Tiền Giang đầu tư khẩn cấp hơn 7,6 tỷ đồng cho công trình chống mặn
Ngày 14/2, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy ( tỉnh Tiền Giang) Lý Văn Cẩm cho biết, trước tình trạng nước mặn từ cửa sông thuộc hệ thống sông Tiền và sông Hàm Luông (Bến Tre) lấn sâu vào nội đồng, đe dọa các vùng trồng cây ăn trái đặc sản tại địa phương, huyện Cai Lậy quyết định tạm ứng 7,68 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước năm 2020 cho các xã thi công khẩn cấp các công trình phòng, chống xâm nhập mặn.
Ngày 8/2/2020, tỉnh Tiền Giang phát động lễ đóng đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành (đoạn km 01 460) nhằm ngăn mặn, trữ ngọt. Khi nước mặn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước mà Nhà máy nước BOO Đồng Tâm đang lấy, tỉnh sẽ cho chủ trương lấy ngay nguồn nước ngọt bên trong đập thép kênh Nguyễn Tấn Thành để phục vụ cho nhân dân. Ảnh minh họa: Nam Thái/TTXVN
Huyện tiến hành nạo vét 20 tuyến kênh trữ nước ngọt với tổng kinh phí 2,87 tỷ đồng, sửa chữa 10 cống ngăn mặn với kinh phí 1,6 tỷ đồng, đắp 24 đập ngăn mặn với tổng kinh phí trên 3,2 tỷ đồng. Những công trình này là nhằm bảo vệ khoảng 15.000 ha đất trồng cây ăn quả, trong đó có hàng chục ngàn ha sầu riêng chuyên canh có giá trị kinh tế cao, chưa kể các cây ăn quả đặc sản khác phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Lãnh đạo huyện yêu cầu các xã tập trung ra quân giải phóng chướng ngại vật dưới lòng kênh, khai thông dòng chảy, phát huy vai trò các kênh nội đồng trong việc trữ ngọt phục vụ sản xuất; đồng thời thi công khẩn trương các công trình kênh mương, cống đập ngăn mặn, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng nhằm phòng chống thiên tai một cách hiệu quả nhất.
Huyện thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến tình hình xâm nhập mặn và hạn hán để dự báo, cảnh báo nhân dân sẵn sàng ứng phó, đặc biệt là không tưới cây khi độ mặn tăng cao để tránh thiệt hại cho vườn cây ăn quả. Mặt khác, huyện tăng cường công tác tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả trong và sau khi hạn, mặn để bà con biết thực hiện đúng quy trình.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chi nhánh Thủy nông Cai Lậy – Cái Bè tăng cường các điểm đo độ mặn, vừa để khuyến cáo nhân dân, đồng thời xây dựng lịch vận hành các cống đập ở hai ô bao Đông và Tây Ba Rài một cách hợp lý nhằm điều tiết nước, làm tốt chức năng ngăn mặn và lấy nước ngọt bổ sung vào nội đồng phục vụ sản xuất khi có điều kiện thuận lợi. Phục vụ mục tiêu cập nhật diễn biến xâm nhập mặn để ứng phó kịp thời, huyện đã mua thêm 32 máy đo mặn trang bị thêm cho các xã trọng điểm có vườn quả đặc sản.
Video đang HOT
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy Trần Lý Ngự Bình, địa phương đã bố trí hàng trăm điểm đo độ mặn trên sông Tiền và các chi lưu, kênh rạch nội đồng tại các xã trọng điểm kinh tế vườn phía Nam Quốc lộ 1.
Kết quả khảo sát tại tại các điểm đo của Chi nhánh Thủy nông Cai Lậy – Cái Bè (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang) cho thấy, sông Tiền và toàn bộ kênh rạch chi lưu thuộc địa bàn huyện Cai Lậy đã bị xâm nhập mặn nên không thể lấy nước tưới tiêu cho vườn cây ăn quả, trừ một ít địa bàn có độ mặn dưới 0,5 g/lít được khuyến cáo hạn chế bơm tưới.
Trong những ngày tới, mùa khô vào cao điểm, diễn biến hạn mặn còn rất phức tạp nên một mặt huyện sẽ thi công các công trình phòng chống thiên tai khẩn cấp, một mặt tăng cường thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân các biện pháp đối phó theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ sản xuất và đời sống.
Theo Minh Trí (TTXVN)
Khẩn trương lên phương án xử lý dịch cúm gia cầm H5N6
Trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N6 có nguy cơ lây lan rộng tại Nghệ An, Đoàn công tác của Chi cục Thú y vùng 3 (quản lý 6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế) đã kiểm tra thực tế tại vùng dịch huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, để nắm bắt tình hình dịch và lên phương án xử lý dịch nhanh nhất.
Phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại một số xã ở huyện Quỳnh Lưu.
Đoàn đã kiểm tra tại các hộ dân ở xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Bá (xuất hiện ổ dịch H5N6) của huyện Quỳnh Lưu. Đây là những xã có số lượng nuôi gia cầm lớn của huyện.
Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy, khu vực các xã bị dịch cúm gia cầm H5N6 tại các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, Quỳnh Hậu đều sử dụng nguồn nước từ kênh, mương chảy về các hộ gia đình cho chăn nuôi gia cầm. Còn hiện tượng người dân vứt xác gia cầm chết xuống dòng nước. Nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa thực sự chú trọng đến việc phòng dịch mà chỉ làm qua loa. Vì thế, nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm khi các hộ khác dùng nước đó cho gia cầm. Điều này có thể làm lây lan dịch.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực đúng chuyên muôn ở các địa phương còn thiếu và ít. Lực lượng thú y địa phương giao cho cán bộ bán chuyên trách về nông nghiệp nên không có chuyên môn về phòng chống dịch, giám sát, hoạt động tại cơ sở.
Tại buổi kiểm tra ở huyện Quỳnh Lưu, ông Lê Đình Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3 cho biết, một số việc cần làm ngay để hạn chế dịch lây lan là phải chấn chỉnh xử lý môi trường, đặc biệt là môi trường kênh, mương ruộng đồng chảy qua nhiều xã; tuyên truyền người dân không vứt xác động vật ra sông; tăng cường kiểm tra giám sát và làm nghiêm chỉ đạo chống dịch; lập chốt chặn, vệ sinh tiêu độc, tiêm phòng đàn gia cầm trong mùa dịch và định kỳ.
Đoàn công tác của Chi Cục Thú y vùng 3 kiểm tra tại hộ nuôi Phan Văn Thắng, xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Tại xã Quỳnh Bá, đoàn đã đến hộ gia đình anh Phan Văn Thắng tại xóm 2, xã Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu. Gia đình anh Thắng mỗi tháng xuất 90.000 con vịt giống cho các địa phương. Tại buổi kiểm tra, đoàn đã hướng dẫn gia đình cách phòng trừ dịch, khử trùng, tiêu độc chuồng trại; nhắc nhở gia đình thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch; khi phát hiện dịch phải cách ly, phong tỏa vùng vật nuôi và báo ngay cho cơ quan chức năng. Gia cầm nuôi của anh Thắng cũng được các nhân viên thú y lấy mẫu kiểm tra.
Trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N6 xuất hiện và lây lan tại xã Quỳnh Bá, anh Thắng cho biết, cơ sở sản xuất kinh doanh vịt giống của gia đình anh là cơ sở lớn của địa phương. Nếu trang trại bị dịch sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Vì thế, những ngày qua, anh Thắng cùng các nhân công đã sử dụng vôi, xịt thuốc khử trùng chuồng trại; kiểm tra và theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe gia cầm...
Xã Quỳnh Bá có gần 80.000 con gia cầm đang được các hộ nuôi. Ngày 11/2, hộ ông Hồ Khắc Châu ở xóm 7, xã Quỳnh Bá có 85 con ngan, vịt bị dịch cúm gia cầm H5N6. Khu vực xóm 7 bị dịch hiện có khoảng 9.000 con gia cầm, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ trong các hộ dân. Cùng ngày, đàn gia cầm 58 con ngan và vịt của hộ ông Hồ Ngọc Khôi ở xóm 2, xã Quỳnh Hậu cũng bị dịch.
Bước đầu, Nghệ An đã triển khai hiệu quả phòng chống dịch cúm gia cầm H5N6 phát hiện ổ dịch, xử lý ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm được kịp thời. Tỉnh đã chủ động được nguồn hóa chất, vắc xin phòng dịch.
Huyện Quỳnh Lưu có đàn gia cầm lớn lên đến 2 triệu con.
Tại các địa phương bị dịch, cơ quan Thú y huyện Quỳnh Lưu đã vào cuộc, lấy mẫu bệnh phẩm đồng thời khoanh vùng, dập dịch, tiêm phòng vắc xin, phun hóa chất khử trùng tiêu độc trong vùng dịch...
Đến thời điểm này, huyện Quỳnh Lưu đã được cấp 20.000 liều vắc xin tiêm phòng dịch và đã tiến hành tiêm vắc xin tại một số xã; 60 lít hóa chất; vôi bột được các UBND xã ứng kinh phí mua trước để giúp nông dân phòng dịch.
Ông Đậu Đức Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết, dịch chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô vài chục con đổ lại. Nhưng Quỳnh Lưu là huyện có số lượng nuôi gia cầm lớn và xuất hiện dịch vài năm gần đây nên khả năng lây lan cao. Các cơ quan chức năng của huyện nỗ lực, đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để hạn chế dịch cúm gia cầm H5N6 lây lan ra diện rộng.
Tại tỉnh Nghệ An đến thời điểm này mới phát hiện dịch cúm gia cầm H5N6 ở một số xã thuộc huyện Quỳnh Lưu. Đây là huyện có đàn gia cầm lớn lên đến 2 triệu con.
Theo Tin, ảnh: Nguyễn Oanh (TTXVN)
Hơn 50.000 ha lúa Đông Xuân của Trà Vinh thiếu nước ngọt UBND tỉnh Trà Vinh vừa có công văn chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh cấp bách triển khai biện pháp phòng chống, hạn mặn để bảo vệ mùa vụ sản xuất, đặc biệt là vụ lúa Đông Xuân đang có nguy cơ cao thiệt hại nặng nề do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, thiếu nguồn nước...