Tiến sĩ giáo dục nổi tiếng chia sẻ quan điểm: Dạy học chưa bao giờ khó khăn, áp lực và nguy hiểm như thời buổi hiện nay
“Nói đi cũng phải nói lại, nhà giáo ngày nay cũng chịu trăm bề áp lực”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội là một chuyên gia giáo dục vô cùng tâm huyết với nền giáo dục của Việt Nam. Những hoạt động, bài viết, quan điểm… của chị luôn nhận được sự yêu mến, trân trọng và có sức lan tỏa tới thầy cô, học sinh và các bậc cha mẹ.
Mới đây, nhân dịp 20/11, nữ Tiến sĩ có một chia sẻ nhận được nhiều sự quan tâm về giáo dục hiện nay, xoay quanh một số vấn đề thời sự. Chúng tôi xin được phép chia sẻ lại quan điểm của chị như sau:
“C hẳng ai trong chúng ta không nhận ra vị thế của giáo dục bị giảm sút nghiêm trọng trong mấy năm gần đây. Những lời vạch tội chương trình học kém hấp dẫn, ít thực hành, nhiều lý thuyết, các câu chuyện nhà giáo biến chất,… đã cùng nhau đẩy nhà giáo ra khỏi bệ kính yêu mà trước nay toàn dân tộc đặt họ lên đó.
Cũng cần phải nói rõ, phương thức quản lý giáo dục quá lỗi thời và nhiều vấn đề đã đẩy tình trạng bệnh thành tích lên cao ở khắp mọi vị trí. Từ việc đề cao, tôn vinh các cá nhân học giỏi khiến hàng triệu gia đình khao khát, mong mỏi vị thế đặc biệt đó đến với các thành viên nhí trong gia đình, đến việc giá trị của người giáo viên phụ thuộc vào thành tích của học sinh, vào những giờ dự giờ, thi giáo viên dạy giỏi… Những bất cấp đến từ giới quản lý giáo dục đã khiến cho ngành giáo xuất hiện quá nhiều vấn đề với đủ tên gọi khác nhau. Từ đó, giá trị của người thầy trong mắt cộng đồng ngày một suy giảm, thậm chí nhiều người đã có suy nghĩ phủ định hoàn toàn với ngành giáo dục nước nhà.
Trong thời buổi hiện nay, giáo dục có hình ảnh vô cùng hời hợt, những lời hứa hẹn của các nhà quản lý giáo dục đã không thực hiện được, một bộ phận các thầy cô giáo cũng rất hời hợt khi thực hiện nghĩa vụ của mình, không ít học sinh đi học với tâm trạng hời hợt, khá nhiều phụ huynh đối diện với nhà trường và giáo viên cũng với sự hời hợt và chút ít ác cảm.
Đã có rất nhiều những lời hứa hẹn của các nhà quản lý giáo dục như: một kì thi nghiêm túc, công bằng, một bộ sách giáo khoa ưu việt, tiến bộ, giúp học sinh phát triển năng lực…. Thế nhưng, rất ít lời hứa đạt được như mong muốn. Năm 2018, ngay sau nhận định kì thi THPT thành công của bộ GD-ĐT, vụ gian lận thi cử của chính kì thi bị vỡ lở, lộ ra cả một vấn đề vô cùng nghiêm trọng của kì thi.
Năm 2020, 5 bộ sách giáo khoa mới được công bố với rất nhiều hứa hẹn nhưng đã lập tức bộc lộ vô vàn vấn đề khiến dư luận bức xúc.
Rõ ràng, các vụ việc liên tiếp đã khiến dư luận mất kiên nhẫn với ngành giáo, thiếu niềm tin với những lời hứa của lãnh đạo ngành. Từ đó, nhiều phụ huynh đã tìm cách chối bỏ giáo dục trong nước và nghĩ đến việc cho con tham gia học ở các nơi khác.
Các vụ việc tiêu cực đến từ các nhà giáo cũng bộc lộ sự hời hợt của một bộ phận giáo viên khi họ đi làm không phải xuất phát từ tình yêu với trẻ em và cái tâm nhà giáo mà đến từ những lý do khác. Điều này đã khiến xã hội thất vọng và cảm thấy vô cùng bất mãn. Hàng loạt các biện pháp được đưa ra để chống lại các giáo viên tiêu cực. Tuy nhiên, những biện pháp đó lại làm tổn thương những người giáo viên chân chính và làm khó họ. Chính vì vậy, thực tế đã xuất hiện hiện tượng đối kháng giữa phụ huynh và giáo viên. Hai lực lượng tham gia giáo dục trẻ trở nên đối lập nhau đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình giáo dục trẻ.
Bên cạnh đó, phong trào chiều chuộng và bao bọc trẻ đã tấn công vào sự trưởng thành của trẻ. Các con yếu đuối hẳn đi, vụng về hơn, cũng kém hẳn về tinh thần trách nhiệm. Điều này đã khiến tình trạng trẻ đi học rất hời hợt đã diễn ra, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến quá trình trưởng thành của các con.
Vấn đề dạy thêm – học thêm bao lâu nay là chuyện “thường ngày ở huyện’”bỗng chốc nổi lên như một tệ nạn nghiêm trọng cũng chỉ vì sự hời hợt trong sự học của trẻ cũng hời hợt trong nhiệm vụ giảng dạy của giáo viên. Điều này lại một lần nữa làm hình ảnh giáo dục xấu đi trong con mắt của cộng đồng.
Trong thời điểm này, có lẽ khó nhất chính là giải quyết vấn nạn hời hợt trong giáo dục. Điều này đã khiến rất nhiều nhà giáo dục và các phụ huynh tâm huyết cảm thấy đau đầu và lo lắng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đúng vào thời buổi khó khăn của giáo dục, rất nhiều những tấm gương sáng đã khiến cả cộng đồng cảm động và bừng sáng niềm tin.
Đó là những người giáo viên bám điểm trường vùng cao, vùng xa trong cơn lũ dữ. Nhìn cách họ xắn quần cao quá gối, bấm ngón chân xuống bùn, vác bàn ghế học sinh chạy trong mưa, chúng ta cảm thấy trào lên một niềm yêu kính sâu sắc.
Đó là những nhà giáo già, mắt kém, lúng túng nhưng cần mẫn học cách sử dụng công nghệ thông tin để đem con chữ đến từng nhà học sinh thông qua mạng Internet. Các cô lúng túng lắm, khó khăn lắm, chốc chốc lại nhắn tin xin lỗi phụ huynh vì mạng nhà cô lỗi, máy nhà cô đang trục trặc. Nhưng thay vì nản lòng kêu ca, cô lại tiếp tục cố gắng, ra sức bù lỗ thời gian học cho học sinh, cố gắng tối đa để học sinh không bị thiệt thòi quá mức vì không được học tập trung.
Lại có các giáo viên thức đêm thức hôm để tạo ra các bài giảng điện tử hấp dẫn nhằm cứu các con khỏi cơn nhàm chán do học online gây ra. Có những thầy cô giáo ngoài giờ học lại liên lạc với phụ huynh, cùng họ tìm cách giáo dục trẻ từ kiến thức cho đến cả ý thức học tập.
Nói đi cũng phải nói lại, nhà giáo ngày nay cũng chịu trăm bề áp lực. Từ các cấp quản lý, từ phong cách quản lý vừa nặng nề vừa kì cục, từ chương trình thay đổi liên tục, từ học sinh không còn ngoan như trước đến phụ huynh luôn ác cảm với họ. Dạy học chưa bao giờ khó khăn, áp lực và nguy hiểm như thời buổi hiện nay.
Đôi khi, trong nhiều vụ việc xảy ra, chưa biết đúng sai, các cấp quản lý đã vội vàng kỉ luật giáo viên khiến cho cộng đồng tin rằng các thầy cô đã quá sai trái, xấu xa. Điều này khiến người giáo viên trở nên bơ vơ hơn hết đúng lúc họ cần có sự thấu hiểu và công minh.
Ngành nghề nào cũng thế, môi trường nào cũng thế, dù Tây dù Ta hay Tàu, nơi đâu cũng có kẻ xấu và người tốt. Điều quan trọng là chúng ta sẽ làm gì để người tốt ngày càng đông hơn và kẻ xấu không còn đất để tác oai tác quái. Nếu chúng ta chỉ luôn kết tội giáo viên, liệu rằng điều đó có đem lại giá trị gì cho học sinh và cho giáo dục – đó là câu trả lời để ngỏ cho mỗi chúng ta.
…
Ngày nhà giáo năm nay, mọi nhà giáo đều ngồi đón ngày lễ ngành tại gia với tiếng chúc tụng của đám trẻ thông qua thiết bị điện tử. Nhưng có lẽ, niềm vui của họ vẫn không giảm vì trong trái tim lũ trẻ, dù thế nào, thầy cô giáo vẫn giữ vai trò quan trọng. Tôi tha thiết mong mỏi tình yêu này, sự trong sáng này của đám học sinh sẽ khiến cho tình trạng hời hợt trong giáo dục giảm đến mức tối đa để những gương sáng lấp lánh sẽ trở thành phổ biến giúp cho giáo dục quay trở về vị trí tin yêu trong trái tim người dân”.
Tiến sĩ Giáo dục Vũ Thu Hương nhiều lần bị xuyên tạc phát ngôn, phía luật sư lên tiếng về vụ việc
Nữ Tiến sĩ nổi tiếng nhiều lần bị xuyên tạc, giả mạo phát ngôn ở cả những lĩnh vực không liên quan đến giáo dục.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội là một chuyên gia giáo dục vô cùng tâm huyết với nền giáo dục của Việt Nam. Những hoạt động, bài viết, quan điểm... của bà luôn nhận được sự yêu mến, trân trọng và có sức lan tỏa tới thầy cô, học sinh và các bậc cha mẹ.
Thời gian trước, nữ Tiến sĩ gặp phải tình trạng bị xuyên tạc, giả mạo phát ngôn. Theo đó một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog,... đã tự ý sử dụng hình ảnh, và thông tin cá nhân của Tiến sĩ Vũ Thu Hương để đăng tải gắn liền với những nội dung giả mạo, bịa đặt, xuyên tạc không đúng với sự thật khách quan và chia sẻ, lan truyền những thông tin này gây bức xúc, xôn xao trong dư luận. Điều này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Hương.
Một trang tin giả mạo phát ngôn của nữ Tiến sĩ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, cuộc sống của bà.
Nữ Tiến sĩ sau đó đã có Đơn trình báo, Đơn kêu cứu gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra và các Sở, ban, ngành có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Hiện tại, các cơ quan đã có phản hồi tiếp nhận Đơn của bà và đang trong quá trình giải quyết.
Để làm rõ hành vi và trách nhiệm pháp lý của những trang tin tự ý sử dụng hình ảnh, và thông tin cá nhân của Tiến sĩ Vũ Thu Hương để đăng tải những nội dung giả mạo, xuyên tạc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội.
- Thưa Luật sư, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về hành vi tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân? Một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog... có quyền tự ý sử dụng hình ảnh khi chưa có sự đồng ý của bà Hương hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh: "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác" thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Do đó, việc một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog... tự ý sử dụng hình ảnh khi chưa có sự đồng ý của bà Hương là hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, cụ thể là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh.
- Theo thông tin bà Hương cung cấp thì cùng với việc tự ý sử dụng hình ảnh của cá nhân bà Hương, một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog... còn giả mạo phát ngôn của bà Hương. Luật sư có quan điểm như thế nào đối với hành vi này?
Theo quy định tại khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí thì các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí trong đó có: "Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án".
Tại điểm b, khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định về phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống thì thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:
- Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
- Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Do đó, việc một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog... đăng tải nội dung giả mạo, bịa đặt, xuyên tạc không đúng với sự thật khách quan và chia sẻ, loan truyền những thông tin này là hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật, xâm phạm danh dự, nhân phẩm của bà Hương.
- Vậy Luật sư có thể cho biết một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog... sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào đối với hành vi trên?
Tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm, một số trang báo, tạp chí điện tử online, trang facebook, fanpage, blog... có thể bị xử lý bởi các chế tài sau:
Thứ nhất, chế tài xử phạt hành chính:
Một là, theo quy định tại điểm b khoản 5 và khoản 10 Điều 8 Nghị định số 119/NĐ-CP ngày 07/10/2020 thì phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san sau đây: "Đăng, phát thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" đồng thời buộc cơ quan báo chí cải chính, xin lỗi và gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, báo nói, báo hình.
Hai là, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 100 và điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 thì hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Các biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm;
- Buộc thu hồi tên miền do thực hiện hành vi vi phạm.
Thứ hai, chế tài xử lý hình sự:
Một là, truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống quy định Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:
- Người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm;
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hai là, truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:
Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Như vậy, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm thì một số trang báo điện tử, mạng xã hội có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định nêu trên.
Vụ "Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt", hot mom Hà Thành chia sẻ: Nếu dùng từ "kỷ luật", có lẽ nhận được nhiều sự đồng tình hơn "Nhìn chung, trong giáo dục không thể nào thiếu những hình thức phạt/ kỷ luật. Quan trọng là ta sử dụng nó như thế nào, với ai, trong trường hợp nào, mức độ ra sao,..." , hot mom Tia Liêu chia sẻ. "Giáo dục trẻ như nào cho đúng" là vấn đề không bao giờ hết nóng. Với sự phát triển của xã...