Tiếng gầm của cơn lũ Làng Nủ đến từ đâu?
Chuyên gia địa kỹ thuật đã nhận định ban đầu về cơ chế của dòng lũ bùn đá tại Làng Nủ sau chuyến đi thực địa ở đây.
PGS Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường ĐH GTVT, đã có chuyến đi thực địa tại thôn Làng Nủ, xã Bảo Khánh, H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và có một số thông tin bước đầu về cơ chế của dòng lũ bùn đá tại thôn Làng Nủ.
Chụp màn hình
PGS Nguyễn Châu Lân (áo kẻ) trong chuyến đi thực địa tại thôn Làng Nủ sau trận lũ bùn lịch sử rạng sáng 10.9 ẢNH: NCL
Lũ bùn đá khác với lũ thông thường
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, PGS Nguyễn Châu Lân cho biết, lũ bùn đá là một trong số hàng loạt thiên tai có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người và cơ sở hạ tầng. Dòng lũ bùn đá khác với dòng lũ thông thường ở chỗ dòng lũ bùn đá có cả đất, đá và nước. Khi có trượt lở đất đá, nếu có độ chênh lệch về độ cao và mưa tích lũy thì sẽ tạo dòng chảy. Trong dòng chảy đó có đá ở phía trên, dòng nước chảy phía dưới, tạo ra sự va chạm rất lớn. Trên đường đi của dòng lũ, bùn lẫn đá dịch chuyển sẽ phá hủy nhà cửa và các công trình nằm trong dòng chảy của nó.
Về cơ bản, lũ bùn đá thường có 3 phần. Phần phát sinh trượt lở ban đầu giúp cung cấp vật liệu cho dòng chảy. Phần thứ hai là dòng chảy chính với kênh dẫn có độ dốc lớn, thường là các khe suối trong điều kiện thông thường. Phần tiếp theo là vùng lắng đọng của lũ bùn đá, là vùng hình quạt tại hạ lưu nơi các vật liệu của lũ xòe ra trên một diện tích rộng.
Lũ bùn thường xảy ra khi có mưa lớn hoặc mưa dài ngày tại nơi có địa hình dốc (chữ V) và đất bề mặt rời rạc. Các tham số quan trọng để tạo xác định xảy ra một trận lũ bùn đá gồm: cấu trúc của bề mặt đất thể hiện qua các đặc trưng hình thái lưu vực như diện tích, chiều dài, chiều rộng, độ dốc, mật độ sông, suối, hình dạng lưu vực..
Nhưng khối lượng bùn đá rất lớn đổ ập xuống thôn Làng Nủ xuất phát từ đâu và tại sao lại có thể có một khối lượng rất lớn bùn đá đổ ập xuống như thế trong bất thình lình dăm bảy phút với mức công phá đủ xóa sạch một ngôi làng?
Thảm kịch ở Làng Nủ: Còn 11 người mất tích, đội chó nghiệp vụ rời hiện trường
Từ ngày 9.9 có thể đỉnh núi Con Voi đã sạt trượt
Theo phân tích của PGS Nguyễn Châu Lân, trận lũ sáng 10.9 tại thôn Làng Nủ có vị trí phát sinh trượt lở là núi Con Voi. Các vật liệu tạo dòng chảy chủ yếu là gneiss biotit, đá phiến thạch anh biotit, thấu kính đá hoa. Vùng phát sinh trượt trên đỉnh núi Con Voi có cao độ 774 m, vùng ảnh hưởng dưới cùng (thôn Làng Nủ, là vùng lắng đọng bùn đá) có cao độ 160 – 200 m. Chiều dài dòng lũ bùn đá (từ đỉnh núi Con Voi xuống thôn Làng Nủ) là 3,6 km. Diện tích ảnh hưởng của dòng lũ bùn đá là khoảng 38 ha.
Kết quả mô phỏng trận lũ sáng 10.9 tại thôn Làng Nủ. ẢNH: NCL
Sau khi nhập dữ liệu vào mô hình, PGS Nguyễn Châu Lân nhận được kết quả mô phỏng như sau: chiều sâu tích tụ dòng bùn là 8 – 15 m, nơi sâu nhất khoảng 18 m, vận tốc dòng chảy là 20 m/giây (rất lớn). Thời gian chảy từ trên núi xuống (cho cả quãng đường 3,6 km) là khoảng 10 – 15 phút.
PGS Nguyễn Châu Lân nhận định, tại khu vực xã Bảo Khánh, vào lúc 5 giờ sáng 9.9 đã có mưa rất lớn, đạt mức 57 mm trong 1 giờ. Với cường độ mưa này, tình trạng trượt lở đất đá đã có thể xảy ra từ ngày 9.9. Lượng mưa tích lũy ngày 9.9 là 500 mm. Như vậy, nhiều khả năng ở khu vực đỉnh núi Con Voi đã phát sinh trượt lở ban đầu (phần thứ nhất) từ ngày 9.9. Nhưng ngày 9.9, người dân ở thôn Làng Nủ chưa ai cảm nhận được sẽ có lũ bùn đá.
PGS Nguyễn Châu Lân giải thích: “Theo tính toán của chúng tôi, diện tích trượt lở khu vực đỉnh núi Con Voi khá lớn. Nhưng dòng chảy của nó bị co hẹp lại ở cách điểm phát sinh trượt khoảng 2 km. Sau đoạn co hẹp đó thì dòng chảy rộng ra. Chúng tôi nhận định cơ chế trượt của dòng bùn đất có sự gián đoạn trước khi lũ đổ xuống thôn Làng Nủ. Trước hết các vật liệu trượt ở vị trí trên đỉnh (bao gồm đá phiến, các vách đất) rồi xói mạnh dọc theo khe. Sau đó khối vật liệu này tắc ở vị trí co hẹp dòng chảy, vì thế nó có thể tạo đập dâng tạm thời, khối vật liệu bị ứ lại ở cái đập tạm thời đó, chưa ào xuống thôn Làng Nủ”.
Tiếng gầm từ đâu?
Theo PGS Nguyễn Châu Lân, như đã nói ở trên, lượng mưa tích lũy trong ngày 9.9 ở khu vực xã Bảo Khánh là 500 mm. Vào ngày xảy ra lũ bùn ở thôn Làng Nủ, lượng mưa tích lũy ở đây đạt 633 mm, đây là mức rất cao, bằng bằng 1/4 lượng mưa trung bình cả năm ở Lào Cai. Đến 6 giờ sáng 10.9, do áp lực của nước dâng lên mà đập tạm bị vỡ, lũ bùn đá tràn và lan rộng xuống phần quạt do địa hình phẳng bên dưới (là thôn Làng Nủ).
Theo PGS Nguyễn Châu Lân, vị trí co hẹp trong dòng chảy tạo đập tạm cách đỉnh trượt khoảng 2 km. ẢNH: NCL
Phân tích trắc ngang cho thấy vị trí co hẹp dòng chảy (cách đỉnh khoảng 2 km) có chiều rộng 100 m, chiều cao dòng chảy tối đa chỗ cao nhất là 35 m. Trường hợp mặt cắt lớn hơn thì chiều cao dòng chảy là 60 m. Vị trí mở rộng mặt cắt phía dưới (dòng bùn tràn rộng ra) rộng khoảng 300 m.
Theo bài viết ” Ám ảnh tiếng gầm của cơn lũ Làng Nủ” đăng trên Báo Thanh Niên số ra ngày 12.9, khoảng gần 6 giờ sáng 10.9, nghe tiếng nổ phát ra từ ngọn núi sau nhà, một người dân chạy ra soi đèn pin thì thấy trên ngọn núi Con Voi bốc khói. Ít phút sau, lại có thêm tiếng nổ nữa khiến bùn đất vươn lên khoảng 50 – 60 m rồi ụp xuống những ngôi nhà bên dưới.
“Tiếng gầm, hoặc người khác thì nghe thấy tiếng nổ như bom, có thể do tiếng vỡ của đập tạm, hoặc của các khối đá va vào nhau khi đập tạm bị vỡ”, PGS Nguyễn Châu Lân nói.
PGS Nguyễn Châu Lân nói: “Trước các dữ liệu và kết quả phân tích mà chúng tôi có được, có thể tạm thời kết luận nguyên nhân gây lũ bùn đá phá hủy thôn Làng Nủ là do mưa lớn trong ngày 9.9 và lượng mưa tích lũy trong 3 ngày bão số 3 quá lớn, gây trượt lở khối lớn, tích tụ vật liệu vào đoạn co hẹp, tạo đập tạm thời. Đập này vỡ vào khoảng 6 giờ sáng ngày 10.9, vận tốc dòng chảy quá lớn kèm bùn đá đã xóa sạch thôn Làng Nủ”.
Theo PGS Nguyễn Châu Lân, thực tế cho thấy một số nhà dân khu vực hình quạt phía dưới vẫn an toàn, nhờ vị trí đủ cao so với phạm vi dòng chảy của lũ. Qua đó cho thấy, nếu lượng mưa giờ lớn hơn 40 mm, lượng mưa tích lũy trên 200 mm, cơ quan chức năng có thể xem xét để cảnh báo người dân về nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, từ đó xác định các khu vực có địa hình, địa chất, đặc điểm tương tự để giúp người dân tìm cách phòng tránh an toàn.
Vị trí thôn Làng Nủ là vị trí đứt gãy địa chất. Đây là trí nguy hiểm khi có tai biến địa chất xảy ra. Chính quyền cần khuyến cáo người dân không làm nhà ở các vị trí này.
“Tuy nhiên, để có thêm những thông tin chính xác về nguyên nhân gây ra cơ chế lũ ở thôn Làng Nủ sáng 10.9, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu, đo đạc hiện trường để xác định nguyên nhân chính xác của dòng bùn tích tụ, từ đó xác định các khu vực tương tự có địa hình, địa chất, dòng chảy tương tự. Có thế chúng ta mới đưa ra được những khuyến cáo cần thiết phục vụ vấn đề quy hoạch, giúp người dân tìm được các vị trí an toàn để ở”, PGS Nguyễn Châu Lân đề xuất.
Khẩn trương hồi sinh Làng Nủ sau lũ quét kinh hoàng
Trong phút chốc, ngôi Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai xinh đẹp, bình yên đã bị lũ dữ kinh hoàng xóa sổ.
Chỉ ít người trong thôn Làng Nủ may mắn thoát nạn, số còn lại bị vùi lấp dưới hàng triệu triệu đất đá, cành cây, dưới con suối Ủ bên cạnh núi Voi.
Nén đau thương và cố gắng vượt lên nỗi đau đớn mất mát khủng khiếp ấy, chính quyền và những người dân may mắn sống sót còn lại ở nơi đây đang nỗ lực tái thiết, hồi sinh Làng Nủ...
Ám ảnh kinh hoàng
5 ngày sau cơn lũ quét kinh hoàng, không khí tang thương vẫn bao trùm nơi đây, nhiều người dân trong làng với ánh mắt thất thần nhìn xa xăm vào đống đất đá hàng triệu tấn từ núi Voi đổ xuống, vùi lấp, san bằng cả thôn Làng Nủ chỉ trong tích tắc. Họ mong ngóng các lực lượng chức năng nhanh chóng tìm được những người thân mất tích trong cơn lũ dữ.
Chưa hết bàng hoàng trước những thiệt hại nặng nề do trận lũ ống, lũ quét gây ra đối với người dân địa phương, ông Hoàng Văn Diệp, trưởng thôn Làng Nủ cho biết: Núi Voi là ngọn núi bao đời che chở, bảo vệ cho các thế hệ người dân Làng Nủ và cũng là nơi cung cấp nguồn nước làm nên cánh đồng lúa trù phú bên dưới, nay lại nổi cơn thịnh nộ khiến cả thôn chìm trong tang tóc, đau thương. Chỉ sau một tiếng nổ, hàng triệu mét khối đất đá của núi Voi đã san phẳng ngôi làng nhỏ, cuốn 37 hộ gia đình với 158 nhân khẩu ra suối.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai và lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát vị trí tái thiết Làng Nủ.
Những hình ảnh kinh hoàng về cơn lũ quét đổ xuống Làng Nủ vẫn còn ám ảnh trong tâm trí thân nhân các nạn nhân xấu số. Với vẻ mặt thất thần, đôi mắt trũng sâu sau mấy ngày không ngủ, anh Sầm Văn Bóng (sinh năm 1980) kể lại: Trước khi lũ quét xảy ra, trời mưa rất nhiều, có khi kéo dài đến cả tháng trời. Vì thế, bản thân anh và các thành viên trong gia đình nhiều ngày qua thường thay nhau thức để canh chừng, sợ lũ quét đổ về. Ngày 10/9, do có công việc phải đến nhà người em nên tôi dậy sớm và rời nhà lúc hơn 5h sáng.
Vừa đi được 400-500 mét thì nghe tiếng nổ lớn, quay lại thì mọi thứ đã quá muộn, lũ quét đổ về ầm ầm bao trùm cả Làng Nủ. Cơn lũ đã cướp đi 5 người trong gia đình anh Bóng gồm vợ anh là chị Hoàng Thị Xuyến (sinh năm 1984), con trai cả Hoàng Ngọc Bàn (sinh năm 2002), con dâu Đặng Thúy Nhài (sinh năm 2006), con gái út Hoàng Thị Xuân Mai (sinh năm 2008) và cháu nội mới 38 ngày tuổi. Sau 4 ngày, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời của các cấp chính quyền và được sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng chức năng, đến sáng 14/9, toàn bộ 5 người trong gia đình anh Bóng bị mất tích đã tìm được thi thể và được an táng chu toàn theo phong tục của địa phương.
Không khí tang thương khủng khiếp bao trùm khắp thôn Làng Nủ. Không còn nước mắt để khóc, cạn kiệt sức lực bởi lũ quét kinh hoàng tàn phá chẳng còn để lại bất cứ thứ gì ngoài bùn đất, rác rưởi lẫn trong dòng suối giờ đang đông cứng lại. Những tiếng khóc xé lòng của thân nhân người mất tích mỗi khi lực lượng chức năng tìm thấy thi thể của người thân họ khiến những người xung quanh quặn lòng.
Cùng với Công an, lực lượng Quân đội cũng nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Sáng 12/9, khi lực lượng chức năng thông báo việc tìm thấy thi thể con gái thì tiếng gào khóc xé lòng của chị Đặng Phương Linh khiến những người xung quanh quặn lòng lại. 2 ngày nay, chị Linh đến hiện trường ngóng tin hai con bé bỏng đang học tiểu học và mẹ chồng mất tích. Những người thân luôn bên cạnh động viên chị cố gắng vượt qua nỗi đau đớn này. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, chị Linh cho biết, sáng sớm 10/9, gia đình gồm mẹ ruột, chồng và hai con chị đang ngủ trong nhà. Một tiếng nổ lớn đã đánh thức chị dậy.
Bước ra cửa và nhìn lên phía núi Voi, chị Linh thấy một màu đỏ rực, rồi đất đá ầm ầm đổ xuống. Những tiếng hô hoán của chị bị nhấn chìm bởi hàng triệu triệu đất đá cùng những người thân của mình trong lũ quét khủng khiếp. "Thảm họa này khủng khiếp quá. Nó đến khi mẹ già và hai con nhỏ của tôi còn đang say giấc", chị Linh nghẹn ngào khóc và cùng người thân đi theo quan tài đưa con đến nơi an táng.
Sau khi lo hậu sự xong cho con dâu và hai cháu gái, bà Hoàng Thị Sời (58 tuổi) cầm di ảnh cô cháu gái còn lại đến hiện trường tìm kiếm thông tin. Bà Sời chia sẻ nhà con trai bà gồm 5 người thì hiện chỉ có anh Hoàng Văn Nhầm (36 tuổi) may mắn sống sót, được người dân tìm thấy ở cuối làng. Hiện tại anh Nhầm đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên với chân bị gãy, đa chấn thương. 4 người còn lại là con dâu cùng 3 cháu đã chết và mất tích. Còn rất nhiều người dân vẫn đang trông chờ người thân của mình được tìm thấy sau chuỗi ngày dài mất tích bởi cơn lũ quét kinh hoàng.
Khẩn trương tái thiết, hồi sinh Làng Nủ
Chỉ 2 ngày sau khi xảy ra thảm họa lũ quét kinh hoàng ở Làng Nủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có mặt tại hiện trường. Chiều muộn ngày 12/9, dừng xe ở đầu cầu Làng Nủ, bất chấp nguy hiểm, sụt lún, Thủ tướng Phạm Minh Chính xuống đi bộ, trực tiếp lội xuống những điểm sạt lở, nơi các lực lượng Công an, Quân đội đang tìm kiếm những người mất tích để thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống của người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phát biểu chỉ đạo nhanh tại đây.
Lực lượng Công an tỉnh Lào Cai, Bộ Công an giúp dân sau trận lũ quét kinh hoàng và tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.
Chứng kiến những hậu quả thảm khốc của cơn lũ quét kinh hoàng, lắng nghe những tâm sự buốt lòng, quặn đau của bà con nơi đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần bật khóc, bày tỏ nỗi xúc động mạnh mẽ, đau lòng trước thiệt hại vô cùng nặng nề của bão lũ gây ra trên địa bàn cả nước, trong đó có thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Sau khi gửi lời chia buồn, thăm hỏi ân cần, sâu sắc đến Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Lào Cai nói chung và các gia đình có người thân bị tử vong, bị thương, mất tích trong lũ lụt của thôn Làng Nủ nói riêng; động viên các lực lượng làm nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành và tỉnh Lào Cai phải sớm khôi phục, xây dựng lại Làng Nủ mới an toàn, bình yên, văn minh cho người dân nơi đây, những người còn sống phần nào nguôi ngoai đi nỗi đau đớn đến tận cùng này.
Thủ tướng giao chậm nhất đến ngày 31/12/2024 phải có một ngôi làng mới đảm bảo an toàn, văn minh, lành mạnh, có nhà văn hóa, khu vui chơi cho trẻ em, người già. Cùng với đó, tỉnh Lào Cai, các đơn vị chức năng trong đó có Công an, Quân đội các lực lượng khác ổn định tình hình nhân dân, hỗ trợ khôi phục lại thôn Làng Nủ. Về xây dựng các trụ sở có thể giao cho các doanh nghiệp quân đội đảm nhiệm. Tinh thần là tỉnh phải chịu trách nhiệm là chính, cần gì, thiếu gì thì báo cáo Chính phủ để giải quyết với tinh thần không để ai bị đói rét, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu nước sạch, chỗ ở, các lực lượng phải triển khai với tinh thần trên.
Trao đổi về công tác khắc phục hậu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết: "Mất mát này là quá lớn. Địa phương đã nhanh chóng triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân, đồng thời khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng khảo sát tìm kiếm và xác định vị trí tái thiết Làng Nủ sau lũ quét kinh hoàng. Chúng tôi rất mong sự chung tay của các lực lượng chức năng để địa phương sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống nhân dân".
Với sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, công tác tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả của trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ tiếp tục được triển khai, chạy đua theo thời gian. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng lên phương án xây dựng khu tái định cư cho người dân Làng Nủ sớm ổn định cuộc sống.
Người dân Làng Nủ biểu quyết thống nhất về vị trí tái thiết nơi ở mới.
Chiều 15/9, tỉnh Lào Cai đã "chốt" triển khai xây dựng khu tái định cư thôn Làng Nủ. Tại cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh Lào Cai với Trường Đại học Mỏ - Địa chất, các chuyên gia địa chất, chính quyền địa phương, có 2 phương án lựa chọn địa điểm xây dựng Làng Nủ được đưa ra. Phương án thứ nhất: Lựa chọn xây khu tái định cư giữa cánh đồng (khoảng 3 ha). Tuy nhiên, sau khi đi thực địa cho thấy, phương án này không an toàn vì địa hình khu vực thấp, 2 dòng suối chảy quanh, nguy cơ lũ quét có thể xảy ra nguy hiểm. Phương án thứ hai: Lựa chọn khu vực đồi sim (rộng khoảng 10 ha), có địa hình cao, an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước, rộng rãi. Phương án này qua khảo sát thực địa thấy rất hợp lý và được 100% người dân biểu quyết thống nhất.
Từ ngày 16/9, máy móc phương tiện kỹ thuật sẽ được huy động vào triển khai đo đạc, đền bù giải phóng mặt bằng và thi công để hoàn thành trước 31/12. Chính quyền đề nghị nhân dân cùng tham gia giúp đỡ công nhân xây dựng để có làng mới đẹp, khang trang, hồi sinh Làng Nủ. Khu tái định cư sẽ xây theo lối nhà sàn của người Tày, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, đảm bảo giữ gìn và phát huy được nét truyền thống trong văn hóa của người dân nơi đây
Vụ lũ quét tại Làng Nủ: 87 người an toàn, 66 người tử vong và mất tích Tính đến 12h hôm nay, sau vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ có 87 người an toàn. Tổng số người chết và mất tích là 66, trong đó có 52 người bị chết, 14 người mất tích. Thông tin từ Sở Chỉ huy tiền phương tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, Lào Cai), sáng 15/9, các cơ quan,...