Tiêm liều vaccine tăng cường – giải pháp khôn ngoan hay lãng phí?
Cuộc tranh cãi về tiêm liều tăng cường vaccine Covid-19 tại các nước giàu chưa thể đi đến hồi kết, khi đại dịch tiếp tục ám ảnh toàn cầu.
Hồi tháng 3, Christy Foreman rời khỏi điểm tiêm chủng với tâm trạng nhẹ nhõm, sau khi chích ngừa xong mũi vaccine một liều Johnson & Johnson. Một năm dài chỉ ở trong căn hộ tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana và mua hàng online cuối cùng đã kết thúc.
Giống như phần còn lại của đất nước, người phụ nữ 61 tuổi đã sẵn sàng chào đón cuộc sống từng bước trở lại bình thường. Nếu số ca nhiễm tiếp tục giảm, bà thậm chí có thể trở lại bục giảng tại Đại học bang Louisiana vào mùa thu.
Sau đó, xuất hiện một loạt báo cáo cho thấy một mũi tiêm của Johnson & Johnson có thể không đủ cung cấp mức độ miễn dịch như các loại vaccine khác. Foreman lo ngại bà sẽ bị nhiễm hoặc tệ hơn là các triệu chứng bệnh nặng. Điều đó khiến Foreman quyết định cần tiêm một mũi tăng cường, dù khi đó Mỹ chưa khuyến nghị.
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Pfizer tại điểm tiêm chủng ở Los Angeles, bang California, Mỹ hôm 11/8. Ảnh: AFP.
Trên khắp nước Mỹ, nhiều người đã tìm kiếm mũi tiêm bổ sung khi lo sợ lớp bảo vệ hiện tại chưa đủ giúp họ chống lại Delta, chủng nCoV mới đang hoành hành ở tất cả 50 bang. Hiện chưa có tổng số người Mỹ tiêm liều tăng cường. Tuy nhiên, riêng với những người đã tiêm Pfizer và Moderna, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ước tính 1,1 triệu người đã tiêm mũi thứ ba, theo một tài liệu nội bộ được ABC News đưa tin hôm 11/8.
Biến chủng Delta lây lan mạnh và những báo cáo ngày càng tăng mạnh về ca nhiễm đã làm dấy lên hoài nghi rằng liệu những người được tiêm vaccine đầy đủ có nên tiêm liều tăng cường hay không.
Video đang HOT
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 12/8 cấp phép tiêm liều thứ ba Moderna hoặc Pfizer cho những người có hệ miễn dịch yếu. Trước Mỹ, nhiều quốc gia giàu khác đã bắt đầu triển khai kế hoạch này. Israel trở thành quốc gia đầu tiên tiêm liều tăng cường cho người trên 60 tuổi. Anh, Đức và Pháp cũng công bố những kế hoạch tương tự cho người cao tuổi và người có vấn đề về sức khỏe.
Những động thái này đi ngược lại hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm liều tăng cường trong bối cảnh nhiều nước nghèo thiếu nguồn cung vaccine.
“Chúng tôi không thể chấp nhận các nước sử dụng phần lớn nguồn cung vaccine toàn cầu tiếp tục sử dụng nhiều hơn, trong khi những người tổn thương nhất của thế giới vẫn chưa được bảo vệ”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tuần trước.
Hầu hết chuyên gia đồng tình rằng tiêm liều tăng cường sẽ là điều cần thiết. Cuộc tranh luận hiện tập trung vào nó nên được tiêm vào thời điểm nào. Một số người cho rằng nên coi đây là ưu tiên khẩn cấp, trong khi một số khác cảnh báo về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe nếu quá vội vàng.
Những người ủng hộ chỉ ra những nghiên cứu sơ bộ cho thấy khả năng miễn dịch do vaccine cung cấp có thể giảm dần theo thời gian. Bảo vệ suy giảm cộng với mối đe dọa gia tăng từ Delta và nhiều biến thể trong tương lai có nghĩa người dân không thể mãi dựa vào lớp bảo vệ được cung cấp sau hai mũi đầu tiên.
“Với những người tiêm đủ hai liều vaccine, hệ miễn dịch của họ có thể tạo ra các kháng thể trung hòa chống nCoV, nhưng kẻ thù đang tấn công họ với số lượng lớn và tăng nhanh trong cơ thể, đến nỗi khoảng 6-8 tháng sau tiêm, họ có thể không còn đủ khả năng bảo vệ mạnh mẽ để ngăn ngừa bệnh”, Laurie Garrett nói trong một bài viết trên Foreign Policy hôm 30/7.
Một số khác thêm rằng Mỹ hiện có đủ nguồn cung vaccine để tiêm liều tăng cường, trong khi vẫn đảm bảo vaccine cho những người chưa được tiêm chủng trong nước và chia sẻ với thế giới.
“Khái niệm miễn dịch cộng đồng rất mong manh và khó đạt được, trong khi hàng rào bảo vệ có thể bị hư hại vì biến thể mới dễ lây lan và có nguy cơ gây chết người cao hơn. Không có phép màu nào có thể ngăn chặn đại dịch”, một bài luận đăng trên Washington Post hồi tháng 4 có đoạn, thêm rằng cần dựa vào những công cụ hiệu quả như khẩu trang, vaccine và liều tăng cường.
Ngoài những người có hệ miễn dịch bị tổn thương, giới quan sát cho rằng người đã tiêm vaccine một liều Johnson & Johnson cũng nên được tiêm liều tăng cường.
“Ý định của việc phát triển vaccine Covid-19 một liều là rất đáng quý. Nhưng khi các biến thể như Delta xuất hiện, có những câu hỏi trong giới khoa học về liệu một liều duy nhất có đủ bảo vệ mọi người dài hạn hay không. Cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu rõ ràng, nhưng khả năng nhóm tiêm Johnson & Johnson sẽ cần thêm liều tiêm”, Céline Gounder, John P. Moore và Carlos del Rio nhận định trong bài viết trên NYTimes hôm 9/8.
Tuy nhiên, nhiều người phản đối cho rằng trừ nhóm người bị suy giảm miễn dịch, không có lý do nào để cung cấp liều tăng cường cho những người đã tiêm đủ liều vaccine. Họ tranh luận rằng dù số ca nhiễm đột phá tăng lên, vaccine vẫn được chứng minh là cực kỳ hiệu quả với mục tiêu chính, gồm ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
“Số ca nhiễm tăng hiện tại liên quan nhiều đến cá nhân từ chối tiêm chủng, nên không cần tiêm cho những người đã tiêm chủng”, Judith Aberg và George Baehr viết trên trang STAT hôm 3/8.
“Các mũi tiêm rõ ràng vẫn cung cấp mức độ bảo vệ đáng kể chống lại cả nguy cơ bệnh nhẹ”, Max Nisen của Bloomberg cho hay.
Nhiều chuyên gia y tế toàn cầu nói rằng, ngoài vấn đề đạo đức, việc tiêm liều tăng cường cho những người đã tiêm chủng ở nước giàu là một chiến lược tệ hại cho mục tiêu chấm dứt đại dịch toàn cầu, bởi hàng tỷ người ở các nước nghèo hoàn toàn chưa được bảo vệ.
“Nếu các nước như Đức, Mỹ, và Anh chọn triển khai liều tăng cường trước khi chúng ta đảm bảo tất cả cộng đồng trên thế giới được tiếp cận với liều vaccine đầu tiên, chúng ta thực sự không giải quyết được vấn đề này”, Andrea Taylor, nhà nghiên cứu y tế toàn cầu nói với CNN .
Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại New York, Mỹ hồi tháng 4. Ảnh: AFP.
Kể từ khi bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, Covid-19 đã khiến hơn 206 triệu người nhiễm và hơn 4,3 triệu người chết trên toàn cầu. 4,59 tỷ liều vaccine đã được tiêm chủng trên thế giới, với trung bình 36,63 triệu liều mỗi ngày. 30,7% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều, với 16% đã tiêm đủ mũi. Trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở các nước giàu dao động từ 60-90%, chỉ 1,2% người dân ở nước thu nhập thấp tiêm ít nhất một mũi.
“Hiện tại, số phận của chúng ta phụ thuộc vào việc phân phối vaccine trên toàn cầu để dịch bệnh không tiếp tục lây lan. Chúng ta không muốn cứ mãi chạy sau các biến chủng mới”, Nahid Bhadelia, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, chia sẻ với Nature .
Manu Jain, chuyên gia về chăm sóc lâm sàng, nói với Chicago Sun-Times rằng thế giới cần có thêm thời gian để nghiên cứu về liều tăng cường. “Chúng ta cần thêm dữ liệu. Tôi không nghĩ chúng ta đã có gì cả. Kháng thể giảm dần theo thời gian, nhưng vẫn cần tìm hiểu bệnh nhân vẫn được bảo vệ như thế nào trong trường hợp đó”, Jain khuyến nghị.
Christy Foreman ở Baton Rouge cũng từng cân nhắc rất nhiều về tiêm liều tăng cường, nhưng cuối cùng vẫn quyết định thực hiện. Bà đã tới một cửa hàng tạp hóa của Albertson để tiêm một liều Pfizer bổ sung.
Foreman không bị suy giảm miễn dịch, nhưng bà lo lắng hàng rào bảo vệ của cơ thể không đủ sức chống virus. Bố của bà đã bị sương mù não, chứng rối loạn chức năng nhận thức, sau khi nhiễm nCoV vào hè năm ngoái. Bà không muốn mạo hiểm với sức khỏe và không muốn công việc bị ảnh hưởng.
“Tôi kiếm sống bằng trí não của mình. Bạn không thể dạy học nếu gặp vấn đề đó”, bà nói.