Tiêm kích tàng hình J-20 TQ “đả bại” F-35 Mỹ?
Sức mạnh tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc vẫn là điều bí ẩn nhưng chi phí chế tạo chắc chắn rẻ hơn nhiều so với phiên bản F-35 của Mỹ.
F-35 Lightning II (trái) và tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hồi đầu tuần này nói chi phí cho dự án chế tạo tiêm kích tàng hình F-35 đã vượt “ngoài tầm kiểm soát”.
Trên thực tế, dự án chế tạo F-35 đã tiêu tốn tới 400 tỷ USD và là vũ khí đắt nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.
So sánh với F-35, tiêm kích tàng hình J-20 mới nhất của Trung Quốc được cho là rẻ hơn nhiều.
Năng lực chiến đấu
F-35 là mẫu chiến đấu cơ một chỗ ngồi, đa năng và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Được thiết kế để trở thành “sát thủ diệt hệ thống phòng không đối phương”, F-35 được trang bị hệ thống xử lý, nhận dạng mục tiêu hiện đại và tích hợp radar khẩu độ tổng hợp (SAR).
F-35 có thể mang theo các tên lửa tầm gần hoặc tầm xa và có lợi thế hơn tiêm kích F-22 trong vấn đề linh hoạt, cảm biến cải tiến và đồng bộ thông tin, theo Lockheed Martin.
Trong khi đó, J-20 là chiến đấu cơ hiện đại nhất của Trung Quốc. Máy bay một chỗ ngồi được trang bị hai động cơ, thiết kế với cánh ở mũi máy bay hướng về trước.
F-35 là dự án chế tạo vũ khí đắt nhất lịch sử Mỹ.
Vũ khí của J-20 được giấu bên trong thân để nâng cao khả năng tàng hình. Hai khoang vũ khí nhỏ cho tên lửa tầm ngắn và một khoang lớn trang bị tên lửa tầm xa và tên lửa không đối đất.
So sánh với chiến đấu cơ thế hệ 5 của Mỹ như F-35, J-20 có tầm hoạt động xa hơn, khả năng mang theo lượng nhiên liệu lớn hơn và kho vũ khí mở rộng hơn, chuyên gia Justin Bronk đến từ chuyên gia Justin Bronk, đến từ Viện nghiên cứu Royal United Services (RUSI) ở Anh nói.
Thông tin về vũ khí mà J-20 có thể mang theo cho đến nay vẫn là bí ẩn bởi các hệ thống quan trọng có thể chưa được hoàn thiện hoặc do Trung Quốc bí mật sản xuất.
Khả năng tàng hình
Không giống như các chiến đấu cơ khác của Mỹ, F-35 được thiết kế lấy khả năng tàng hình làm chủ đạo. Hình dạng và được chế tạo bằng vật liệu hấp thụ sóng radar giúp F-35 tàng hình tốt hơn mà không cần phải trải qua nhiều lần bảo dưỡng.
Video đang HOT
J-20 lần đầu tiên trình diễn tại triển lãm hàng không Chu Hải vào tháng trước.
Nhược điểm của tiêm kích này là vẫn có thể bị radar tần số thấp phát hiện, như đài kiểm soát không lưu dân sự. Tuy vậy, radar tần số thấp không thể cung cấp đủ thông tin để dẫn đường cho tên lửa.
Tiêm kích J-20 có thiết kế tàng hình gần giống F-22. Theo các nhà phân tích quân sự, chiến đấu cơ tàng hình Trung Quốc đạt hiệu suất tàng hình tốt nhưng có thể dễ để lộ hai cánh và phần động cơ.
Một số nhà quan sát có mặt tại triển lãm hàng không Chu Hải ở Trung Quốc năm 2016 nói, họ nghe thấy tiếng J-20 bay trên đầu khá ồn.
Chi phí sản xuất
Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin hiện đang sản xuất 3 phiên bản F-35 theo đơn đặt hàng của quân đội Mỹ. Phiên bản F-35A rẻ nhất có giá thấp nhất tới 98 triệu USD, đơn giá này không đi kèm động cơ. Mục tiêu trong tương lai gần của Lockheed Martin là phải giảm chi phí sản xuất đến mức tối thiểu.
F-35b lần đầu tiên hạ cánh thẳng đứng trên tàu đổ bộ.
Gần đây, quan chức Lầu Năm Góc nói, họ cần thêm 500 triệu USD để hoàn tất dự án phát triển F-35. Quân đội Mỹ sẽ tiếp nhận toàn bộ chiến đấu cơ F-35 vào năm 2037 và sẽ biên chế hoạt động cho đến năm 2070.
“Chi phí chế tạo một loại vũ khí nội địa của Trung Quốc rẻ hơn từ 5 đến 3 lần so với phiên bản tương tự của Mỹ”, nhà quan sát quân sự Zhou Chemming, người từng làm việc trong công ty thuộc Tập đoàn Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Trung Quốc nhận định.
“J-20 chính là phiên bản Trung Quốc của tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ”, ông Zhou nói. Chi phí sản xuất một chiếc F-22 lên tới 150 triệu USD, theo ngân sách ước tính của không quân Mỹ năm 2011.
Không quân Trung Quốc kiểm tra tiêm kích tàng hình J-20 ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Dựa trên tính toán của ông Zhou, mỗi chiếc J-20 Trung Quốc chỉ có giá 30-50 triệu USD.
Trong khi chương trình F-35 nhằm mục đích mở rộng mạng lưới an ninh của Mỹ ở nước ngoài, thì Trung Quốc lại không muốn xuất khẩu J-20.
Tiêm kích tàng hình hiện đại này là cột mốc quan trọng, trong việc phát triển công nghệ vũ khí Trung Quốc. Có thể nói, J-20 là chiến đấu cơ đầu tiên Trung Quốc sản xuất có thể đáp ứng “tiêu chuẩn khắt khe” của phương Tây.
J-20 có tiềm năng thay đổi cán cân quân sự ở khu vực châu Á, SCMP kết luận.
Theo Danviet
Tranh cãi về khả năng không chiến của F-35 trước tiêm kích đời cũ
Do tập trung vào công nghệ tàng hình, F-35 không thể cơ động nhanh và mang nhiều vũ khí như Su-35 và Typhoon, khiến khả năng không chiến bị hạn chế.
Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Ảnh: USAF
Sau một cuộc diễn tập tập kích được thực hiện gần đây ở căn cứ không quân bang Vermont, Mỹ, các phi công lái F-35 cho rằng chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 này có ưu thế vượt trội so với tiêm kích thế hệ 4 về khả năng xâm nhập phòng không, trong khi sức mạnh không chiến "chưa biết mèo nào cắn mỉu nào", theo Business Insider.
Khả năng không chiến của chiếc tiêm kích đa nhiệm tối tân này từ lâu đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong giới chuyên gia quân sự, và nhiều người đã thẳng thừng nhận định rằng F-35 không thể nào chống lại được tiêm kích thế hệ 4 Su-35 của Nga hoặc Typhoon của châu Âu khi giao chiến ở tầm gần.
"Tiêm kích F-35 sẽ không bao giờ có thể không chiến được với Typhoon hoặc Su-35", Jusstin Bronk, học giả chuyên nghiên cứu về sức mạnh không quân trong chiến đấu ở Viện nghiên cứu các lực lượng vũ trang Thống nhất Hoàng gia Anh, khẳng định.
Trong một số cuộc thử nghiệm ở giai đoạn đầu, F-35 đã bị tiêm kích F-16 đánh bại trong những tình huống không chiến truyền thống. Tuy nhiên, một số nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cho hay sau khi thực hiện một số cải tiến, khả năng không chiến của F-35 đã được cải thiện rõ rệt khi đánh bại tiêm kích F-16 trong 8 lần giao chiến mô phỏng.
Tuy nhiên, giới phân tích quân sự đều thống nhất rằng không chiến chưa bao giờ là thế mạnh của F-35, chiếc tiêm kích được thiết kế chiếm ưu thế nhờ công nghệ tàng hình, khả năng nhận thức tình huống và khả năng đối đầu ngoài tầm nhìn thị giác. Bởi vậy, khi giao chiến ở tầm gần, Typhoon hoặc Su-35 đều có thể tận dụng khả năng cơ động để vọt lên và bắn hạ F-35.
"Tiêm kích Typhoon và Su-35 đều có tỷ lệ lực đẩy trên tải trọng dương khi mang theo vũ khí chiến đấu, có nghĩa là chúng có thể tăng tốc theo phương thẳng đứng và thực hiện vòng lượn tác chiến tốt hơn nhiều so với F-35, đặc biệt là các biến thể nặng hơn như F-35B và F-35C", Bronk giải thích.
Tiêm kích F-35 cũng có tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng dương nhưng khi trang bị nhiên liệu và vũ khí tác chiến, không rõ tỷ lệ này có duy trì được hay không.
Ngoài ra, các cánh có diện tích nhỏ và thiết kế thiên về khả năng tàng hình thay vì cơ động cũng làm suy yếu khả năng không chiến của F-35.
Tiêm kích thế hệ 4 Eurofighter Typhoon. Ảnh: AP
"Việc bố trí các vũ khí nhẹ trên cánh giúp Typhoon và Su-35 có thể chuyển hướng ở góc hẹp hơn so với F-35 trong khi ít bị ảnh hưởng bởi lực kéo và thất thoát năng lượng cũng ít hơn", Bronk nói.
Bởi vậy, Bronk cho rằng việc vượt mặt tiêm kích siêu cơ động Su-35 ở khả năng không chiến dường như là "nhiệm vụ bất khả thi" đối với F-35.
Vũ khí hạn chế
Công nghệ tàng hình không những hạn chế khả năng cơ động của F-35 mà còn khiến nó bị giới hạn lượng vũ khí mang theo.
"Tiêm kích Typhoon và Su-35 có thể mang lượng tên lửa lớn hơn F-35 trong các cấu hình tác chiến thông thường, đồng nghĩa với việc ở khoảng cách gần, chúng có thể mang theo lượng tên lửa trang bị đầu dò hồng ngoại gấp đôi để tấn công đối thủ", Bronk nhận định.
Dù tàng hình hiệu quả trước radar truyền thống, F-35 thể hiện rõ nhược điểm trước các hệ thống ảnh hồng ngoại. Các tên lửa trang bị hệ thống tìm kiếm và bám bắt mục tiêu hồng ngoại (IRST) có thể xác định rất rõ và bám theo F-35 trên bầu trời.
"Trên lý thuyết, hệ thống IRST tối tân có thể phát hiện và theo dõi tiêm kích tàng hình F-22 hoặc F-35 ở khoảng cách khá xa, tệ hơn nữa là vật liệu hấp thụ radar ở lớp sơn tàng hình của các chiến đấu cơ này tỏa nhiệt rất nhanh khiến chúng phát ra tia hồng ngoại ngay cả khi họng xả khí thải được che dấu", Bronk nói.
Chuyên gia này cho rằng hệ thống IRST chính là chìa khóa để phát hiện và tấn công các tiêm kích tàng hình tối tân như F-35.
Su-35 được đánh giá là loại tiêm kích có khả năng siêu cơ động. Ảnh: Sukhoi
Tiêu diệt mối đe dọa từ xa
John Rahill, phi công huấn luyện tiêm kích F-35, cho rằng việc đánh giá tiêm kích tàng hình F-35 thông qua khả năng không chiến chẳng khác gì "xem xét khẩu súng trường ở năng lực đánh giáp lá cà".
Các chuyên gia phân tích quân sự cũng cho rằng dù không mạnh ở khả năng không chiến, F-35 có thể phát hiện chiến đấu cơ đối phương ở ngoài tầm nhìn thị giác và tiêu diệt chúng bằng các tên lửa hiện đại nhờ khả năng tàng hình và đọc tình huống.
Dave Majumdar, chuyên gia phân tích quốc phòng của National Interest, cho rằng khi tham chiến, F-35 thường được triển khai cùng với tiêm kích F-22 và F-15C. Các chiến đấu cơ này có nhiệm vụ giành và duy trì ưu thế trên không khi đối đầu với Su-35, để F-35 rảnh tay thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong trường hợp đơn độc chiến đấu, F-35 vẫn đủ khả năng đối đầu với Su-35 nếu sử dụng vũ khí trang bị hợp lý, chẳng hạn như sử dụng công nghệ tàng hình và thiết bị cảm biến để tấn công từ xa, tránh xuất hiện gần Su-35.
Theo Bronk, Su-35 và Typhoon không thể phát hiện F-35 cho đến khi nó tiến rất gần mục tiêu. Trong thời gian đó, tình huống tác chiến hoàn toàn do F-35 quyết định, bởi nó có thể né tránh, tấn công, hoặc di chuyển tới vị trí an toàn để phóng tên lửa không đối không tầm xa diệt mục tiêu, trước khi tiêm kích đối phương biết chuyện gì đang xảy ra.
Duy Sơn
Theo VNE
Chiến đấu cơ Nga, TQ "áp đảo" trên bầu trời châu Âu Nga và Trung Quốc thách thức vị thế thống trị bầu trời của phương Tây bằng các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới, buộc Mỹ và đồng minh phải nghiên cứu các phương án nâng cấp và chế tạo máy bay mới Tiêm kích Sukhoi T-50 của Nga. Hơn 2 thập kỷ qua, chiến đấu cơ Mỹ và đồng minh châu...