩ của ai đó quan sát từ bên ngoài. Họ không thể có được cảm giác tiếp nhận những điều gì đó cực kỳ lạ lùng, mới mẻ mà chỉ những ai làm cha, làm mẹ mới trải nghiệm. Tôi may mắn đang sống từng ngày trong cảm giác đó và nghiệm ra rằng, chính đứa trẻ lớn dần mỗi ngày đã đem lại cho người lớn sự sáng tạo của niềm vui sống.
Vũ khí của uy quyền của các thiên thần bé bỏng chỉ có thể là… tiếng khóc khiến ông bà, bố mẹ răm rắp nghe theo. (Ảnh minh họa)
Trong chiếc nôi xinh xắn kia là một hài nhi bé bỏng, dù chỉ “ra lệnh” bằng tiếng khóc nhưng lại có… uy quyền tuyệt đối. Lúc nghe tiếng khóc, dù đang làm việc gì cũng phải ngó ngàng tới bé, nhanh chân đến nôi, dỗ dành, đưa nôi nhịp nhàng. Mà trong lúc dỗ bé nín khóc, như lẽ tự nhiên, bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng nhớ lại những câu ca, vần vè đã từng nghe, từng học, từng đọc để cất lên tiếng ru.
Rồi lúc trẻ ngoan, không chỉ ngắm nhìn, họ còn trò chuyện với bé. Câu chuyện chẳng ra đầu cua tai nheo, cái nọ xọ cái kia, dù mình nói mình nghe trong lúc quan sát bé nhưng lại tưởng chừng bé cũng hiểu. Có phải vì thế mà lúc khảo sát các bài đồng dao Việt Nam, tôi nghiệm ra có khá nhiều hình ảnh trộn lẫn vào nhau, không lớp lang, không trình tự theo tư duy của người lớn. Miễn là câu chữ ngộ nghĩnh, có vần có điệu và ngăn ngắn để các bậc phụ huynh lúc trò chuyện với bé có thể ngân nga ru bé ngủ. Những câu ca dao, đồng dao với “ca từ” ngộ nghĩnh như: ông giẳng, ông giăng, bống bống bang bang, nu na nu nống… sao lại “hợp cảnh hợp tình” đến thế?
Qua sự trải nghiệm này, tôi đã viết nhiều bài đồng dao ru bé. Chẳng hạn, làm cha mẹ, ai lại không phì cười, lúc đang thiu thiu tranh thủ chợp mắt vì vừa dỗ bé ngủ ngon, đột nhiên bé có động tác… kỳ cục ghê: Mẹ ba vừa mới lim dim/ Bất ngờ bé bỉm bìm bim bất ngờ/ Không gian vắng lặng như tờ/ Bỗng nghe đồng vọng tiếng tơ, tiếng đàn/ Âm thanh réo rắt rộn ràng/ Giật mình, ba mẹ ngỡ ngàng ngó nhau/ Tưởng bé thức, vội ơ ầu/ Bé cười… bí mật, gật đầu ngủ ngon.
Không chỉ có thế, tôi biết các bỉm sữa cũng đã từng xúc động, vui sướng ngạc nhiên lúc chứng kiến: Bủm bùm bum! Bủm bùm bum!/ Em vừa măm sữa vừa… bùm ngộ ghê/ Mẹ cười sặc sụa: “Ê! Ê!”/ Ba nhăn mặt lại chọc quê em Mì:/ “Chà, chà, lịch sự chút đi”/ Mẹ liền bênh vực: “Vậy thì đã sao?/ Ba lo lắng quá tầm phào/ Vì tiêu hóa tốt, chứ nào có chi”/ Chẳng có chi, chẳng có chi/ Bầy chim ríu rít rầm rì gần xa. Những chuyện này, đã khá lâu trong lúc tâm tình, một đồng nghiêp đã kể. Và bảo tôi hãy làm bài thơ trêu bé, cũng là một cách sau này lúc đứa trẻ lớn lên có thể kể lại. Tôi chịu chết, chào thua vì chưa trải qua. Nay, được là “người trong cuộc” mới có cảm hứng để viết là vậy.
Trăm người như một, ai cũng bảo, có thể ngồi hằng giờ bên nôi ngắm con mà không biết chán. Đúng thế. Đứa bé chưa biết nói, biết lật, má bầu bĩnh, thân hình dài thơm thơm kẹo sữa, sao lại có sức quyến rũ đến thế? Không rõ các bậc phụ huynh nghĩ gì, tôi cho rằng có được cảm giác hân hoan, hạnh phúc kéo dài vì đó là lúc ta ngắm chính ta từ hình hài của bé.
Video đang HOT
Vì thế, mọi động thái của bé đã tạo ra một “uy quyền” tuyệt đối buộc các ông bố, bà mẹ phải tuân theo. Vũ khí của uy quyền đó chỉ có thể là… tiếng khóc. Hỡi các bỉm sữa, ai lại không từng tự nhủ: Lạ ghê, bé tỉ tì ti/ Chỉ lên tiếng khóc, tức thì… đổi thay/ Mẹ ba đũa mới cầm tay/ Một người phải đứng dậy ngay tức thì. Đang ăn, sao lại phải đứng dậy ngay? Đã thế, giữa đêm hôm khuya khoắt: Mẹ nâng niu, ba vỗ về/ Ngủ gà ngủ gật cận kề bên con/ Lúc con đã ngủ thật ngon/ Mẹ ba mới được… chập chờn nương theo. Có thể nói, chính bé là sự sáng tạo đã buộc họ phải mới mẻ ngay cả các động tác chăm sóc bé đã quen thuộc. Để rồi cuối cùng, họ hoàn toàn sung sướng với cảm giác được toàn tâm, toàn ý phục vụ cho “nhân vật số một” tạo dựng nên mái ấm: Làm vua nhưng khoái… nằm nôi/ Uy nghi chễm chệ ngự ngay giữa nhà/ Cận vệ là mẹ với ba/ Chấp hành tuyệt đối thiệt là oai ghê.
Theo phunuonline.com.vn
Sinh được con, mẹ mất trắng những thứ này, anh chồng nào nhìn vào cũng xót vợ
Ngoài niềm hạnh phúc khi được bế trên tay thiên thần bé bỏng của mình thì mẹ bầu nào cũng có những nỗi khổ riêng mà chỉ khi bầu bí bạn mới có thể thấu hiểu hết được.
1. Vòng eo ngấn mỡ, vết rạn chằng chịt
Sau khi sinh con, nhiều mẹ bầu hy vọng vòng eo sẽ trở lại thon gọn như thời con gái. Điều đó tùy thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như cơ địa mỗi người. Nhưng sự thật lại phũ phàng hơn các mẹ tưởng tượng gấp trăm nghìn lần, không những vòng 2 ngày càng ngấn mỡ mà vết rạn da cũng xuất hiện chi chít. Và kể cả nhiều năm về sau, dù mẹ có tích cực tập luyện đến đâu thì cũng chẳng thể nào lấy lại được vóc dáng như xưa.
2. Tăng, giảm cân không kiểm soát
Khi mang thai, mẹ luôn bị rơi vào cảnh phải ăn thật nhiều mới đủ chất cung cấp cho con và cứ thế cân nặng cứ tăng lên vùn vụt. Sinh con xong, mẹ còn phải chịu "áp lực" ăn đủ chất cho con bú.
Đa số phụ nữ sau sinh sẽ rơi vào "thảm cảnh" không biết mặc đồ gì khi đứng trước gương bởi vì cơ thể của bạn vẫn còn rất béo và chưa phục hồi hoàn toàn. Những bộ quần áo thời con gái sẽ chẳng thể "ních" vừa còn những bộ đồ bầu thì quá rộng và bạn cũng không muốn mặc chúng nữa.
Cũng có trường hợp, mẹ vì chăm con và cho con bú nên lại trở thành "bộ xương di động", "già háp",... với khuôn mặt hốc hác, tay chân gầy guộc, cố gắng ăn bao nhiêu cũng không bù đắp nổi.
3. Đôi gò bồng đảo săn chắc đã chảy xệ
Khi mẹ còn cho con bú, ngực lúc nào cũng trong trạng thái căng cứng khi chứa đầy sữa. Thế nhưng mẹ sẽ cực kỳ hụt hẫng nhìn xuống đôi gò bồng đảo của mình khi cai sữa cho con. Lúc này, ngực mẹ đã xẹp xuống, da ngực nhăn nheo và bị "chảy xệ", các mẹ vẫn gọi vui với nhau là "2 quả mướp" xấu xí.
4. "Vùng nhạy cảm" từ hồng hào se khít trở nên giãn rộng
Âm đạo có khả năng giãn nở như 1 sợi dây chun. Ở trạng thái bình thường, âm đạo có kích thước khoảng 1,5 cm; nhưng khi được kích thích có thể dãn đến 3 cm. Trong quá trình vượt cạn, để em bé dễ dàng chào đời, âm đạo của mẹ phải mở rộng đến 10 cm. Và sau đó thì âm đạo khó hồi phục lại trạng thái như ban đầu. Có nhiều trường hợp âm đạo bị giãn nở quá mức, khiến chị em tự ti trong chuyện chăn gối vợ chồng. Vùng kín bị giãn rộng còn gây nguy cơ bị tiểu són hoặc tăng khả năng viêm nhiễm phụ khoa.
5. Mái tóc dày bóng, suôn mượt nay còn đâu?
Có khoảng 90% phụ nữ sau sinh gặp phải tình trạng rụng tóc. Nguyên nhân gây rụng tóc được xác định là do lượng nội tiết tố trong cơ thể thay đổi trong quá trình mang thai và sinh con.
Thường hiện tượng này sẽ hết từ 3 - 6 tháng, đến khi các hoóc môn trong cơ thể đã trở lại bình thường, tóc mẹ sẽ được mọc lại sau đó nhưng sẽ không bao giờ trở về được trang thái dày bóng, suôn mượt như thời con gái.
Tuy nhiên, nếu thời điểm sau sinh mẹ bị căng thẳng, trầm cảm, dinh dưỡng kém sẽ khiến tình trạng này nặng nề hơn và để lại di chứng tóc thưa vĩnh viễn.
6. Làn da trắng hồng không tì vết thay bằng những nốt nám, tàn nhang xấu xí
Những vết tàn nhang, nám thường xuất hiện ngay sau khi mẹ mang thai và kéo dài suốt thai kỳ. Sau sinh nở, hiện tượng này có giảm bớt một chút nhưng không thể hết hẳn. Việc chữa trị tàn nhang cũng không hề đơn giản. Thế nên, các mẹ mới sốt sắng dưỡng da, chăm sóc da cật lực, nhưng để trắng hồng, mịn màng như thời con gái là phải tốn khá nhiều công sức và thời gian đấy.
7. Đãng trí
Phụ nữ mang thai và sau sinh là chúa đãng trí, não cá vàng. Nguyên nhân là do một loại hoocmon được tiết ra trong quá trình mang thai và khi sinh con, khiến não của phụ nữ thiếu đi sự linh hoạt khi phải nhớ việc gì đó.
Hậu quả, phụ nữ sau sinh bỗng trở nên "ngớ ngẩn", làm trước quên sau... Hiện tượng này có thể tự khỏi, nhưng cũng mang đến cho mẹ lắm điều phiền phức, nhức đầu.
8. Đau nhức cơ thể
Rất nhiều phụ nữ sau sinh thường than vãn rằng, họ cảm thấy bị ốm yếu hơn khi phải đối mặt với những cơn đau lưng, đau bụng, đau đầu, ê buốt răng, mắt nhìn mờ hơn... Tất cả những điều đó đều là di chứng nặng nề mà cuộc vượt cạn để lại cho chị em.
9. Sức khỏe bị giảm sút nặng nề
Mẹ sau sinh rất yếu, một trận gió, một cơn xúc động cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng của phụ nữ sau sinh. Không những thế, qua giai đoạn ở cữ, phụ nữ còn có cảm giác mình bị suy giảm đến 50% sức khỏe. Với mẹ sinh thường có thể sẽ hồi phục nhanh hơn, nhưng phụ nữ sinh mổ, không những phải chờ thời gian liền sẹo, mà sức khỏe, sức đề kháng cũng bị suy giảm nặng nề. Chưa kể những khi trái gió trở trời, vết mổ sẽ trở đau.
10. Bạn có thể bỗng dưng thấy ghét chồng
Không phải tất cả phụ nữ đều cảm thấy điều này, tuy nhiên do sự thay đổi hormone mà tâm sinh lý của bạn có thể thay đổi một cách chóng mặt. Đôi lúc bạn sẽ thức dậy lúc 2h sáng nhìn chằm chằm vào gương mặt của ông chồng đang nằm ngủ cạnh và tự hỏi: "Tại sao mình lại phải sinh con trong khi anh ta lại được nằm ngủ sung sướng thế kia?"... Ngoài ra việc chăm sóc em bé mới sinh quá căng thẳng, bận rộn mà không nhận được sự quan tâm và thông cảm của chồng cũng khiến bạn thường xuyên cáu bẳn, bực bội và chán ghét chồng.
Làm mẹ là cả một sự hy sinh to lớn và thầm lặng, nào mấy ai có thể hiểu được hết nỗi nhọc nhằn của các mẹ bầu. Đó là thiên chức nhưng để đón được một thiên thần bé nhỏ trong tổ ấm gia đình không phải điều đơn giản, sự hy sinh to lớn và lặng thầm nhất vẫn thuộc về phụ nữ. Vì thế, các anh hãy yêu thương và dành thời gian giúp đỡ người phụ nữ bên cạnh mình nhiều hơn nữa nhé.
Theo bestie.vn
Nếu một mai con lớn Nếu một mai con lớn, khi yêu đừng bi lụy, đừng yêu hết mình, chỉ yêu một nửa thôi, chừa lại một nửa cho mình, đừng cố sống chết với người mình yêu. Nếu một mai con lớn, trước khi lấy vợ, lấy chồng cứ mạnh dạn sống và trải nghiệm, để trưởng thành về nhân cách, về lối sống. Nếu không có...