Tiêm kích Nga chặn trinh sát cơ Mỹ
Một tiêm kích MiG-31 cất cánh chặn trinh sát cơ RC-135 của Mỹ tiến sát biên giới Nga trên Thái Bình Dương và buộc máy bay này quay đầu.
“Đơn vị kiểm soát không phận trên Thái Bình Dương phát hiện một mục tiêu trên không tiến đến biên giới Nga. Một tiêm kích MiG-31 cất cánh từ sân bay ở vùng Kamchatka để xác định và hộ tống mục tiêu”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong thông cáo ngày 16/4.
“Phi công xác định được mục tiêu trên không là trinh sát cơ RC-135 của Mỹ. Sau khi trinh sát cơ RC-135 quay đầu, tiêm kích MiG-31 trở về căn cứ”, thông cáo có đoạn.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định chuyến bay của tiêm kích MiG-31 “tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế về sử dụng vùng trời” và “biên giới Nga không bị xâm phạm”. Video được công bố cho thấy tiêm kích MiG-31 tiếp cận trinh sát cơ RC-135 số đuôi OF-4848 từ phía sau và nhanh chóng vượt qua máy bay này.
Tiêm kích MiG-31 chặn trinh sát cơ RC-135 Mỹ ngày 16/4. Video: BQP Nga .
Đây là lần thứ hai Nga điều tiêm kích ngăn trinh sát cơ Mỹ trong vòng chưa đầy một tuần. Trinh sát cơ RC-135 với số đuôi OF-4848 hôm 10/4 thực hiện chuyến bay áp sát biên giới Nga và bị một tiêm kích MiG-31 buộc chuyển hướng.
Moskva và Washington thường triển khai oanh tạc cơ, máy bay trinh sát áp sát không phận của nhau. Máy bay Mỹ và Nga luôn chạm mặt trong các nhiệm vụ này, nhưng hai bên thường tiến hành hoạt động tiếp cận, giám sát một cách chuyên nghiệp và an toàn.
Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở
Mỹ thông báo rút khỏi hiệp ước giám sát không phận ký với 34 nước, 6 tháng sau khi Trump cáo buộc Nga nhiều lần vi phạm thỏa thuận.
"Mỹ đã thực thi quyền của mình theo khoản 2, Điều 15 trong Hiệp ước Bầu trời Mở vào ngày 22/5, báo trước cho toàn bộ các nước liên quan về quyết định rút khỏi thỏa thuận này. 6 tháng đã trôi qua, Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận vào ngày 22/11 và không còn là thành viên trong Hiệp ước Bầu trời Mở", Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua ra thông cáo cho biết.
Trinh sát cơ OC-135B Mỹ chuyên thực hiện các chuyến bay trong hiệp ước. Ảnh: Flickr/Backa Eriksson .
Hiệp ước Bầu trời Mở được Mỹ, Nga và một số quốc gia châu Âu ký năm 1992, có hiệu lực năm 2002, nhằm thúc đẩy tính minh bạch về hoạt động quân sự. Theo hiệp ước, 35 quốc gia thành viên được tiến hành các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau, nhưng phải thông báo trước 72 tiếng để nước chủ nhà có thời gian phản hồi.
Thỏa thuận cho phép những đồng minh và đối tác của Mỹ tiếp cận dữ liệu không ảnh độ nét cao, ngay cả khi họ không có mạng lưới vệ tinh trinh sát hiện đại. Quan chức Lầu Năm Góc khẳng định quân đội Mỹ dự định chia sẻ dữ liệu tình báo và trinh sát từ các vệ tinh với đồng minh NATO nhằm bù đắp khoảng trống thông tin sau khi Washington rút khỏi hiệp ước Bầu trời Mở.
Quyết định rút khỏi hiệp ước được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sau nhiều tháng đánh giá, trong đó Washington cáo buộc Moskva liên tục vi phạm thỏa thuận như ngăn cản chuyến bay của Mỹ trên không phận Gruzia và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Washington cũng cho rằng Moskva lợi dụng những chuyến bay tại Mỹ và châu Âu để xác định cơ sở hạ tầng trọng yếu, xây dựng kịch bản tấn công khi nổ ra chiến tranh.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko từng khẳng định nước này không vi phạm Hiệp ước Bầu trời Mở và "không có gì ngăn cản đối thoại giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà phía Mỹ gọi là hành động vi phạm thỏa thuận". Quan chức Nga gọi hiệp ước là "một trong những cột trụ an ninh của châu Âu", cho biết nước này đang đánh giá khả năng tiếp tục tham gia thỏa thuận.
Các thành viên NATO và một số nước Đông Âu nhiều lần hối thúc Mỹ duy trì thỏa thuận do lo ngại Nga sẽ rút khỏi hiệp ước để đáp trả, gây suy yếu an ninh trong khu vực. "Hành động rút khỏi hiệp ước của Trump là quá vội vàng và thiếu trách nhiệm", Daryl Kimball, giám đốc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Mỹ, nhận xét hồi tháng 5.
Khủng hoảng khu vực: Phép thử đối với Nga tại Trung Á Các cuộc khủng hoảng, bạo loạn diễn ra xung quanh biên giới Nga cho thấy các liên minh trong vùng ảnh hưởng truyền thống của nước này đang vấp phải những thách thức mới. Một loạt các điểm nóng xung quanh Nga đã và đang diễn ra là phép thử cho tồn tại của các cấu trúc hội nhập trong không gian Cộng...