Tiền thưởng, tiền lương và bài toán chi tiêu ngày Tết của giáo viên
Cuộc sống của đa phần giáo viên vốn dĩ đã khó khăn, nhất là những giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng lại càng chất chồng hơn nỗi lo ngày Tết.
Gần Tết Nguyên đán, câu chuyện thưởng Tết, chuyện thu nhập tăng thêm của giáo viên được rất nhiều thầy cô giáo ở các nhà trường bàn tán. Những lúc đầu giờ học, lúc ra chơi hay ngồi với nhau nhâm nhi ly cà phê sáng thì câu chuyện thưởng Tết vẫn được nói đến nhiều nhất.
Có người nói trường bên được thưởng nhiều, người nói trường mình được vậy là khá lắm rồi bởi trường nọ còn không có đồng nào thưởng Tết cho giáo viên. Và, cứ thế, câu chuyện thưởng Tết được giáo viên nói đến nhiều nhất. Âu cũng là lẽ thường tình bởi “đồng tiền là liền khúc ruột” mà.
Thưởng Tết vẫn là khái niệm xa xỉ với nhiều giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Trường thưởng hàng chục triệu, trường chẳng có một xu nào
Thông qua những trang báo thì chúng ta nắm được bức tranh thưởng Tết, tiền thu nhập tăng thêm cho giáo viên mỗi nơi, mỗi khác. Một số trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh được nhận đến mấy chục triệu đồng nhưng cũng ngay tại địa phương này thì một số trường chỉ có 500 ngàn đồng.
Thành phố lớn nhất nước thì vậy, các trường tỉnh lẻ có nhiều nơi không có khái niệm nhà trường thưởng Tết và chi thu nhập tăng thêm bởi theo lý giải của hiệu trưởng nhà trường thì cấp trên không có chủ trương chi thưởng các khoản tiền này cho giáo viên.
Nơi có chủ trương chi tiền dư trong năm cho giáo viên thì cũng trường có, trường không. Cùng một huyện với nhau, cùng một cấp học với nhau nhưng có trường chi từ 5-7 triệu/ giáo viên (tùy vào mức hoàn thành công việc trong năm) nhưng có trường lại chẳng có đồng nào.
Một đồng nghiệp của chúng tôi tâm sự: Kế toán trường tôi chi “khéo” lắm bởi 5 năm nay, kể từ ngày cô ấy về trường, năm nào kinh phí hoạt động của trường cũng không dư đồng nào.
Chính vì thế, giáo viên không có khái niệm thưởng Tết, không có thu nhập tăng thêm. Nhìn các trường khác mà “phát thèm” nhưng biết làm sao được. Nghiệp vụ kế toán là của kế toán, cuối năm bảo hết thì giáo viên biết vậy chứ có quyền gì, chứng cứ gì mà ý kiến, ý cò.
Video đang HOT
Một đồng nghiệp khác thì tâm sự: Năm nay, trường tôi thay Ban giám hiệu mới nên ngay từ ngày họp hội đồng sư phạm đầu năm học thì hiệu trưởng tuyên bố là trường không chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên như các năm trước.
Nếu có thừa kinh phí thì nhà trường sẽ mua sắm thêm một số trang thiết bị dạy học nhằm phục vụ cho việc giảng dạy của nhà trường. Hiệu trưởng nói vậy mà lại là lý do chính đáng nên giáo viên cũng chẳng thể có ý kiến nào khác được. Chính vì vậy, đến bây giờ vẫn thấy trường im lặng, chưa nghe thông tin nhà trường có chi thu nhập tăng thêm hay có món quà Tết nào cho giáo viên hay không?
Rõ ràng, bức tranh thưởng Tết, chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên mỗi trường mỗi khác, mỗi hiệu trưởng, kế toán nhà trường có cách tính và quản lý tài chính khác nhau.
Và, đương nhiên là giáo viên không có quyền quyết định và cũng chẳng có thể có ý kiến vì đây là tiền thu nhập tăng thêm, còn thì chi, không còn thì thôi. Nếu có mà hiệu trưởng không cho chi thì giáo viên cũng không thể bắt bẻ được điều gì.
Những lo toan ngày Tết
Thu nhập chính của giáo viên chỉ trừ những thầy cô dạy một số môn học có thể dạy thêm thì có thêm thu nhập ngoài lương. Những giáo viên không dạy thêm thì chỉ có đồng lương hàng tháng của mình.
Nhưng, đa phần sổ lương của giáo viên đều cắm ở các ngân hàng nên mỗi tháng chỉ còn vài triệu đồng để chi tiêu.
Ngày thường đã chật vật với các khoản chi tiêu trong ngày thì ngày Tết đương nhiên sẽ phải tính toán kỹ lưỡng để làm sao vẫn có Tết mà đến khi qua Tết rồi vẫn còn tiền để trang trải, chi tiêu cho gia đình. Bài toán khó này vẫn luôn khiến cho nhiều giáo viên đau đầu khi Tết đến, Xuân về.
Ngoài chuyện tính bài toán chi tiêu khi Tết đến, năm nào chuẩn bị vào dịp Tết thì trường nào cũng nở rộ phong trào vận động, quyên góp để hỗ trợ cho rất nhiều đối tượng.
Tiền vận động cho học sinh nghèo trong trường, vận động giúp đỡ giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn, xã (phường) nơi công tác thì phát động ủng hộ người nghèo trong xã, Phòng Giáo dục thì vận động đóng góp hỗ trợ cho giáo viên gặp hoạn nạn…
Về nhà, mấy đứa con nhỏ đưa thư ngỏ của nhà trường vận động khen thưởng cuối học kỳ I, đại diện khu phố đến vận động đóng góp để hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn…
Cuộc sống dù khó khăn nhưng là thầy, là cô mà không ủng hộ chính sách nhân văn này thì làm sao xem được. Thôi thì không có nhiều thì có ít, nhưng mỗi chỗ cũng 1-2 trăm nghìn chứ ít quá lại khó xử với những cá nhân, tổ chức đi vận động…Thành ra, tiền lương, tiền thưởng ngày Tết của giáo viên vốn đã ít lại càng còm cõi hơn.
Chúng ta đều biết, cuộc sống của đa phần giáo viên vốn dĩ đã khó khăn, nhất là những giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng có thu nhập thấp lại càng chất chồng hơn nỗi lo ngày Tết.
Thôi thì: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên lương ít, thưởng không có thì tiết kiệm chi tiêu, căng kéo cho nó qua nhanh ngày Tết.
Khó thì cũng khó chung của mọi ngành, mọi nghề chứ cũng đâu phải chỉ có mình giáo viên. Vì vậy, thầy cô cứ hy vọng, cứ lạc quan đón Tết thì Tết nhà mình dù đơn sơ, đạm bạc vẫn ấm áp nghĩa tình.
THANH AN
Theo giaoduc.net.vn
Nghệ An tạm dừng xét tuyển và thi tuyển theo quy định để ưu tiên tuyển dụng giáo viên đặc cách
Sở Nội vụ Nghệ An vừa có văn bản hướng dẫn tuyển dụng giáo viên đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng và đóng BHXH từ năm 2015 trở về trước.
Đây là nội dung nằm trong chỉ đạo theo Công văn số 8842/UBND-TH ngày 12/12/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng đã có BHXH bắt buộc và làm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015.
Để thực hiện nội dung này, Sở Nội vụ yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát, tổng hợp và báo cáo danh sách thuộc đối tượng nêu trên để báo cáo về Sở Nội vụ trước ngày 15/01/2020 để tổng hợp theo dõi trong toàn tỉnh.
Nhiều giáo viên hợp đồng đang mong muốn được tuyển dụng đặc cách vào ngành sau nhiều năm công tác. Ảnh: Mỹ Hà
Song song với đó, Sở yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch tuyển dụng đặc cách đối tượng.
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế giáo viên, có nhu cầu tuyển dụng theo vị trí việc làm còn thiếu thì xây dựng kế hoạch tuyển dụng đặc cách đối tượng. Đối với các cơ quan, đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu nhưng chưa tuyển dụng thì xem xét tuyển dụng đặc cách đối với các đối tượng này, nếu còn chỉ tiêu thì tuyển dụng theo quy định.
Để quá trình tuyển dụng đảm bảo công khai, minh bạch, Sở Nội vụ cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện theo đúng các quy định.
Hồ sơ đề nghị công nhận xét tuyển kết quả đặc cách gồm: Văn bản (kèm theo danh sách giáo viên hợp đồng) đề nghị thẩm định công nhận kết quả xét tuyển đặc cách của cơ quan, đơn vị; Văn bản phê duyệt của UBND tỉnh về cơ cấu, chức danh, vị trí, số người được tuyển dụng đặc cách của các cơ quan, đơn vị; Các quyết định giao biên chế và quyết định bổ sung quỹ tiền lương các năm ký hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế; Danh sách tăng, giảm công chức, viên chức bổ sung quỹ tiền lương đến ngày ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế và các văn bản liên quan.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nghi Ân - TP Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Về phía giáo viên dự xét tuyển cần có: Phiếu đăng ký xét tuyển viên chức, văn bằng chứng chỉ kèm theo, đánh giá quá trình công tác và thành tích đạt được (nếu có). Ngoài ra, cần có Hợp đồng lao động trước ngày 31/5/2015 trong chỉ tiêu biên chế, sổ bảo hiểm xã hội bản sao công chứng hoặc xác nhận quá trình đóng BHXH của cơ quan BHXH.
Trước đó, liên quan đến vấn đề tuyển dụng đặc cách, phát biểu tại Hội nghị về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho biết: Thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên tuyển dụng giáo viên đã hợp đồng nhiều năm. Đồng thời, Sở Nội vụ sẽ tạm dừng việc phê duyệt kế hoạch số lượng cơ cấu tuyển dụng xét tuyển và thi tuyển theo quy định, để tập trung rà soát giáo viên đang hợp đồng để tuyển dụng giáo viên đặc cách.
Hiện qua tổng hợp, toàn ngành giáo dục đang có khoảng 47.000 viên chức đang làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập trong toàn tỉnh. Trong khi đó, tổng viên chức của toàn tỉnh chỉ có hơn 58.000 người. Ngoài ra, ở các địa phương hiện đang còn khoảng 400 giáo viên hợp đồng huyện.
Mỹ Hà
Theo baonghean
Giáo viên đưa bài kiểm tra lên Facebook sẽ không được hưởng thu nhập tăng thêm Liên quan đến việc giáo viên đưa bài kiểm tra lên Facebook trước giờ thi, ông Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp, cho hay giáo viên này sẽ không được hưởng thu nhập tăng thêm trong quý 4 bởi việc làm nói trên. Nhà trường sẽ lưu ý giáo viên về việc sử dụng mạng xã hội - Ảnh của...