Tiền tỷ để… sân thượng
Ngoài việc tìm được nơi lưu trú mới cho bonsai, cây cảnh… với nhiều người nhạy bén, một hướng kinh doanh hái ra tiền đang dần hình thành trên sân thượng, nơi bấy lâu nay bị bỏ trống để mặc rêu mốc, gió trời.
Trào lưu “đưa cây cảnh lên trời”
Sài Gòn đất chật, người đông. Những vườn bonsai, cây cảnh nhường chỗ cho những ngôi nhà, công trình mới mọc lên. Thú chơi của một bộ phận người Sài thành tưởng chừng sẽ mai một, thế nhưng bằng niềm đam mê và sự sáng tạo, nhiều nghệ nhân đã tìm cách tận dụng khoảng không gian sân thượng bỏ trống để đưa những chậu cảnh, bonsai từ dưới đất lên.
Theo chân ông Đào Thành (64 tuổi) lên sân thượng của ngôi nhà 3 tầng tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước một vườn cây cảnh đủ chủng loại, kiểu dáng. Cách mặt đất 20 mét là khoảng không gian hoàn toàn khác biệt, những chậu bonsai với dáng thế độc đáo tạo nên không gian xanh giữa nơi nhiều nắng và gió.
Nghệ nhân Đào Thành đang chăm chút từng chậu bonsai mini trên sân thượng nhà mình
Đưa cây cảnh lên sân thượng được 2 năm, ông Thành tạo dựng cho mình khoảng không gian với gần 1.000 chậu bonsai, bonsai mini các loại. Theo ước tính của những người chơi trong nghề, giá trị vườn bonsai của ông vào khoảng 2-3 tỷ đồng.
“Mình cũng ít bán cây, chủ yếu cũng vì đam mê, nhưng nhiều lúc gặp khách hợp tính, hiểu cây, mình lại bán nhiều. Từ cái cây chỉ 50.000 đồng ban đầu, sau 2-3 năm săn sóc, nó có thể cho mình 20 triệu hoặc nếu cao là 40 – 50 triệu đồng”, ông Thành chia sẻ.
Ở quận Tân Phú, một vườn kiểng tiền tỷ trên sân thượng không kém so với ông Đào Thành chính là vườn bonsai của ông Nguyễn Thành Công (54 tuổi, ngụ phường Tân Sơn Nhì). Sân thượng nhỏ, tuổi nghề và quy mô cũng không bằng nghệ nhân Đào Thành nhưng lại có tiếng trong việc tạo ra những chậu bonsai có dáng, thế độc đáo.
Những chậu bonsai như thế này, nhưng được tạo dáng uyển chuyển, giá vài chục triệu đồng/chậu
Mười năm đi theo đam mê tạo hình cho cây, ông Nguyễn Thành Công cũng gây dựng được khoảng sân 200 chậu cảnh… Tính ra giá trị thị trường, ông đang có trong tay cả tỷ đồng từ 40m2 diện tích. Trong những tác phẩm của mình, ông Công tâm đắt nhất với chậu bonsai dáng “thác đổ” vừa đạt giải vàng tại Fetival Huế, giá trị của chậu này được ông ước lượng hơn 100 triệu đồng.
Video đang HOT
Theo anh Ngô Tý, Chi hội trưởng Chi hội bonsai quận Tân Phú thì chi hội có 60 thàng viên nhưng 90% trong số đó chơi cây cảnh trên sân thượng. Ngoài mục đích thoả niềm đam mê, thú chơi này đang là định hướng kinh doanh của không ít người bởi nó có thể cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. “Hiệu quả kinh tế từ cây cảnh trên sân thượng rất là cao, như đây có anh Thắng, anh Công hay anh Thành. Họ tạo ra được những tác phẩm độc đáo nên nhiều người tìm về mua lắm”, anh Tý cho biết.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Để có được những chậu bonsai trị giá hàng tỷ đồng trên sân thượng, cộng việc chăm sóc, bảo quản chúng không phải điều đơn giản. Chế độ chăm sóc trở nên khác biệt hoàn toàn so với việc chăm cây dưới đất.
Đưa cây cảnh lên sân thượng, việc tưới nước định kì mỗi ngày một lần được xem là vấn đề bắt buộc. Bởi với điều kiện nắng, gió trên sân thượng, chỉ cần thiếu nước 1-2 ngày, những chậu cảnh có giá hàng chục triệu đồng sẽ chết.
Nghệ nhân Nguyễn Thành Công cho biết dù số lượng bonsai của ông không nhiều nhưng lại thu hút sự quan tâm vì có thế đẹp
Thêm nữa, sân thượng cách mặt đất từ 20-40 mét nên chịu nhiều tác động của giông, gió… Cây cảnh vốn trơ trọi trên sân thượng rất dễ bị ngã đổ, khi đó thiệt hại là rất lớn. Không may mắn, chậu ngã xuống nhà hàng xóm, người chơi sẽ bị trách móc hoặc phải bồi thường thiệt hại.
“Tui cứ bị mắng vốn hoài ấy chứ. Nhiều lúc cây ngã đổ hoặc mình quên tưới nước, cây chết, hư hỏng đau như cắt từng khúc ruột. Mỗi cây đều có quá nhiều kỷ niệm và giá trị với tui mà”, ông Thành bày tỏ.
Thất bại và những khó khăn ban đầu cũng là động lực để ông Thành tìm cách khắc phục. Ông dùng silicon dán chặt dưới đế chậu để cố định hoặc dùng dây thép níu những chậu cảnh với nhau vào lan can của sân thượng. Những lần mưa giông lớn ông mang những chậu trên cao xuống đất để tránh gió quật ngã.
Để có được những chậu bonsai ưng ý, những nghệ nhân cũng phải đầu tư hết sức công phu
Tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh hơn. Đất đai, vườn tược nhường chỗ cho những công trình mới. Nông dân mất đất… mà mất đất, họ không còn là nông dân nữa. Nông dân ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM giảm đi số lượng lớn. Thế nhưng giảm đi mà không biến mất, đó là vì đô thị xuất hiện những nông dân kiểu mới. Tận dụng đất ít, họ trồng lan, nuôi cá cảnh, chim thú… và đặt biệt là sự xuất hiện của trào lưu đưa cây cảnh lên sân thượng đã và đang giúp nhiều người có được mức thu nhập ổn định, có người thu cả tỷ đồng mỗi năm.
Mượn lời anh Ngô Tý để nói về chân dung của những người với thú chơi hàng tỷ đồng trên sân thượng thay cho lời kết: “Chơi cây cảnh trên sân thượng vừa là trào lưu vừa là hướng kinh doanh rất khả quan bởi cuộc sống đô thị vốn nhiều áp lực, việc xuất hiện một chậu bonsai, bonsai mini trên bàn làm việc hay khuôn viên nhà sẽ giúp tâm trí thoải mái hơn. Thế nên nếu ai thực sự đam mê và muốn làm giàu từ nó sẽ là định hướng rất tốt”.
Công Quang
Theo Dantri
Mẹ con "người rừng" biến mất bí ẩn sau khi về nhà
Cô gái bị cha mẹ cho lên đồi vắng sống 1 mình, từng tố cáo bị cha cưỡng hiếp dẫn đến có con. Sau đó người cha được vu oan...
Giữa năm 2012, dư luận dậy sóng về câu chuyện người đàn ông loạn luân khiến hai mẹ con con gái phải sống biệt lập trên rừng ở Phú Yên. Chính cô gái tố cáo cha bắt phải "ngày chăn bò, tối làm nô lệ tình dục" dẫn đến có con. Cơ quan chức năng vào cuộc, xác định người cha bị vu oan, nhưng người hàm oan đã chịu vô vàn cay đắng.
"Người rừng" tố cáo cha
Đầu tháng 6/2012, khi phát hiện hai mẹ con chị Đặng Thị Tam Anh (SN 1987, ngụ thôn Tân Phú, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) sống giữa rẫy đồi vắng vẻ, một số người cho rằng họ là "người rừng". Thông tin sau đó lan truyền với tốc độ chóng mặt trong người dân.
Đặng Thị Tam Anh và con gái.
"Người rừng" tố cáo khoảng năm 2004, cha chị là ông Đặng Ngọc Hải (SN 1949) đưa mình lên khu rừng Lỗ Dàng (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân) để làm rẫy và chăn bò. Sống trên rẫy lâu ngày, chị muốn về thăm nhà và gặp gỡ bạn bè nhưng cha không cho về. Chị buộc phải ở lại trông đàn bò và sống một mình trong căn nhà nhỏ trong rẫy.
Chị Anh cho rằng, khi chị ở trên rẫy thì cha mình cũng thường xuyên ngủ lại. Ông Hải thường nằm ở chiếc võng mắc trên gốc cây trước nhà, trong khi đó chị ngủ trong nhà. Một đêm nọ chị đang ngủ trong nhà thì cha bỏ võng vào nhà cưỡng ép mình. Vì ở giữa núi đồi lại lúc đêm vắng nên không ai hay biết sự việc. Sợ cha đánh đập nên chị âm thầm chịu đựng không dám kể lại cho ai biết.
Đầu năm 2011, chị Anh sinh một bé gái trong chính ngôi nhà trên rẫy. Người đỡ đẻ không ai khác mà chính là cha mẹ của chị. Cô gái không biết lý do tại sao cha mẹ mình lại muốn giấu kín mọi chuyện mặc dù biết việc sinh đẻ trong hoàn cảnh như vậy rất nguy hiểm. Nhiều người tin rằng những lời của chị Anh là sự thật. Từ ngày sinh con, người mẹ gọi con với cái tên Núi, đó chính là nơi đứa bé được sinh ra, sống cùng mẹ.
Cuộc sống hai mẹ con cứ thế trôi đi cho đến giữa tháng 6/2012, một nhóm người đến Lỗ Dàng và chị Anh kể lại sự việc. Sau đó, mẹ con chị về thị trấn La Hai rồi được Công an huyện Đồng Xuân bố trí chỗ ăn, chỗ ở.
Sau khi được đưa về từ rừng núi, hai mẹ con chị Anh nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng xã hội. Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên, UBND huyện Đồng Xuân và một số cơ quan chức trách đã chung tay giúp đỡ, kịp thời chăm sóc, động viên tinh thần hai mẹ con.
Những người hàng xóm và các tấm lòng hảo tâm gần xa cũng đóng góp tiền, quà để ủng hộ cho hai mẹ con. Sau đó, mẹ con chị Anh đã được đưa về tạm trú tại Trung tâm Chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh Phú Yên.
Để sớm làm sáng tỏ vụ việc, tránh gây tác động tiêu cực tới dư luận, công an huyện Đồng Xuân lập tức vào cuộc điều tra. Theo kết luận, năm 2002 ông Hải đến khu rừng Lỗ Dàng mua gom khoảng 6 ha đất rẫy để trồng trọt và chăn nuôi bò. Ông Hải cũng xây một ngôi nhà mái tôn nhỏ tại rẫy để làm nơi che mưa che nắng. Chị Anh nghỉ học sớm nên giữa năm 2004 được cha đưa lên Lỗ Dàng phụ giúp gia đình làm rẫy, chăn bò. Việc chị phải ở lại trông rẫy làm cỏ chăn bò thời gian dài không được về nhà, bị cha cấm cản không cho con gái tiếp xúc với người ngoài là có thật.
Để làm sáng tỏ điểm nghi vấn ông Hải có phải là cha đứa bé như lời kể của chị Anh hay không, Công an huyện Đồng Xuân quyết định trưng cầu giám định pháp y bằng phương pháp xét nghiệm ADN. Ngày 14/6/2012, Công an huyện Đồng Xuân đã đưa hai mẹ con chị Anh đến Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại Đà Nẵng để giám định ADN. Kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định bé gái mà chị Anh sinh ra không phải là con của ông Hải.
Bà Dung bên tấm ảnh của con gái và cháu ngoại.
Công an cũng đồng thời nhận được thông tin từ các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh Phú Yên về tình hình sức khỏe và tinh thần của chị Anh. Họ cho biết chị Anh nhận thức rất hạn chế, khá chậm chạp, thần kinh không bình thường. Như vậy, lời khai của chị Anh về cha đứa bé là sai sự thật.
Mẹ con cô gái khù khờ đã mất tích
Gọi cửa mãi, chúng tôi mới gặp được bà Lưu Thị Ngọc Dung (SN 1950, mẹ chị Anh). Người đàn bà khắc khổ trong cả thân người và dáng đi, ánh mắt hiện nỗi lo âu khi có người lạ tìm đến nhà. Vừa loay hoay mở hai ổ khóa, bà cho biết hơn hai năm qua, hai vợ chồng bà và các con sống trong nhục nhã, cay đắng. Mặc dù sự việc đã được làm rõ trắng đen, rằng ông Hải không biến con gái thành nô lệ tình dục, nhưng có người vẫn đồn đại ông Hải loạn luân. "Họ nói về ổng mà miệt thị chẳng khác gì nói về loài súc vật. Đứa con út của vợ chồng tôi năm ngoái học hết lớp 8 không dám đi học nữa vì xấu hổ với bạn bè", bà nói.
Vợ chồng bà Dung có 5 người con, trong đó chị Anh là người con thứ ba, từ bé thường đau ốm nên sinh ra khù khờ. Vốn "lúc tỉnh lúc mê" lại không được học hành nên chị Anh không nhận thức được những thứ dù là nhỏ nhất. Khi hỏi thăm con gái và cháu ngoại của bà giờ ra sao, người đàn bà nói như muốn khóc: "Mẹ con nó bỏ nhà đi rồi".
Theo lời bà, sau khi được giải nỗi oan khuất, cuối tháng 7/2012, bà đến Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh Phú Yên để xin đưa hai mẹ con chị Anh về nhà chăm sóc. Nguyện vọng của bà cuối cùng cũng được cơ quan chức năng chấp nhận khi một tháng sau đó, chị Anh và cháu bé được đưa về với gia đình.
Từ ngày con gái về nhà, hai ông bà biết con gái mình khờ khạo, nhận thức hạn chế, ai bảo gì cũng nghe theo nên hai người không nhắc lại chuyện cũ. Chị Anh không phải lên rẫy nữa mà chỉ ở nhà chăm sóc con gái. Hằng ngày chị Anh quanh quẩn trong nhà làm những công việc vặt như nấu cơm, quét nhà, giặt giũ. Hai mẹ con quấn quýt nhau, hết ở trong nhà lại ra vườn chơi đùa. Bà Dung chua xót: "Giận con lắm chứ, nhưng nó như vậy nên vợ chồng tôi cũng chỉ biết khóc thôi. Dù sao nó cũng là nạn nhân khi bị người ta dụ dỗ rồi bày cách đổ tội cho cha. Mọi chuyện qua rồi, tai tiếng cũng mang đủ cả rồi nên không nhắc lại nữa".
Thời gian trôi qua, vào một ngày tháng 8/2013, khi bà Dung và cả gia đình đi gặt lúa đến trưa về nhà thì không thấy mẹ con chị Anh ở nhà. Cả nhà ngược xuôi đi tìm thì người hàng xóm cho biết sáng hôm đó chị Anh bế con gái cầm tờ một trăm nghìn đồng đi ra quán nước mua kẹo. Sau đó hai mẹ con đi ra khỏi quán rồi đi đâu chẳng rõ. Đây cũng là lần cuối cùng người dân thôn Tân Phú thấy hai mẹ con cô gái.
Bà Dung nghẹn lời vì nhớ cháu: "Hằng ngày tôi đi làm về, đứa bé vẫn chạy ra ngoài ôm tôi gọi: "Bà ngoại! Bà ngoại". Thế mà hôm đó tôi về nhà chẳng thấy bóng dáng cháu lẫn mẹ nó đâu. Nó làm gì mà có một trăm nghìn đồng cơ chứ, đến đồng tiền mệnh giá bao nhiêu nó cũng không đọc ra nữa là. Chẳng biết ai lại cho tiền rồi nhẫn tâm dụ dỗ nó đi để rồi người ta lại đồn rằng chúng tôi đánh đập, hành hạ nó khiến nó phải bỏ nhà đi".
Bà Nguyễn Thị Nghi (SN 1960, hàng xóm bà Dung), cho biết: "Tam Anh từ bé vốn khờ khạo chậm chạp nên từ ngày được đưa về nó cũng chỉ quanh quẩn trong nhà với con gái. Những lúc nó ra giếng giặt đồ, tôi vẫn thường hay trò chuyện với nó. Đứa nhỏ lanh lẹn, ngoan và dễ thương lắm. Ai ngờ tôi vừa khen hôm trước thì hôm sau bà ngoại nó bảo hai mẹ con đã bỏ nhà đi, đến nay không một tin tức".
Ông Nguyễn Thu, Trưởng thôn Tân Phú, cho biết: "Việc ông Hải bị hàm oan đã được chính quyền đề cập, đính chính trong các buổi họp dân. Chính quyền địa phương cũng đến tận nhà để tâm sự, chia sẻ chuyện buồn với gia đình. Chúng tôi cũng vận động bà con lối xóm góp tiền, quà để ủng hộ giúp đỡ cho mẹ con chị Anh.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn cố tình đồn đại, loan tin thất thiệt. Việc mẹ con chị Anh bỗng nhiên mất tích đã được bà Dung trình báo, sau đó chính quyền xã, thôn đã đến nhà để thăm hỏi, động viên. Chính quyền cũng thông báo sự việc để các cá nhân, tổ chức cùng chung tay tìm kiếm, hy vọng đưa được hai mẹ con trở về".
Theo_Kiến Thức
Hoả hoạn thiêu rụi kho chứa hải sản Một kho hàng chứa đầy hải sản trên đường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM đã bị lửa thiêu rụi trong một vụ hoả hoạn cực lớn xảy ra vào chiều 16/7. Kho hải sản xảy ra hoả hoạn Thông tin ban đầu, vào thời điểm trên mọi người thấy khói lửa bốc dữ dội bên trong Công ty TNHH thủy hải sản...