Tiền Giang: Huyện Gò Công Tây “thay da đổi thịt” từng ngày nhờ xây dựng nông thôn mới
Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Gò Công Tây chuẩn bị về đích và trở thành huyện thứ 3 của tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn NTM.
Người dân ở huyện đã thoát nghèo nhờ áp dụng những mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Thoát nghèo từ các mô hình hiệu quả
Theo thống kê của huyện, hiện nay thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 57,13 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,7% tại các xã NTM. Nhiều mô hình đặc biệt được áp dụng để người dân thoát nghèo.
Năm 2009, vợ chồng anh Nguyễn Văn Phương và chị Hà Thị Lượng (xã Long Vĩnh) cưới nhau từ hai bàn tay trắng và được gia đình chia mảnh đất cỡ 300m2 nhưng anh chị không có tiền để làm nhà ở. Chính quyền xã trong nỗ lực thực hiện các chương trình xóa nghèo bền vững đã giúp vợ chồng anh 30 triệu đồng xây nhà.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Phương và chị Hà Thị Lượng chăm lo cho đàn bò của gia đình. Ảnh: Huỳnh Khoa.
Có nhà, vợ chồng anh chị tiếp tục vay 7 triệu đồng (không tiền lời 3 năm) từ các tổ chức tín dụng của xã để nuôi bò. Qua 2 đợt gia đình bán bò con thu được 12,5 triệu/con/10 tháng tuổi. Sau thời gian chăn nuôi, đến nay vợ chồng anh Phương đã gầy dựng và tạo giống được tổng cộng 4 con bò.
Đặc biệt, để thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững cho những người có hoàn cảnh khó khăn, chính quyền xã còn thực hiện mô hình thầu đất 0 đồng để làm lúa trong 1-2 năm. Vợ chồng anh Phương cũng được trong danh sách thực hiện chương trình này. Qua 2 năm làm lúa, nuôi bò, được hỗ trợ cất nhà, gia đình anh chị đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Cũng thoát nghèo từ mô hình này, ông Nguyễn Văn Hiền (67 tuổi, ngụ ấp Bình Trinh, xã Đồng Sơn), chia sẻ: Trước đây, gia đình rất khó khăn nhưng từ khi được huyện áp dụng mô hình cho thầu đất 0 đồng trong chương trình xóa đói giảm nghèo, gia đình thoát nghèo và cuộc sống trở nên ổn định cho tới bây giờ.
“Chính quyền xã cho gia đình tôi thầu 2.500m2 đất giá 0 đồng để canh tác. Vợ chồng tôi trồng ớt trong vòng 2 năm. Trời thương nên tại thời điểm thu hoạch giá ớt tăng mạnh hơn 100 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi cũng kiếm lời được vài chục triệu mỗi vụ”, ông Hiền cho hay.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Gò Công Tây đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được duy trì, nhân rộng, ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Video đang HOT
Cụ thể như thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng”. Huyện đã chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa màu các loại và cây ăn trái, cho hiệu quả kinh tế cao từ 2,7- 8,8 lần (cây ăn trái) và 2,58- 13,83 lần (trồng màu).
Nhờ xây dựng nông thôn mới mà đường giao thông nông thôn của huyện được trải nhựa thông thoáng, sạch sẽ. Ảnh: Huỳnh Khoa.
Song song đó, huyện còn áp dụng một số mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình sản xuất truyền thống như: Mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao; mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo hướng đạt chuẩn xuất khẩu Châu Âu và sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP. Nổi bậc nhất, đó là xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể Gạo VD20 Gò Công và cây mai chiếu thủy Nu Gò Công.
Để sản phẩm nông nghiệp của người dân làm ra được tiêu thụ tốt, huyện đã thành lập 16 Hợp tác xã nông nghiệp với hơn 6.824 thành viên và 29 Tổ hợp tác với trên 4.755 tổ viên.
Ngoài ra, huyện còn có chương trình OCOP để thúc đẩy quảng bá sản phẩm chủ lực và nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy lợi thế từng địa phương trong suốt chặng đường xây dựng NTM.
Thay da đổi thịt từng ngày
Ông Nguyễn Thanh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho biết, năm 2010 khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, huyện gặp không ít khó khăn.
Lý do xuất phát điểm kinh tế thấp, sản xuất nông nghiệp manh mún; công nghiệp, dịch vụ thương mại chưa phát triển; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Bình quân mỗi xã chỉ đạt vài tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3,8% vào năm 2015, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Người dân của huyện từng bước áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất lao động. Ảnh: Huỳnh Khoa.
Sau 10 năm thực hiện, diện mạo nông thôn của huyện có sự thay đổi mạnh mẽ, kinh tế- xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực.
Tổng giá trị sản xuất giai đoạn 2016- 2020 đạt 24.534 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 3,73%. Tính đến năm 2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm xuống còn 62,22% ; khu vực công nghiệp- xây dựng tăng lên 16,54%; khu vực thương mại- dịch vụ tăng lên 21,24%… đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của toàn tỉnh.
Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện hiện nay là 57,13 triệu đồng/người/năm tăng gần 4 lần so với năm 2011.
“Từ một huyện còn nhiều khó khăn, qua những năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Gò Công Tây đã có bứt phá mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% xã (12/12 xã) đạt chuẩn NTM và hoàn thành 19 tiêu chí huyện NTM. Trong đó có 2 xã đạt NTM nâng cao; cảnh quan khang trang, môi trường xanh- sạch- đẹp”, ông Tuấn cho biết.
Ông Trần Hữu Tín, một người dân sống ở huyện đã chứng kiến cảnh huyện phát triển lên từng ngày. Trong ảnh, ông Tin đang chăm lo cho đàn vịt của gia đình. Ảnh: Huỳnh Khoa.
Chứng kiến quê hương đổi mới từng ngày, ông Trần Hữu Tín (68 tuổi, xã Long Vĩnh) cho hay: Gia đình ông có đất chạy dài theo đường lộ nên khi chính quyền huyện cùng xã vận động hiến đất làm đường để xây dựng NTM, gia đình quyết định hiến ngay.
“Nhờ xây dựng NTM, mà đường giao thông nông thôn được trải nhựa thông thoáng, thuận tiện cho việc đi lại và buôn bán. Đặc biệt, môi trường ở xã ngày càng cải thiện, số hộ kinh tế khá ngày càng nhiều, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao…
Ví như vợ chồng tôi tuy già nhưng hiện vẫn nuôi hơn 500 con vịt thịt và 300 con vịt đẻ trứng đang vào tuổi thu hoạch nên mỗi ngày bình quân thu nhập được trên dưới 500.000 đồng để lo cho cuộc sống hàng ngày”, ông Tín chia sẻ.
Nữ Bí thư dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới
Từ năm 2011, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thái Niên, chị Lưu Nguyệt Anh luôn đi đầu gương mẫu trong việc vận động gia đình và người nhà ủng hộ sức người, sức của cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lào Cai luôn xác định dân vận là một trong những giải pháp trọng yếu để quy tụ người dân, hình thành nền tảng sức mạnh làm nên thành công cho chương trình. Trong quá trình đó đã xuất hiện nhiều tấm gương dân vận điển hình có đóng góp không nhỏ thúc đẩy nông thôn mới về đích, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Chị Lưu Nguyệt Anh, Bí thư Chi bộ thôn Múc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, là một tấm gương như thế.
Chị Lưu Nguyệt Anh luôn đi đầu gương mẫu trong việc vận động gia đình và người nhà ủng hộ sức người, sức của cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Chị Nguyệt Anh sinh năm 1976, dân tộc Kinh, sinh ra và lớn lên tại xã Thái Niên. Ở nơi chôn rau cắt rốn này, tình cảm mà chị dành cho vùng đất bãi ven sông Hồng là không thể đong đếm. Điều đó lý giải vì sao mỗi phần việc chị làm đều được sự ủng hộ và đồng thuận cao của người dân địa phương. "Bởi vì tôi không tư lợi cho bản thân, những việc tôi làm đều là vì lợi ích chung của cộng đồng, đặt lợi ích của người dân lên trên hết", chị tâm sự.
Những người đã từng tham gia các hoạt động do chị Nguyệt Anh chủ trì dễ dàng nhận thấy nhiệt huyết mà chị dành cho công việc. Từ năm 2011, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thái Niên, chị Nguyệt Anh luôn đi đầu gương mẫu trong việc vận động gia đình và người nhà ủng hộ sức người, sức của cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Không chỉ tiên phong hiến 400m2 đất đồi rừng để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, năm 2015, khi thấy trẻ em trong thôn phải học mẫu giáo ở nhà văn hóa, chị đã vận động người thân ủng hộ xây dựng 2 phòng học cho Trường Mầm non thôn Múc, trị giá 120 triệu đồng; ủng hộ 20 triệu đồng nâng cấp, tu sửa nhà văn hóa thôn Múc.
Năm 2017 khi được bầu là Bí thư Chi bộ thôn Múc, ngoài việc vận động đóng góp hàng ngàn ngày công thực hiện vệ sinh đường làng ngõ xóm, chị Nguyệt Anh tiếp tục hỗ trợ nguyên vật liệu xây dựng cho 5 gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn làm mới và nâng cấp công trình phụ đảm bảo tiêu chuẩn.
Khoảng 10 năm trước, vùng đất tả ngạn sông Hồng, ngoài tuyến đường sắt ì ạch kéo theo những toa tàu dài chỉ có những con đường mòn. Những con đường mòn qua bãi sậy, bãi lau lâu rồi thành đường liên thôn, liên xóm.
Múc vốn là vùng đất bồi màu mỡ, hoa trái sum suê nhưng đời sống nhân dân khi ấy còn gặp nhiều khó khăn. Con đường kết nối giao thương thuận tiện đã trở thành niềm đau đáu của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân địa phương. Do đó, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để liên tục hình thành và bê tông hóa gần 83km đường giao thông nông thôn, người dân Thái Niên nói chung và thôn Múc nói riêng đã sẵn sàng hiến đất vườn rừng cho mục tiêu chung của địa phương.
Khi ấy, các tuyến đường đi qua thôn Múc cắt qua khá nhiều mảnh vườn, đồi cây ăn quả, những đồi quế, đồi chè xanh tốt. Để thuận lợi thi công, trong hai năm 2019 và 2020, chị Nguyệt Anh đã vận động được 35 hộ dân thôn Múc hiến 12.500m2 đất, nhiều hộ đã chuyển nhà, di dời mộ phần dù không được đền bù. Việc tâm linh khó thực hiện nhưng người dân thôn Múc đã chung sức, đồng lòng để đổi lấy một tuyến đường như mong ước. Cũng nhờ công tác dân vận khéo, nhân dân thôn Múc đã đồng thuận góp sức, xã hội hóa gần 4,4 tỷ đồng để làm đường giao thông, đường điện, các công trình công cộng.
Làm nên những con đường đã khó, để giữ gìn những tuyến đường này luôn an toàn, sạch đẹp, chị Nguyệt Anh tham mưu các cấp cùng người dân phối hợp thực hiện tốt việc triển khai 8 tuyến đường hoa với chiều dài 8,5km và 7km đường điện thắp sáng tổng trị giá 136 triệu đồng.
Giờ đây, dải đất ven sông Hồng thôn Múc bạt ngàn cây trái. Rau, củ, quả được người dân thu hái, vận chuyển trên những tuyến đường liên thôn, liên xã trải nhựa, trải bê tông phẳng phiu, thênh thang ra bến đò. Rồi dòng sông "cõng" trên mình những chuyến đò ngang chở người, xe cộ và nông sản tấp nập từ những ngôi làng ven sông sang thành phố.
Nhờ có những tuyến đường thuận tiện, đời sống của người dân Múc ngày càng đổi thay. Từ đây, chị Nguyệt Anh tiếp tục tích cực vận động chị em tham gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển và gìn giữ thương hiệu bưởi Múc.
Năm 2017, ngay khi vừa được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn, chị Nguyệt Anh là người đi đầu tham mưu thành lập Hợp tác xã bưởi Múc với 16 thành viên, do chị làm Giám đốc. Đến nay, Hợp tác xã có 25 thành viên, 15,5 ha bưởi đã cho thu hoạch. Thông qua Hợp tác xã, sản phẩm bưởi Múc đã trở thành mặt hàng có uy tín và có mặt rộng rãi trên địa bàn tỉnh Lào Cai cùng các tỉnh bạn. Sản phẩm được đăng ký thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc. Bưởi Múc cũng là một trong những loại nông sản nổi bật của ngành nông nghiệp huyện Bảo Thắng, được đánh giá đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lào Cai.
Thu nhập của người dân từ sản phẩm ngày càng được nâng cao. Điển hình như gia đình ông Lê Văn Lênh, thành viên của Hợp tác xã có 20 gốc bưởi lão (hơn 30 năm) và trồng thêm 50 gốc bưởi tơ (dưới 10 năm). "Năm 2019, 2020, gia đình tôi thu được 70 triệu đồng/vụ từ bán bưởi", ông Lênh cho biết.
Chị Nguyệt Anh cho biết, trong giai đoạn tới, bên cạnh hoạt động kinh doanh, mục tiêu quan trọng nhất mà Hợp tác xã hướng tới là khẳng định thương hiệu bưởi Múc trên thị trường, đưa quả bưởi trở thành loại hàng hóa chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế.
Để chị em trong thôn có nguồn vốn sản xuất, chị còn thực hiện tốt công tác quản lý vốn vay của 11 tổ do tổ chức Hội Phụ nữ quản lý, với tổng số vốn là 14,7 tỷ đồng cho 290 hộ vay. Từ đây thu nhập của các hộ trong xã được nâng lên mức trung bình 36,5 triệu đồng/người/năm trong năm 2020.
Tháng 1/2021, xã Thái Niên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là sự ghi nhận thành quả nỗ lực của cả tập thể xã Thái Niên nói chung trong đó có nhân dân thôn Múc cùng nữ Bí thư Chi bộ dân vận khéo Lưu Nguyệt Anh nói riêng. Chị đã được Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai gửi thư khen ngợi "Điển hình dân vận khéo" giai đoạn 2016-2020; Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Lào Cai xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2016-2020; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020"...
Bí thư Đảng ủy xã Thái Niên Lê Thị Thùy cho biết, giỏi việc nước, đảm việc nhà, chị Nguyệt Anh còn được người dân tin tưởng, yêu quý vì "dám nghĩ dám làm", lăn xả vào công việc chung. Dưới sự lãnh đạo của chị Nguyệt Anh, Chi bộ thôn Múc là đầu tàu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế tại địa bàn. Năm 2021, thôn Múc phấn đấu trở thành thôn kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới.
Vạn Ninh: 11/11 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới Đến hết tháng 3-2021, 11/11 xã trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, 11/11 xã đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, với tổng chiều dài gần 108km. Tỷ lệ đường trục thôn và đường liên thôn...