Tiến sĩ Giáo dục mầm non: ‘Giáo viên bị ức chế dễ bạo hành trẻ’
Giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, suy thoái đạo đức, tâm lý ức chế dồn nén lâu ngày… được cho là nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo hành trẻ.
Tại tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non, vì đâu nên nỗi?” sáng 1/12, TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao (Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Đại học Sài Gòn) cho rằng, nguyên nhân chính là người chăm sóc và giáo dục trẻ thiếu kỹ năng nghề và suy thoái đạo đức.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều người trực tiếp bạo hành trẻ ở các nhóm trẻ, trường mầm non thường chưa có bằng cấp nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non.
TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng.
Theo bà Dao, ở nhiều cơ sở mầm non hiện chưa quan tâm đến việc giải tỏa tâm lý của giáo viên, bảo mẫu dẫn đến sự ức chế bị dồn nén.
Họ thường làm việc từ 5h đến 17h mỗi ngày với hàng chục trẻ, đến tối về nhà với vai trò của một người vợ, người mẹ ở gia đình. Công việc vất vả kéo dài cùng với đồng lương thấp, lâu ngày dẫn đến sự căng thẳng. Nhiều cô giáo do ức chế tinh thần nên mắc chứng tâm lý thích hành hạ người khác, mà người đó phải là người họ thân quen.
“Chúng ta nói nhiều đến tiền lương mà chưa quan tâm đến sức khỏe tinh thần của giáo viên. Ở nhiều trường, các hoạt động ngoại khóa để giáo viên thư giãn lại biến thành gánh nặng, gây thêm ức chế”, bà Dao nói.
Nữ tiến sĩ đề xuất, các cơ sở mầm non dù là tư thục hay công lập cần chặt chẽ trong khâu tuyển dụng để chọn được người có trình độ chuyên môn và phẩm chất tốt.
Video đang HOT
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền lợi trẻ em TP HCM) cho biết, khoảng ba năm nay chi hội tiếp nhận hàng trăm vụ bạo hành, xâm hại trẻ em ở khắp nơi, nhiều vụ rất đau lòng. Các vụ bạo hành trẻ ở Hà Nội, Thanh Hóa, TP HCM… vừa qua cho thấy, giáo viên gần như không được trang bị đầy đủ kỹ năng sư phạm.
Sau vụ bạo hành ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh (quận 12) bị phát giác vừa qua, nhiều luật sư của chi hội xuống đưa các cháu tới bệnh viện khám, nhận thấy nhiều cháu có dấu hiệu bị ám ảnh, hoảng sợ. Theo bà Nữ, phụ huynh gửi con cho những giáo viên, bảo mẫu như vậy không khác gì “giao trứng cho ác”.
Bà đề xuất, bên cạnh việc tăng chế tài xử lý các giáo viên có hành vi bạo hành trẻ, cơ quan chức năng cần rốt ráo kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện. Vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục phải được nâng cao, chương trình đào tạo phải khắt khe, chuẩn mực hơn.
Nhiều phụ huynh bức xúc sau vụ bạo hành tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh. Ảnh: Sơn Hòa.
Từng có 8 năm làm giáo viên mầm non, cô Nguyễn Như Ngọc (quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết công việc này rất áp lực, đòi hỏi người dạy phải thực sự yêu thương trẻ con bởi “nếu xem công việc này chỉ để kiếm tiền thì nên kiếm việc khác”.
Theo cô Ngọc, không thể phủ nhận khi áp lực công việc quá lớn, giáo viên có thể nóng nảy nhưng nhờ tình thương yêu trẻ, người đó có thể kìm chế được những bức bối.
Bằng trải nghiệm, cô Ngọc cho rằng bảo mẫu ở Mầm Xanh bạo hành trẻ gần như để thỏa mãn cá nhân. Ngoài ra, tâm lý những cô giáo đó không ổn định, đánh trẻ vô căn cứ.
“Dạy trẻ tốt hay không không phụ thuộc đó là trường công hay tư, tất cả đều do con người, do giáo viên. Nghề này nghèo và áp lực, nếu các bạn yêu trẻ hãy tiếp tục, nếu không hãy tìm việc khác để mình không làm chuyện xấu với các bé”, cô Ngọc khuyên hàng trăm sinh viên giáo dục mầm non sắp ra trường ngồi phía dưới
Theo Mạnh Tùng (VNE)
Vụ cô giáo đánh trẻ dã man: Trẻ bị bạo hành được chăm sóc đặc biệt
Trẻ bị bạo hành cho dù nhỏ tuổi nhưng cũng có những sang chấn về mặt tâm lý và cần can thiệp.
Cơ sở mầm non Mầm Xanh nơi xảy ra vụ bạo hành trẻ
Liên quan đến sự việc, trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) bị chủ cơ sở và hai bảo mẫu bạo hành, ném vào tường đạp vào bụng, cầm dao dọa, đánh trẻ như đấu vật, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh&Xã hội) đã lên tiếng về sự việc.
"Tôi rất đau lòng khi xem clip về bạo hành trẻ tại một cơ sở mầm non quận 12 (TP.HCM), đây là hành vi không thể chấp nhận. Đây là sự việc rất nghiêm trọng và đáng lên án, bởi lẽ, kể cả chủ cơ sở mầm non và các giáo viên ở đây đều bạo hành trẻ em cùng lúc", ông Nam nói.
Ông Nam cho biết, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng đã liên hệ với Bộ GD&ĐT cũng như Trung tâm chăm sóc xã hội (thuộc Sở Lao động Thương binh &Xã hội - TP.HCM). Cơ quan này cũng vào cuộc và có những biện pháp chăm sóc đặc biệt với những trẻ em là nạn nhân của bạo hành.
Theo ông Nam, trẻ bị bạo hành cho dù nhỏ tuổi nhưng cũng có những sang chấn về mặt tâm lý và cần can thiệp để khắc phục. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát tình hình hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non nhất là cơ sở ngoài công lập.
Ông Nam đề xuất đưa những quy định bắt buộc với những cơ sở giáo dục mầm non như: Chịu sự giám sát của phụ huynh hay lắp đặt hệ thống camera...và nghiêm cấm việc sử dụng bạo lực với trẻ em.
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, các vụ bạo lực trẻ em có xu hướng tăng lên và có chiều hướng phức tạp. Bởi lẽ, người dân hiện nay cũng đã thay đổi nhận thức và pháp luật cũng luôn bảo vệ người thông báo, tố giác hành vi bạo lực trẻ.
Hiện nay những quy định của pháp luật về tố cáo, tố giác thông báo hành vi bạo lực trẻ em cũng như quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận cũng như xử lý xâm hại trẻ em được quy định rất cụ thể trong Nghị định 56 của Chính phủ.
"Tôi chỉ xin nhắc lại, bất luận là cơ quan pháp luật hay cơ quan trợ giúp về dịch vụ khi vào cuộc xử lý hãy luôn quan tâm đến lợi ích của trẻ để đảm bảo trẻ em không bị xâm hại, bạo hành thêm một lần nữa", ông Nam nói.
Để giảm thiểu tình trạng bạo hành trẻ em, ông Nam cho rằng, phải giáo dục pháp luật đặc biệt là kỹ năng chăm sóc nuôi dạy trẻ. Đặc biệt là những người hàng ngày tiếp xúc với trẻ em như cha mẹ, giáo viên... phải hiểu được trẻ em luôn được pháp luật bảo vệ.
Nếu có hành vi bạo lực trẻ em sẽ bị trừng trị nghiêm khắc và áp dụng khung hình phạt tăng nặng nếu bạo hành trẻ nhỏ.
Với giáo viên ở bậc mầm non không chỉ biết chăm sóc trẻ em đơn thuần mà phải biết kiềm chế cơn nóng giận, không để những bức xúc ở gia đình, ngoài xã hội ảnh hưởng đến trẻ.
Tôi cũng kêu gọi mỗi người dân hãy thông tin tố giác đến cơ quan chức năng những vụ bạo hành trẻ em qua số 18001567 (đường dây nóng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em) và số 111 (tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em). Chúng tôi sẽ nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất.(Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em)
Theo Danviet
Tạm giữ 2 bảo mẫu trong vụ bạo hành trẻ em ở Sài Gòn Công an quận 12, TP.HCM cho biết, đang tạm giữ 2 bảo mẫu Nguyễn Thị Đào (23 tuổi) và Phạm Như Quỳnh (18 tuổi) để điểu tra về hành vi bạo hành trẻ em. Ngày 30.11, Công an quận 12, TP.HCM cho biết, hiện 2 bảo mẫu là Nguyễn Thị Đào (23 tuổi) và Phạm Như Quỳnh (18 tuổi) đang bị tạm giữ...