Tiệm đồ ăn nhanh của lão Việt kiều Tân thế giới trên phố Hàng Bông, 32 năm tuổi vẫn khiến khách Tây mê say
Chủ cửa hàng từng là Việt kiều Nouvelle-Calédonie (Tân thế giới) một khu vực thuộc lãnh thổ Pháp, vì vậy dễ dàng nhận thấy phong cách đồ ăn của Kinh Đô mang hơi thở của đồ Âu nhưng hương vị lại thuần Việt.
Chắc hẳn nhiều người Hà Nội đã quen thuộc với cửa hàng bánh mỳ sốt vang góc phố Đình Ngang – Hàng Bông, tuy nhiên không phải ai cũng biết tới người hàng xóm sát vách – nơi được coi là một trong những tiệm ăn nhanh đầu tiên ở Hà Nội, hiện hữu ở 252 Hàng Bông từ năm 1986.
Trong hoài niệm của những thế hệ đi trước, năm 1986 là thời điểm kinh tế Việt Nam bắt đầu mở cửa, tiếp nhận luồng gió mới từ văn hóa nước ngoài, đặc biệt là phương Tây. Vì vậy, một cửa hàng bán đồ ăn nhanh được mở bởi một Việt kiều khi ấy quả là thức thời.
Lần đầu tôi tới Kinh đô cách đây 6 năm do một người anh thân thiết – người truyền thống và ít ồn ào nhất mà tôi quen biết giới thiệu, và không lâu sau đó cũng trở thành quán quen của tôi mỗi khi cần một bữa ăn nhẹ.
Chưa bàn tới chất lượng đồ ăn, điều đầu tiên tiệm đem lại là một không gian của Hà Nội những ngày xưa cũ, bàn ghế đơn giản nhưng vô cùng gọn gàng, các vật dụng trong nhà đều gợi nhớ lại những kỷ niệm ngày tôi còn là một đứa trẻ.
Khác với những quán ăn truyền thống ở Hà Nội, nơi chỉ nổi tiếng vì một món chuyên biệt như phở, bún đậu hay miến ngan, ở Kinh Đô, chẳng những chúng ta có thể tìm được các loại bánh ngọt được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị người Hà Nội ở thời điểm những năm 80, mà khách hàng còn có những lựa chọn những phần cơm trưa được phục vụ theo set.
Theo cảm nhận của tôi, bánh ngọt là điều ấn tượng hơn cả. Có thể kể đến bánh bông lan chuối, hay bánh bích quy sô cô la (chocolate biscuit).
Nếu bỏ qua các nguyên tắc chuẩn của bếp bánh Âu chúng ta vẫn thấy ở các khách sạn 5 sao sang trọng, hương vị bánh ngọt của cửa hàng có thể đánh giá là tròn vị, giữ được độ tươi mới của bánh sản xuất hàng ngày và không lạm dụng quá nhiều đường.
Chỉ với 20 – 25 ngàn đồng, bạn đã có thể thưởng thức những phần bánh ngọt của tiệm. Theo ý kiến cá nhân, món bánh tart hạnh nhân gây thương nhớ với tôi bậc nhất.
Một gợi ý khác cũng thú vị không kém, đó là cặp đôi ăn nhẹ đã quá thân thuộc với biết bao người Hà Nội đó là cặp đôi bánh bao – sữa đậu nành. Bánh bao của Kinh Đô có nhân truyền thống bao gồm thịt nạc, miến, mộc nhĩ, kết hợp với trứng vịt muối.
Sữa đậu nành cũng là một điểm sáng đáng khen bởi mùi thơm béo đặc trưng của sữa đậu tự làm. Nếu là người sành ăn, bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt so với nước đậu giá rẻ hay sữa đậu nành công nghiệp đang được bày bán rộng rãi tại các siêu thị lớn nhỏ.
Trên bức tường quét sơn xanh truyền thống có treo nhiều ảnh lưu niệm, trong đó nổi bật nhất là tấm áp phích khổ lớn của bộ phim nổi tiếng từng dành giải Oscar lần thứ 65 cho Phim Ngoại ngữ hay nhất – Indochine (Đông Dương – 1992) và tấm hình bác Trí chủ quán chụp ảnh với nữ diễn viên chính – Catherine Deneuve trong một lần ghé thăm và dùng bữa tại tiệm.
Sau nhiều lần ghé dùng bữa, tôi nhận thấy khách hàng của Kinh Đô hầu hết là các gia đình có con nhỏ ở khu vực phố cổ. Bên cạnh đó còn có những cô chú lớn tuổi và những vị khách nước ngoài sống lâu năm ở Hà Nội.
Luôn là không khí tĩnh lặng, dù là quán ăn nhanh, nhưng ai cũng biết giữ chừng mực cho câu chuyện của mình để tránh gây ồn ào – một không khí thực sự Hà Nội.
Cuộc sống thay đổi từng ngày, những thương hiệu ăn nhanh của nước ngoài đã tràn vào Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường theo một lẽ dễ hiểu, nhưng Kinh Đô vẫn ở đó, tồn tại hơn 30 năm và phục vụ những vị khách thân quen ghé quán ăn nhanh, nhưng không hề vội vã.
Bác Trí chủ quán nay đã không còn, thay vào đó là sự tiếp quản của 2 người con dâu và cháu dâu, nhưng không khí cũng như hương vị riêng biệt của Kinh Đô vẫn còn vẹn nguyên, bởi ai cũng hiểu đó chính là giá trị cốt lõi của một quán ăn lâu đời.
Theo Trí thức trẻ
Video đang HOT
Khách Tây "bùng" tiền phòng ở Sapa vì "nhiều muỗi và chó sủa", chủ homestay bức xúc: Người đàng hoàng sẽ đối mặt giải quyết chứ không bỏ đi như vậy!
Cặp đôi người nước ngoài thuê phòng nghỉ trong 1 homestay ở Sapa tuy nhiên lại rời đi vào sáng sớm hôm sau và không thanh toán khiến chủ nhà vô cùng bức xúc.
Khi được hỏi về lý do, du khách này cho biết vì homestay quá nhiều muỗi và chó sủa làm họ không ngủ được. Sự việc hiện đang gây xôn xao trên MXH.
Chủ homestay ở Sapa tố cặp du khách nước ngoài "bùng" tiền thuê phòng, bịa chuyện để review xấu
Ngày 5/11 vừa qua, 1 homestay có tên U.E.L tại Sapa đã đăng tải lên trang Facebook của mình bài viết kể lại sự việc bị cặp đôi du khách người nước ngoài "bùng" tiền thuê phòng nghỉ.
Không những thế, homestay này còn cho biết họ vô cùng bức xúc khi du khách trên đã để lại review xấu về homestay của họ với những lý do không chính xác. Hiện sự việc đang gây xôn xao, nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội.
Bài đăng của homestay U.E.L trên Facebook - Ảnh chụp màn hình.
Theo homestay U.E.L kể lại, vào ngày 5/11 vừa qua, 1 nam du khách người nước ngoài có tên Rory G. cùng bạn gái (hoặc vợ) đã thuê phòng nghỉ tại homestay của họ trong 1 đêm với mức giá 500 nghìn đồng.
Để có được mức giá này, trước đó nam du khách và homestay đã trao đổi qua tin nhắn để mặc cả và thương lượng.
" Ngày 5/11/2018, có khách tên Rory G. chủ động liên hệ với bên mình và hỏi bên mình có thể cho đặt phòng bungalow view suối ở đây không. Bên mình báo giá là 800k/đêm, đây là giá tiêu chuẩn cho 2 người/đêm/ngày thường, ngày cuối tuần là 1000k/2người/đêm.
Khách bảo có thể giảm giá còn 500k không, họ nói không còn nhiều tiền.
Nhân viên của homestay đã hỏi ý kiến của sếp, sếp bảo là còn phòng thì để người ta ở cũng được, vì vậy bên mình đã sắp xếp và cho khách nhận phòng vào buổi chiều một cách rất chu đáo với giá 500k" - homestay kể lại sự việc.
Tin nhắn cho thấy nam du khách và homestay trao đổi để thương lượng tiền thuê phòng - Ảnh: FB
Sự cố nảy sinh bất ngờ khi vào sáng sớm ngày hôm sau, cặp đôi du khách rời khỏi homestay từ rất sớm và... quên luôn việc trả tiền như đã thỏa thuận.
Khi bị homestay nhắn tin yêu cầu trả tiền, nam du khách tên Rory G. cho biết lý do là bởi ở homestay quá nhiều muỗi và chó sủa lớn khiến họ không thể ngủ?!
" Sáng hôm sau họ tắm rửa sớm, sau đó tự ý lấy hành lí chỉ là một cái balo con cóc nhỏ rồi đi sớm luôn, không nói một tiếng nào cho homestay cả. Và họ chưa thanh toán bất kì khoản tiền dịch vụ nào! Bên mình hôm qua chưa nhận passport!
Ở một đêm, họ tắm 2 lần vào buổi tối sáng, dùng dầu gội đầu để giặt quần và uống một lon coca không trả tiền.
Thậm chí họ đến còn hỏi sao tiền phòng đắt vậy mà không bao gồm ăn tối trong giá phòng à. Có một chuyện họ bịa ra, đó là mùa đông ở Sapa thì không hề có muỗi, khí hậu lạnh, muỗi không hề có!
Bên mình có gửi tin nhắn cho Rory G., hỏi tại sao đi mà không trả tiền phòng. Sau đó anh ta gửi lại một cái tin nhắn, dịch ra như thế này: ' Bọn tôi gần như mất ngủ. Có nhiều muỗi trong phòng mà không có màn. Bọn tôi bị đốt rất nhiều.
Bọn tôi dậy từ 4h sáng vì chó cắn nhau và sủa rất ồn. Bọn tôi đã định sáng nay đi tour đi bộ mà mệt quá không đi được, tiền mua tour cũng không được trả lại'" - homestay U.E.L bức xúc viết trên Facebook.
Tin nhắn của du khách nói về lý do không trả tiền phòng - Ảnh: FB
Mâu thuẫn càng bị đẩy lên cao khi nam du khách nhắn tin với U.E.L và cho biết sẽ review xấu về homestay khắp các phương tiện truyền thông.
Cũng trong loạt tin nhắn này, nam du khách bức xúc nói U.E.L không phải homestay mà chỉ là " gypsy camp - khu cắm trại dị hợm" và " My shorts has worth 10 times what a night in that place- những chiếc quần sóc của tôi còn có giá gấp 10 lần 1 đêm ở đây".
" Khách nhắn một cái tin đe doạ bên mình là sẽ review về việc homestay tệ như nào trên khắp phương tiện truyền thông.
Bên mình có nhắn tin lại: "Tại sao anh lại phải trốn không trả tiền, ít nhất anh phải ngồi lại và phản ánh! Thái độ của 2 người không chấp nhận được, anh thích viết gì cũng được, chúng tôi không cần tiền của 2 người nữa".
Sau đó Rory nhắn tin lại là: "Không có ai bên ngoài buổi sáng cả, đây không phải là homestay, đây là một khu cắm trại dị hợm với những con chó làm bạn thức cả đêm.
Một nơi tệ hại! Cái quần sooc của tôi còn trị giá gấp 10 lần một đêm ở đây" - homestay thuật lại những tin nhắn tranh cãi của đôi bên.
Những tin nhắn nam du khách nói sẽ review xấu về homestay trên truyền thông, đồng thời chê trách tệ hại dịch vụ tại đây - Ảnh: FB
Nam du khách lên tiếng: Sự thật không như những gì chủ homestay nói!
Về phía nam du khách có tên Rory G., sau những mâu thuẫn xảy ra, du khách này đã viết 1 đánh giá xấu về homestay E.U.L trên Facebook.
Review xấu của nam du khách về homestay trên Facebook và bản dịch - Ảnh: FB
Đáng chú ý, dưới bài đăng của homestay U.E.L trên Facebook, nam du khách này cũng đã để lại bình luận cho biết sự thật không như những gì homestay này kể lại.
Thậm chí, du khách này cũng cho biết bạn gái anh còn bị nhân viên của homestay dọa đánh khi cố phàn nàn về dịch vụ ở đây.
Cụ thể, nam du khách này cho hay: " Giá gốc của phòng là 1 triệu đồng và bạn phải trả thêm để mua đồ ăn? Tôi đã không hề phàn nàn về điều đó mà nó nên bao gồm trong tiền phòng, đó là những gì anh thể hiện trên website của anh, đồ dối trá.
Đến bất kỳ homestay nào ở Sapa với mức giá đó bạn sẽ đều nhận được sự ấm áp, thân thiện, hiếu khách cũng như có thể ăn bao nhiêu tùy thích và có 1 giấc ngủ ngon. Còn ở đây, nó chỉ là 1 đêm lạnh lẽo và những con muỗi khổng lồ, anh tiếp tục nói dối nữa đi!
Thậm chí tôi còn không uống 1 lon coca hay bất kỳ đồ uống nào, lại là 1 điều dối trá khác.
Chúng tôi không hề tỉnh dậy vào buổi sáng và trốn đi. Chúng tôi thậm chí còn không thể ngủ, những con chó cứ sủa và đánh nhau không ngừng vì vậy chúng tôi phải đi đến 1 chỗ khác để ăn sáng. Lúc đó không có ai nhắc chúng tôi gì cả, sau đó chúng tôi bắt đầu nhận những tin nhắn mắng nhiếc.
Bạn gái của tôi đã cố gắng nói với họ rằng chúng tôi đã phải trải qua 1 đêm tồi tệ và anh ta đã đe dọa đấm cô ấy. Ồ Anh ta quả là 1 người tốt đấy ư?
Chúng tôi đã phải hủy tour đi bộ vì cả 2 quá mệt mỏi. Chúng tôi đã mất gần 100USD vì điều này.
Họ không trung thực, đây không phải là một nơi yên bình và như họ đang cố vẽ ra".
Bình luận của nam du khách dưới bài đăng của homestay - Ảnh chụp màn hình.
Nhiều du khách ủng hộ cho homestay, cộng đồng mạng lại tranh cãi "đâu mới là sự thật?"
Theo dõi bài đăng của U.E.L trên Facebook có thể thấy, có nhiều du khách là người nước ngoài đã lên tiếng kể lại trải nghiệm của mình tại homestay này.
Theo đó, đa số những bình luận đều phản ánh dịch vụ tại U.E.L khá tốt, đồng thời cho rằng lời kể của nam du khách Rory G. là không đúng.
Nữ du khách Sanmantha Tan (người Singapore) bình luận: " Chúng tôi đã ở 2 người ở đây vào tháng 9 năm 2018. Tất cả những cáo buộc của anh Rory là hoàn toàn không đúng sự thật. Tôi đã ở trong căn phòng tương tự như anh ta và không có muỗi.
Những con chó thì rất dễ thương và mặc dù chúng nằm ngay bên ngoài phòng của chúng tôi vào ban đêm nhưng không có đánh nhau hay sủa lớn. Chúng tôi đã có một kỳ nghỉ thú vị mà không có vấn đề gì. Đừng để điều này khiến tinh thần của bạn thất vọng, U.E.L".
Quang cảnh xung quanh homestay U.E.L - Ảnh: FB
" C ó vẻ như đây là một tình huống tồi tệ. Có thể thấy rằng chỗ ở của bạn đơn giản, nhưng cũng khá quyến rũ! Nó thậm chí còn gọi là "nhà nghỉ sinh thái".
Bất cứ ai đều không thể bỏ đi mà không trả tiền. Điều đó không thể chấp nhận trong bất kỳ nền văn hóa nào.
Tôi muốn thay mặt những người ngoại quốc để xin lỗi, hầu hết chúng tôi đều không như thế. Rất tiếc nó đã xảy ra với homestay của bạn. Tôi hy vọng nó sẽ được giải quyết hoặc Rory bị bắt giữ/ visa của anh ta bị thu hồi.
Tố cáo công khai thế này không phải là cách tốt nhất nhưng tôi cũng cảm thấy anh ấy xứng đáng trong trường hợp này. Ai quan tâm rằng anh ta hết tiền, nếu anh ta không có tiền, anh ta không nên đi du lịch.
Anh ta như một kẻ xấu, cũng may sao anh ta đã rời đi trước khi anh ta làm phiền thêm nhân viên của bạn và những vị khách khác" - Paul Kersbergen, 1 nam du khách khác lên tiếng chỉ trích Rory.G và chia sẻ cùng homestay U.E.L.
Những bình luận của du khách nước ngoài ủng hộ cho homestay U.E.L - Ảnh chụp màn hình.
Một số đánh giá tích cực khác từ khách du lịch trong nước - Ảnh chụp màn hình
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng khác lại cho rằng chưa nên quy chụp hay kết luận điều gì bởi đây mới chỉ là lời kể từ 1 phía.
Cặp đôi du khách người nước ngoài quả thực rất đáng lên án khi không thanh toán tiền thuê phòng, nhưng về những cáo buộc của họ về homestay chẳng phải cũng nên để ý hay sao?
Bạn Q.Tranh chia sẻ: " Mỗi bên đều giải thích cho mình 1 kiểu. Cá nhân mình thấy trước tiên là cặp đôi khách du lịch kia sai trước đã, chẳng ai thuê phòng xong bùng tiền với lý do oái oăm như thế cả.
Nhưng họ cũng có nói là nhân viên homestay dọa đánh họ, không biết điều này có đúng không?".
Đại diện homestay chia sẻ: "Chúng tôi muốn cảnh báo để những nơi khác tránh gặp trường hợp tương tự"
Liên hệ với homestay U.E.L để tìm hiểu thêm về sự việc, đại diện của homestay này cho biết đây là lần đầu tiên anh gặp trường hợp khách hàng như vậy.
Theo đại diện này, những gì cặp đôi du khách tố cáo về homestay của anh là không đúng, đồng thời điều anh bức xúc nhất đó chính là thái độ cố chấp của cặp đôi du khách.
" Đối với khách Việt Nam thì bên mình sẽ yêu cầu trả tiền phòng trước, còn khách nước ngoài do thanh toán quốc tế khó khăn nên mình để khách trả tiền khi check out, ngoài ra cũng không giữ visa hay hộ chiếu của họ.
Bên mình là homestay chứ không phải khách sạn hay nhà nghỉ, tin tưởng vào khách thôi, họ cần hộ chiếu mang theo người cho thuận tiện thì mình cũng không giữ làm gì, trước giờ chưa từng có trường hợp như thế này.
Homestay của mình không giống như bạn khách đó mô tả đâu, mùa lạnh ở Sapa không hề có muỗi.
Nhà mình cũng có chó nhưng chó không sủa cả đêm như họ nói. Nhân viên rất nhiệt tình và không hề dám đe doạ khách, bạn đọc các đánh giá của những người khác là biết.
1 căn bungalow tại homestay U.E.L - Ảnh: FB
Điều khiến mình bức xúc nhất là các bạn ấy không chịu ngồi lại nói chuyện mà lại bỏ đi, không thanh toán và viết xấu về bên mình trên Facebook.
Người đàng hoàng sẽ đối mặt giải quyết chứ không bỏ đi như vậy. Việc mình đăng bài viết không phải để đòi tiền mà là để cảnh báo những homestay khác như bên mình không gặp phải trường hợp tương tự" - đại diện homestay U.E.L nói.
Đại diện homestay U.E.L cũng chia sẻ thêm, sau sự cố này homestay của anh sẽ phải thay đổi, quản lý chặt chẽ hơn đối với giấy tờ cá nhân của khách để tránh thiệt hại không đáng có.
Theo Trí thức trẻ
Bắt giữ thanh niên mở két sắt trộm gần 10.000 USD của Việt kiều Trong lúc ăn sáng cùng nữ Việt kiều ở khách sạn nằm trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP Hồ Chí Minh), Tài đã lấy chìa khóa phòng khách sạn rồi đột nhập vào trong phòng mở két sắt lấy trộm gần 10.000 USD rồi bỏ trốn. Sáng 8/11, Công an quận 1 cho biết vừa bàn giao đối tượng Nguyễn Võ Anh...