Tiêm vaccine: Biện pháp hàng đầu phòng bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.
Tiêm vaccine là biện pháp hàng đầu phòng bệnh sởi. Ảnh: H.T.Hồng
* Nguyên nhân và mức độ lan truyền
Tác nhân gây bệnh là virus sởi. Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và viêm đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch.
Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín (trong gia đình, trường học…) khi có người bị bệnh thì hầu hết những người sống cùng chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.
Với trẻ nhỏ, miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng 6-9 tháng sau khi ra đời. Chính vì thế, tiêm phòng sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi là vô cùng quan trọng và phải tiêm đủ 2 mũi cho trẻ khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
* Tại sao phải tiêm 2 liều vaccine sởi?
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu tiêm vaccine sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm vaccine có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vaccine…
Video đang HOT
Việc tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.
* Phòng ngừa bệnh sởi
Để phòng ngừa bệnh sởi, phụ huynh cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vacine phòng sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Trường hợp mắc sởi nhẹ được cho cách ly tại nhà, trẻ cần phải nghỉ học, không tham gia các hoạt động tập thể ít nhất 7 ngày kể từ ngày phát ban sởi để tránh lây lan ra trường học và những người xung quanh.
Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Người lớn chưa tiêm vaccine sởi cần chủ động đi tiêm vaccine sởi tại các cơ sở y tế để tránh bị mắc sởi.
Phòng bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota: Uống vaccine càng sớm càng tốt
Tiêu chảy là một trong những bệnh hay gặp vào mùa hè, trong đó Tiêu chảy cấp do Rotavirus khá nguy hiểm, nhất là với trẻ nhỏ. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh trao đổi cùng bác sĩ Lương Xuân Kiên, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh về bệnh này.
- Xin bác sĩ cho biết, bệnh tiêu chảy do Rotavirus là gì? Trẻ bị bệnh có biểu hiện ra sao?
Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp. Trẻ bị bệnh ban đầu sẽ có triệu chứng của tiêu chảy phân lỏng, sau đó bệnh sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như: Nôn ói, đau bụng, mất nước dễ dẫn tới trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Cụ thể, sau khi bị nhiễm virus khoảng 1-2 ngày, trẻ có triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, lúc đầu từ 4 lần/ngày, sau có thể đến 20 lần/ngày. Sau đó triệu chứng tiêu chảy giảm dần, kéo dài từ 3-8 ngày. Tiêu chảy phân lỏng, toàn nước, có lúc có màu xanh, có thể có đờm nhớt nhưng không có máu. Các triệu chứng kèm theo như sốt vừa, đau bụng, có thể ho và chảy nước mũi.
Rotavirus là loại virus đường ruột phổ biến nhất, thường gây tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ, cướp đi sinh mạng của hơn 610.000 trẻ em trên toàn thế giới hằng năm (Ảnh: vov.vn)
Tiêu chảy cấp ở trẻ em gây nôn và tiêu chảy nhiều lần trong ngày nên trẻ nhiễm Rotavirus rất dễ bị mất nước nếu không được chăm sóc thích hợp. Khi trẻ bị mất nước có các biểu hiện: Khát nước, môi khô, da khô, mắt trũng, tiểu ít, quấy khóc; sụt cân do mất nước, rơi vào tình trạng li bì hay kích thích vật vã, hoặc có những cơn co giật; thóp trũng, có thể xảy ra các hậu quả nguy hiểm do mất nước, điện giải như trụy mạch, tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Bệnh có lây truyền không, thưa bác sĩ?
Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường tay - miệng. Đây là loại siêu vi có thể sống lâu trong các môi trường như: Ở bàn tay, trên sàn nhà, các đồ vật xung quanh... nên có khả năng lây nhiễm rất cao.
Kiểm tra sức khỏe cho trẻ điều trị tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.
Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm Rotavirus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra nhất đối với trẻ dưới 2 tuổi. Trong 5 năm đầu đời, hầu hết trẻ em đều bị nhiễm bởi loại virus này. Trẻ em thường bị nhiễm Rotavirus qua bàn tay bị nhiễm bẩn của mình. Khi trẻ cầm nắm đồ chơi hoặc chạm tay vào các bề mặt có virus rồi đưa tay lên miệng, virus sẽ xâm nhập vào đường tiêu hóa của trẻ và gây bệnh. Trẻ nhiễm Rotavirus đào thải một lượng siêu vi rất lớn. Mỗi 1 gram phân của một trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus có thể chứa hơn 10.000 tỷ Rotavirus, trong khi chỉ cần chưa đến 10-100 virus này là đủ để lây bệnh cho con người.
Một số các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Rotavirus ở trẻ nhỏ bao gồm: Tiếp xúc với nguồn bệnh trực tiếp, gián tiếp qua các vật dụng, đồ ăn... có nhiễm virus Rota; trẻ bú bình, ăn uống không vệ sinh (đồ ăn bị ô nhiễm, bảo quản thức ăn không đảm bảo...); nguồn nước bị nhiễm virus Rota; xử lý không đúng phân và chất thải có chứa virus Rota, không rửa tay trước khi ăn uống, không rửa tay sau khi đi vệ sinh; trước khi chế biến thực phẩm...
Tiêm phòng cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Tân Lập, huyện Đầm Hà.
- Khi bị bệnh có nhất thiết phải cho trẻ nhập viện điều trị không, thưa bác sĩ?
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Kháng sinh không có tác dụng điều trị đối với bệnh này. Nếu trẻ có biểu hiện nhẹ, gia đình có thể cho trẻ điều trị tại nhà, nhưng phải theo dõi sát sao. Để điều trị, điều quan trọng là phải bù nước kịp thời bằng nhiều cách và tùy thuộc vào mức độ mất nước của trẻ.
Để bù nước, tốt nhất cho trẻ uống nước từ từ, các loại nước hoa quả, oresol hoặc các dung dịch bù nước điện giải được chế biến từ thức ăn: Nước cháo muối, nước gạo rang, nước dừa... Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, trong trường hợp không thể bù dịch bằng đường uống do trẻ nôn nhiều hoặc tình trạng mất nước nặng thì trẻ cần nhập viện để bù nước và điện giải qua đường tĩnh mạch.
Hiện nay, cách phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus hiệu quả nhất là cho trẻ uống vaccine. Nên cho trẻ uống càng sớm càng tốt, uống vaccine trước 6 tháng tuổi, dùng 2 liều vaccine cách nhau 4 tuần. Để ngừa cả các bệnh tiêu chảy do nguyên nhân khác, cần vệ sinh nguồn nước, ăn uống đúng cách, chế biến thức ăn đúng cách, rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến, cho trẻ ăn; vệ sinh những đồ dùng chế biến và đồ dùng cho trẻ ăn; cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
- Xin cám ơn bác sĩ!
Sau khi uống lon nước, người đàn ông đột ngột suy thận, thủ phạm hóa ra rất quen thuộc Theo Sohu đưa tin, một tài xế ở Thâm Quyến, Trung Quốc sau khi uống lon nước mua trong cửa hàng xuất hiện tình trạng sốt, nôn ói, dẫn đến suy thận. Khi kiểm tra y tế, bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Hanta. Bác sĩ nghi ngờ con đường lây nhiễm về cơ bản có liên...