Tiền Giang: Chuyện lạ xây cống chống triều lại gây… ngập úng nặng
Xây dựng cống đập là để ngăn mặn, chống triều cường, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất của ngườ dân. Nhưng ở xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang thì ngược lại, có nhiều cống đập xây dựng xong đã không phát huy được chức năng này mà còn làm nước tràn vào, gây ngập úng trên diện rộng.
Ruộng rau má đang dần héo úa vì ngập nước. Ảnh: P.T
Bà Mai Thị Thắm cũng như nhiều nông dân trồng rau màu ở ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vừa bị thiệt hại gần 40 triệu đồng do nước ngập mất trắng ruộng rau má. Bà Thắm cho biết, chỉ một con nước triều cường dâng cao, tràn qua miệng cống, đã nhấn chìm 4 công ruộng rau má. “Cống tràn nước, ngập hết 2 ruộng rau này, mất hết một đợt. Nhà tôi ở trong kia, nước tràn không hay, sáng ra mới thấy nên đắp be lại, rồi bơm nước ra. Bây giờ cắt bỏ rau má úng để nó lên lứa khác. Xung quanh đây đều ngập hết”, bà Thắm nói.
Người dân ra ruộng cố vớt vát trước khi rau ngập úng hết. Ảnh: P.T
Qua tìm hiểu của chúng tôi, khu vực xã Thạnh Phú được Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang đầu tư xậy dựng 44 cống đập để ngăn mặn, chống triều cường từ kênh Sáu Ầu – Hoài Hột. Các cống đập được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có đường kính hơn 1 mét, với nguồn vốn đầu tư từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/cống. Do khi thiết kế, tấm thép đặt ngăn nước ngay miệng cống thấp hơn đỉnh triều và có khe hở, nên khi triều cường dâng cao nước tràn vào bên trong cống.
Qua thống kê của UBND xã Thạnh Phú đã có 20 cống đập xây dựng từ năm ngoái bị nước tràn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Ông Châu Văn Dũng, người dân xã Thạnh Phú tâm tư: “Cái cống nó bị hở tấm rol, tấm sắt bị ngập vì thấp hơn mực nước. Ở ngoài nước tràn vô lớn hơn ngày trước nữa. Nước ngập ảnh hưởng rau màu, cây cối người dân. Đám rau má trong này bị quéo đầu hết”.
Video đang HOT
Thủ phạm “cống ngăn triều nhưng lại gây ngập úng cho rau màu của dân”. Ảnh: P.T
Điều đáng nói là tình trạng thủy triều tràn qua cống gây ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất của nhiều hộ dân trong một thời gian dài, chính quyền địa phương có tờ trình gửi đến các ngành chức năng của huyện Châu Thành; đơn vị đầu tư, đơn vị thi công đều biết nhưng chậm khắc phục. Khi PV đến tìm hiểu vấn đề này, thì lãnh đạo UBND xã Thạnh Phú “né tránh”.
Riêng ông Nguyễn Hoàng Ân, cán bộ thủy lợi của UBND xã Thạnh Phú cho biết, hầu hết các cống đập này ở trong giai đoạn bảo hành nên trách nhiệm sửa chữa thuộc về các đơn vị thi công. “Tình hình ngập này, địa phương có nắm. Theo người dân báo và xã khảo sát thực tế, thì nước tràn vô những khe hở của cống, do các khe hở này hở nhiều. Xã sẽ kết hợp với đơn vị thi công, chủ đầu tư để khắc phục những khe hở của cống, hạn chế mức thấp nhất nước tràn vào”.
Những bất cập của 20 cống đập ở xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cần được khẩn trương khắc phục. Vì tình hình lũ lụt và triều cường hiện đang diễn biến phức tạp, không để tái diễn nước tràn qua miệng cống gây ngập úng, làm thiệt hại sản xuất và gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân.
Theo Danviet
Kênh thoát nước 'biến' thành đất nền dự án, hàng chục hộ dân sống cảnh ngập úng ở Cần Thơ
Con kênh thoát nước của hàng chục hộ dân ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ bị san lấp để thực hiện dự án khu dân cư, khiến người dân sống trong cảnh ngập úng kéo dài.
Trưa 9/10, mặc dù thủy triều đã xuống trước đó nhiều giờ nhưng hẻm 546 đường Cách mạng tháng 8, khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ vẫn chìm trong biển nước, có nơi ngập sâu hơn 0,5m.
Nguyên nhân của tình trạng này theo các hộ dân là do khu vực không có hệ thống thoát nước.
Ngập úng tại hẻm 546 do không có hệ thống thoát nước.
Ông Tạ Ngọc Thanh (53 tuổi) cho biết, trước đây, khu vực 2 có một con rạch thoát nước rộng 20m, dài 250m chạy thẳng ra sông Hậu. Nhưng khi thực hiện dự án khu dân cư An Thới chủ đầu tư đã bơm cát lấp con kênh mà không đặt cống thoát nước thay thế.
"Trời mưa hoặc triều cường là nước ngập úng, tràn vào nhà dân suốt nhiều ngày liền không có lối thoát. Chúng tôi phải sống khổ sở bởi nước ô nhiễm", ông Thanh nói.
Sau mỗi đợt triều cường hay mưa lớn, phải mất nhiều ngày khu vực hẻm 546 mới hết ngập.
Người dân nơi đây cho biết, tình trạng ngập úng do không có hệ thống thoát nước đã diễn ra từ lâu nhưng địa phương vẫn không có biện pháp khắc phục.
"Mỗi khi mưa, triều cường là nhà tôi ngập hết. Mọi sinh hoạt, ngủ nghỉ đều phải ở trên cao, xe cộ không thể dẫn ra ngoài. Chúng tôi phản ánh nhiều lần đến chính quyền nhưng chưa có phương án giải quyết nổi khổ của bà con", bà Nguyễn Ngọc Tươi (50 tuổi) phản ánh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hà - Trưởng phòng quản lý đô thị quận Bình Thủy cho biết, dự án Khu dân cư An Thới được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2003. Dự án hiện hoàn thành giai đoạn 1.
Tuy nhiên, ông Hà không giải thích được lý do tại sao khi phê duyệt quy hoạch khu dân cư An Thới lại không để lại rạch thoát nước.
"Trước đây dự án do UBND thành phố phê duyệt nên tôi không nắm rõ", ông Hà nói.
Theo ông Hà, quận đã chỉ đạo phòng tham mưu cho ủy ban có các giải pháp thoát nước. Đối với phần mặt tiền đường Cách mạng tháng 8, phường sẽ tổ chức họp dân để vận động xã hội hóa lắp đặt ống thoát ra sông. Tuy nhiên, việc này chưa có kết quả.
"Về lâu dài, chủ trương của quận là hẻm sẽ được nâng cấp và lắp đặt hệ thống cống thoát nước theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân hiến đất, ngân sách nhà nước sẽ cân đối để đầu tư phần xây dựng cơ bản", ông Hà nói.
Còn ông Nguyễn Văn Út - Phó chủ tịch UBND phường Bùi Hữu Nghĩa cho biết, để giải quyết tạm thời tình trạng ngập ứng cho người dân, phường đang vận động một doanh nghiệp tại địa phương hỗ trợ ống thoát nước.
"Nếu được hỗ trợ ống, phường sẽ họp dân để lấy ý kiến về việc người dân đóng góp kinh phí. Địa phương sẽ hỗ trợ nhân lực lắp đặt đường ống thoát nước tạm cho cho khu vực", Nguyễn Văn Út thông tin thêm.
Trong khi chờ địa phương hiện thực hóa các giải pháp thoát nước thì nhiều người dân tại khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy phải tiếp tục sống trong ngập úng kéo dài nhiều ngày liền sau mỗi trận mưa hay sau mỗi đợt triều cường.
THANH TIẾN
Theo VTC
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó lũ, bảo vệ lúa * Tiếp tục hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai Lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường làm cho mực nước nội đồng ở tỉnh Kiên Giang liên tục tăng cao; hơn 30 nghìn ha lúa bị ngập sâu trong nước có nguy cơ thiệt hại nặng. Tại huyện Kiên Lương còn khoảng 19 nghìn ha...