Tiếng hát trong đêm phong tỏa và thông điệp từ bệnh viện Bạch Mai: Hạnh phúc khi ta lại được gần bên nhau
Lời ca mộc mạc và tiếng guitar trầm ấm vang lên trong đêm ở bệnh viện Bạch Mai không chỉ khiến chúng ta xúc động mà còn gửi thông điệp lạc quan từ những nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chiến đấu với Covid-19.
“ Sớm mai phải hỏi mặt trời rằng em có nhớ đến anh không? Anh tin mặt trời trả lời có, rằng em luôn nhớ về anh. Đêm nay phải hỏi mặt trăng, rằng em có nhớ đến anh không? Anh tin mặt trăng trả lời có, bởi vì em cũng hỏi trăng giống như anh“…
Những ca từ ấy, trong một hoàn cảnh bình thường, người ta chỉ thấy sự ngọt ngào và lãng mạn. Nhưng trong video được bác sĩ Lương Quốc Chính – bác sĩ nội trú tại Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai – chia sẻ, nó lại gây xúc động mạnh mẽ.
Tiếng hát trong đêm ở bệnh viện Bạch Mai. Nguồn: Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai
Tiếng hát mộc mạc vang lên trong đêm tĩnh mịch, hòa với tiếng guitar được vang lên ở “sân khấu” đặc biệt: Ghế đá trong khuôn viên bệnh viện, đèn flash từ điện thoại, những ô cửa sổ sáng đèn trong khu điều trị.
Tiếng hát ấy vang lên trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở thế giới, khiến hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh và gần 90.000 người tử vong. Tiếng hát ấy vang lên trong khi Bệnh viện Bạch Mai, nơi có hàng ngàn nhân viên y tế và người bệnh đang chống chọi với bệnh tật, đang bị phong tỏa do là một trong những ổ dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Tiếng hát ấy đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện khác bên trong phong tỏa: Sự căng thẳng, vất vả ấy không khiến những “chiến sĩ tuyến đầu” nao núng. Bất chấp việc cách ly xã hội, không được phép về nhà cùng gia đình, họ vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan.
Chỉ hơn 2 phút ngắn ngủi nhưng hình ảnh đáng yêu của các nhân viên y tế, người ôm đàn hát, người soi đèn chiếu sáng cho đồng nghiệp, người quay clip… có ý nghĩa hơn nhiều lời nói. Bác sĩ Lương Quốc Chính chia sẻ trong xúc động: “ Giữa đêm khuya khoắt, trong bệnh viện, nơi đang bị phong tỏa, tưởng như không thể, không bao giờ có nổi tiếng hát, tiếng đàn ngân lên với giai điệu có sức sống đến như vậy. Ấy vậy mà có đấy. Hai bạn trẻ, nhân viên của bệnh viện đã thể hiện ca khúc với bản nhạc tuyệt vời át đi nỗi buồn, những hoang mang và cả nỗi vất vả của mọi người trước dịch bệnh nguy hiểm“.
Màn thể hiện ngẫu hứng của nhân viên y tế trong Bệnh viện Bạch Mai đã cho chúng ta thấy, dù Covid-19 đang là nỗi ám ảnh của người dân trên khắp thế giới, dù nó có làm xáo trộn cuộc sống, lăm le tấn công nền kinh tế và các mối quan hệ của con người, ngay giữa tâm dịch, người ta vẫn có thể lạc quan đến thế nào.
Sự tích cực và những niềm vui nho nhỏ ấy, cùng với những thông tin đúng đắn sẽ khiến chúng ta không hoang mang, cũng không chủ quan, bình tĩnh đối phó với những khó khăn trước mắt.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai nói riêng và những “chiến sĩ tuyến đầu” đang căng mình chống dịch nói chung vẫn dốc sức, vừa làm việc chuyên môn vừa chăm lo cho sức khỏe cộng đồng bằng tinh thần khỏe mạnh. Chúng ta hãy dành cho họ lời cảm ơn và chung tay với họ, chỉ bằng những việc rất đơn giản: Ở nhà, giãn cách xã hội, áp dụng đúng các biện pháp phòng dịch và giữ cho mình khỏe mạnh, từ thể chất lẫn tinh thần.
Nhân viên y tế ở Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày phong tỏa. Ảnh: Hà Nội Mới
Mỗi người bớt đi một chút ích kỷ, hy sinh một chút niềm vui cá nhân, hạn chế tối đa việc ra đường khi không cần thiết, dịch bệnh sẽ được khống chế hiệu quả hơn. Có như vậy, nhanh thôi, rồi sẽ đến ngày mọi việc trở lại bình thường, như lời cuối trong bài hát của nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai gửi chúng ta: “Hạnh phúc khi anh lại được gần bên em”.
Miu Miu
Thu gom rác trong các khu vực cách ly: Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình
Giám sát công tác thu gom, xử lý rác thải trong các khu vực cách ly có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Song, để xử lý kịp thời một khối lượng rác khổng lồ phát sinh trong một thời gian ngắn, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh là chuyện không hề đơn giản.
Đồng lòng cống hiến
Trung tá Nguyễn Bá Sơn - Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật, Ban Chỉ huy quận sự quận Hoàng Mai cho biết, trong những ngày qua, khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp phục vụ 1.879 người, là những người nhập cảnh từ nước ngoài về.
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn rác y tế tại khu cách ly. Ảnh: Công Trình
Hàng ngày, người cách ly được cung cấp 3 bữa ăn đều là các suất đóng hộp sử dụng một lần nên lượng rác thải sinh hoạt rất lớn. Bên cạnh đó, lượng khẩu trang qua sử dụng do những người cách ly vứt bỏ hàng ngày cũng không nhỏ. Do đó, để kịp thời xử lý lượng rác thải phát sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực cách ly, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Ban Chỉ huy Quân sự quận và các đơn vị chức năng đã phải làm việc hết công suất, thậm chí chia ca để ăn uống, vệ sinh cá nhân.
Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai - nơi được coi là "ổ dịch" Covid-19, hiện tại, lượng rác thu gom ở đây trung bình từ 1,3 - 1,5 tấn mỗi ngày, công tác thu gom rác thải y tế vẫn duy trì tần suất 2 chuyến/ngày, cao điểm là 3 chuyến/ngày. Tất cả rác thải được phân loại, xử lý theo đúng quy trình của Bộ Y tế.
Theo lãnh đạo Công ty CP Vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13), dù là khu cách ly, song tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn duy trì các hoạt động khác nên lượng rác phát sinh hàng ngày rất lớn, phức tạp. Song với cán bộ, nhân Urenco 13 phần lớn đã từng kinh qua phòng chống nhiều dịch như SARS, H5N1 nên khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người cũng đã có chuẩn bị tâm lý, đồng lòng, sẵn sàng cống hiến.
Quyết tâm đẩy lùi đại dịch
Liên quan đến công tác thu gom, xử lý rác thải tại khu vực cách ly, Trung tá Nguyễn Bá Sơn - Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật, Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai cho biết, xác định đây là nguồn có nguy cơ lây nhiễm cao nếu có trường hợp dương tính nên ngay từ đầu Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai đã hướng dẫn phân loại, thu gom các loại rác thải tại khu vực này rất kỹ càng.
Cụ thể, tại mỗi tầng đều cho đặt hai loại thùng rác xanh và vàng để phân loại rác sinh hoạt và rác y tế. Hàng ngày, lực lượng phục vụ là các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lênh Thủ đô, Ban Chỉ huy quân sự quận Hoàng Mai thu gom từ các tầng xuống khu vực tầng 1 đóng gói cẩn thận. Lượng rác này sau đó được một đơn vị chuyên về xử lý rác thải y tế được quận Hoàng Mai thuê chở đi xử lý.
Một nữ công nhân thu gom của Urenco 13 cho biết, rác thải y tế, đặc biệt là rác thải trong khu vực cách ly rất nguy hiểm, nếu không được xử lý kỹ càng thì nguy cơ lây lan dịch bệnh hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, để ngăn chặn lây lan, Urenco13 đã và đang xử lý nghiêm theo đúng quy trình của Bộ Y tế.
"Mặc dù công tác thu gom, xử lý chất thải của khu cách ly khó khăn, nguy hiểm hơn rác thải thông thường rất nhiều nhưng chúng tôi không nản lòng. Mong sao đại dịch được đẩy lùi để nguy hiểm không còn rình rập tới đời sống người dân" - nữ công nhân bày tỏ.
Trong khi đó, dưới góc độ xã hội học, nhiều chuyên gia cho rằng, việc người dân duy trì được thói quen như ở trong các khu, điểm cách ly tự giác phân loại rác tại nguồn thì câu chuyện phân loại rác thải từ đầu nguồn - một bài toán khó thực hiện ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ từng bước được giải quyết.
Hiện nay, có 2 phương pháp xử lý rác thải y tế là hấp và đốt. Với phương pháp đốt, rác y tế sẽ được đưa vào lò đốt ở nhiệt độ cao để tiêu hủy. Còn phương pháp hấp, sau khi đưa rác y tế vào hệ thống lò hấp, tất cả vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh không còn sẽ đưa đi chôn lấp như rác thải thông thường.
TRÌNH VŨ - VŨ CÚC
Tất cả y bác sĩ âm tính lần 2 với Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai sắp 'trở lại' Toàn bộ y, bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai đã âm tính lần 2 với SARS-CoV-2. Người dân có thể chờ đợi sự hoạt động trở lại của bệnh viện hàng đầu cả nước. Các con số cho thấy có thể tạm yên tâm về Bệnh viện Bạch Mai . Ảnh Trần Cường Bệnh viện Bạch Mai đề nghị chuyển...