Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ 24h sau sinh: Rớt thảm hại
Trong 4 năm qua, tỉ lệ trẻ sơ sinh được tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh đã giảm tới mức báo động, chưa đạt được mức 20%.
Thậm chí, hiện nay có nhiều tỉnh/TP không còn duy trì được việc tiêm phòng này nữa. Nếu thực trạng này không được cải thiện, nguy cơ bùng phát bệnh viêm gan B trong cộng đồng ở thế hệ sắp tới là điều đã được báo trước.
Mỗi năm, thêm hơn nửa triệu trẻ không được bảo vệ sớm
Sở dĩ tiêm vắc-xin viêm gan B mũi 1 trong vòng 24h đầu sau khi sinh được khuyến cáo ở VN cũng như trên thế giới, bởi biện pháp này giúp trẻ phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con khi sinh, và sớm được phòng lây căn bệnh này từ người thân, bạn cùng trang lứa…
Chị Nguyễn Hồng Anh (30 tuổi, ở quận Ba Đình, TP. Hà Nội) sinh 2 lần ở BV Phụ sản Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ có em bé thứ 2 sinh năm 2010 được tiêm phòng viêm gan B. Chị biết điều này vì bác sĩ không nói gì, nhưng trong hồ sơ ra viện của bé thứ 2 có giấy chứng nhận đã tiêm phòng, còn em bé đầu tiên sinh năm 2008 thì không thấy.
Giải thích về hiện tượng có cháu được tiêm, cháu lại không được, bác sĩ Bùi Thị Chút, Phó Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, BV Phụ sản Hà Nội cho biết: Từ sự cố năm 2007, vắc-xin tiêm phòng lúc có lúc không, thỉnh thoảng lại có 2 -3 tháng không có. Vì thế, kể cả trường hợp mẹ dương tính với viêm gan B mà thời điểm sinh rơi vào lúc không có huyết thanh tiêm thì cũng chịu.
Thêm một lý do nữa, có lần Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) về kiểm tra và nói rằng, cán bộ y tế không có chứng chỉ tập huấn về công tác tiêm phòng thì không được làm. Với lý do này, việc tiêm lại bị dừng lại mất 2-3 tháng. Khi có lớp tập huấn thì mỗi khoa phòng chỉ có 2 người được đi học. Vậy những người không được tập huấn, họ cũng không muốn tiêm.
Được tiêm vắc-xin phòng viêm gan B trong ngày đầu tiên sinh ra, trẻ sẽ được tạo miễn dịch phòng bệnh sớm và hiệu quả
Video đang HOT
Cứ như vậy, đã hơn 1 lần, việc tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh ở BV Phụ sản Hà Nội bị dừng lại. Mỗi tháng tại BV có ít nhất 2.500 – 3.000 trẻ sơ sinh ra đời. Vì thế, trong 4 năm qua, riêng ở TP.Hà Nội, đã có hàng chục nghìn cháu bé không được tiêm phòng viêm gan B trong 24h đầu. Với tình trạng quá tải như những năm gần đây, cán bộ y tế khó có thể giải thích hết được với các bà mẹ hết ngọn nguồn của việc trẻ đã được tiêm hay không. Do đó, trẻ nào được tiêm thì mới có giấy chứng nhận là vì thế.
Kể từ đầu năm 2011 đến nay, dự án TCMR đã cung cấp đủ vắc-xin viêm gan B cho các tỉnh. Loại trừ nguyên nhân khách quan là không có vắc xin, nhưng trong 3 tháng đầu năm nay, Hà Nội cũng mới chỉ đạt được 13% trẻ sơ sinh được tiêm.
Còn trên toàn quốc, có tới 42 tỉnh/TP không đạt được tỉ lệ 10%. Thậm chí, như Cao Bằng, Yên Bái không có cháu nào được tiêm. Đây không phải là hiện tượng mới.
Theo PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Chương trình TCMR quốc gia: Do có các trường hợp phản ứng nặng xảy ra sau khi tiêm các vắc-xin, trong đó có vắc xin viêm gan B, tỷ lệ tiêm 24h sau sinh đã giảm từ 64% năm 2007 xuống 25% năm 2008. Năm 2009, tỉ lệ này có tăng lên được 40%. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2011 lại xuống rất thấp. Miền Bắc chỉ còn 13,3% miền Nam 18%. Khá hơn là ở miền Trung đạt 22,5% Tây Nguyên 23,6%.
Theo ngành dân số, mỗi năm nước ta có khoảng 800 nghìn – 1 triệu trẻ mới ra đời, nếu cứ lấy con số trung bình 20% trẻ được tiêm thì mỗi năm cũng còn 650 – 800 nghìn trẻ không được bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm viêm gan B sớm và hiệu quả.
Cán bộ y tế: Do dự không muốn tiêm
Theo PGS Hiển, sau khi xảy ra các trường hợp tai biến nặng tử vong sau tiêm, tâm lý các bà mẹ và cán bộ y tế đã có những ảnh hưởng. Bà mẹ không muốn cho con đi tiêm. Còn các cán bộ y tế cũng e ngại, lo sợ phản ứng nặng xảy ra, do đó có hiện tượng chống chỉ định rộng, do dự không muốn tiêm vacxin liều sơ sinh.Tiêm vắc xin viêm gan B có thể gây phản ứng thông thường như đau tại chỗ (từ 3 – 9% trường hợp, sốt trên 37,7oC (0,4 – 8% trường hợp). Sốc phản vệ khoảng 1/600.000 liều vắc-xin.
Tuy nhiên, tiêm liều sơ sinh trùng hợp với thời điểm trẻ mới sinh. Lúc đó trẻ có thể dễ bị tử vong bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều đó dễ dẫn đến nghi ngờ là tử vong liên quan đến vắc-xin. Kết quả đánh giá về nguyên nhân các phản ứng nặng sau tiêm ở Việt Nam trong những năm vừa qua của Hội đồng khoa học Bộ Y tế cho thấy: Không phải do các nguyên nhân liên quan đến vắc-xin và tiêm chủng.
Liều vắc-xin viêm gan B trong 24h đầu sau khi sinh, thậm chí cả khi mẹ bị nhiễm vi rút viêm gan B sẽ phòng được khoảng 85% nhiễm trẻ sơ sinh. Nếu mẹ có vi-rút viêm gan B, thì 90 % trẻ sinh ra sẽ bị lây. Nếu tỉ lệ tiêm này cứ ngày càng rớt thêm, ước tính hàng năm có khoảng 55.000 trẻ sinh ra mang vi-rút viêm gan B mãn tính. 1/3 số này sẽ bị xơ gan và ung thư gan sau đó. Đây là một gánh nặng rất lớn cho việc chi phí điều trị, chăm sóc bệnh nhân cũng như gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo Dân Trí
Nguy hiểm viêm gan B ở trẻ sơ sinh
Trong các loại viêm gan do virus thì viêm gan B là nguy hiểm nhất. Trẻ em và người lớn đều có thể bị nhiễm virus viêm gan B, đặc biệt trẻ sơ sinh khi bị nhiễm thì hậu quả rất xấu có thể xảy ra.
Nên đưa trẻ đi khám sức khỏe thường xuyên. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân
Ở Việt Nam, theo thống kê của một số tác giả có khoảng từ 10 - 13% số phụ nữ đang mang thai bị nhiễm virút viêm gan B. Đây là một tỷ lệ rất lớn. Sự lây truyền virút viêm gan B từ mẹ sang cho con trong thời kỳ mang thai là rất nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm khác nhau tùy theo từng thời gian mang thai của người mẹ. Nếu người mẹ bị bệnh viêm gan B ở thời kỳ đầu của thai kỳ (3 tháng đầu) thì có tỷ lệ mẹ truyền mầm bệnh cho con khoảng 1% và vào 3 tháng giữa của thai kỳ lên tới 10%, đặc biệt nếu vào giai đoạn 3 tháng cuối từ 60 - 70%.
Để đánh giá sự tiến triển của virút viêm gan B trong cơ thể người bị lây nhiễm, phương pháp thông thường và có thể áp dụng ở các phòng xét nghiệm của bệnh viện tuyến tỉnh là xác định HBsAg và HBeAg.
Người ta thống kê cho thấy rằng, khi xét nghiệm máu của một người mẹ đang mang thai ở 3 tháng cuối mà thấy cả 2 loại HBsAg và HbeAg cùng dương tính thì tỷ lệ truyền bệnh từ mẹ sang cho con lên tới từ 90 - 100%. Tuy vậy, nếu xét nghiệm chỉ thấy HBsAg dương tính, trong khi đó HbeAg âm tính tỷ lệ người mẹ truyền bệnh cho con thấp hơn nhiều (khoảng 20%).
Nguy hiểm
Trẻ sơ sinh bị nhiễm virút viêm gan B bởi sự lây truyền từ người mẹ là một vấn đề nan giải trong công tác chữa bệnh. Số trẻ bị nhiễm virút viêm gan B từ người mẹ có thể trở thành viêm gan cấp tính, chiếm tỷ lệ khoảng từ 5 -7%.
Số trẻ sơ sinh bị viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng lâm sàng điển hình mà hầu hết là biểu hiện bệnh không rõ ràng.
Viêm gan B cấp tính ở trẻ sơ sinh có thể có một số triệu chứng như vàng da, nước tiểu vàng, bú kém. Xét nghiệm máu sẽ thấy men gan và các chỉ số bilirubin máu cũng tăng rất cao. Các biểu hiện này rất dễ bị bỏ qua vì trẻ thường ở trong phòng thiếu ánh sáng và nhất là quan sát dưới ánh sáng đèn rất khó đánh giá hoặc có phát hiện được thì đôi khi có thể nhầm với trẻ vàng da sinh lý nên không đưa trẻ đi khám bệnh ngay.
Người ta cũng thấy rằng có tới 50% số trẻ sơ sinh bị viêm gan B từ người mẹ có thể trở thành viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành, thậm chí ung thư gan.
Điều trị và phòng bệnh
Khi trẻ sinh ra nghi ngờ bị viêm gan B, cần cho trẻ đi khám bệnh ngay ở cơ sở y tế có đủ điều kiện xét nghiệm. Sau khi khám bệnh xác định trẻ bị viêm gan B, cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và khi thấy trẻ vàng da thuyên giảm hoặc hết thì nên đưa trẻ đi khám định kỳ hàng tháng trong vòng khoảng 6 tháng.
Đối với trẻ sau khi sinh ra mà không bị viêm gan B thì cần được tiêm phòng vắc-xin mũi 1 trong vòng 24 giờ sau sinh. Trẻ đó phải được tiêm phòng mũi thứ 2 sau một tháng cách mũi 1 và mũi thứ 3 khi trẻ được 2 tháng tuổi.
Đối với phụ nữ nếu xét nghiệm máu chưa bị nhiễm virút viêm gan B, cần tiêm phòng vắc-xin ngay sau khi xét nghiệm. Đối với phụ nữ đang mang mầm bệnh virút viêm gan B muốn mang thai, cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với phụ nữ chưa tiêm phòng vắc-xin mà trong thời kỳ mang thai bị viêm gan B càng cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để biết nên xử trí như thế nào, nhất là bị viêm gan B trong các tháng từ tháng thứ 3 của thai kỳ trở đi.
Đối với các cặp vợ chồng mà cả hai chưa bị nhiễm virút viêm gan B, cần tiêm phòng để được an toàn khi người vợ mang thai. Nếu một trong 2 người bị nhiễm virút viêm gan B thì người còn lại cũng khẩn trương tiêm phòng vắc-xin ngay.
PGS.TS. Bùi Khắc Hậu
Theo Sức khỏe & đời sống
Viêm gan B ở trẻ sơ sinh Trong các loại viêm gan do virus thì viêm gan B là nguy hiểm nhất. Trẻ em và người lớn đều có thể bị nhiễm virus viêm gan B, đặc biệt trẻ sơ sinh khi bị nhiễm thì hậu quả rất xấu có thể xảy ra. Nguyên nhân Ở Việt Nam, theo thống kê của một số tác giả có khoảng từ 10...