Tiên đoán về châu Âu thời ‘Bà đầm thép’
Sau một tháng thương thuyết, Đại liên minh tả – hữu dưới quyền của tân thủ tướng Angela Merkel đã đi đến đồng thuận cuối cùng. Dù chưa chốt danh sách nội các, những điểm cốt lõi của chính sách đã thành hình.
Là nước cầm trịch EU, nước Đức dưới thời Merkel ở nhiệm kỳ thứ 3 có thay đổi chính sách đối ngoại với EU sau 2 nhiệm kì theo đuổi? Chắc chắn Đức tiếp tục lèo lái con tàu Eurozone qua cơn khủng hoảng, đồng thời hàn gắn lại những mối quan hệ đã rạn nứt suốt thời gian qua. Nhưng câu hỏi đặt ra là: bà Merkel sẽ làm như thế nào?
Tiếp tục “cầm trịch”
Sự cứng rắn khi thực hiện và theo đuổi chính sách “Thắt lưng buộc bụng” đã cho thấy các quốc gia khác đừng chờ đợi một sự thay đổi rõ ràng trong chính sách đối ngoại đối với châu Âu từ chính phủ bà Merkel. Dù có vấp phải sự phản đối gay gắt từ các nước thì chính sách này chỉ được “nới lỏng” chứ khó thể thay đổi. Châu Âu vẫn phải tiếp tục “chung tay” với chương trình cứu đồng Euro do nước Đức đề ra: giảm thâm hụt ngân sách, giải quyết vẫn đề nợ công, cải cách triệt để nền kinh tế đồng thời tuân thủ những ràng buộc do Đức đề ra.
Đơn cử trường hợp Hy Lạp, tuy không mấy hài lòng nhưng để nhận các gói cứu trợ tài chính từ Đức, ngân hàng trung ương châu Âu, Ủy ban châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Hy Lạp vẫn phải đáp ứng các yêu cầu về giảm thâm hụt chi tiêu ngân sách.
Hy Lạp đã tiến hành tăng thuế, đánh thuế cao về các mặt hàng xa xỉ, giảm chi tiêu công cũng như chi tiêu cho các lĩnh vực giáo dục, quân sự, an sinh xã hội và y tế, cắt giảm lao động, tư hữu hóa một số doanh nghiệp quốc doanh.
Video đang HOT
Khác với chính phủ bà Merkel – đảng SPD (đảng Xã hội dân chủ) cho rằng việc tập thể hóa một phần nợ của các quốc gia trong liên minh châu Âu sẽ mau chóng hoàn thành việc giải cứu đồng Euro. Tuy nhiên CDU (Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo) đã cáo buộc những chính sách của SPD là “hoàn toàn không đáng tin cậy”, việc đẩy món nợ quốc gia này thành một trách nhiệm tập thể sẽ biến EU trở thành một liên minh nợ. Bà Merkel cũng không đồng ý việc thắt lưng buộc bụng một chiều, thiếu sự đoàn kết vì các nước đều có trách nhiệm như nhau trong việc giải cứu đồng Euro.
Tuy nhiên, sự đoàn kết này không đồng nghĩa với việc Đức sẽ đứng ra lãnh món nợ chung cho các quốc gia khác theo lập trường của SPD thông qua việc ủng hộ phát hành một loại trái phiếu gồm 16 quốc gia khu vực đồng Euro (E-bond).
Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: Telegraph
Thêm tiền hay làm chính sách?
Theo giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn khẳng định: châu Âu cần ít nhất 750 tỷ euro (khoảng 1.000 tỷ USD) để vượt qua khủng hoảng nợ công. Số tiền này, theo người đứng đầu IMF, chủ yếu được sử dụng để giải cứu những nền kinh tế đang bên bờ vực sụp đổ như Hy Lạp, Ireland hay Tây Ban Nha thông qua Quỹ bình ổn tài chính châu Âu.
Tuy nhiên, trong trường hợp cần đảm bảo tài chính cho nguồn quỹ này, Đức sẽ là nước phải đóng nhiều nhất với vai trò đầu tàu Eurozone – một điều hết sức vô lý với quốc gia được xem là có nền tài chính “chặt chẽ” nhất. Và đương nhiên kế hoạch phát hành một trái phiếu chung cho châu Âu sẽ là điều không tưởng nếu thiếu đi sự góp mặt của “người Đức”.
Bên cạnh đó, một số chính sách của Liên minh châu Âu hiện đang phải “giậm chân tại chỗ” do Đức cần tập trung ổn định chính phủ. Đáng chú ý nhất trong số này chính là sáng kiến thành lập Liên minh ngân hàng giữa các nước châu Âu. Trong các cuộc đàm phán giữa tháng 11/2011, đã nhất trí rằng sẽ không dùng Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) để tái cấp vốn cho các ngân hàng phá sản của các nước khác, đảm bảo lợi ích của người dân Đức, không dùng tiền nộp thuế của họ để cứu vớt những ngân hàng này.
Mặc dù còn một vài điểm mâu thuẫn, nhưng nhìn chung thỏa thuận này cũng đã giúp Đức tiến gần hơn đến đàm phán với EU về liên minh ngân hàng khu vực. Tuy nhiên, thay vì chủ trương Eurozone hiệp lực để giúp đỡ các ngân hàng yếu, Berlin cho rằng nên đánh vào các ngân hàng cho vay, kể cả những thành phần nắm giữ trái phiếu.
Trước đó, hai Đảng cũng đã nhất trí thúc đẩy vấn đề thuế giao dịch tài chính đang gây tranh cãi của EU. Kế hoạch đánh thuế giao dịch các ngân hàng khoảng 35 tỉ euro một năm đang vấp phải sự phản đối của nhiều ngân hàng Đức và nhiều quốc gia châu Âu khác. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Đức vẫn thể hiện quyết tâm đẩy mạnh tiến trình này.
Martin Schulz, người đại diện đàm phán của SPD, đồng thời là Chủ tịch Nghị viện châu Âu cho biết: “Sáng kiến này sẽ được tiếp tục bàn luận tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu, một khi Chính phủ Đức được thành lập trong thời gian sắp tới.”
Song song với những dự định trên, Đức cũng sẽ cố gắng “làm ấm” mối quan hệ đã xấu đi với Hi Lạp, Pháp trong thời gian qua do cuộc khủng hoảng kinh tế mang lại. Để chứng minh cho “thiện chí” của mình, Đức tuyên bố sẽ thực hiện một gói cứu trợ cho Hy Lạp theo lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ tài chính Đức – ông Wolfgang Schuble.
Châu Âu nhìn về Đại liên minh
Gói cứu trợ này được thông qua dễ dàng hơn đồng nghĩa với việc khoản tiền thỏa thuận sẽ nhỏ hơn so với các lần trước. Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Franois Hollande cũng tỏ ra vui mừng trước chiến thắng của bà Merkel ngày 29/9. Ông hi vọng sẽ tiếp tục có “một sự hợp tác chặt chẽ trong thách thức về việc xây dựng lại châu Âu”, đồng thời đưa ra lời mời bà Merkel tới Paris sau khi kết thúc quá trình xây dựng liên minh thành lập nội các.
Tây Ban Nha, đáng ngạc nhiên là lại giữ một thái độ khá lạc quan về kịch bản đại liên minh của Đức. Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha José-Manuel García Margallo hy vọng của ông rằng Chính phủ mới của Đức sẽ giảm bớt áp lực cho các nước phía Nam Eurozone. Đồng tình, tờ El Mundo của nước này cho rằng một Liên minh lớn (bao gồm CDU/CSU và SPD) sẽ dẫn đến một sự nới lỏng nhất định “sợi dây buộc bụng” mà bà Merkel đang thắt cho EU.
Ở Pháp, tuy rằng sự củng cố liên minh quyền lực ở Đức sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến lợi ích và hình ảnh của Pháp, chính phủ nước này vẫn tìm thấy một số điểm sáng mà Đại liên minh mới của Đức sẽ mang lại. Người Pháp sẽ hài lòng nếu chính sách tiền lương tối thiểu ở Đức được thông qua, từ đó thúc đẩy chi tiêu của người Đức và giảm bớt khoảng cách so với chi phí lao động cao tại Pháp.
Nhiều nước châu Âu khác như Bỉ, Hà Lan, Áo, Ba Lan,… cũng bày tỏ sự đồng tình đối với kết quả bầu cử ở Đức, nhưng cũng thận trọng đưa ra cảnh báo về những khó khăn đang chờ đợi sắp tới. Tờ Politiken của Đan Mạch nhận định: “Điều quan trọng là chính phủ Đức tạo ra sự ổn định và vững chắc đứng đằng sau hỗ trợ của Liên minh châu Âu và đồng euro. Chính phủ mới của Đức phải giữ trọng trách hàng đầu để phục hồi khu vực châu Âu”. Trong khi đó, Hy Lạp tỏ ra bi quan hơn, với dự đoán “Châu Âu sẽ trở thành Merkeland sau chiến thắng của Nữ hoàng thắt lưng buộc bụng”.
Các quốc gia cũng không có quá nhiều ảo tưởng về một nước Đức sẽ thay đổi trong việc thực thi các chính sách cứng rắn của mình. Bởi đó là những quyết định cốt lõi giúp bà Mererkel giành chiến thắng trước niềm tin và sự mong mỏi của người dân Đức.
Theo VNN