Tiêm trộn vaccine Pfizer và Moderna – giải pháp tình thế
Hiện các cơ quan y tế thế giới chưa đưa ra khuyến nghị chính thức về việc tiêm trộn hai loại vaccine mRNA, song một số nước coi đây là giải pháp tình thế để đẩy nhanh chiến lược chủng ngừa Covid-19.
Từ tháng 6, tiêm trộn vaccine Covid-19 được xem như một phương pháp tạm thời giúp giải quyết vấn đề hạn chế nguồn cung. Nhiều thảo luận nổ ra kể từ khi Đại học Oxford công bố nghiên cứu cho thấy tiêm kết hợp hai loại vaccine của AstraZeneca và Pfizer sẽ tạo phản ứng miễn dịch mạnh hơn.
Một số chuyên gia đề xuất có thể tiêm trộn vaccine Pfizer và Moderna. Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đều chưa đưa ra khuyến nghị liên quan đến việc tiêm trộn hai vaccine này.
Do nhu cầu không cấp bách, hiện có ít nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn khi tiêm chung vaccine Pfizer và Moderna. Song nhiều quốc gia coi đây như giải pháp tình thế nếu nguồn cung bị thiếu hụt.
Tháng 6, Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng (NACI) của Canada cập nhật hướng dẫn cho phép sử dụng kết hợp vaccine mRNA và Pfizer, do cả hai đều dựa trên công nghệ mRNA.
“Người đã tiêm liều đầu tiên vaccine mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) nên được tiêm cùng loại vaccine trong liều thứ hai. Nếu vaccine cùng loại không có sẵn, có thể thay thế bằng một vaccine khác cũng sử dụng công nghệ mRNA”, NACI hướng dẫn.
Video đang HOT
Tuy nhiên, giới chức y tế báo cáo nhiều người Canada từ chối tiêm vaccine Moderna ở liều hai nếu liều đầu tiên đã tiêm Pfizer, vì lo ngại tiêm trộn không đảm bảo hiệu quả và an toàn. Tiến sĩ Kashif Pirzada nhận định: “Nếu nhìn vào cấu trúc vaccine, chúng giống hệt nhau về mọi mặt, luôn phản chiếu lẫn nhau”.
Theo hướng dẫn tiêm chủng của CDC Mỹ, “chưa đủ dữ liệu để kết luận về tính an toàn và hiệu quả của việc tiêm trộn vaccine mRNA”. Cơ quan này cho rằng người dùng nên được tiêm cùng loại vaccine theo đúng thời gian khuyến nghị của nhà sản xuất.
Nhân viên y tế chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 của Moderna tại một điểm tiêm chủng ở thành phố New York, mỹ, tháng 1/2021. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, CDC Mỹ cũng hướng dẫn: “Trong các tình huống ngoại lệ mà vaccine mRNA tiêm liều đầu không có sẵn hoặc không còn sử dụng được, có thể sử dụng bất cứ loại vaccine mRNA nào khác, miễn là các liều cách nhau tối thiểu 28 ngày. Trong các tình huống tạm thời không có cùng loại vaccine mRNA, tốt nhất là nên trì hoãn liều hai để nhận cùng một sản phẩm, hơn là tiêm trộn sản phẩm khác”.
CDC Mỹ cũng khuyến nghị người dùng có thể chuyển đổi linh hoạt giữa hai vaccine mRNA trong liều tăng cường (liều thứ ba).
“Đối với người đã tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna (cho hai liều đầu), nên sử dụng cùng loại trong liều thứ ba. Một người không nên nhận quá ba liều vaccine mRNA. Nếu loại vaccine cho hai liều đầu không có sẵn, có thể sử dụng vaccine mRNA khá để thay thế”, theo hướng dẫn của CDC Mỹ.
Trước đó, nhiều quốc gia và các nhà khoa học công bố bằng chứng về việc tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Pfizer.
Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Huyết thanh Quốc gia Đan Mạch, tiêm trộn liều một vaccine AstraZeneca với liều hai vaccine Pfizer hoặc Moderna đem lại “hiệu quả cao”. Kết luận này tương đồng với hàng loạt nghiên cứu trước đó, đồng thời củng cố dự định tiêm trộn vaccine của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và nhiều nước trên thế giới.
Trong khi đó, dược sĩ Sabina Vohra-Miller, làm việc tại Toronto, cho biết vaccine Pfizer và Moderna có cách thức huấn luyện hệ miễn dịch “rất giống nhau”, cả hai đều nhắm vào protein S của nCoV. Kháng thể giữa hai lần tiêm sẽ “phản ứng chéo rất tốt”, bà nói thêm.
Theo tiến sĩ Lynora Saxinger, Đại học Alberta, khả năng nhiều người Canada sẽ cần tiêm vaccine tăng cường trong tương lai, nhằm giảm thiểu mối đe dọa từ biến thể nCoV nguy hiểm.
Cuộc thảo luận về tiêm trộn vaccine Covid-19 nổ ra trong bối cảnh biến thể Delta lây nhiễm nhanh, có thể né tránh miễn dịch, hiện chiếm ưu thế toàn cầu. Nghiên cứu gần đây của Public Health England (PHE) cho thấy vaccine Pfizer hiệu quả 88% ngừa triệu chứng Covid-19 khi tiếp xúc biến thể Delta hai tuần sau liều thứ hai, giảm so với 93% ở biến thể Alpha.
Hiện chưa đủ bằng chứng cho thấy độ an toàn và hiệu quả của việc tiêm trộn vaccine, song lợi ích rõ ràng nhất trước mắt là về hậu cần trong thời điểm nguồn cung thiếu hụt.
Việt Nam cũng cho phép tiêm mũi hai là vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca nếu thiếu nguồn cung và người được tiêm đồng ý. Trong bối cảnh thiếu vaccine, hiện TP HCM định áp dụng tiêm trộn vaccine Pfizer cho người đã tiêm mũi một là vaccine Moderna. Bộ Y tế chưa có khuyến cáo nào về việc này.
Phát hiện mới về thời điểm người tiêm vaccine Pfizer có nguy cơ bị 'nhiễm đột phá'
Ngày càng có nhiều thông tin về những ca nhiễm COVID-19 ở những người đã tiêm đủ liều vaccine (ca nhiễm đột phá) trong bối cảnh biến thể Delta gây ra những quan ngại mới trong cuộc chiến chống đại dịch.
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNtech. Ảnh: Reuters
Giới bác sĩ và các nhà khoa học đang nghiên cứu ba loại vaccine đang sử dụng tại Mỹ gồm Moderna, Pfizer và Johnson&Johnson nhằm tìm hiểu độ hiệu hữu của vaccine trước biến thể Delta có mức lây nhiễm cao và cơ chế xuất hiện "nhiễm đột phá". Nghiên cứu mới nhất tại Israel, hiện ở giai đoạn chuẩn bị công bố khảo nghiệm, đã cho thấy những người tiêm vaccine Pfizer có khả năng dương tính với COVID-19 tập trung ở một khoảng thời nhất định.
Các chuyên gia tại Trung tâm Y tế Leumit và Trung tâm Y khoa Shamir (Shamir Medical Center Institutional Review Board) tại Israel đã tiến hành nghiên cứu trên một nhóm 33.943 người trưởng thành được tiêm đủ liều vaccine Pfizer. Họ chia thành ba nhóm, trên 60 tuổi, từ 40-59 tuổi và từ 18-39 tuổi và theo dõi trong nhiều tháng để xét nghiệm nhằm tìm ra "nhiễm đột phá'.
Kết quả cho thấy, tỉ lệ nhiễm đột phá là 1,8% - một con số cho thấy vaccine vẫn rất hiệu quả trong ngăn ngừa lây nhiễm. Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia quan tâm hơn chính là việc tỉ lệ dương tính với "nhiễm đột phá" có xu hướng rơi vào những người đã có thời gian tiêm ngừa lâu, với mũi tiêm thứ hai kết thúc trước đó trên 5 tháng.
Phát hiện này cũng phù hợp với đánh giá của Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla đưa ra hồi tháng 7 về hiệu quả của vaccine, dù mức sai số có thể khác nhau so với nghiên cứu của phía Israel. Dựa trên kết quả nghiên cứu ở 44.000 người tại Mỹ và nhiều nước khác, lãnh đạo Pfizer cho biết độ hiệu quả của vaccine giảm xuống còn 84% sau từ 4-6 tháng, so với mức 96,2% tối đa đạt được sau 1 tuần đến 2 tháng kể từ khi tiêm liều thứ hai. Đây là lý do chính để Pfizer đưa ra đề nghị về tiêm mũi thứ ba bổ sung.
Bắt đầu tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 thứ 3 của Việt Nam Sáng 15/8, Trường Đại học Y Hà Nội khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng Covid-19 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên tại Hà Nội. Trong hai ngày 15-16/8, toàn bộ 100 người tình nguyện khỏe mạnh sẽ được tiêm mũi 1 vaccine ARCT-154. Đây là vaccine thứ ba tại Việt Nam được đưa vào thử nghiệm...