Tiêm kích bơm hơi – vũ khí ngụy trang bí mật của Nga
Những chiếc máy bay, xe tăng bằng cao su bơm hơi của Nga có thể khiến đối phương bối rối, khó nắm được lực lượng và ý đồ thực sự của quân đội nước này.
Một chiếc tiêm kích bơm hơi dùng để ngụy trang của Nga. Ảnh: NYTimes
Trên cánh đồng ở vùng nông thôn nước Nga vào một ngày hè bỗng xuất hiện một chiếc tiêm kích Mig-31 lớn với ngôi sao đỏ trên cánh. Vài giây sau, một bệ phóng tên lửa xuất hiện ngay bên cạnh. Một thời gian ngắn sau, những vũ khí này biến mất nhanh như khi chúng xuất hiện.
Điều đặc biệt là những chiếc tiêm kích, hệ thống tên lửa này đều được làm bằng cao su và có thể bơm hơi để phồng lên theo đúng kích thước thật của nguyên mẫu. Đây chính là một vũ khí bí mật mới mà quân đội Nga đang áp dụng để phô trương thanh thế, theo New York Times.
Các chiến đấu cơ, xe tăng và các khẩu đội tên lửa đất đối không này được Rusbal, một công ty đồ chơi của Nga, chế tạo để phục vụ cho chiến thuật tác chiến nghi binh mang tên Maskirovka của quân đội nước này.
Theo bình luận viên Andrew E. Kramer, ý tưởng đằng sau chiến thuật này là luôn buộc đối phương phải phán đoán, không bao giờ nắm bắt được ý đồ thực sự của mình, duy trì yếu tố bất ngờ cho các binh sĩ.
Chiến thuật Maskirovka đã vượt ra khỏi hình thức ngụy trang đơn giản, nó là sự pha trộn giữa nghi binh chiến thuật và chiến lược có thể áp dụng trong cả thời chiến và thời bình. Chẳng hạn, bản đồ Liên Xô thường không chính xác khiến các tài xế giận dữ, nhưng nó lại phục vụ an ninh quốc gia. Nếu một gián điệp có được bản đồ này sẽ khiến quân xâm lược tưởng đang đi đúng đường nhưng thực ra lại dẫn tới các đầm lầy.
Công ty Rusbal của Nga có toàn bộ dây chuyền sản xuất các vũ khí bơm hơi sao chép của các khí tài quân sự quan trọng của Nga như tiêm kích Mig-31, Su-27, tăng chiến đấu chủ lực T-72 và T-80, tên lửa đất đối không S-300, trạm radar và thậm chí là tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Tochka.
Video đang HOT
Một mô hình xe tăng T-80 có giá 16.000 USD được đựng trong hai túi vải thô và bơm phồng trong khoảng 5 phút. Điều này có nghĩa toàn bộ một tiểu đoàn 31 xe tăng giả này chỉ có giá 496.000 USD và chỉ mất hai tiếng rưỡi để hình thành. Kỳ công hơn, công ty này còn bán kèm thiết bị để tạo ra vết bánh xích xe tăng giả trên mặt đất.
Chiến đấu cơ và hệ thống tên lửa S-300 bơm hơi được triển khai trên cánh đồng. Ảnh: NYTimes
Theo chuyên gia công nghệ Patrick Tucker của DefenseOne, các mô hình máy bay và xe bọc thép bơm hơi này tuy được chế tạo rất kỳ công, nhưng khó có thể đánh lừa được các vệ tinh chụp ảnh siêu quang phổ WorldView 3 của Mỹ. Công nghệ chụp ảnh siêu quang phổ này có thể chụp được ánh sáng ở hàng trăm bước sóng cả hữu hình và vô hình để phân tích thành phần vật chất của các vật thể, gồm cả vật liệu bằng nhựa, từ trên vũ trụ.
“Vật ngụy trang chủ yếu làm bằng chất dẻo, vì thế chúng tôi có thể phát hiện dễ dàng. Các khí tài ngụy trang hiện đại được phát triển để qua mặt hệ thống đa quang phổ nhưng không thể đánh lừa được vệ tinh WorldView 3″, một chuyên gia phân tích tình báo công nghiệp nói.
Duy Sơn
Theo VNE
Nguy cơ xảy ra chiến tranh điện tử Mỹ - Trung trên Biển Đông
Việc Trung Quốc xây các trạm radar phi pháp khi Mỹ điều động nhiều thiết bị công nghệ cao đến Biển Đông có thể làm nổ ra chiến tranh điện tử trên biển.
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông trong kịch bản bị gây nhiễu điện tử mạnh ngày 1/8. Ảnh: AP
Hồi đầu tháng, hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật quy mô lớn trên biển Hoa Đông với sự tham gia của hàng trăm tàu chiến và tàu ngầm trong tình huống giả định bị gây nhiễu và chế áp điện tử mạnh, theo RT.
Chuyên gia Brendan Thomas-Noone thuộc trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Đại học Sydney cho rằng cả cuộc tập trận trên là một động thái chuẩn bị và phô diễn lực lượng của Trung Quốc nhằm đối phó với nguy cơ nổ ra chiến tranh điện tử với Mỹ trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, Biển Đông có thể là "đấu trường" nơi Mỹ và Trung Quốc phô diễn khả năng tác chiến điện tử của mình, khi cả hai cường quốc đều hiểu rằng việc sử dụng biện pháp quân sự khác đều dẫn đến kết cục hủy diệt lẫn nhau.
Một dấu hiệu chuẩn bị cho chiến tranh điện tử của Trung Quốc ở Biển Đông là Bắc Kinh đã xúc tiến xây dựng các trạm radar ở hầu hết các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS), các trạm radar này có thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ dân sự sang quân sự một cách nhanh chóng, và một số trạm có thể phục vụ cả hai mục đích.
Chẳng hạn như các trạm radar trên đá Chữ Thập và đá Subi có thể dùng để hỗ trợ các chuyến bay dân sự từ các đường băng tại đây. Nhưng khi kết hợp với nhau, chúng sẽ mở rộng đáng kể khu vực nhận dạng phòng không theo thời gian thực và tăng cường năng lực tình báo, trinh sát, giám sát (ISR) của quân đội Trung Quốc (PLA) trên một khu vực rộng lớn ở Biển Đông.
Khi kết hợp với mạng lưới vệ tinh quân sự và tình báo đang phát triển của Trung Quốc, các trạm radar này có thể giúp Bắc Kinh theo dõi tàu và các phương tiện quân sự khác trong khu vực theo thời gian thực tốt hơn.
Thomas-Noone cho rằng có nhiều dấu hiệu gần đây cho thấy Bắc Kinh cũng đang triển khai các trang thiết bị kết nối vệ tinh trên các đảo nhân tạo, giúp tăng cường năng lực khóa mục tiêu ngoài đường chân trời cho các tên lửa đạn đạo diệt hạm, mở rộng phạm vi đe dọa cho khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD).
Quân đội Trung Quốc cũng bắt đầu lắp thiết bị kết nối với hệ thống định vị Bắc Đẩu cho hạm đội tàu cá và cả lực lượng dân quân biển, giúp Bắc Kinh có thể đảm bảo huy động lực lượng này đến nơi cần tăng cường hiện diện.
Tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Growler của hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.
Về phía Mỹ, Lầu Năm Góc cũng đang tích cực triển khai và đầu tư cho việc nghiên cứu nhiều công nghệ tác chiến điện tử tiên tiến, bắt đầu ở cấp chiến thuật trên Biển Đông.
Điển hình nhất là việc hải quân Mỹ điều động 4 tiêm kích tấn công điện tử EA-18G Growler đến Philippine tháng 6 vừa qua. Các tiêm kích Growler này hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động trinh sát và tình báo tín hiệu (SIGNT) ở Biển Đông.
Tiêm kích EA-18G Growler Mỹ cũng có khả năng gây nhiễu các trạm radar phi pháp của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo. Điều đó có thể dẫn tới kịch bản các phương tiện tác chiến điện tử Mỹ tập trung nhắm vào các trạm radar Trung Quốc trên Biển Đông, còn PLA sẽ tìm cách phát triển năng lực tấn công và phòng thủ điện tử nhằm bảo vệ các cơ sở này.
Trong trường hợp chiến tranh điện tử nổ ra, cả hai bên có thể huy động nhiều hơn các loại phương tiện, khí tài tác chiến điện tử đến Biển Đông để giành quyền kiểm soát hoặc vô hiệu hóa vùng cảnh báo sớm của đối phương.
"Loại hình tác chiến điện tử sẽ phát triển trong tương lai, đặc biệt khi các trạm radar của PLA trên các đảo nhân tạo sẽ vận hành đẩy đủ hơn, các phương tiện không quân Trung Quốc sẽ hoạt động nhiều hơn trong khu vực. Kịch bản này có thể làm gia tăng căng thẳng và tiềm ẩn rủi ro leo thang ở Biển Đông", Thomas-Noone nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Nga phục hồi trạm radar cảnh báo tấn công tên lửa ở Crimea Trạm radar Dnepr thuộc hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa, nằm gần Sevastopol trên bán đảo Crimea sẽ được phục hồi, theo RIA Novosti ngày 17.5. Tổng thống Putin thị sát một trạm radar hiện đại loại Voronezh. REUTERS Trạm radar cảnh báo tấn công tên lửa Dnepr có thể phát hiện tức thời việc phóng tên lửa siêu thanh, tên...