Tiền lẻ rải đền chùa, ngân hàng vạ lây
Không những phải ‘quản nghiêm’ hoạt động đổi tiền lẻ, Ban quản lý di tích, đền chùa nổi tiếng còn ‘đau đầu’ với khâu kiểm đếm thu gom tiền lẻ mỗi khi Tết đến, xuân về.
Dù đã yên vắng, song dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn “ngầm” hoạt động tại các khu di tích
Cuộc chiến với dịch vụ đổi tiền lẻ chui
Với quan niệm “đầu năm đi vay, cuối năm đi trả”, đây cũng là thời điểm di tích đền Bà Chúa Kho (Cổ Mễ – Bắc Ninh) luôn tấp nập khách thập phương về dâng lễ. Cứ “vay 1 trả 10″ nên những mâm lễ tiền vàng cao ngút đầu người, trị giá tới chục triệu không phải là cảnh lạ tại đền Bà Chúa. Đáng nói, càng vào hậu cung, tiền lẻ với đủ các mệnh giá được rải thành từng thảm dày, do người đi lễ “ném” vào không ngơi…
Theo Ban quản lý di tích, năm nay đền đã cấm các hộ đổi tiền lẻ ở khu vực khuôn viên đền. Trong khuôn viên đền, biển thông báo nghiêm cấm đổi tiền lẻ được dựng lên khắp nơi, loa tuyên truyền liên tục phát đi nội dung này.
Nói về tục rải tiền lẻ của người dân khi đi lễ, ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho cho biết: “Tập quán của người Việt Nam đến lễ đền thường đặt tiền lẻ ở các ban, họ đổi tiền ở đâu thì tôi không biết nhưng nhà đền không có chủ trương và không cho phép đổi tiền lẻ”. Nói về quy chế xử phạt, ông Lập phân trần: “Nhà đền làm công tác quản lý phục vụ khách chứ không có chức năng thay Nhà nước về thu, giữ, bắt người khác, mặc dù cũng đã làm rất kiên quyết…”.
“Về tâm linh, các khách đến lễ đền không cần thiết phải rải tiền nhiều trên các cung, ban và nhất là không cắm lên hoa, những chỗ gây phản cảm với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Tốt nhất, khách bỏ tiền vào hòm giọt dầu hoặc hòm công đức”. Ông Nguyễn Thành Lập
Tương tự, tại danh thắng Chùa Hương (Mỹ Đức – Hà Nội), dù ra Giêng mới khai hội song tới thời điểm này, công tác bảo đảm an ninh, đặc biệt chấn chỉnh nạn đổi tiền lẻ “bắt chẹt” khách đã được thiết lập. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban quản lý di tích cho biết, đối với dịch vụ đổi tiền lẻ, ngay từ năm 2015 đã cơ bản được dẹp bỏ. Tới nay, nếu còn cũng chỉ rơi rớt một vài địa điểm “đổi kín” chứ không còn công khai như trước. “Tới thời điểm này, chúng tôi đã rà soát và buộc các hộ buôn bán tại quần thể di tích Chùa Hương viết cam kết không thực hiện dịch vụ đổi tiền lẻ”, ông Hậu cho biết. Tuy nhiên, theo ông, cũng khó có thể loại trừ trường hợp cố tình vi phạm cam kết: “Đối với những trường hợp này, nếu bị phát hiện, Ban quản lý sẽ lập biên bản, niêm phong toàn bộ số tiền lẻ làm dịch vụ. Tới bao giờ hết mùa hội mới cho lấy về”. Đây quả là biện pháp “cực chẳng đã”, song theo Phó chủ tịch huyện, Ban quản lý chỉ được xử phạt hành vi buôn bán tiền lẻ tới mức đó, chứ không có thẩm quyền phạt hành chính, sung công quỹ.
Video đang HOT
Cầu cứu… ngân hàng kiểm hộ tiền lẻ
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Lập chia sẻ: Với khách đi lễ đền Bà Chúa Kho, thành viên Ban quản lý đền đều nhắc nhở nên cho tiền vào hòm công đức, bất kể tiền có mệnh giá to hay nhỏ, để đỡ phản cảm, tiền đỡ rơi xuống đất. “Khách đi lễ thường có tâm lý vào đền chùa là phải để tiền ở khắp các ban thì thần linh mới chứng cho”, nên tiền lẻ được du khách cố nhét ở mọi nơi được gọi là “thiêng”: Từ ban thờ, dưới gốc cây, giữa lối đi, trên tay tượng Phật, thậm chí trên cả… nóc mái đền khiến việc xử lý tiền lẻ rất khó khăn. Nhà đền quy định 3 – 5 hôm mở một lần, chúng tôi có ba bộ phận: bộ phận khương trực (chỉ trực thôi), Bộ phận đi mở hòm và bộ phận kiểm đếm. Vào dịp cao điểm, nhà đền phải nhờ các ngân hàng vào… kiểm đếm do tiền mệnh giá nhỏ để trời mưa bị ẩm, bị xoăn nên cần các cơ quan có chuyên môn và các loại tiền xu phải thuê máy về sàng từng loại riêng biệt nên mất rất nhiều thời gian”, ông Lập cho biết.
Theo ông Trương Anh Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh, khi được BQL các di tích trên địa bàn tỉnh thông báo, đơn vị này thường cử cán bộ mang máy đến kiểm đếm hộ.
“Thời gian kiểm đếm lâu nhất có thể mất cả ngày vì tiền lẻ nhiều, nhất là những ngày đầu xuân người đi lễ nhiều. Thông thường các đền, chùa đã kiểm đếm sơ qua và chờ vài ngày mới gọi ngân hàng đến hỗ trợ kiểm đếm và gửi luôn vào ngân hàng. Đối với các mệnh tiền nhỏ, ngân hàng luân chuyển, khi có người đến rút thì cơ cấu các loại mệnh giá để khách hàng cần chi tiêu, chứ chúng tôi đưa toàn tiền to hay tiền nhỏ, khách hàng cũng kêu và không lấy”, ông Dũng nói.
Theo Báo Giao Thông
Dịch vụ đổi tiền lẻ 'ăn' chênh lệch bắt đầu âm thầm nở rộ
Càng đến gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân vẫn tăng cao đột biến và mức phí chênh lệch đổi tiền lẻ vẫn cao theo hướng tiền mệnh giá càng nhỏ, càng mới, mức phí đổi càng cao.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Năm 2016, NHNN tiếp tục chủ trương sử dụng tiền mặt mệnh giá nhỏ lẻ một cách hợp lý tiết kiệm trong dịp Tết như ba năm trước đã làm. Trước, trong, và sau Tết Nguyên đán Bính Thân, các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố và các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện nghiêm việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không đưa các loại tiền mới in (nếu còn tồn kho) từ 5.000 đồng trở xuống vào lưu thông, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân. Ước tính, số tiền tiết kiệm được trong 4 năm thực hiện chủ trương này có thể lên tới 1.500 tỷ đồng.
Dù chủ trương này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân và các bộ, ngành chức năng nhưng thực tế trong quá trình triển khai, việc sử dụng tiền lẻ không đúng với chức năng thanh toán, tuy giảm bớt nhưng vẫn diễn ra.
Càng gần Tết, hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch vẫn "nóng" lên từng ngày, ngay tại khuôn viên di tích, lễ hội, thậm chí còn được quảng cáo tràn lan trên internet.
Tại một số cổng đền chùa ở Hà Nội, tiền lẻ đổi ở mức "10 ăn 7" (100.000 đồng thu về 70.000 đồng) vẫn diễn ra, tuy không còn công khai như trước, nhưng chỉ cần khách có nhu cầu là được đáp ứng "từ A đến Z".
Tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội), nhiều sạp bán vàng mã, hoa quả kèm luôn cả dịch vụ đổi tiền lẻ. Giá đổi tiền ở đây rất đồng đều, với mệnh giá 1.000 đồng là "10 ăn 8", mệnh giá 500 đồng là "10 ăn 7".
Không chỉ đổi tiền lẻ công khai ngoài thị trường, vài năm gần đây dịch vụ đổi tiền online cũng phát triển mạnh. Dạo quanh một số website như doitienle, muaban, chotot, những tin đăng đổi tiền lẻ, giao hàng tận nhà liên tục được cập nhật. Tại các website này, người kinh doanh cung cấp đầy đủ địa chỉ, số điện thoại, mệnh giá tiền... Các tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng, 20.000 đồng và 10.000 đồng là loại tiền có nhu cầu đổi cao nhất với phụ phí lần lượt là 5%, 10%, 15% nếu đổi tiền nguyên thếp.
Thông qua số lượng người truy cập tăng cao, có thể thấy sức hấp dẫn của dịch vụ này như thế nào, nhất là trong những ngày sát Tết Nguyên đán.
Ảnh mang tính minh họa.
Chênh lệch tăng cao theo mệnh giá nhỏ
Báo Nhân dân thông tin thêm, NHNN khẳng định, trên thị trường hiện nay, lượng tiền nhỏ lẻ không thiếu, các kho cất trữ của NHNN vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân với đầy đủ các loại mệnh giá tiền.
Tuy nhiên, càng đến gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân vẫn tăng cao đột biến và mức phí chênh lệch đổi tiền lẻ vẫn cao theo hướng tiền mệnh giá càng nhỏ, càng mới, mức phí đổi càng cao.
Tại nhiều điểm đổi tiền trên thị trường, dựa vào lý do NHNN không in tiền lẻ mới, những người đổi tiền họ tha hồ đưa ra mức chênh lệch. Khảo sát trên thị trường những ngày qua, tỷ lệ đổi tiền lẻ đã bị đẩy lên các mức: "10 ăn 8", "10 ăn 7" thậm chí "10 ăn 5", tùy theo từng mệnh giá và thời điểm.
Mặc dù công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong cách "ứng xử" với tiền lẻ đã được các cấp, ngành quản lý tăng cường đẩy mạnh, nhất là sau khi Nghị định 96 ra đời, theo đó việc ngăn chặn không chỉ dừng lại ở mức độ vận động, nhắc nhở mà còn quy định thành các mức độ xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, hoạt động đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch trên thực tế vẫn diễn ra và thay vì công khai, dịch vụ này lại rút vào hoạt động bí mật, càng khiến cho việc ngăn chặn, phát hiện vi phạm thêm khó khăn, phức tạp.
Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, nhất là NHNN, công an, các Ban Quản lý khu di tích lễ hội,... và nhất là nâng cao nhận thức của mỗi người dân.
Theo thông tin trên báo Lao động, khi được hỏi đến nay có bao nhiêu trường hợp bị xử phạt vì kinh doanh tiền lẻ trái phép? Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận hiện NHNN chủ yếu vẫn theo hướng vận động, tuyên truyền ý thức người dân không dùng tiền lẻ trong hoạt động tín ngưỡng. "Người đổi tiền trái phép chủ yếu là hoạt động buôn bán nhỏ lẻ. Nếu đòi hỏi việc buôn tiền lẻ ngoài thị trường hết hẳn thì chưa thể vì đây là vấn đề tâm linh. Tôi hy vọng thời gian ngắn, vấn đề này có sự thay đổi để việc sử dụng tiền lẻ cúng tại các đền chùa không đến mức phản cảm".
Trong khi đó, ông Vũ Xuân Thành cho biết Bộ VHTTDL thành lập đoàn liên ngành phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan địa phương để xử phạt và hiện nay các trường hợp vi phạm được đưa về cho các chủ tịch huyện và tỉnh xử lý.
Tuy nhiên trên thực tế, người đổi tiền lẻ hiện bày ra nhiều mánh khóe để qua mặt các cơ quan chức năng khi đến kiểm tra. Mặc dù theo Nghị định 96/2014, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện, người đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Nhưng nếu các cơ quan chức năng chưa thực sự kiên quyết, Nghị định 96 chỉ mới nằm trên giấy tờ. Để nghị định này thực sự có hiệu lực trong đời sống là phải khiến người dân thay đổi nhận thức, trả lại cho đồng tiền về đúng chức năng của nó là thanh toán và cất trữ.
Nhằm bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán năm 2016, Thống đốc NHNN đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán năm 2016.
Trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị phối hợp cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mới, kinh doanh tiền mặt mệnh giá nhỏ, lẻ trái phép; yêu cầu các ngân hàng duy trì tổ chức hoạt động đổi tiền ngoại tệ một cách hợp lý cho người nước ngoài và khách du lịch trong chín ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Không in tiền dưới 5000 đồng dịp Tết, buôn bán tiền lẻ lên ngôi Thị trường chợ đen thu đổi và buôn bán tiền lẻ ăn chênh lệch đang nở rộ do nhà nước không in tiền mới mệnh giá dưới 5000 đồng. Trong cuộc họp báo thông tin về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động ATM dịp Tết Nguyên đán của hệ thống ngân hàng, Phó thống đốc Đào Minh...