Tiền Giang đề nghị người dân di tản chưa vội về nhà
Cơn bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền và có dấu hiệu suy giảm, tuy nhiên để an toàn cho người dân di tản tỉnh Tiền Giang đề nghị họ ở lại nơi tránh trú bão, không nên vội về nhà cho đến khi có thông báo mới.
Ngày 25/11, trong cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang và đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 9, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tình hình bão vẫn rất phức tạp vì dù đã đi chậm lại, nhưng sức gió lại tăng.
Theo dự báo, bão ảnh hưởng trực tiếp vào tỉnh Tiền Giang, trong đó có các huyện, thị xã ven biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần vận động, đề nghị người dân không về nhà khi bão vẫn đang tiếp tục di chuyển trên đất liền. Các đơn vị tiếp tục kiểm tra lại các bến phà, rà soát số người dân còn ở ngoài đê và vận động vào nơi an toàn.
Bão số 9 đã vào đến đất liền vào trưa 25/11.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp, thủy lợi cần kiểm tra về mực nước và có giải pháp khi cần thiết để chống ngập úng. Đặc biệt, là các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, nhằm hạn thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Trần Ngọc Diệp, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9 cho biết, sau khi đi kiểm tra tuyến đê, Quân khu 9 đã yêu cầu 1 tổ túc trực tại các đoạn đê xung yếu ven biển Tiền Giang để khi có sự cố thì xử lý ngay.
Đồng thời, trong những ngày tới, Quân khu sẽ tiếp tục hỗ trợ Tiền Giang về phương tiện, lực lượng hỗ trợ khi cần thiết.
Hiện tại, các địa phương chịu ảnh hương đã tổ chức chằng chống trên 2.032 căn nhà. Trong đó, huyện Gò Công Tây 435 căn, thị xã Gò Công 271 căn, huyện Gò Công Đông 640 căn và huyện Tân Phú Đông 687 căn.
Bước đầu, toàn tỉnh sơ tán dân bước 1 trên 10.489 người, trong đó huyện Gò Công Tây 982 người, TX. Gò Công 744 người, huyện Gò Công Đông 6.046 người, huyện Tân Phú Đông 3.139 người. Tàu cá vào nơi tránh, trú bão 795 chiếc với 4.951 người. Công tác hộ đê đã được triển khai lực lượng trực 24/24 giờ, đặc biệt ở các đoạn đê xung yếu.
TÂN NGUYÊN
Theo VTC
Đêm trú bão số 9 của những em bé ở Cần Giờ
Đang quấn tã, nằm ngửa trong vòng tay mẹ nhưng nhiều em bé ở H.Cần Giờ (TP.HCM) đã phải sơ tán vào nơi trú bão. Những bé lớn hơn vô tư nô đùa cùng chúng bạn, mặc cho bão đang tiến sát TP.HCM.
Những đứa trẻ vài tháng tuổi đã phải theo cha mẹ đi trú bão ở các điểm tạm cư ẢNH: THANH HƯƠNG
Đêm trong nhà tạm cư trú bão của những trẻ em ở Cần Giờ
Trước tình hình phức tạp của bão số 9, ngày 24.11, UBND H.Cần Giờ (TP.HCM) đã di dời hơn 4.000 người dân từ những khu vực trũng thấp, ven biển đến cư ngụ tại các điểm trú bão kiên cố trên địa bàn.
Tại điểm trú bão trường THCS thị trấn Cần Thạnh, hàng trăm người được chia thành nhiều nhóm trải bạt nằm trên nền lớp học, nhiều người xếp bàn học sinh làm giường để ngả lưng khi mệt.
Từ người già, người trẻ đến trẻ em được bố trí chung vào các phòng học. Họ tận dụng tất cả những gì có thể mang theo để trải xuống nền nhà làm giường ngủ. Hàng chục người chen chúc trong phòng học mong qua cơn bão. Trong số hàng nghìn người phải sơ tán có những đứa trẻ mới hơn 3 tháng tuổi cũng phải theo mẹ vào nơi trú bão.
Các em nhỏ vẫn hồn nhiên vì gặp được bạn bè đồng lứa ở nơi trú bão ẢNH: THANH HƯƠNG
Ôm con mới hơn 3 tháng tuổi đi quanh 2 dãy nhà mới tìm được nơi cư ngụ, nhờ người cùng phòng trú bão mắc giùm chiếc võng để ru con ngủ, chị Khánh Ly - người dân TT.Cần Thạnh, H.Cần Giờ tâm sự: "Con em mới hơn 3 tháng à, hơi khó, ở nhà không ngủ trên giường, chỉ ngủ trên võng không à. Nên khi vào đây (nơi trú bão - PV) em rất cần võng cho con nó ngủ. Giờ này nó buồn ngủ rồi mà vẫn cứ ọ ọe vậy nè. Hồi bữa nghe nói bão là em rầu rồi, ai ngờ bão vào thiệt...".
Chị Ly cho biết, chị cùng 2 con đã vào nơi tạm trú tránh bão từ sáng. Tuy nhiên, lại ở phía ngoài. Càng về tối, Cần Giờ xuất hiện gió và mưa to, lại có con nhỏ nên mấy mẹ con phải chuyển vào bên trong để tránh gió.
Vừa ru con ngủ, chị Ly vừa kể: "Thật ra thì đi trú bão đã 2 lần. Lần đầu khi mang thai con đầu lòng, chị cũng vác bụng mang dạ chửa đi tránh bão. Đến nay, con đã 6 tuổi, giờ lại đi trú bão tiếp đứa sau. Nghĩ chỉ thấy tội cho các con".
Chị Ly bế con nhỏ 3 tháng tuổi đến nơi trú bão ẢNH: THANH HƯƠNG
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hân có 2 con trai, đứa đầu đã học tiểu học, đứa nhỏ mới 2 tuổi phải cùng mẹ vào trú bão. "Mình có 2 cháu vào đây trú bão. Có con nhỏ, vào đây đông quá thì cũng có khó khăn chút đỉnh. Ở đâu cũng không bằng ở nhà mà", chị Hân nói.
Còn chị Nguyễn Thị Phượng lo lắng cho ba con nhỏ của mình vì sợ vào nơi trú bão không ăn, ngủ được: "Mỗi lần nghe bão là sợ lắm, sợ lốc, ở nhà cũng lo lắm. Do nhà có 3 đứa nhỏ nên mình cũng phải lo, phải dắt mấy đứa đi trú bão", chị Phượng nói.
Hai em nhỏ ăn cháo tại hàng lang ẢNH: THANH HƯƠNG
Những người mẹ có con nhỏ vất vả lo lắng chỗ ăn, chỗ ngủ thì những đứa trẻ lớn hơn, hàng lang, hay chính phòng học - cũng là nơi trú bão trở thành điểm vui chơi, ăn uống. Những đứa trẻ theo cha mẹ vào trú bão còn quá nhỏ để hiểu tại sao mình lại vào đây. Không biết rằng cơn bão Usagi đang hướng vào đất liền.
Những đứa trẻ, như thói quen lúc đi học, nhanh nhảu lấy khăn lau bảng, cầm phấn viết chữ. Còn ngoài hành lang, hai bé trai ngồi trên 2 ghế gỗ, một tay cầm bịch cháo, một tay cầm muỗng liên tục múc cháo ăn một cách vô tư. "Cháo ngon lắm cô ạ, vào đây được chơi, được phát đồ ăn nữa", cậu bé 8 tuổi hồn nhiên nói.
Trong đêm trú bão, tấm bảng, viên phấn trong lớp học cũng trở thành đồ chơi ẢNH: THANH HƯƠNG
Những em nhỏ lại vô tư vui chơi dù trên gương mặt cha mẹ hằn nỗi lo lắng nếu cơn bão Usagi đổ bộ vào đất liền. Đang tuổi ăn, tuổi chơi, những đứa trẻ chưa thể hình dung được sự tàn phá của những cơn bão, chưa thấu được nỗi lo của người lớn. Nỗi lo sợ mang tên "mẹ thiên nhiên".
Theo TNO
Sáng 25-11: Bão số 9 cách Vũng Tàu 60 km, gió bắt đầu mạnh lên 4 giờ sáng nay, 25-11, vị trí tâm bão cách Vũng Tàu khoảng 60km, cách Bến Tre 110km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13. Theo ghi nhận của phóng viên Pháp Luật TP.HCM tại hiện trường , vào lúc 5 giờ 50' sáng nay, 25-11, Vũng Tàu đang có mưa nhẹ, gió mạnh lên...