Tiêm phòng vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ ở độ tuổi đến trường khỏi COVID-19
Theo Tiến sĩ Abraar Karan, một chuyên gia vật lý về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford, hầu hết trẻ em mắc COVID-19 hoặc tiêm vaccine gần đây có đủ miễn dịch để bảo vệ mình khỏi virus trong nhiều tuần hoặc lâu hơn, và việc kết hợp của vaccine và việc mắc COVID-19 tạo kháng thể mạnh hơn.
Về yêu cầu đeo khẩu trang, ông cho rằng nếu trẻ có hệ miễn dịch kém thì việc không đeo khẩu trang sẽ làm phức tạp vấn đề, do đó phụ huynh nên tham vấn bác sĩ.
Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Miami, Mỹ, ngày 18/8/2021. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Bà Seema Lakdawala, trợ giảng tại Đại học Y Pittsburgh chuyên về virus hô hấp, cũng cho rằng nhìn chung, việc mới nhiễm và tiêm vaccine sẽ giảm bớt nguy cơ mắc COVID-19 và đeo khẩu trang không tạo thêm những lợi ích đáng kể. Trong khi đó, Tiến sĩ Emily Landon, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và trưởng bộ môn dịch tễ học tại Đại học Y Chicago, cho biết đối với trẻ em đã được tiêm phòng và đã bình phục sau mắc COVID-19 thì việc có đeo khẩu trang hay không là tùy phụ huynh và trẻ quyết định, tuy nhiên điều này sẽ thay đổi nếu xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Các bác sĩ và chuyên gia nhấn mạnh cách tốt nhất để bảo vệ trẻ ở độ tuổi đi học trước COVID-19 là tiêm phòng. Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tại Israel đã phát hiện rằng trẻ được tiêm phòng giảm 50% nguy cơ mắc COVID-19 so với những bạn đồng trang lứa không tiêm. Nhưng khả năng bảo vệ của vaccine không kéo dài. Sau khoảng 5 tháng, tỷ lệ nhiễm là ngang nhau ở hai nhóm này. Vì vậy, rất cần chiến lược đa tầng nhằm bảo vệ trẻ nhỏ khỏi COVID-19.
Chuyên gia Lakdawala đã ví khẩu trang là “tấm khiên” bảo vệ ta khỏi tiếp xúc với virus, trong khi các biện pháp khác như đảm bảo thông khí trong phòng và lọc sạch không khí là “vũ khí” để chống lại virus. Bà gợi ý nên mở cửa phòng học, dùng máy lọc không khí. Giáo viên đeo khẩu trang cũng giúp giảm nguy cơ lây truyền virus trong lớp học. Một nghiên cứu tại Đức hồi tháng 12/2021 cho biết giáo viên đeo khẩu trang ở trường là một chiến lược hiệu quả hơn so với việc yêu cầu học sinh đeo khẩu trang.
Về việc lựa chọn loại khẩu trang, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần nâng cấp khẩu trang có khả năng lọc cao trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh. Các khẩu trang N95, KN95, KF94 có thể hiệu quả chống Omicron. Nhưng khẩu trang N95 không phù hợp với trẻ em như hai loại KN95 và KF94. Hơn nữa, đối với nhiều gia đình, khẩu trang KN95 và KF94 không phải là lựa chọn khả thi vì đắt tiền hơn các loại khác và không thể tái sử dụng trong khi trẻ cần liên tục đeo khẩu trang để đảm bảo hiệu quả của biện pháp này.
Hong Kong (Trung Quốc) đẩy mạnh tiêm phòng cho người lớn tuổi
Tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 đang tăng mạnh trong nhóm người lớn tuổi tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) trong bối cảnh biến thể Omicron khiến số ca mắc COVID-19 mới tại đây tăng nhanh.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 7/2/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại biên giới, Hong Kong đã thành công trong việc ngăn COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động trong gần 2 năm qua. Điều này khiến nhu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 giảm, đặc biệt là trong nhóm người lớn tuổi, trong đó nhiều người có hoàn cảnh kinh tế kém, đi lại khó khăn và ít quan tâm đến việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại.
Người đứng đầu khoa y của Đại học Hong Kong Lau Chak Sing cho biết, việc tiêm phòng cho những người lớn tuổi là rất khó khăn do đây không phải là nhu cầu cấp thiết khi Hong Kong kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã thay đổi tình hình dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát của Hong Kong. Số ca nhiễm mới hằng ngày đã tăng gấp đôi lên 1.161 ca trong ngày 9/2 - mức cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, nhà chức trách đã ghi nhận dịch bùng phát tại 10 nhà dưỡng lão, với 2 ca tử vong đầu tiên liên quan đến COVID-19 tại Hong Kong kể từ tháng 9/2021.
Mới đây chính quyền Hong Kong đã thông báo sẽ yêu cầu giấy thông hành vaccine kể từ ngày 24/2 đối với những người muốn đi mua sắm, ăn tại nhà hàng hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người lớn tuổi quyết định tiêm phòng COVID-19.
Theo số liệu chính thức, tỷ lệ tiêm phòng ở những người trong độ tuổi 70-79 và 80 trở lên đã tăng lần lượt lên 63,1% và 34,2% trong ngày 9/2, từ mức 61,9% và 33,2% một ngày trước đó. Mức tăng 1,2% trong nhóm 70-79 tuổi là mức tăng cao nhất trong một ngày ở tất cả các nhóm tuổi kể từ khi Hong Kong bắt đầu tiêm phòng COVID-19 vào tháng 1/2021.
Tuần này, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã tuyên bố ưu tiên hiện nay là tiêm phòng COVID-19 cho nhóm người lớn tuổi và đạt tỷ lệ tiêm phòng hơn 90% nhằm giảm bớt áp lực cho các bệnh viện.
Vaccine giúp giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng 'COVID kéo dài' Theo các chuyên gia và nhiều nghiên cứu sơ bộ, dù vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng những người đã tiêm phòng COVID-19 sẽ ít có nguy cơ bị bệnh nặng và xuất hiện các hội chứng "COVID kéo dài" hơn. Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Toronto, Canada, ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN Một nghiên cứu...