Tiếng gọi nơi hoang dã – Từ sách đến phim
Là tác phẩm nhiều người đọc nhất của nhà văn Jack London, ‘Tiếng gọi nơi hoang dã’ kể về cuộc đời của chú chó Buck dũng cảm và đã không ít lần được chuyển thể thành phim điện ảnh hay hoạt hình.
Với phiên bản chiếu rạp mới nhất ra mắt khán giả từ cuối tháng 2-2020, bộ phim tiếp tục mang đến cho người xem nhiều cảm xúc với nét sống động của Buck.
“Tiếng gọi nơi hoang dã” (The Call of the Wild) ra đời năm 1903. Sau gần 110 năm, công chúng thời nay có dịp thưởng thức câu chuyện từ trang sách của văn hào Jack London lên màn ảnh rộng với phiên bản mới nhất thể hiện tính ưu việt của nghệ thuật phim ảnh và những kỹ thuật tân kỳ. Với trình độ công nghệ đồ họa như CGI ngày nay, hình ảnh chú chó Buck hiện ra đẹp đẽ và linh hoạt nhất. Nhờ vậy, hành trình cuộc đời Buck với tình cảm trong tim và sự mạnh mẽ bề ngoài được miêu tả hiệu quả qua bộ phim của đạo diễn Chris Sanders.
Vốn là một chú chó được cưng chiều trong gia đình nhà Thẩm phán Miller ở miền Nam nước Mỹ, Buck bị bắt cóc và bán đến vùng đất lạnh giá phía Bắc xa xôi. Hành trình phiêu lưu bất đắc dĩ đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời “ấm êm” của Buck khi chú trải qua không ít ngược đãi từ nhiều người chủ mới. Duyên may khi gặp người chủ Perrault cùng người cộng sự Francoise đã giúp Buck có cuộc sống tốt hơn, ý nghĩa hơn khi gia nhập đoàn xe đưa thư qua các miền đất hẻo lánh phủ tuyết trắng xóa. Chú chó tạo được niềm tin với chủ, đáp ứng được sự kỳ vọng và thấu hiểu ý nghĩa cao đẹp của công việc đưa thư qua câu thoại của Perrault: “Thấy không Buck, chúng ta không chở thư. Chúng ta chở niềm vui, tình yêu, niềm hy vọng và cả mạng sống nữa…”
Tiếng gọi nguồn cội
Trải qua những thăng trầm, thậm chí suýt chết, Buck gặp may lần nữa khi được John Thornton (Harrison Ford đóng) cứu sống và cưu mang. John muốn xa lánh với thế giới bởi những tổn thương trong quá khứ. Nhưng từ khi có Buck bên cạnh, ông lại có được cảm hứng cho một hành trình mới. “Mày nghĩ thế nào về một hành trình vượt ra khỏi mọi bản đồ? Chúng ta sẽ đi, mày và tao, đến nơi chưa từng có dấu chân người. Chúng ta sẽ xem thế giới ngoài kia có gì” – John nói với Buck và cả hai lên đường. Họ đi qua những dãy núi cao, những thác ghềnh, những cánh rừng xanh hùng vĩ bằng trái tim đam mê khám phá chân trời mới, trở về với cội nguồn tự nhiên hoang dã của tạo hóa và mẹ thiên nhiên.
Khi John tạm biệt cõi trần, Buck đã theo tiếng gọi bản năng để chạy theo bầy sói hoang trong khu rừng. Chú kết bạn và đi theo đồng loại, trở về với “mái nhà” thật sự của mình. Chuyến phiêu lưu đến tận chân trời đầy trắc trở lẫn ngọt bùi của Buck hóa ra là chuyến tìm về nguồn cội. Chú khám phá nhiều điều mới mẻ về thế giới, trải qua bao thử thách do con người lẫn thiên nhiên mang lại, để định mệnh dẫn dắt đến điều sâu thẳm và quý giá nhất của mọi sinh linh trên hành tinh này: tìm ra nơi chốn thích hợp nhất với mình và trân trọng nó.
Chú chó Bấc trong sách giáo khoa lớp 9…
Bộ phim “Tiếng gọi nơi hoang dã” chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển cùng tên của đại văn hào Jack London (1876 – 1916) vốn được bao thế hệ học sinh trong nước biết đến qua trích đoạn được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 9.
Chú chó Buck (với tên gọi Việt hóa là “Bấc”) là chú chó bị bắt cóc đưa lên vùng Bắc cực để kéo xe trượt tuyết và bị bán qua tay nhiều ông chủ độc ác. Chỉ riêng Giôn Thooc-tơn (John Thornton) là người có lòng nhân từ đã cảm hóa được Bấc. Về sau, khi Thooc-tơn qua đời, Bấc dứt bỏ việc sống bên cạnh con người, đi theo “tiếng gọi nơi hoang dã”. “Tình yêu thương, một tình yêu thương thật sự và nồng nàn lần đầu tiên được phát sinh bên trong nó…” – đoạn trích giúp học sinh hiểu được sự tinh tế của nhà văn khi viết về những con chó, thể hiện trí tưởng tượng tuyệt vời của tác giả khi đi sâu vào “tâm hồn” của chú chó Bấc. Tình cảm yêu thương giữa người và vật nuôi, giữa vật nuôi và người lan truyền đến người đọc. Đoạn văn cũng cho thấy Jack London hiểu thấu nội tâm chú chó nên miêu tả nó cực kì sinh động qua những suy nghĩ, cử chỉ, hành động.
Theo an ninh thủ đô
Phim 'Tiếng gọi nơi hoang dã' khác nguyên tác văn học ra sao?
Tác phẩm điện ảnh do Harrison Ford đóng chính đưa ra nhiều sự thay đổi so với tiểu thuyết gốc của nhà văn Jack London nhằm tiếp cận khán giả hiện đại.
Trailer bộ phim 'Tiếng gọi nơi hoang dã' Bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên với Harrison Ford trong vai chính.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung bộ phim Tiếng gọi nơi hoang dã.
Quá khứ của Buck: Một chi tiết giúp The Call of the Wild ăn điểm so với tiểu thuyết gốc chính là câu chuyện quá khứ của Buck. Trong cả hai phiên bản, chủ trước của chú chó đều là thẩm phán Miller (Bradley Whitford) ở Bắc Carolina, Mỹ. Song, nhân vật chỉ được nhắc sơ qua trong nguyên tác. Ở bản phim, cuộc sống trước đây của Buck khá thoải mái khi chú chó có thể làm mọi thứ mình thích mà không cần quan tâm hậu quả. Điều đó khiến chuyến phiêu lưu tới vùng đất hoang dã của nhân vật trở nên cảm xúc hơn. Ngoài ra, Buck trong phim bị kẻ trộm lạ mặt cuỗm đi; còn ở tác phẩm của Jack London thì kẻ thủ ác là người làm vườn của thẩm phán Miller.
Nhân vật của Harrison Ford xuất hiện từ sớm: Trong phim, Buck tìm lại được chiếc kèn harmonica cho John Thornton (Harrison Ford) ngay khi vừa bị đưa lên vùng Yukon lạnh giá. Cả hai gặp lại khi Buck trở thành thành viên của đoàn chó kéo xe trượt tuyết giao thư tín. Những chi tiết này, cùng phần dẫn truyện của Harrison Ford, là sự sáng tạo của bộ phim. Trong sách, John Thornton chỉ xuất hiện ở gần cuối tác phẩm để trở thành bạn đồng hành của Buck. Sự thay đổi có lẽ đến từ việc ê-kíp muốn dành thêm nhiều đất diễn cho một ngôi sao lớn như Harrison Ford.
Buck tha mạng cho Spitz: Để có thể tiếp cận nhiều khán giả hơn, The Call of the Wild đã giảm nhẹ mức độ bạo lực và máu me so với nguyên tác. Trong phim, Buck bị con đầu đàn Spitz căm ghét ngay khi vừa gia nhập đội chó kéo xe. Khi xung đột nổ ra, Buck bị Spitz áp đảo cho đến khi những chú chó khác chạy đến trợ giúp. Lúc này, Buck dễ dàng giành chiến thắng và đuổi đối thủ đi. Tuy nhiên, trong nguyên tác, Buck thẳng tay sát hại Spitz vì muốn trở thành thủ lĩnh mới của đàn chó. Lòng trắc ẩn của anh chàng trong sách ít hơn khi bản năng hoang dã bắt đầu thức tỉnh.
Francois và Perrault tử tế hơn: Chủ nhân đầu tiên của Buck ở Yukon là Francois (Cara Gee) và Perrault (Omar Sy) - hai người đưa thư ở vùng hẻo lánh. Phim không chỉ thay đổi giới tính của Francois từ nam thành nữ, mà còn biến bộ đôi thành những người chủ tử tế hơn nguyên tác nhiều lần. Trong tác phẩm của Jack London, họ sẵn sàng đánh đập những chú chó khi thấy cần thiết. Cả hai cũng nhận thức rõ mâu thuẫn giữa Buck và Spitz, nhưng vẫn để chúng đánh nhau và chỉ can thiệp khi cần thiết. Họ dễ dàng đoán ra việc Buck giết Spitz và chẳng hề tỏ ra đau buồn.
Đàn chó và Hal đều còn sống: Như đã đề cập, mức độ bạo lực và bi kịch trong phim đều được giảm nhẹ so với nguyên tác. Trong bộ phim của đạo diễn Chris Sanders, John giải cứu Buck khỏi Hal (Dan Stevens) và cô em gái ngờ nghệch Mercedes (Karen Gillan), đồng thời cảnh báo họ rằng lớp băng mỏng sẽ dễ dàng vỡ vụn dưới sức nặng của xe trượt tuyết nhưng không được đáp lại. Ít lâu sau, Hal trở lại thị trấn và tấn công John. Anh kể rằng lớp băng vỡ thật, khiến chiếc xe chìm xuống mặt nước. Mercedes cùng chồng mất mạng trong khi đàn chó bỏ chạy. Thực tế thì cảnh này chưa từng xuất hiện trong sách khi cả Hal lẫn đàn chó đều mất mạng.
Nhân vật của Harrison Ford chỉ có một mình: Trong phim, John Thornton chọn đến sống ở Yukon để được một mình. Trước đó, ông mất đi người con trai và không thể chịu được chốn đông người. Trong sách, John có cuộc sống hoàn toàn khác. Ông cùng hai người bạn là Pete và Hans đến vùng Yukon để tìm kiếm kho báu như bao người khác. Bộ ba cùng Buck và đàn chó kéo xe truy lùng một căn chòi trong truyền thuyết. Trong phim, John và Buck chỉ muốn khám phá thế giới hoang dã và tình cờ tìm thấy căn chòi này.
John bị Hal giết: Không chỉ sống sót, Hal còn trở thành phản diện chính trong The Call of the Wild. Gã bám theo John vì cho rằng ông cất giấu vàng. Hal bất ngờ tấn công John, khiến căn chòi bóc cháy. Buck xuất hiện nhưng đã quá trễ để cứu người chủ. Trong sách, Buck trở về sau một chuyến du ngoạn với đàn sói trong vùng và phát hiện ra John, Pete và Hans đều bị giết bởi bộ lạc Yeehat. Chú chó giết vài người để trả thù, rồi gia nhập đàn sói vì chút liên kết nhân tính cuối cùng đã biến mất. Về sau, Buck vẫn nhiều lần tấn công người Yeehat như một thói quen.
Nhiều cảnh hành động hơn: Phiên bản điện ảnh đã thêm thắt hai cảnh hành động để tăng tính giải trí cho tác phẩm. Đầu tiên, khi bộ đôi đưa thư vượt qua một lớp băng mỏng, Francois bất ngờ rơi xuống làn nước lạnh. Buck liền nhảy xuống cứu và suýt nữa mất mạng. Nếu trường hợp tương tự diễn ra trong truyện, chú chó có lẽ đã mặc kệ người chủ xấu tính. Trong lúc dẫn đầu đoàn xe sau đó, Buck phát hiện ra một vụ tuyết lở và quyết định trốn vào một hang động thay vì cố chạy thoát.
Theo Zing
Thông điệp dịu dàng từ phiên bản điện ảnh "Tiếng gọi nơi hoang dã" Được mệnh danh là tác phẩm nhiều người đọc nhất của nhà văn Jack London, "Tiếng gọi nơi hoang dã" (The Call of the Wild) và cuộc đời chú chó Buck dũng mãnh đã không ít lần được chuyển thể thành phim. Trước đó, chú chó đã phải trải qua không ít ngược đãi trong hành trình qua tay nhiều kẻ buôn, vậy...