Tiền Giang: Cấp tập chuẩn bị cho “phương án tối ưu” BOT Cai Lậy
Chiều tối 3.5, UBND tỉnh Tiền Giang đã gấp rút triệu tập cuộc họp với các cơ quan ban, ngành liên quan về việc tổ chức kế hoạch tái khởi động thu phí BOT Cai Lậy.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đang chờ Chính phủ chính thức quyết định phương án tối ưu trong số các phương án do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình về việc thu phí tại BOT Cai Lậy.
Cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, trả lời báo chí về việc xử lý trạm BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ đánh giá phương án giữ nguyên trạm hiện tại, giảm mức thu từ 35.000 xuống 15.000 với xe con là phương án tối ưu do ít gây xáo trộn tới tổ chức giao thông trong nội đô của thị xã Cai Lậy.
BOT Cai Lậy trong những ngày xả trạm.
Trước đó, sau những lùm xùm tại BOT Cai Lậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1-2 tháng để tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn.
Video đang HOT
Dự án BOT Cai Lậy có tổng mức đầu tư là 1.398 tỷ đồng (chưa quyết toán), nguồn vốn 100% tư nhân. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 210 tỷ đồng (Bắc Ái góp 136,5 tỷ đồng (65%); TRICO góp 73,5 tỷ đồng (35%)), chiếm 15% tổng mức đầu tư; phần còn lại là vốn vay ngân hàng.
Năm 2014, khởi công dự án gồm phần tuyến tránh qua thị xã Cai Lậy đầu tư mới dài 12km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và thêm phần bảo trì Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Tranh cãi giữa lái xe và nhân viên thu phí tại BOT Cai Lậy (Tiền Giang).
Ngày 1.8.2017, BOT Cai Lậy chính thức thu phí, nhưng sau đó liên tiếp phải xả trạm do giới lái xe phản đối.
Là một trong 88 tuyến giao thông được xây dựng theo hình thức BOT, tuyến tránh Cai Lậy được xây dựng theo Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 108 của Chính phủ về huy động nguồn lực ngoài xã hội để hiện đại hóa hạ tầng giao thông.
Theo Danviet
Thứ trưởng Bộ GTVT: Giữ nguyên BOT Cai Lậy, giảm phí là 'ưu việt'
Thủ tướng giao Bộ Giao thông chọn một trong hai phương án "giữ nguyên trạm, giảm phí" hoặc "đặt thêm trạm ở tuyến tránh".
Tại cuộc họp báo chiều 3.4, trả lời câu hỏi của VnExpress về việc Chính phủ đã chốt xử lý trạm BOT Cai Lậy theo phương án nào, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng 5 phương án khác nhau, có phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, lượng hoá giá trị, thời gian thu phí bao lâu...
Tài xế tranh cãi với nhân viên BOT Cai Lậy về giá vé qua trạm thu phí. Ảnh: Nguyễn Thành.
"Ngày 23.4, Thủ tướng chủ trì cuộc họp về nội dung này, đánh giá cao các phương án Bộ Giao thông đã trình, giao Bộ phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang xem xét xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể và quyết định thời điểm tổ chức thu giá", ông Đông cho hay.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông lựa chọn một trong hai phương án Bộ đã trình. Thứ nhất, giữ nguyên trạm hiện tại và giảm mức thu cao, đồng thời tiếp tục giảm giá chung cho tất cả phương tiện qua trạm (giảm khoảng 30%, phương tiện nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt) và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận khoảng 10 km.
"Đây được đánh giá là phương án ít tác động nhất đến việc tổ chức giao thông trong nội đô của thị xã Cai Lậy, ít tác động tiêu cực về ô nhiễm môi trưởng", Thứ trưởng Giao thông nhận định.
Phương án hai, đặt thêm một trạm nữa trên tuyến tránh, thu phí cả hai trạm; khi hoàn vốn phần tiền đã đầu tư cho trạm trên quốc lộ 1 thì dỡ trạm, hoàn vốn của tuyến tránh thì kết thúc toàn bộ dự án.
Theo ông Đông, phương án này sẽ giảm một phần phản ứng của một bộ phận người sử dụng, nhưng lại phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng trạm thu giá ở vị trí mới. Đồng thời, phương án này sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện tập trung đi qua quốc lộ 1 do mức giá ở đây thấp hơn, gây ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy.
"So sánh thì thấy phương án một ưu việt hơn. Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Tiền Giang để tính toán chi tiết các vấn đề đặt ra", Thứ trưởng Giao thông cho hay.
Trạm thu phí Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1, khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12 km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng.
Trạm hoạt động từ ngày 1.8.2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối việc thu phí và yêu cầu di dời về tuyến tránh nên chủ đầu tư phải liên tục thu, xả trạm. Bộ Giao thông nhiều lần khẳng định vị trí trạm thu phí là hợp lý, được các ngành, địa phương đồng thuận. Cuối năm 2017, Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy chờ Bộ Giao thông trình phương án xử lý.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress)
BOT Cai Lậy: Đã hoàn tất việc đếm xe, nhưng chưa công bố "Hôm nay (13.12) Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thiện số liệu đếm xe qua lại trên quốc lộ 1 và tuyến tránh thị xã Cai Lậy", Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết. Trao đổi với PV, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đã nhận được báo cáo...