Tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ lần đầu dội bom diệt Taliban
Không quân Mỹ lần đầu triển khai các máy bay F-22 để tiêu diệt cơ sở chế tạo ma túy và trung tâm chỉ huy của Taliban tại Afghanistan.
Tiêm kích F-22 thả bom GBU-39. Ảnh minh họa: Không quân Mỹ.
“Trong 24 giờ qua, lực lượng Mỹ và Afghanistan đã thực hiện các chiến dịch hiệp đồng để tiêu diệt 7 cơ sở chế ma túy và một trung tâm chỉ huy của Taliban ở phía bắc tỉnh Helmand”, Aviationist dẫn thông cáo của NATO hôm 20/11.
Trong cuộc tấn công này, không quân Mỹ lần đầu triển khai tiêm kích tàng hình F-22 để tấn công mục tiêu tại Afghanistan, bên cạnh oanh tạc cơ B-52, máy bay không người lái và pháo phản lực phóng loạt HIMARS. Những chiếc F-22 được trang bị bom thông minh cỡ nhỏ (SDB) GBU-39 để tiêu diệt mục tiêu.
Tiêm kích tàng hình F-22 lần đầu tham gia thực chiến vào ngày 23/9/2014 khi tiêu diệt các mục tiêu phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Trong mỗi lần xuất kích, F-22 có thể mang hai quả bom dẫn đường JDAM nặng 500 kg, cùng tên lửa đối không tầm trung AIM-120 và tầm gần AIM-9 để tự vệ.
Video đang HOT
Sau khi được nâng cấp lên gói 3.1 hồi năm 2012, mỗi tiêm kích F-22 có khả năng trang bị 8 quả bom GBU-39, mỗi quả có khối lượng 110 kg, được trang bị nhiều loại đầu nổ khác nhau như nổ mảnh và xuyên phá. Kích cỡ nhỏ và hệ thống dẫn đường hiện đại giúp GBU-39 đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao, đồng thời tránh gây thiệt hại phụ cho người và công trình xung quanh.
Ngoài khả năng sử dụng vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao, F-22 còn được nâng cấp radar để trở thành tai mắt của quân đội Mỹ trên chiến trường. Hệ thống radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) trên máy bay có thể thu thập dữ liệu về mục tiêu, sau đó chia sẻ cho lực lượng đồng minh để thực hiện đòn tấn công áp đảo.
Theo Tử Quỳnh (Vnexpress)
Mỹ phát triển phi cơ thay thế tiêm kích tàng hình F-22
Tiêm kích PCA sẽ sở hữu nhiều công nghệ tối tân để thay thế máy bay tàng hình F-22 nhằm duy trì ưu thế trên không của Mỹ.
Diện mạo tiêm kích PCA có thể thay thế F-22. Đồ họa: Popular Mechanic.
Không quân Mỹ đang đặt ra yêu cầu công nghệ cho thế hệ tiêm kích thế hệ 6 mang tên Xuyên thủng Lưới phòng không (PCA), dự kiến được biên chế vào thập niên 2030. Mẫu tiêm kích này sẽ được tích hợp nhiều công nghệ chưa từng có để duy trì ưu thế trên không của Mỹ trong các cuộc xung đột tương lai, theo Popular Mechanic.
Việc Nga cho ra đời những vũ khí tối tân như hệ thống phòng không S-400 và máy bay tàng hình Su-57, trong khi tiêm kích thế hệ 5 như F-22 và F-35 sắp chạm ngưỡng nâng cấp công nghệ, buộc Mỹ phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, Mỹ chưa có thiết kế tiêm kích hoàn toàn mới nào trong vòng 20 năm qua, sự xuất hiện của PCA sẽ đánh dấu việc bước sang tiêm kích thế hệ 6 của nước này. PCA sẽ đảm nhận nhiều vai trò khác với F-22 và F-35 để phục vụ chiến lược mới. Nó chú trọng vào tầm hoạt động, đặc biệt trong nhiệm vụ hộ tống oanh tạc cơ tàng hình B-21 và B-2. Đây là những nhiệm vụ mà không quân Mỹ chưa từng nghĩ tới trong nhiều năm qua.
Điều này đặt ra một nghịch lý trong phát triển động cơ cho PCA. Để hộ tống oanh tạc cơ chiến lược, máy bay cần có động cơ tiết kiệm nhiên liệu để duy trì tầm bay lớn. Nhưng thiết kế như vậy lại khác xa những mẫu động cơ hiệu suất cao, vốn giúp chiến đấu cơ chiếm ưu thế trong không chiến.
Không quân Mỹ muốn kết hợp những tính năng tốt nhất của hai thiết kế này vào "động cơ ba luồng khí" để trang bị cho PCA. Nếu phát triển thành công, loại động cơ này có thể duy trì khả năng tiết kiệm nhiên liệu, trong khi vẫn mang lại lực đẩy rất lớn khi cần không chiến.
Tiêm kích PCA nhiều khả năng sẽ không có cánh đuôi đứng, vốn là tiêu chuẩn thiết kế của mọi máy bay trong hàng chục năm qua. Cánh đuôi đứng là một trong những rào cản khiến máy bay khó duy trì khả năng tàng hình trước nhiều loại radar.
Những công nghệ được áp dụng trên PCA chưa được công bố, nhưng giới chuyên gia nhận định nó sẽ sở hữu kết nối cảm biến tối ưu, khả năng bay siêu hành trình và cấu hình điện tử "lớp da thông minh".
PCA sẽ có khả năng khai hỏa vũ khí siêu thanh, cũng như trang bị vũ khí laser và tấn công điện tử. Ngoài ra, không quân Mỹ dự định chế tạo tên lửa không đối không mới nhằm thay thế AIM-120 AMRAAM, dòng tên lửa lạc hậu đang bị mẫu AAM-4B của Nhật hay Meteor của Anh vượt qua.
Không quân Mỹ đã đề xuất ngân sách 295 triệu USD trong năm tài khóa 2018 để tiếp tục nghiên cứu dự án PCA và xác định các thông số kỹ thuật cần thiết.
Duy Sơn
Theo VNE
F-22 - tiêm kích 'tai mắt' của Mỹ trên chiến trường Syria Tiêm kích tàng hình F-22 được Mỹ sử dụng như một hệ thống cảnh báo sớm, giúp máy bay liên quân sống sót trên chiến trường Syria. Nhờ trang bị công nghệ tàng hình và cảm biến mạnh, tiêm kích F-22 có tầm quan trọng ngày càng lớn trong hoạt động của không quân Mỹ trên bầu trời Syria và Iraq, với vai...