Tiềm năng từ kết nối hàng không EU ASEAN
Một số nước trong khu vực đang kỳ vọng về thỏa thuận hàng không giữa EU và ASEAN, đặc biệt khi các tiêu chuẩn an toàn sẽ được nâng cao cũng như giá vé máy bay sẽ hợp lý hơn. Ngoài ra, thỏa thuận cũng sẽ mở ra viễn cảnh về tăng trưởng cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm, phát triển du lịch và tăng cường kết nối giữa hai khu vực với những phần còn lại của thế giới.
Châu Âu và ASEAN có một lịch sử lâu đời về các mối quan hệ kinh tế bền chặt. Không chỉ vì EU là nhà đầu tư lớn nhất vào các nước ASEAN, mà còn vì ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Trung Quốc. Tuy nhiên, có một thực tế là các đường bay thẳng giữa hai khu vực này lại không tăng nhanh như kỳ vọng.
Thỏa thuận hàng không liên khối đầu tiên
Ngày nay, Châu Á đang dẫn đầu thế giới về tăng trưởng, cả về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và không lưu. Không nơi đâu điều này thể hiện rõ hơn ở Singapore, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh hàng không EU- ASEAN, nơi tự hào sở hữu một trong những sân bay đẹp và bận rộn nhất thế giới.
Một nửa lưu lượng giao thông toàn cầu gia tăng trong vòng 20 năm tới dường như sẽ thuộc về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), đến năm 2017, đây sẽ là thị trường khu vực lớn nhất thế giới về vận chuyển hành khách hàng không với một phần ba lượng hành khách toàn cầu.
Video đang HOT
Việc khu vực này vẫn đang tiếp tục mở rộng sẽ là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng trong tương lai của giao thông hàng không toàn cầu, cả vận chuyển hàng hóa và hành khách. Vì thế, Châu Âu theo dõi với một sự quan tâm không nhỏ các bước đi của ASEAN hướng tới xây dựng một thị trường hàng không duy nhất trong khu vực vào năm 2015. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và những tiến bộ trong nỗ lực tự do hóa và hội nhập thị trường, ASEAN là nơi sẽ mang lại những cơ hội hấp dẫn cho các hãng hàng không, cảng hàng không và các ngành công nghiệp chế tạo liên quan ở Châu Âu. Đây là nguyên nhân chính tại sao Châu Âu mở rộng sự hiện diện của mình trong toàn khu vực.
Máy bay của các hãng hàng không ASEAN tại sân bay Changi, Singapore – Ảnh: Reuters
Nhìn tổng thể, lượng không lưu EU-ASEAN gần như tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua. Trong khi đó, lưu lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa trực tiếp đã bắt đầu chững lại trong những năm gần đây do sự gia tăng của các chặng bay qua các nút giao thông vùng Vịnh.
Các hãng chuyên chở mang cờ Châu Âu thực sự bị thách thức trong việc duy trì thị phần toàn cầu. Các hãng hàng không giá rẻ đang cạnh tranh các chặng bay ngắn trong nội bộ Châu Âu trong khi các hãng hàng không vùng Vịnh cạnh tranh ở các chặng bay dài, nhất là bay tới Châu Á. Cơ hội cho các hãng hàng không Châu Âu giờ đây không chỉ nằm ở Châu Âu hay các tuyến bay xuyên Đại Tây Dương. Châu Âu cũng cần tìm lối vào các thị trường mới và hứa hẹn như ASEAN. Các viễn cảnh đều rất lạc quan: lượng hành khách di chuyển đường hàng không giữa Châu Âu và Đông Nam Á được mong đợi sẽ tăng 5% mỗi năm trong vòng 20 năm tới. Điều này sẽ đem lại lợi ích như nhau cho cả các hãng hàng không Châu Âu và ASEAN. Hiện tại, một số chặng bay giữa các thành phố EU-ASEAN như chặng London-Singapore đã nằm trong số các chặng bay thường xuyên nhất thế giới.
Khi thị trường hàng không 10 nước ASEAN liên hiệp lại và hợp nhất, một thị trường duy nhất sẽ ra đời và sẽ có nhiều điểm tương đồng như thị trường thống nhất ở Châu Âu, đó là hoạt động dựa trên các điều khoản chung và nguyên tắc mở cửa thị trường. Một thị trường như thế sẽ hưởng lợi từ sự thống nhất và hợp tác chặt chẽ hơn về pháp lý trong các vấn đề an toàn, an ninh và quản lý không lưu. ASEAN đang từng bước hướng tới tự do hóa sở hữu và kiểm soát hãng hàng không và đang xem xét đưa ra khái niệm về một hãng hàng không cho Cộng đồng ASEAN, tương tự như điều đã thấy ở Châu Âu.
Các hãng trong khu vực được lợi
Hai khu vực cần sẵn sàng có bước tiếp cận giống nhau và chia sẻ chung một triết lý khi nói về tương lai của hàng không. Tự do hóa dịch vụ hàng không đem lại những lợi ích kinh tế lớn thông qua sự cung cấp dịch vụ cạnh tranh: giá vé sẽ hạ thấp hơn, có thêm điểm đến và lựa chọn cho hành khách, nhiều hãng hàng không mới ra đời và tăng lượng không lưu. Tất cả những điều này đều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Ngày 12/2, tại phiên thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh Hàng không ASEAN-EU, đại diện đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ về việc xây dựng thị trường hàng không thống nhất ASEAN.
Châu Âu đã phải vượt qua các thị trường quốc gia riêng rẽ để xây dựng một thị trường duy nhất sôi động và cạnh tranh. ASEAN chắc chắn cũng đang đi theo định hướng này.
EU đã sẵn sàng ủng hộ nỗ lực của ASEAN bằng việc tài trợ cho một dự án hỗ trợ và hợp tác kỹ thuật. Do đó, một thị trường hàng không ASEAN sẽ là đối tác tự nhiên của EU. Một quan hệ đối tác EU-ASEAN đầy đủ dựa trên một hiệp định hàng không “khu vực-khu vực” toàn diện đầu tiên trên thế giới sẽ làm tăng thêm sức nặng cho triết lý chung về chủ đề hàng không, đặc biệt trong các lĩnh vực như quản lý và sở hữu.
Về mặt kinh tế, cả hai phía sẽ thu lợi từ tự do hóa thị trường, đồng bộ về pháp lý cũng như đầu tư và thương mại gia tăng. Một thỏa thuận liên khu vực sẽ giúp loại bỏ những rào cản giữa hai khu vực, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và giúp các hãng hàng không của chúng ta có thêm sức cạnh tranh khi ra với thị trường toàn cầu.
CTV Trường Sa (Tổng hợp)
(Bài viết của Siim Kallas – Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu phụ trách giao thông vận tải)
Theo VNN