Tiêm kích Nga chặn oanh tạc cơ Mỹ
Các tiêm kích Su-27 Nga xuất kích chặn oanh tạc cơ B-52H Mỹ và trinh sát cơ của Đức, Anh diễn tập trên vùng trời Biển Baltic.
“Lực lượng phòng không của Quân khu phía Tây nhanh chóng phát hiện kịp thời hoạt động của oanh tạc cơ B-52H thuộc không quân Mỹ cùng trinh sát cơ nước ngoài hoạt động trên vùng nước trung lập thuộc Biển Baltic. Các tiêm kích Nga được lệnh đối phó”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong thông cáo ngày 15/6.
“Các trạm radar của Nga liên tục theo dõi máy bay nước ngoài ở khoảng cách xa. Tiêm kích Su-27 của không quân hải quân thuộc Hạm đội Baltic xuất kích để chặn các mục tiêu trên không”, thông cáo cho biết.
Video của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy các tiêm kích Su-27 tiếp cận một oanh tạc cơ B-52H của Mỹ, một trinh sát cơ P-3C CUP của hải quân Đức và một trinh sát cơ Sentinel của không quân Anh. Các trinh sát cơ và oanh tạc cơ nói trên thực hiện khoa mục bay qua Biển Baltic trong cuộc diễn tập Các chiến dịch Baltic (Baltops) 2020 của NATO.
Tiêm kích Su-27 Nga tiếp cận oanh tạc cơ B-52H của Mỹ, trinh sát cơ P-3C của Đức và Sentinel của Anh trên Biển Baltic, ngày 15/6. Video: BQP Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tiêm kích Su-27 ngăn máy bay NATO xâm phạm không phận nước này, khẳng định các phi công Nga tuân thủ nguyên tắc sử dụng không phận quốc tế. Trước đó, Hạm đội Baltic đã nhận lệnh theo dõi diễn tập Baltops 2020 của hải quân Mỹ và một số quốc gia châu Âu trên Biển Baltic.
Cùng ngày, Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu cho biết hai oanh tạc cơ B-52H thuộc không đoàn ném bom 5, đồn trú tại căn cứ không quân Minot, bang Bắc Dakota, Mỹ cất cánh tham gia diễn tập Baltops tại vùng Baltic. Hai oanh tạc cơ được hộ tống bởi tiêm kích Typhoon của Anh, Mirage 2000 của Pháp, bay qua một số nước vùng Baltic như Estonia và Latvia.
17 quốc gia thành viên NATO và hai đối tác tham gia tập trận Baltops 2020 ngày 7-16/6 với nội dung bắn đạn thật, hiệp đồng phòng không và săn ngầm, kiểm soát đường biển và chống thủy lôi. Sự kiện không có nội dung diễn tập trên đất liền để hạn chế nguy cơ lây lan nCoV.
Tiêm kích Nga nhiều lần xuất kích để ngăn máy bay Mỹ và NATO chuyển hướng khi chúng tiếp cận gần biên giới. Hai tiêm kích Su-35 của Nga ngày 26/5 áp sát từ hai bên, khiến trinh sát cơ P-8A Poseidon chật vật cơ động trên Địa Trung Hải trong 64 phút. Tiêm kích Su-27P và Su-30SM ngày 29/5 buộc hai oanh tạc cơ B-1B Mỹ chuyển hướng khi bay trên khu vực Biển Đen, gần biên giới Nga.
Tiết lộ năng lực vũ khí hạt nhân Trung Quốc năm 2020
Các cường quốc trên thế giới tiếp tục hiện đại hóa vũ khí, đáng chú ý nhất là Trung Quốc và Ấn Độ đều mở rộng kho vũ khí hạt nhân, theo báo cáo mới nhất công bố ngày 15.6.
Trung Quốc hiện có 320 đầu đạn hạt nhân, theo thống kê của SIPRI năm 2020.
Trong thống kê năm 2020, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), công bố Trung Quốc sở hữu 320 đầu đạn hạt nhân, Pakistan sở hữu 160 còn Ấn Độ hiện có 150 đầu đạn hạt nhân.
Trong báo cáo năm 2019, SIPRI cho biết Trung Quốc có 290 đầu đạn hạt nhân và Ấn Độ có 130-140. Pakistan từ báo cáo năm 2019 đã có 150 đầu đạn hạt nhân.
"Trung Quốc đang ở giữa giai đoạn hiện đại hóa đáng kể kho vũ khí hạt nhân, bắt đầu hình thành bộ ba hạt nhân, bao gồm vũ khí hạt nhân phóng từ đất liền, từ trên không và từ dưới biển", các nhà nghiên cứu của SIPRI cho biết.
SIPRI nhấn mạnh việc Trung Quốc tiếp tục từ chối lời mời tham gia đàm phán kiểm soát số lượng đầu đạn hạt nhân.
SIPRI nói rằng Trung Quốc ngày càng công khai lực lượng hạt nhân nhiều hơn so với quá khứ, nhưng hiện chưa rõ kế hoạch phát triển kho vũ khí hạt nhân.
SIPRI đánh giá Trung Quốc chế tạo đầu đạn hạt nhân bằng cả hai cách làm giàu uranium (HEU) và plutonium, giống với Pháp, Anh, Nga và Mỹ. Ấn Độ và Israel chỉ dùng plutonium.
Pakistan đang chuyển hướng dùng plutonium cho vũ khí hạt nhân còn Triều Tiên hiện mới chỉ có vũ khí hạt nhân với nguyên liệu chính là plutonium.
Xét trên quy mô toàn cầu, số lượng đầu đạn hạt nhân có giảm so với năm ngoái.
Theo thống kê của SIPRI, toàn thế giới hiện có 13.400 đầu đạn hạt nhân, của 8 quốc gia bao gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Con số này giảm 465 so với báo cáo năm 2019.
Nguyên nhân số lượng đầu đạn hạt nhân toàn cầu giảm là do cam kết của Nga và Mỹ. Trong bối cảnh Hiệp ước NEW START sắp hết hiệu lực, Nga và Mỹ vẫn thể hiện sự tôn trọng đối với thỏa thuận, theo SIPRI.
Chỉ riêng kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ đã chiếm tới 90% số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu.
"Việc các kênh đàm phán hạt nhân Nga-Mỹ bị cắt đứt có thể tiềm ẩn cuộc chạy đua hạt nhân mới", Shannon Kile, giám đốc chương trình kiểm soát vũ khí hạt nhân ở SIPRI, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Hiệp ước NEW START sẽ hết hiệu lực vào tháng 2.2021 và hai cường quốc chưa có bất cứ tiến triển nào trong nỗ lực đàm phán.
Cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị Nga tố làm gián điệp lĩnh án 16 năm tù CNN đưa tin, một tòa án ở Moscow, Nga ngày 15/6 đã kết án cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan tội gián điệp với hình phạt tù 16 năm. Paul Whelan. Ảnh: CBS News. Paul Whelan đã gọi phiên tòa là "một sự giả tạo" và kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như các nhà lãnh đạo của Cộng...